Vietnamdefence.com

 

Giải mật robot Trung Quốc

VietnamDefence - Robot Trung Quốc sẵn sàng tiến công trên toàn mặt trận.


Các máy bay không người lái Trung Quốc (vpk-news.ru)

Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế lần thứ 12 Airshow China ở Chu Hải có quy mô lớn nhất trong lịch sử triển lãm này. Tập trung về Chu Hải có gần 800 công ty và tổ chức từ hơn 40 nước. Sản phẩm triển lãm được trưng bày ở 10 gian hàng có tổng diện tích hơn 100 ngàn m2.

Điểm khác biệt của triển lãm là một cụm lớn binh khí kỹ thuật lục quân. Tập trung tại khu vực trưng bày tĩnh và tại gian hàng đặc biệt của Tổng công ty Norinco là tất cả các loại vũ khí trang bị dành cho lục quân. Có đủ căn cứ để cho rằng Airshow China trước đây vốn chủ yếu là triển lãm hàng không-vũ trụ nay đang dần trở thành sự kiện tương tự diễn đàn Army của Nga, nhưng trưng bày các sản phẩm triển lãm trên một mặt bằng.

Công ty Rosoboronoexport và 14 doanh nghiệp đầu ngành của công nghiệp quốc phòng Nga đã giới thiệu tại triển lãm thông tin về 200 mẫu vũ khí trang bị. Tổng giám đốc Rosoboronoexport, ông Aleksandr Mikheyev cho rằng, công việc ở Chu Hải tạo thêm xung lực cho hợp tác kỹ thuật quân sự song phương mà các dấu mốc nổi bậy gần đây là việc Trung Quốc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tiêm kíchSu-35. “Hiện nay, đối tác chiến lược của chúng tôi có tính độc đáo. Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua các hệ thống phòng không tốt nhất thế giới S-400 và các máy bay hiện đại Su-35. Ngoài ra, chúng tôi đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực các dự án công nghệ cao chung. Rất mừng là mọi mưu toan can thiệp của các nước thứ ba vào quan hệ giữa hai nước chúng ta không dẫn đến hiệu ứng mong muồn và được phía Trung Quốc nhìn nhận đúng đắn là một yếu tố của cạnh tranh không lành mạnh”, ông Mikheyev nói.

“Hãng phát triển vũ khí laser LW-30 thừa nhận đây là loại tương tự với hệ thống vũ khí laser Peresvet của Nga”

Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước Rostev, ông Sergei Chemezov coi thị trường châu Á là một trong những thị trường then chốt, còn Trung Quốc là đối tác chiến lược lớn nhất của Nga trong khu vực: “Hợp tác với Trung Quốc chiếm hơn 15% tổng lượng đơn đặt hàng của Rostec và Rosoboronoexport trong lĩnh vực sản phẩm quân dụng. Chúng tôi cũng đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực các dự án dân sự công nghệ cao chung. Ví dụ như trực thăng hạng nặng AHL hay máy bay tầm xa, thân rộng”.

Trưởng đoàn Nga tại triển lãm, Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSVTS) Dmitri Shugayev nhấn mạnh rằng, khối lượng đơn đặt hàng xuất khẩu hàng quân dụng của Liên bang Nga tính đến nay là hơn 55 tỷ USD, cao hơn một chút thông số này cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến không có sự suy giảm mạnh bất chấp trừng phạt. Theo ông Shugayev, các hợp đồng với Trung Quốc cung cấp vũ khí trang bị của Nga ước hơn 7 tỷ USD. Đáng lưu ý là từ năm 2013, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng khối lượng đơn đặt hàng mua vũ khí trang bị của Nga đã tăng từ 5% lên đến 14-15%.

Trực thăng Nga chiếm vị trí quan trọng trên thị trường vũ khí khu vực. Tỷ trọng của trực thăng Nga trên thị trường trực thăng quân sự khu vực Đông Nam Á là 20% trong tổng số khoảng 2.000 chiếc. Theo Tổng giám đốc hãng “Trực thăng Nga”, ông Andrei Boginsky, năm 2019-2020, các khách hàng nước ngoài sẽ được chuyển giao hơn 120 trực thăng chiến đấu.

