|
Tiểu đoàn biệt kích dù hoàng gia số 8 của Malaysia thực hành đổ bộ chiếm đầu cầu ở bãi biển Nenasi Beach, bang Pahang, bán đảo Malaysia cùng với Thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận CARAT Malaysia vào tháng 6/2013 (Dzirhan Mahadzir)
|
Theo thông báo của ông bộ trưởng, căn cứ hải quân mới sẽ được xây dựng ở Bintulu trên Biển Đông nhằm mục đích bảo vệ các vùng biển và nguồn tài nguyên dầu mỏ lân cận.
Tuy nhiên, theo Jane’s, căn cứ này chỉ cách bãi cạn James (James Shoal), một vùng trên Biển Đông mà cả Malaysia và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền, có 60 hải lý.
Hồi tháng 3/2013, một lực lượng đổ bộ đặc nhiệm của Trung Quốc cũng đã tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn ở bãi cạn James.
“Đây không chỉ là vài chiếc tàu ở chỗ này, chỗ kia, mà là một tàu đổ bộ hiện đại chở lính thủy đánh bộ và một tàu đệm khí được yểm trợ bởi một số tàu hộ tống hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc”, nhà phân tích cao cấp Gary Li cho biết khi đó.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy cái gì như thế xảy ra ở xa như thế ở phía nam về số lượng hay chất lượng… thật khó có thể biết đây có phải chỉ là sự trùng hợp, nhưng dường như nó phản ánh mong muốn của Tập Cận Bình về các cuộc tập trận gần với thực chiến hơn”, ông Li nói thêm.
Thủy quân lục chiến Malaysia sẽ được sử dụng một phần để đối phó với phiến quân Sulu nổi loạn ở Sabah, miền đông Malaysia. Lực lượng này sẽ lấy quân từ các quân chủng hiện có vì tổng quân số của quân đội Malaysia bị giới hạn. Hiện chưa xác định lực lượng này sẽ trực thuộc quân chủng nào.
Malaysia sẽ dựa vào kinh nghiệm của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) để phát triển lực lượng lính thủy đánh bộ mới của mình. Malaysia rất muốn học hỏi kinh nghiệm của USMC và đã thảo luận với Mỹ về việc hỗ trợ, huấn luyện và trao đổi chuyên môn.
Ban đầu, Thủy quân lục chiến Malaysia sẽ không có lấy một tàu đổ bộ vì tàu đổ bộ duy nhất của RMN là tàu đổ bộ xe tăng KD Sri Inderapura lớp Newport đã bị phá hủy trong một vụ cháy năm 2009. Hiện nay, Malaysia đang thảo luận với cả Pháp và Hàn Quốc về việc mua lại một tàu đốc đổ bộ (LPD). Mỹ cũng đã mời chào Malaysia tàu LPD USS Denver sau khi nó bị giải nhiệm vào năm 2014. Các công ty quốc phòng ở Mỹ cũng đang thảo luận việc bán cho Malaysia các trực thăng tiến công AH-1Z Cobra.
Quyết định của Malaysia xây dựng một căn cứ hải quân ở Biển Đông nằm trong xu thế của các nước Đông Nam Á khác có tranh chấp lãnh thổ biển đảo với Trung Quốc.
Philippines cũng đang xây dựng một căn cứ hải quân mới ở vịnh Oyster, trên đảo Palawan. Việt Nam cũng đang mở rộng căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh và mời chào hải quân nước ngoài tiếp cận Cam Ranh rộng rãi hơn.