Vietnamdefence.com

 

Mỹ truy lùng thủ phạm tuồn công nghệ lưỡng dụng cho Trung Quốc

VietnamDefence - Chính phủ Mỹ đang truy xét các công ty châu Âu và Israel đang tuồn cho Trung Quốc các thiết bị lưỡng dụng.

Điều đó đã khiến Cục trưởng Cục Kiểm soát Xuất khẩu vũ khí của Bộ Quốc phòng Israel, ông Meyer Shalit phải từ chức không giải thích vào cuối tháng 12/2013.

Ông Shalit trước đó không lâu đã phê chuẩn để công ty Ricor Cryogenic & Vacuum Systems của Israel bán cho Trung Quốc bất chấp phản đối mạnh mẽ của Mỹ hệ thống làm lạnh tiểu hình có thể sử dụng trên tên lửa.

Thương vụ này thực hiện qua trung gian. Ban đầu, Ricor bán thiết bị cho một “hãng Pháp” để hãng này sau đó tái xuất sang Trung Quốc.

Theo thông tin mà bản tin Intelligence Online của Pháp nhận được ở Tel Aviv, đó là công ty Sofradir của Pháp, chuyên về sản xuất các sensor hồng ngoại được làm mát và không được làm mát, thuộc sở hữu bằng nhau của các tập đoàn Safran và Thales.

Sản phẩm của công ty này có tính lưỡng dụng, nhưng việc xuất khẩu lại không được kiểm soát một cách có hệ thống.

Giám đốc công ty Sofradir không trả lời tìm hiểu của báo chí.

Đây không phải là lần đầu Sofradir lọt vào tầm ngắm của Washington vì các thương vụ với Trung Quốc. Từ năm 2002-2013, Sofradir đã tăng 6 lần doanh thu bán sang Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh tích cực như thế đã khiến Bộ Ngoại giao Mỹ nổi điên và đã chính thức kháng nghị với Paris với lập luận một số linh kiện bán sang Trung Quốc sau đó đã được bán lại cho Iran. Khách hàng của Sofradir hồi đó là công ty Zhejiang Dali Technology Co.

Đang lao vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, Washington đang tìm cách ngăn chặn mọi sự hợp tác của châu Âu và Israel với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Từ năm 2004-2007, Bộ Thương mại Mỹ đã cố ngăn cản Trung Quốc mua đồng hồ nguyên tử của công ty Thụy Sĩ Spectratime, chi nhánh của tập đoàn Orolia. Đồng hồ nguyên tử mà ban đầu Trung Quốc đã cố gắng mua của công ty châu Âu EADS nhưng bất thành hiện là thành phần chủ chốt của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc.


Nguồn: P2, bmpd, 3.2.2014.

Print Print E-mail Print