Trong số các sản phẩm tiên tiến của Nga được trưng bày tại triển lãm, thu hút được nhiều sự chú ý là radar máy bay đa năng, đa chế độ với anten mạng pha chủ động Zhuk-AME. Nó cho phép đồng thời phát hiện, bắt và bám các mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước, nhận dạng chủng loại các mục tiêu, kiểu loại và kích thước, cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu chính xác cho các hệ thống điều khiển vũ khí, thực hiện nhiều nhiệm vụ dẫn đường, cũng như đánh giá điều kiện khí tượng. Trạm radar này dùng để lắp cho các máy bay tương lai thế hệ mới. Tổng công ty Fazotron-NIIR đang hoàn tất chế tạo radar Zhuk-AME đầu tiên dành cho các tiêm kích MiG-29 và vào đầu năm 2019, dự định bắt đầu bay thử radar này. Nhiều khách hàng đang sử dụng họ tiêm kích MiG-29 có ý định trang bị radar với anten mạng pha chủ động cho máy bay này, còn quân đội Nga sẽ lắp radar này cho cả MiG-35. Nếu như dự trữ thời gian làm việc đến lúc trục trặc của radar thông thường là 100-150 giờ, thì ở Zhuk-AME, chỉ số này tăng lên đến 500-600 giờ.

Xu hướng tác chiến bầy UAV

Tại triển lãm Chu Hải, Trung Quốc đã có mọi cơ hội để giới thiếu các kết quả thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa. Chiến lược này nhằm đẩy nhanh sự tiến bộ trong những lĩnh vực ưu tiên để tăng cường tiềm lực địa-chính trị và đạt được những vị thế thống trị trên thị trường vũ khí thế giới. Nếu như trong những năm trước đó, xuất khẩu quốc phòng thường có vai trò thứ yếu đối với công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vì họ ưu tiên đáp ứng nhu cầu của quân đội Trung Quốc thì trong thập niên gần đây, các thị trường nước ngoài có tầm quan trọng ngày càng lớn hơn đối với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã lần đầu tiên giới thiệu tại triển lãm hệ thống vũ khí laser LW-30 (Laser Weapon-30) lắp trên khung gầm bánh lốp do Tổng công ty Khoa học và công nghiệp hàng không-vũ trụ Trung Quốc CASIC (China Aerospace Science and Industry Corporation Limited) và theo bảng chú giải về hệ thống thì đây là vũ khí chính xác cao dùng để đánh chặn phương tiện bay. Hệ thống gồm một số xe chiến đấu, nhưng tại triển lãm chỉ trưng bày một xe mang vũ khí laser có công suất ra 30 kW. Theo CASIC, LW-30 có thể sử dụng để tiêu diệt các thiết bị dẫn đường quang-điện tử của vũ khí chính xác cao, máy bay không người lái (UAV), máy bay và tên lửa có điều khiển. LW-30 có độ chính xác caо, gây ít tổn thất phụ, có phản ứng nhanh và sức cơ động cao, có giá hợp lý và khả năng sống còn cao trên chiến trường. LW-30 hiện đang được thử nghiệm. CASIC không tiết lộ thêm các tính năng khác của LW-30, song khẳng định, LW-30 tương tự với hệ thống vũ khí laser Peresvet của Nga.

Một đại diện của khái niệm bầy UAV là UAV đa cánh quạt MR150 trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển (Nikolai Novichkov)
 
Giống như ở hai triển lãm trước, năm nay, ở Chu Hải, UAV vẫn chiếm vị thế chủ đạo. Tuy nhiên, khác với những năm trước, số lượng UAV đã tăng lên nhiều lần, được trưng bày khắp nơi tại triển lãm. Các nhà tổ chức triển lãm thậm chí đã xây dựng một gian trưng bày nhẹ đặc biệt để trưng bày các UAV thuộc các chủng loại, chức năng khác nhau. Nếu như trong 6 năm qua, quân đội Nga đã nhận được hơn 1.800 chiếc UAV các loại, thì các công ty Trung Quốc đã trưng bày một số lượng UAV gần tương tự tại triển lãm. Trung Quốc chứng minh một cách trực quan rằng, trong những năm qua, họ đã có cú nhảy vọt về chất trong phát triển UAV. Các tính năng của các UAV Trung Quốc đang liên tục được hoàn thiện.

Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới trình diễn khái niệm bầy UAV chiến đấu đa cánh quạt, được trang bị các loại vũ khí hàng không. Bầy UAV này, cũng như các kịch bản chiến thuật sử dụng bầy UAV có khả năng làm thay đổi tính chất các hành động của lục quân trong tương lai gần, đã được Tổng công ty Norinco giới thiệu. Khái niệm đề xuất trù tính khả năng thực hiện cuộc tấn công tốp vào đối phương, cấu hình bầy UAV linh hoạt có thể mở rộng khi cần, khả năng sống còn cao trên chiến trường, khả năng thực hiện tối đa các chức năng trên cơ sở sử dụng vũ khí hàng không, truy tìm mục tiêu và trinh sát.

