Vietnamdefence.com

 

Sách Trắng Quốc phòng 2009: Lần đầu tiên, Việt Nam công khai ngân sách quốc phòng

VietnamDefence - Theo Sách Trắng Quốc phòng 2009 được công bố chiều nay (8/12), ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm 2008 vào khoảng 27.000 tỉ đồng, chiếm 1,8% ngân sách quốc gia.

Đây là lần thứ 3 Nhà nước Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng, trong bối cảnh như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói "tình hình an ninh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường".

Thứ trưởng khẳng định: "Việt Nam chủ trương duy trì và phát triển quốc phòng đủ mạnh, kiên trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ mà trọng tâm là xây dựng nền quốc phòng toàn dân".

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nhấn mạnh: "Việt Nam xây dựng quân đội có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị hùng hậu, được huấn luyện và trang bị các loại vũ khí ngày càng hiện đại, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia và chế độ dân chủ nhân dân".

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
tại cuộc họp báo giới thiệu Sách trắng Quốc phòng (XL)

VietNamNet giới thiệu nội dung cuộc họp báo giữa Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với báo giới trong và ngoài nước chiều nay:

Tranh chấp Biển Đông đặt ra thách thức mới
 
VOV: Những thách thức chủ yếu đối với quốc phòng Việt Nam trong thời điểm hiện nay và trong tương lai?

Nếu nghiên cứu phần tình hình Việt Nam, trong Sách Trắng nêu rõ thách thức đối với quốc phòng Việt Nam trong thời gian tới. Trước hết, đó là khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến những mất ổn định trong khu vực, trong nước và trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến việc xây dựng tiềm lực quốc phòng của Việt Nam.

"Về tình hình phức tạp trên Biển Đông, chúng tôi cho đây là một vấn đề quốc phòng Việt Nam phải quan tâm. Nhưng tôi nghĩ phức tạp trên Biển Đông không dẫn đến một cuộc xung đột quân sự..."

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Một thách thức nữa chúng tôi cần phải quan tâm, đó là có những thế lực thù địch vẫn sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, kích động lực lượng bên trong chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng gây ra cho quốc phòng Việt Nam những quan ngại và đặt ra những thách thức mới. Các lĩnh vực an ninh phi truyền thống xuất hiện càng ngày càng nhiều cũng đặt ra cho quốc phòng những vấn đề mới cần phải chuẩn bị và đối phó với những thách thức như thiên tai, thảm họa, buôn lậu vũ khí, ma túy, buôn người v.v...

Thanh Niên: Theo Thứ trưởng, những nguy cơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực trong tương lai không?
Về tình hình phức tạp trên Biển Đông, chúng tôi cho đây là một vấn đề quốc phòng Việt Nam phải quan tâm. Nhưng tôi nghĩ phức tạp trên Biển Đông không dẫn đến một cuộc xung đột quân sự ở khu vực này với những lý do như sau:

Trước hết, nguyện vọng, xu thế chung của trên thế giới và khu vực là không muốn một cuộc xung đột nào nổ ra, nó đều có hại không chỉ cho những nước tham gia xung đột đó, mà cho cả các nước liên quan.

Thứ hai, thế giới ngày càng văn minh hơn. Hệ thống luật pháp quốc tế, như các bạn biết, ví dụ như ở Biển Đông là Công ước về Luật Biển năm 1982 càng ngày càng chặt chẽ, càng tạo cho khu vực và thế giới điều kiện để phát triển. Xung đột sẽ rất có hại cho tất cả các bên.

Là một trong nhiều nước liên quan đến vấn đề Biển Đông, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như quốc phòng Việt Nam là kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hòa bình, kiên trì và quyết tâm giữ vững chủ quyền và lãnh thổ dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó hiểu biết lẫn nhau với những nước láng giềng và những nước liên quan đến vấn đề Biển Đông.

27.000 tỉ đồng chi cho quốc phòng

Reuters:
Xin Thứ trưởng cho biết quy mô của ngân sách quốc phòng Việt Nam trong những năm trước so với hiện tại như thế nào? Dự kiến trong 5 năm tới quy mô ngân sách sẽ tăng bao nhiêu?

Ngân sách quốc phòng Việt Nam lần này được đưa vào Sách Trắng. Năm 2008, khoảng 27.000 tỉ đồng, chiếm 1,8% hệ thống ngân sách quốc gia. So với khoảng 5 năm về trước không có biến động lớn. Chúng tôi cho rằng với tỉ lệ 1,8% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) thì 5 năm sau đây cũng là một tỉ lệ phù hợp.

Nói như vậy là nếu nền kinh tế của Việt Nam càng ngày càng phát triển thì càng ngày càng có điều kiện tốt hơn để hiện đại hóa quân đội, nền quốc phòng càng ngày càng phát triển.


