Vietnamdefence.com

 

Indonesia tăng cường mua sắm, nâng cấp máy bay, trực thăng

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Indonesia trong mấy tháng tới sẽ phải quyết định về việc nâng cấp trung hạn tiêm kích F-16 vào năm 2011-2012, Flightglobal đưa tin.

F-16B của Không quân Indonesia (irwan.net)

Hiện nay, không quân nước này có 10 chiếc F-16 với dự trữ bay còn lại là gần 4.000 giờ. Nếu quyết định hiện đại hóa được đưa ra, chi phí nâng cấp, bao gồm cả việc mua các thiết bị cần thiết, sẽ là gần 150 triệu USD.

Việc nâng cấp 1 chiếc F-16 của Indonesia có thể mất gần 1 năm. Dự đoán, việc nâng cấp sẽ tiến hành ở Indonesia, còn nhà cung cấp thiết bị cần thiết để nâng cấp là công ty Lockheed Martin (Mỹ).

Sau khi được nâng cấp, dự trữ làm việc của máy bay sẽ tăng lên đến 8.000 giờ bay, tính năng của máy bay sẽ tương đương với các biến thể mới nhất của F-16. Lockheed Martin cũng hy vọng bán cho Indonesia 6 chiếc F-16 Block 50/52 mới.

TEMPO Interactive dẫn tuyên bố của đại diện Bộ Quốc phòng, chuẩn tướng Wayan Midhio cho hay, Bộ Quốc phòng Indonesia đang xem xét đề nghị cung cấp 24 F-16A từ biên chế của Không quân Mỹ. Các máy bay sẽ được chuyển giao miễn phí với điều kiện Indonesia sẽ chi trả việc hiện đại hóa các máy bay này.

Bộ Quốc phòng Indonesia cũng đang xem xét 2 phương án mua 24 máy bay F-16 cũ hay mua 6 chiếc mới. Do rất thiếu máy bay chiến đấu, Bộ Quốc phòng Indonesia nghiêng về phương án mua máy bay cũ của Không quân Mỹ. Nhưng nếu chi phí hiện đại hóa số máy bay này mà lớn thì phương án này nhiều khả năng sẽ bị loại bỏ.

Bộ Quốc phòng Indonesia cũng đang đàm phán với Lockheed Martin về chương trình tăng hạn sử dụng các máy bay vận tải quân sự C-130B/H Hercules. Hiện Không quân Indonesia có 32 máy bay loại này.

Dự kiến các chương trình nâng cấp tiêm kích và máy bay vận tải sẽ tiến hành song song, nhưng nâng cấp tiêm kích được ưu tiên.

Đầu tháng 10.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro tuyên bố, trong 5 năm tới dự định chi 150 ngàn tỷ rupi (16,8 tỷ USD) cho mua sắm máy bay và trực thăng cho Không quân và Lục quân nước này. Dự kiến, 2/3 số tiền trên sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, số còn lại dự tính lấy từ nguồn tín dụng. Một phần kinh phí được dự định chi để hiện đại hóa các máy bay hiện có.

Cần lưu ý rằng, nhiều tiêm kích F-16 và máy bay vận tải C-130 của Không quân Indonesia đang cần phải sửa chữa và nâng cấp.

Năm 1992, Mỹ đã áp đặt trừng phạt, chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Indonesia. Năm 1999, lệnh trừng phạt bị xiết chặt, khiến Indonesia không còn khả năng mua phụ tùng cần để sửa chữa các máy bay Mỹ ở thị trường bên ngoài. Vì vậy, các máy bay F-16 và C-130 của Không quân Indonesia không thể bay trong một thời gian dài.

Lệnh trừng phạt Indonesia bị dỡ bỏ năm 2005, nhờ đó nước này đã tiến hành được việc sửa chữa nhỏ cho một số máy bay.

Cuối tháng 9.2010, ông Yusgiantoro tuyên bố, trong 20 năm tới Indonesia dự định mua 180 tiêm kích Sukhoi của Nga để thành lập 10 phi đội. Hiện nay, Không quân Indonesia cóp 10 máy bay tiêm kích Su: 2 Su-30МК, 3 Su-30МК2, 2 Su-27SK và 3 Su-27SKM. Trong thời gian tới, dự định hiện đại hóa các máy bay Su-30MK và Su-27SK lên tiêu chuẩn Su-30MK2 và Su-27SKM. Giữa tháng 9.2010, được biết, Indonesia dự định mua thêm 6 tiêm kích Su-30МК2.

EMB-314 Super Tucano (embraer.com)

Theo Aviation Week, Bộ Quốc phòng Indonesia đã quyết định mua 8 máy bay huấn luyện chiến đấu Embraer EMB-314 Super Tucano. Họ đã chọn máy bay này căn cứ kết quả cuộc thầu có sự tham gia của KAI (Hàn Quốc) với máy bay KT-1 và Embraer.

