Trong thử nghiệm đã sử dụng tên lửa phòng không có điều khiển PAC-3 MSE, một bệ phóng nhẹ và đài điều khiển của hệ thống.
Chương trình thử nghiệm bao gồm việc phóng một tên lửa MSE vào một mục tiêu mô phỏng, tấn công từ phía sau. Việc tiêu diệt mục tiêu đòi hỏi thực hiện thao tác cơ động độc đáo, thể hiện khả năng của hệ thống tiến hành đánh chặn mục tiêu trong khu vực rẻ quạt 360 độ.
Sau khi hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ chặn đánh mục tiêu mô phỏng, lệnh tự hủy tên lửa đã được phát đi.
Như vậy, trong thử nghiệm, MEADS đã trình diễn khả năng đánh chặn các mục tiêu bay từ các hướng khác nhau mà chỉ sử dụng một bệ phóng.
Ở hệ thống phòng thủ tên lửa/phòng không Patriot PAC-3, các ống phóng được bố trí nghiêng so với phương ngang, nên để tác chiến vòng tròn để bảo vệ lực lượng quân đội hay mục tiêu quan trọng thì không thể triển khai một bệ phóng mà ít nhất phải 4 bệ phóng theo 4 hướng. Cả cũng chỉ có thể phóng tên lửa về hướng xuất hiện mục tiêu. Vì thế mà vừa bất tiện, vừa tốn kém cả về góc độ tiêu hao tên lửa, lẫn thời gian.
Các hệ thống phòng không Nga như S-300PMU và S-300V ở trạng thái chiến đấu hướng ống phóng chứa tên lửa thẳng đứng, tên lửa cũng được phóng thẳng đứng lên không, rồi từ đó tên lửa khởi động và ngoặt về hướng mục tiêu bất kể mục tiêu tấn công từ hướng nào.
Việc thử nghiệm MEADS cho thấy, cuối cùng thì người Mỹ cũng đã hiểu ra cách bố trí ống phóng nào là có hiệu quả hơn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa/phòng không.
Tháng 10.2011, công ty MEADS International đã tiến hành thử nghiệm ở Orlando, bang Florida đài điều khiển chiến đấu của hệ thống MEADS (Battle Manager).
Bệ phóng đầu tiên đã được chuyển tới trường thử sau khi công ty Lockheed Martin hoàn tất tích hợp toàn bộ hệ thống. Bệ phóng MEADS được lắp 8 tên lửa PAC-3 MSE. Bệ phóng có thể không vận tới nơi triển khai.
|
Mỹ đã hiểu ra cách bố trí ống phóng nào là có hiệu quả hơn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa/phòng không (defenseindustrydaily.com) |
Đầu tháng 11.2011, các giám đốc quốc gia về trang bị của Đức, Italia và Mỹ đã chấp nhận việc bổ sung điều chỉnh hợp đồng quy định việc chi kinh phí cho 2 cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không MEADS.
Hợp đồng sửa đổi cũng quy định tiến hành thử nghiệm để xác định các tính năng của bệ phóng và thử nghiệm để xác định các tính năng của các sensor trước khi hoàn thành vào năm 2014 hợp đồng thiết kế và phát triển MEADS. Quy mô kinh phí của chương trình vẫn trong phạm vi do ba nước thông qua năm 2004.
Hai cuộc thử nghiệm bay đánh chặn mục tiêu được đưa vào phần công việc còn lại trong hợp đồng. Cuộc thử nghiệm đánh chặn mục tiêu trang bị động cơ phản lực không khí dự định được tiến hành tại trường thử White Sands vào cuối năm 2012.
Cuối năm 2013, sẽ tiến hành thử nghiệm đánh chặn một tên lửa đường đạn, trước đó là thử nghiệm xác định tính năng của các hệ thống phát hiện.
Tháng 2.2011, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo ý định dừng tài trợ cho dự án MEADS (từ tài khóa 2014) sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển và trình diễn hệ thống do thiếu kinh phí.
Theo Defense News, Qatar đang đàm phán với Đức và Italia về việc tham gia chương trình phát triển MEADS. Tuy nhiên, sự tham gia của Qatar cũng khó bù đắp cho việc Mỹ rút khỏi dự án do Mỹ đóng góp 58% chi phí phát triển.
Đến nay, Mỹ đã chi cho chương trình 1,5 tỷ USD trong 4,2 tỷ USD dư kiến. Cho đến năm 2014, Lầu Năm góc dự định chi thêm 800 triệu USD. Bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khuyến nghị Bộ Quốc phòng Mỹ hoàn thành hợp đồng đã ký để tránh phải trả tiền phạt và để thực hiện các cam kết đối với các đối tác quốc tế.
Hệ thống tên lửa phòng không MEADS có tầm bắn xa, khả năng cơ động cao, khả năng phối hợp và đánh chặn các mục tiêu trong phạm vi 360 độ, nâng cao khả năng bảo vệ các lực lượng quân đội và mục tiêu quan trọng chống tên lửa chiến dịch-chiến thuật và tên lửa hành trình, máy bay và máy bay không người lái của đối phương.
Theo thông tin từ các nhà thiết kế, MEADS cho phép bảo vệ một diện tích rộng gấp 8 lần so với các hệ thống hiện có với quân số phục vụ ít hơn và chi phí bảo đảm ít hơn.
MEADS có đặc điểm là khả năng cấu hình hệ thống tùy thuộc theo mức độ đe dọa dự kiến bằng cách nhanh chóng kết hợp các module sẵn sàng, bao gồm radar điều khiển hỏa lực, các đài điều khiển, bệ phóng.