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng BQP, giới thiệu Sách trắng QP VN 2009 (Reuters) 


AFP: Sách Trắng Quốc phòng lần trước được xuất bản vào năm nào?

Sách Trắng Quốc phòng lần trước được xuất bản năm 2004. Đã 5 năm kể từ lần xuất bản trước. Nếu xem kỹ nội dung Sách Trắng Quốc phòng 2009, sẽ thấy rõ có rất nhiều nội dung về văn kiện, luật pháp, cơ chế mới của Nhà nước Việt Nam xung quanh lĩnh vực quốc phòng.

TTXVN: Những nội dung chính trong chính sách quốc phòng Việt Nam và những lĩnh vực ưu tiên hiện nay?

Tính chất cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam xây dựng chính sách quốc phòng nhằm mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh để đảm bảo ổn định, hòa bình, phát triển kinh tế đất nước.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam phản đối chính sách quân sự sử dụng sức mạnh đe dọa các nước. Chúng tôi xây dựng lực lượng vũ trang sức mạnh quốc phòng toàn dân, toàn diện để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định đất nước.

Việt Nam chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng để xây dựng nền an ninh chung của thế giới và khu vực, trong đó chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống.

Chính sách quốc phòng kể trên là sự kế thừa sáng tạo truyền thống giữ nước và giữ nước của dân tộc trong điều kiện tình hình mới của thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi.

Hà Nội Mới: Với những thay đổi lớn trong 5 năm qua, Việt Nam đã điều chỉnh cơ cấu tổ chức quân đội như thế nào?

Về cơ cấu tổ chức quân đội, cơ bản không có điều chỉnh lớn mà quan trọng nhất thời gian qua Việt Nam đã có Luật Quốc phòng. Bên cạnh đó là những văn bản có tính chất pháp luật của Quốc hội, Chính phủ về những vấn đề quốc phòng. Sách Trắng Quốc phòng 2009 truyền tải thông tin của những văn kiện mới này.

Việc luật hóa các hoạt động và tổ chức quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng quốc phòng cũng như sự minh bạch, công khai về chính sách của mình.

Hiện đại hóa quân đội

Thanh Niên: Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, khó khăn, việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam sẽ được tiến hành như thế nào?

Chúng tôi cho rằng kinh tế toàn cầu khó khăn có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam. Chính sách quốc phòng Việt Nam có nội dung cơ bản nhất của hiện đại hóa quân đội là tổ chức xây dựng bản lĩnh của người chiến sĩ, của nền quốc phòng, đảm bảo đáp ứng được mọi tình huống trong hòa bình cũng như chiến tranh.

Việt Nam phản đối chính sách quân sự sử dụng sức mạnh đe dọa các nước. Việt Nam xây dựng lực lượng vũ trang sức mạnh quốc phòng toàn dân, toàn diện để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định đất nước". 

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đầu tư và xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật, công nghệ cho quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Tôi muốn nói khó khăn về kinh tế có ảnh hưởng nhưng không lớn đến việc hiện đại hóa và xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội cũng như nền quốc phòng. 

AFP: Xin Thứ trưởng bình luận việc báo chí của Nga đưa tin Việt Nam có dự định mua máy bay Su và tàu ngầm của Nga?

Nga là nước bạn truyền thống của Việt Nam.Trong các cuộc kháng chiến cũng như trong hòa bình, Việt Nam đã sử dụng rất nhiều trang thiết bị vũ khí của Nga. Trong hòa bình, để củng cố và hiện đại hóa quân đội, chúng tôi nghiên cứu để mua sắm vũ khí của nhiều nước, trong đó có Nga. Nga là một đối tác quan trọng của Việt Nam. Việt Nam cũng tìm hiểu để mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình, tùy theo điều kiện kinh tế cũng như phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước.

Reuters: Xin cho biết rõ tên của các đối tác khác mà Việt Nam mua trang thiết bị quân sự?

Việt Nam chủ trương hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các nhu cầu của Việt Nam. Như Nga là nước bạn truyền thống của Việt Nam, các hệ thống trang bị vũ khí của Nga quen thuộc với Việt Nam. Vì vậy, Nga là đối tác quan trọng cũng như chúng tôi đã và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước có thể hợp tác với Việt Nam.

Tùy viên quân sự các đại sứ quán tham dự họp báo công bố Sách trắng QP 2009. Ảnh: XL


AFP: Khi nào Việt Nam sẽ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc?

Việt Nam hoan nghênh các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc với sự đồng thuận của các bên. Việt Nam đã nghiên cứu để tham gia vào lực lượng này. Chúng tôi đang nghiên cứu, học tập các nước về kinh nghiệm hoạt động gìn giữ hòa bình, các kỹ năng cho nhân viên cần có khi tham lực lượng gìn giữ hòa bình. Khi có đủ điều kiện, chúng tôi sẽ tham gia.

• Nguồn: VietnamNet

Print Print E-mail Print