Vietnamdefence.com

 

Nga sẵn sàng phát triển vũ khí ngày tận thế

VietnamDefence - Đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), Nga có thể triển khai các phương tiện mang vũ khí hạt nhân phi truyền thống và chế tạo đầu đạn siêu mạnh có thể hủy diệt hoàn toàn nước Mỹ.

Tên lửa hành trình chiến lược phóng từ máy bay Kh-101 của Nga
Đó là ý kiến của Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học tên lửa và pháo binh Konstantin Sivkov.

Chuyên gia này lưu ý rằng, các hiệp ước về vũ khí hạt nhân chỉ nói đến những hạn chế về số lượng đầu đạn, chứ không phải tổng trọng lượng của chúng. “Điều đó cho phép chọn con đường chế tạo siêu vũ khí - các đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ hơn 100 MT (megaton) và các tên lửa mang chúng. Sử dụng loại đầu đạn đó có khả năng kích phát trên lãnh thổ Mỹ những quá trình địa-vật lý thảm họa, ví dụ như làm cho siêu núi lửa Yellowstone phun trào”, ông Sivkov nhận định.

Việc dừng hiệu lực INF cũng loại bỏ những hạn chế đối với các tên lửa hành trình chiến lược bố trí trên mặt đất. Ông Sivkov nói rằng, hiện nay, Nga đang sở hữu tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-101, với trọng lượng phóng hơn 2 tấn một chút có khả năng mang phóng đầu đạn gần 0,5 tấn đi xa đến 5.500 km với độ chính xác trong vòng 15-20 m.

Biến thể mặt đất của Kh-101, theo ông Sivkov, có thể được chế tạo trong thời gian tương đối ngắn. Ngoài ra còn có tên lửa hành trình Kh-102, biến thể của Kh-101 nhưng mang đầu đạn hạt nhân. Ống phóng chứa 4 tên lửa này có thể bố trí trên bán moóc của một xe tải, trên toa tàu hỏa và trong contenơ tàu biển.

Ngân sách quân sự Mỹ tài khóa 2018 dự chi 58 triệu USD để phát triển một tên lửa mặt đất tầm trung. Nga coi đây là sự vi phạm Hiệp ước INF giữa Liên Xô và Mỹ.

INF có tính vô thời hạn, được ký vào năm 1987 ở Washington, quy định cấm Liên Xô và Mỹ sở hữu các tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình mặt đất có bán kính hoạt động từ 500-5.500 km.

Trước đó, có tin Nga có thể nối lại sản xuất tên lửa đường đạn tầm trung hiện đại hóa Kurier để đáp trả khả năng Mỹ rút khỏi INF.

Các siêu núi lửa phun trào thường dẫn tới những ảnh hưởng toàn cầu đối với trường sinh quyển trái đất. Ở Tây Bắc bang Wyoming, Mỹ có lòng chảo Yellowstone mà bên dưới là một bong bóng magma lớn. Nếu nó vỡ tung, lãnh thổ Bắc Mỹ sẽ chịu thiệt hại vô cùng to lớn, không thể khôi phục. Xác suất siêu núi lửa này phun trào trong thời gian sắp tới được các nhà khoa học đánh giá là cực thấp.

Nguồn: Lenta, 22.11.2017.

Print Print E-mail Print