Vietnamdefence.com

 

Trường Sa: Cha ngã, con lên

VietnamDefence - Có một sợi dây thiêng liêng luôn nối liền đất mẹ với Trường Sa khi lớp lớp thế hệ thanh niên tiếp bước cha anh đến với vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam ghi nhận những tấm gương liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ Trường Sa, trong đó có 2 liệt sĩ Trần Văn Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình) và Nguyễn Mậu Phong (Quảng Ninh, Quảng Bình). Hàng chục năm sau khi các anh ngã xuống, những người con gái, con trai lại vững tin tiếp bước cha đến với Trường Sa.

Tình cha thắp lửa niềm tin

Chiều muộn ngày cuối tháng 4/2011, con đường dẫn về thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) yên bình như mọi làng quê vùng Bắc Trung bộ. Qua hết con đường bê-tông thẳng tắp, chúng tôi rẽ vào ngõ nhà chị Trần Thị Liễu (vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong). Chị Liễu đang nhặt rau một mình bên bậu cửa sổ ngôi nhà đã gắn bó với chị hơn 20 năm trong nhập nhoạng sáng tối.

Chị Liễu khoe rằng, Nguyễn Tiến Xuân, đứa con trai thứ 2 của chị, sắp được ra đảo Trường Sa để thực tập. Đối với chị, đó là niềm vui lớn, như cái ngày cách đây 3 năm (tháng 1.2008) khi Nguyễn Mậu Trường - anh trai của Xuân, viết thư kể đã ra đến vùng biển nơi cha ngã xuống.

Trong câu chuyện kể, không ít lần chị Liễu nhắc tới hai anh em Trường và Xuân ngày còn thơ bé. Ấy là lúc hai anh em chỉ cách nhau hơn 2 tuổi đều tranh nhau lớn lên sẽ làm lính hải quân để ra Trường Sa với cha, thay cha cầm súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Cứ mỗi ngày cuối tuần, cậu bé Xuân lại đòi mặc quân phục hải quân, đeo chiếc ba lô kỷ vật của cha để lại...

Tháng 1/2007, cả Trường và Xuân đều tình nguyện viết đơn gửi cho đơn vị của bố để xin nhập ngũ. Trong đơn, Trường và Xuân đã viết: "Chúng cháu muốn được trở thành người lính như ba cháu, được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...". Niềm ước ao thành sự thực khi cuối năm 2007, Trường trở thành người chiến sỹ hải quân và tháng 1.2008 có mặt tại đảo Nam Yết để nhận nhiệm vụ. Còn Xuân, tháng 9/2007 đã trở thành sinh viên Học viện Hải quân. Ngày ra đi, ngoài lời dặn dò của mẹ, Trường và Xuân đều mang theo những bức ảnh ố vàng, những lá thư của bố.

Nguyễn Mậu Trường, con trai liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong,
tiếp bước cha ra giữ đảo Nam Yết


Giờ chị Liễu vẫn một mình trong căn nhà quạnh vắng. Nguyễn Mậu Trường đã xuất ngũ và hiện tại đang làm việc tại một nhà máy đóng tàu ở Bà Rịa - Vũng Tàu cùng người chú ruột. Nguyễn Tiến Xuân sắp ra Trường Sa thực tập. Ra đảo, Xuân sẽ nói với cha rằng: "Con đã trở thành người lính hải quân tiếp nối ước nguyện của cha". Sau này, em muốn đưa mẹ ra Trường Sa một lần để mẹ được nhìn thấy vùng biển nơi cha và đồng đội của cha đã ngã xuống.

Cơ duyên

Tháng 5/1992, liệt sĩ Trần Văn Phương trở về quê nhà, mãi mãi yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc. Cách đấy không xa, ngôi nhà hạnh phúc của anh chị cùng với con gái Trần Thị Thuỷ đang sống.

Sinh ra không biết mặt cha, Trần Thị Thuỷ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ - chị Mai Thị Hoa. Qua những câu chuyện kể của mẹ, Thuỷ chỉ có một niềm ước ao là được đến Trường Sa, tiếp bước cha mình. Suốt những năm đi học, Thuỷ luôn cố gắng học tập, năm nào cũng là học sinh khá, giỏi. Sau giờ học, Thuỷ lại phụ giúp mẹ làm việc nhà và việc đồng áng, rảnh rỗi là Thuỷ lại chạy sang nghĩa trang thắp hương và nói chuyện với cha.

Trần Thị Thủy (phải, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương) và mẹ

Niềm vui lớn đến với Trần Thị Thuỷ. Tháng 10/2009, em được nhận vào làm việc tại UBND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà). Thuỷ kể: "Từ nhỏ em đã tâm niệm được đến với Trường Sa, được tiếp nối truyền thống của cha. Nhưng em nghĩ, mình ở tận Quảng Bình, không biết ước nguyện có thành sự thực được không. Như một cơ duyên hiếm có, cách đây gần 2 năm, em đã bày tỏ nguyện vọng và được nhận vào làm việc ở UBND huyện Trường Sa. Em rất vui vì được làm việc ở gần nơi ngày xưa cha em công tác”.

Thuỷ kể cho chúng tôi nghe về chuyến ra đảo đầu tiên của em cách đây một năm, khi em cùng với một đoàn công tác đi thăm hỏi, tặng quà và động viên các cán bộ, chiến sĩ tại đảo Trường Sa. Thủy bồi hồi: “Ở đất liền, nhìn những hình ảnh về Trường Sa qua ti vi, qua sách báo là em thấy xúc động lắm. Khi đặt chân lên đảo, em thấy mình như sống lại những tháng ngày hào hùng mà cha em đã sống”. Hành trình tiếp nối bước chân người cha anh hùng của Trần Thị Thuỷ vẫn còn dài. Giờ Thuỷ đã có một gia đình nhỏ với 1 bé gái xinh xắn. Chắc chắn rằng tình yêu Trường Sa sẽ tiếp tục được truyền lại cho con gái Thủy, như mạch ngầm nối đất mẹ với đảo xa.

  • Nguồn: Xúc động 'tình yêu' của người con Trường Sa / Ngọc Lan - Trí Thức // ĐV, 28.4.2011.

Print Print E-mail Print