Hợp đồng bán máy bay còn chưa được ký, song theo thỏa thuận ban đầu, công ty Embraer sẽ chuyển giao cho Indonesia những chiếc Super Tucano đầu tiên vào năm 2012.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro cho biết, Indonesia định ký biên bản ghi nhớ mua 2 phi đội EMB-314 Super Tucano để thay thế OV-10 Bronco.

Embraer cho biết, ở giai đoạn đầu họ sẽ cung cấp cho Không quân Indonesia 8 máy bay, trang thiết bị mặt đất và hỗ trợ vật chất-kỹ thuật. Các máy bay sẽ được cung cấp từ năm 2012. Theo thông tin không chính thức, hợp đồng trị giá 142 triệu USD.

Tham gia dự án này còn có công ty quốc doanh PT Dirgantara Indonesia với trách nhiệm sửa chữa và duy trì các máy bay sau khi chuyển giao cho bên đặt hàng. Bộ Quốc phòng Indonesia cũng hy vọng Dirgantara sẽ có thể sản xuất một phần linh kiện cho Super Tucano.

Đơn giá catalogue của Super Tucano là gần 9 triệu USD/chiếc. Như vậy, Indonesia có thể phải chi 72 triệu USD để mua 8 chiếc. Ngoài Super Tucano, Indonesia sẽ nhận được cả thiết bị bảo dưỡng mặt đất.

Indonesia dự định dùng Super Tucano thay thế các máy bay huấn luyện lạc hậu Rockwell OV-10 Bronco được mua từ thập niên 1960. Không quân nước này hiện có 12 chiếc OV-10, đa số không còn bay được. Ngoài ra, các phi công Indonesia còn bay tập trên các máy bay KT-1, AS/SA-202, T-34, SF.260, Hawk và A-4.

Flight International cho hay, theo thông tin này được tiết lộ tại triển lãm vũ khí trang bị quốc tế lần thứ tư INDO DEFENCE  2010, Chính phủ Indonesia dự định chi cho Bộ Quốc phòng nước này 65 triệu USD để mua trực thăng đa năng hạng trung mới.

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp Indonesia cho biết, Lục quân nước này dự định sử dụng số tiền này để mua 6 trực thăng. Sau đó, dự kiến mua lô thứ hai gồm 8 trực thăng.

Trước đó, có tin quân đội Indonesia dự định 24 trực thăng đa năng mới và 18 trực thăng tiến công.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các ứng viên cung cấp trực thăng là Agusta/Westland với trực thăng AW-139, công-xooc-xiom NH Industry với NH-90 và Indonesia Aerospace (Indonesia), công ty này đang cùng với Bell dự định chào thầu trực thăng Bell-412EP.

Trước đó, Indonesia Aerospace và Bell đã ký biên bản ghi nhớ về việc cùng tham gia chương trình này. Theo điều kiện thỏa thuận, Bell sẽ cung cấp cho Indonesia các bộ linh kiện để lắp ráp, còn phía Indonesia tiến hành lắp ráp, sản xuất nhiều linh kiện, tích hợp các hệ thống tự sản xuất, cũng như bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cho trực thăng. Hiện nay, quân đội Indonesia có 31 trực thăng Bell-412 thuộc các biến thể HP và SP. 

Không quân Indonesia cũng đã công bố ý định mua 4 máy bay không người lái (UAV) chiến thuật vào năm 2011.

Theo tiết lộ của Tham mưu trưởng Không quaan Indonesia, nguyên soái Imam Sufaar với hãng Antara, chương trình mua sắm UAV đang ở giai đoạn bàn thảo thống nhất trong Bộ Quốc phòng.

Các UAV sẽ được sử dụng cho Không quân. Ngoài ra, còn dự định sử dụng chúng để kiểm soát các mỏ khoáng sản, trước hết là các mỏ dầu và khí, tuần tra các tuyến giao thông, bảo vệ ngề cá và hỗ trợ các chiến dịch nhân đạo.

Hiện nay, trong trang bị của Không quân Indonesia không có UAV. Cơ quan Phân tích và ứng dụng công nghệ Indonesiaо (Agency for the Assessment and Application of Technology) trong những năm gần đây đang thực hiện chương trình chế tạo UAV Puna. Chương trình này có thể đang ở giai đoạn phát triển cuối cùng và Puna có thể sẽ được nhận vào trang bị vào cuối năm 2010.

Theo Antara, Puna có chiều dài 4 m, sải cánh 7 m. UAV bay ở chế độ tự động và được trang bị 1 camera video nhỏ. Dự định, UAV Puna sẽ do công ty Dirgantara Indonesia sản xuất.

Ngoài ra, trong ngày đầu tiên của triển lãm INDO DEFENCE 2010, Indonesia đã ký với phía Nga hợp đồng trị giá 54 triệu USD mua vũ khí hàng không cho các máy bay tiêm kích Su-27/30.

  • Nguồn: Armstrade, Lenta, 11, 12.11.10.

Print Print E-mail Print