Vietnamdefence.com

 

Israel thử tên lửa chống tên lửa mới Arrow-3 năm 2011

VietnamDefence - Israel vào giữa năm 2011 sẽ tiến hành các thử nghiệm bay đầu tiên cho tên lửa chống tên lửa đường đạn mới Arrow-3, Flightglobal.

Phóng tên lửa Arrow-2 (machinedesign.com)

Hiện nay đang tiến hành thử trên giá thử tên lửa này. Theo công ty Israel Aerospace Industries (IAI), hãng phát triển Arrow, biến thể thứ ba của tên lửa chống tên lửa này sẽ là hiện đại nhất thế giới.

Tính năng kỹ thuật của Arrow-3 vẫn được giữ bí mật. Chỉ biết rằng, tên lửa sẽ sử dụng phần chiến đấu động năng. Các biến thể trước đó là Arrow và Arrow-2 sử dụng phần chiến đấu phi tiếp xúc, tiêu diệt tên lửa đường đạn mà không cần va chạm trực tiếp. Arrow-3 dùng để đánh chặn các loại tên lửa đường đạn như Shihab (Iran), Scud (Syria) hay Fatah-110 (Li-băng) có tầm bắn từ 400-2.000 km.

Theo một nguồn tin trong IAI, Arrow-3 sẽ rất mạnh và siêu cơ động. Nhờ đó, tên lửa mới ngay trong khi bay có thể chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác khi cần.

Dự kiến, Arrow-3 sẽ được triển khai ở Israel song song với biến thể trước Arrow-2. Việc thử nghiệm biến thể cuối Block 5 của Arrow-2 đang gần kết thúc.

Theo kế hoạch của quân đội Israel, Arrow-2 và Arrow-3 sẽ tạo ra một tầng mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Từ năm 2011, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome sẽ trở thành bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.

Ngoài ra, trong cơ cấu hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel sẽ có cả hệ thống phóng thủ tên lửa David's Sling do Israel hợp tác với Raytheon (Mỹ) phát triển.

Sơ đồ hoạt động của Iron Dome (rafael.co.il)

Liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome, Israel dự định trì hoãn việc triển khai hệ thống này sang năm 2011, Defense News cho hay.

Trước đó có tin, hệ thống này sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 11.2010. Lý do để trì hoãn triển khai là việc cần huấn luyện thêm cho binh sĩ kỹ thuật sử dụng.

Dự đoán, Iron Dome sẽ bắt đầu hoạt động vào quý I năm 2011. Cho đến lúc đó, tất cả các bộ phận của hệ thống sẽ được cất giữ tại một căn cứ không quân ở miền trung Israel. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể triển khai hệ thống sớm hơn.

Ở giai đoạn đầu, các đại đội Iron Dome sẽ được triển khai trên biên giới với dải Gaza, sau đó là dọc biên giới với Li-băng. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Israel, để bảo vệ đầy đủ các vùng biên giới phía Bắc và phía Nam của Israel sẽ cần tới 20 đại đội.

Chi phí để sản xuất và triển khai số đại đội Iron Dome đó sẽ cần không dưới 1 tỷ shekel (262,2 triệu USD). Mỹ sẽ chi một phần khoản kinh phí này: giữa tháng 5.2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Israel việc TT Obama đã chuẩn chi cho Tel Aviv 205 triệu USD. Số tiền này sẽ được chi cho triển khai Iron Dome. Số tiền nêu trên sẽ được chi bổ sung cho 3 tỷ USD mà Mỹ cung cấp hàng năm cho Israel dưới dạng viện trợ quân sự.

Cuối tháng 7.2010, được biết Israel đã hoàn tất thử nghiệm Iron Dome. Tham gia thử nghiệm có Cục phát triển vũ khí và công nghệ ADWTI thuộc Bộ Quốc phòng Israel, Không quân nước này và công ty Rafael (hãng phát triển Iron Dome).

Trong thử nghiệm, đã tiến hành đánh chặn các mục tiêu mô phỏng tên lửa không điều khiển Qassam mà HAMAS dùng để bắn phá lãnh thổ Israel, cũng như rocket 122 mm của các hệ thống rocket phóng loạt Grad và Katyusha. Theo đánh giá của Israel, HAMAS sở hữu khoảng 40.000 tên lửa này.

Một đại đội Iron Dome có thể bảo đảm phòng thủ tên lửa cho một khu vực rộng 150 km2. Hệ thống cho phép đánh chặn tên lửa phóng từ cự ly 4-70 km.

Một đại đội gồm có 3 bệ phóng với 20 tên lửa chống tên lửa Tamir mỗi bệ, trung tâm điều khiển hỏa lực và trạm radar đa năng EL/M-2084 do Elta Systems sản xuất.

Iron Dome có khả năng phát hiện và bám các tên lửa, tính toán quỹ đạo bay của chúng và điểm rơi. Nếu hệ thống xác định tên lửa đối phương sẽ rơi xuống khu không dân cư thì sẽ không phát lệnh phóng tên lửa đánh chặn.

  • Nguồn: Lenta, 9, 16.11.2010.

Print Print E-mail Print