Vietnamdefence.com

 

Việt Nam: Ánh thép và găng tay nhung

VietnamDefence - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cảnh báo, Việt Nam có “đủ khả năng” để chặn đứng bất kỳ hành động nào sử dụng vũ lực chống lại họ và hối thúc một sự minh bạch và tin cậy hơn nữa trong quan hệ quốc phòng với Trung Quốc.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nói rằng, quan hệ quốc phòng được cải thiện có thể giúp tăng cường quan hệ rộng hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam.

“Không có biện pháp xây dựng lòng tin nào có thể tốt hơn sự minh bạch”, ông Vịnh nói về mối quan hệ trắc trở trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi giữa một quan chức quân sự Việt Nam cao cấp và một cơ quan báo chí nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
“Chúng tôi sẽ không bao giờ muốn sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giành lấy những lợi ích của chúng tôi”, ông Vịnh nói.

“Một thông điệp rõ ràng nữa mà chúng tôi gửi tới toàn thể cộng đồng quốc tế là chúng tôi không bao giờ chấp nhận bất kỳ giải pháp nào có dùng đến vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và chúng tôi có đủ khả năng để chặn đứng việc đó”.

Khi được hỏi liệu có phải ông ám chỉ rằng, Trung Quốc mới đây đã đe dọa Việt Nam không, ông nói rằng, đó là “câu hỏi dành cho Trung Quốc chứ không phải cho Việt Nam”.

Lo lắng trước sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, Việt Nam đã bắt tay vào hiện đại hóa quân đội của mình, trong đó có hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga trị giá hơn 2 tỷ USD, hợp đồng mua vũ khí lớn chưa từng có.

Trong khi thừa nhận có những căng thẳng ở Biển Đông, ông cũng nói đến sự hợp tác gia tăng giữa quân đội Trung Quốc và Việt Nam. Ông đề cập đến việc tăng cường trao đổi các sĩ quan trẻ, các đoàn và cố vấn, và các đợt tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ, nơi mà tranh chấp lãnh thổ đã được giải quyết.

Ông Vịnh cũng nói đến mong muốn đạt được những thỏa thuận về ứng xử trên biển và các kênh chính thức để giải quyết các sự cố, những hành động sẽ thúc đẩy “thiện chí” và “đóng góp, rất, rất nhiều cho quan hệ song phương”.

Ông nói rằng, Việt Nam có thể phát triển quan hệ tốt hơn nữa với Mỹ và Nga cũng như Trung Quốc khi nói “tất cả các nước đều mong muốn hòa bình, tất cả đều cố gắng phát triển quan hệ hòa bình”.

“...chúng tôi không bao giờ chấp nhận bất kỳ giải pháp nào có dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và chúng tôi có đủ khả năng để chặn đứng việc đó”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Những bình luận của ông Vịnh tiếp sau một thắng lợi ngoại giao rõ ràng đối với Việt Nam cuối tuần qua khi ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton hậu thuẫn các nỗ lực của Hà Nội quốc tế hóa các giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Bà Clinton đã sử dụng chuyến đi tới Hà Nội dự diễn đàn an ninh thường niên hàng đầu để cảnh báo rằng, những giải pháp đó nay nằm trong “quyền lợi quốc gia” (national interest) và là một “ưu tiên ngoại giao” của Mỹ - những tuyên bố được đưa ra bất chấp những nỗ lực hậu trường do Bắc Kinh tiến hành nhằm chấm dứt các thảo luận của khu vực.

Thay vào đó, Trung Quốc muốn các cuộc thảo luận song phương với từng quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo ở vùng biển chiến lược, giàu dầu mỏ này là Việt nam, Malaysia, Philippines và Brunei.

Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, còn Việt Nam thực hiện chủ quyền với phần lớn quần đảo Trường Sa.

Mỹ đang ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu mỏ lớn để buộc họ dừng các hợp đồng thăm dò với Hà Nội và bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam.

Việt Nam, chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội ASEAN 10 thành viên, đang vận động để biến thỏa thuận khu vực hiện có kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông thành một cái gì đó cụ thể hơn.

Tướng Vịnh hiện được coi là ngôi sao đang lên trong ban lãnh đạo Việt Nam, đang dẫn đầu hoạt động ngoại giao quốc phòng nhộn nhịp để thúc đẩy những thảo luận cấp khu vực rộng rãi và thực chất hơn.

Hôm nay, ông sẽ mời 17 bộ trưởng quốc phòng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+8 (ADMM+8) đầu tiên sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10.2010.

Hội nghị này sẽ liên kết 10 quốc gia ASEAN với các cường quốc khu vực, bao gồm không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn có cả Mỹ, Nga và Australia.

Ông Vịnh đã phải đi lại nhiều, kể cả đến Bắc Kinh và Washington để thúc đẩy sáng kiến này mặc dù quân đội Việt Nam là một trong những lực lượng vũ trang bí mật và biệt lập nhất khu vực.

Trong khi có sự trông đợi các vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên, nghị trình của Hội nghị vẫn chưa được quyết định. Việc triệu tập Hội nghị phản ánh cả mong muốn gia tăng cải thiện quan hệ giữa các đối thủ tiềm tàng trong một khu vực đang thay đổi cũng như mong muốn đang tăng lên ở Đông Nam Á và Washington đối với sự dính líu của Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Vịnh nói điều đó quan trọng để thúc đẩy việc thảo luận nhằm tìm kiếm những giải pháp thực tiễn và tạo đà cho những hội nghị tương lai. Ông hy vọng tạo ra một bầu không khí “thoải mái”.

Bất chấp những lo sợ trong khu vực rằng, căng thẳng quân sự sẽ gia tăng, ông nói ông tin vào “một tương lai rất tươi sáng”,  với việc tất cả các nước liên quan đều hiểu những lợi ích của hòa bình.

“Chúng tôi có bằng chứng cụ thể và logic cho điều đó”, ông nói. “Chúng ta có thể thấy rằng, chúng ta đang sống trong thế giới văn minh thế kỷ 21, khi mà chúng ta đã có luật pháp được xác lập rõ ràng và các văn bản đi cùng, những điều sẽ gây khó khăn cho bất kỳ quốc gia nào muốn xâm phạm hòa bình”.

Những bình luận của ông Vịnh là sự hé mở hiếm hoi vào quan hệ quốc phòng Việt-Trung, một trong những quan hệ chiến lược quan trọng nhất, nhưng cũng bí mật và nhiều nghi kỵ nhất trong khu vực.

Trung Quốc đã cung cấp vũ khí và nơi ẩn náu cho các nhà cách mạng cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu các cuộc chiến lâu dài, song thắng lợi vinh quang của họ chống lại thực dân Pháp và quân xâm lược Mỹ.

Song quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã biến thành bạo lực vào cuối năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình khi đó hạ lệnh cho quân đội Trung Quốc vượt biên giới phía Bắc của Việt Nam để “dạy cho Hà Nội một bài học” vì đã đưa quân vào Campuchia, đánh đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn.

Hành động trừng phạt này chỉ kéo dài 1 tháng, song cực kỳ đẫm máu với hàng mấy chục ngàn lính Trung Quốc bị thương vong.

Quan hệ được khôi phục năm 1991, song những cuộc đấu tranh trong lịch sử chống lại Trung Quốc là một nét đặc trưng của văn học dân gian và đôi khi cả của tuyên truyền chính thức.

Print Print E-mail Print