Vietnamdefence.com

 

Điệp khúc máy bay Tàu ngon hơn máy bay Nga

VietnamDefence - Tiêm kích trên hạm mới nhất của Trung Quốc J-15 Flying Shark được trang bị cánh gập được, ống đuôi ngắn và bộ càng được gia cường.

 J-15 Flying Shark được cho là làm nhái Su-33 (globaltimes.cn)
Dự đoán, máy bay này sẽ được triển khai trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Thi Lang (dự kiến bắt đầu chạy thử vào cuối năm 2011). Tàu sân bay và máy bay trên hạm là bằng chứng hiển nhiên cho thấy tiềm lực quân sự gia tăng của Trung Quốc.

J-15 có sử dụng mà phần lớn là trái phép các công nghệ quân sự của Nga và Ukraine. Sau khi các bức ảnh tàu sân bay của Trung Quốc được công bố chưa đầy 2 tuần thì hôm thứ hai, 26.4.11, báo chí  nhà nước Trung Quốc lại đăng những tấm ảnh lớn đầu tiên của J-15 Flying Shark. Các bức ảnh đầu tiên của J-15 được đăng tải ngày 25.4.2011 tại các forum cjdby.net và fyjs.cn. 

Các bức ảnh chụp J-15 tại nhà máy số 112 của hãng chế tạo máy bay Thẩm Dương, ở đông bắc Trung Quốc.

“Việc đăng tải các bức ảnh chính thức có thể xem như sự nới lỏng kiểm duyệt thông tin quân sự ở Trung Quốc”, Lan Yun, biên tập viên tạp chí Modern Ships ở Bắc Kinh, nhận xét.

Có lẽ J-15 đã qua thử nghiệm nhà máy và nay đang bay thử tại trung tâm kỹ thuật hàng không ở Yunlian, gần thành phố Tây An. Nguồn tin khác thì dự đoán, J-15 đã qua một số thử nghiệm nhà máy và Trung Quốc có thể mất mấy năm nữa để thử nghiệm các mẫu chế thử J-15. Dự kiến, J-15 sẽ được nhận vào trang bị sau năm 2015. Theo tờ Hoàn cầu, J-15 bay thử lần đầu ngày 31.8.2009.

Chân lý kiểu Tàu: Hàng giả ngon hơn hàng xịn
Trên các blog và forum, các nhà phân tích Trung Quốc huênh hoang rằng, J-15 được trang bị những công nghệ tốt nhất cảu Trung Quốc, trong đó có màn hình holographic (ảnh giao thoa laser), các tên lửa chống hạm tiên tiến.

Theo các nguồn tin này, trong thập kỷ 1990, Trung Quốc đã van nài Nga bán Su-33, song bị từ chối. Năm 2005, Trung Quốc mua một trong các mẫu chế thử đầu tiên của Su-33 là Т-10К từ Ukraine để ăn cắp công nghệ khiến Nga nổi giận.

Tháng 6.2010, tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế ở Farnborough, Tổng giám đốc hãng Sukhoi là Mikhail Pogosyan thừa nhận Trung Quốc đã làm nhái được Su-33, song Trung Quốc không có những khả năng công nghệ như Nga. Ông Pogosyan khẳng định: “Hàng nhái bao giờ cũng kém hơn hàng thật”.

Các nguồn tin Trung Quốc khăng khăng nói rằng, J-15 Flying Shark mới được giới thiệu trong tuần này chỉ có bề ngoài giống Su-33, chứ trên thực tế nó được trang bị nhiều công nghệ Trung Quốc. Lan Yun cho biết, J-15 vượt trội đáng kể máy bay nguyên bản của Nga vì Su-33 có hệ thống avionics và hệ thống dẫn tên lửa đã lạc hậu.

Một số báo chí Trung Quốc lại nói J-15 không phải là hàng nhái Su-33, mà là thiết kế sửa đổi của J-11B (nhái Su-27), nên có cánh ngang phía trước xoay toàn phần.

Chuyên gia độc lập về vũ khí Trung Quốc Abraham Denmark nói rằng, “người Tàu thường lấy cái có thể lấy và hoàn thiện cái có thể hoàn thiện. Chiến lược này xuyên suốt nhiều sản phẩm mới của họ”.
 
Su-33 có thiết kế 3 lớp cánh, với cánh ngang phía trước, có khả năng đạt tốc độ bay 2.300 km/h và tầm bay đến 3.000 km. Máy bay được trang bị 1 pháo 30 mm và có 12 điểm treo tên lửa có điều khiển, rocket, bom không điều khiển, bom chùm. Tổng tải trọng vũ khí là 6,5 tấn. Trước đây, Trung Quốc đã đàm phán với Nga để mua 50 chiếc Su-33, song sau đó rút xuống 2 chiếc. Nga đã chấm dứt đàm phán bán Su-33 sau khi Trung Quốc giảm số lượng mua vì lo ngại mất công nghệ.
 
  • Nguồn: china-defense.blogspot.com, Lenta, MP, 26.4.11.


Print Print E-mail Print