Bầy UAV đa cánh quạt được hình thành từ các UAV có 4 cánh quạt (loại MR40) hoặc 6 cánh quạt (MR150), mỗi UAV được trang bị một cơ cấu quang-điện tử hình cầu được ổn định, cỡ nhỏ, radar tìm kiếm-ngắm bắn và các thiết bị trinh sát khác, cũng như các vũ khí hàng không như đạn con thả dù, đạn pháo, tên lửa có điều khiển, bom, súng phóng lựu, súng máy và các vũ khí sát thương khác. Các UAV đa cánh quạt được trang bị đường truyền dữ liệu đa kênh và có thể hoạt động trong môi trường lấy mạng làm trung tâm. Các kịch bản chiến thuật sử dụng tác chiến bầy UAV đa cánh quạt trù tính các nhiệm vụ tiêu diệt tăng-thiết giáp và các phương tiện vận tải, các đội hình chiến đấu của đối phương, pháo binh, radar, các cơ sở kỹ thuật và kho tàng, các đầu mối thông tin, binh sĩ, máy bay trong hầm chứa, trạm cung cấp năng lượng. Các UAV này với tên lửa không đối không còn có thể tấn công mục tiêu bay dạng UAV, trực thăng… Bầy UAV đa cánh quạt có thể hoạt động trong bán kính 30 km, thời gian bay là 1 giờ. Vấn đề đang đặt ra là trang bị cho trí tuệ nhân tạo cho các UAV này.

Công nghiệp Trung Quốc đang rất chú trọng kỹ thuật UAV và kỹ thuật robot hóa. Tham gia triển lãm lần này có khoảng 100 nhà sản xuất đã giới thiệu các UAC có chức năng khác nhau, nhiều phương án lắp trang thiết bị, phân hệ và các phương tiện hỗ trợ logistics cho UAV. Một số trong các sản phẩm trước đây là bí mật. Ví dụ, hãng China Aerospace Science and Industry Corporation (CASIC) đã giới thiệu mẫu trình diễn công nghệ UAV tàng hình Thiên ưng (Skyhawk) kiểu cánh bay. Bề ngoài, UAV này giống với UAV trinh sát RQ-170 Sentinel do hãng Lockheed Martin sản xuất, trọng lượng cất cánh tối đa là 3 tấn. Thiên ưng đã thực hiện thành công một loạt thử nghiệm.

Tổng công ty CASC đã trưng bày mô hình toàn cỡ của UAV CH-7. Hiện nay, CH-7 đang trong giai đoạn phát triển. CH-7 cũng có thiết kế kiểu cánh bay, thân vỏ có hình dáng kiểu kim cương. Ở phần trên thân bố trí một bộ hút khí tàng hình và loa phụt động cơ. Khoang chứa tải trọng hữu ích bố trí phía dưới. CH-7 có trọng lượng cất cánh tối đa 13 tấn, sẽ có khả năng mang các loại sensor, hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí có điều khiển, trong đó có tên lửa và bom. CASC dự kiến thực hiện chuyến bay đầu của CH-7 sau hai năm nữa và hoàn tất thiết kế diện mạo của nó vào năm 2022.

Doanh nghiệp tư nhân Tengoen Technology đã lần đầu tiên trưng bày nhiều loại UAV, trong đó có các loại trực thăng, kể cả một thủy phi cơ và phương tiện đa nhiệm có trọng tải 20 tấn.

Các phương tiện không người lái

Tổng công ty Norinco đã giới thiệu các xe mặt đất không người lái như xe hỗ trợ hậu cần không người lái War Wolf trọng lượng 800 kg, xe cải tiến Sharp Claw II, xe đa nhiệm 1,5 tấn Calvary và xe 6 tấn King Leopard (có thể trang bị 1 pháo tự động 23 mm và tên lửa chống tăng có điều khiển).

Công ty Yunzhou Intelligence Technology công bố về việc tiếp tục phát triển xuồng không người lái đa nhiệm L30 nặng 7,5 tấn. Biến thể mới được trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa lắp vũ khí có ổn định. Biến thể tuần tra L30 được trang bị 1 súng máy 12,7 mm, biến thể chi viện hỏa lực được trang bị 4 tên lửa không rõ chủng loại. Nhà sản xuất cho biết, L30 đã thực thành công nhiều đợt thử nghiệm trên biển và tiêu diệt các mục tiêu với độ chính xác 100%.

Công ty Beijing Sifang đang hoàn tất việc xác định diện mạo cuối cùng của xuồng không người láiSeafly 1 và dự định thử nghiệm biến thể xuồng này trang bị tên lửa vào năm 2019. Họ đã phát triển các thuật toán cho phép xuồng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình bầy và phối hợp với các phương tiện khác.

Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lớn trên thị trường UAV thế giới. UAV Wing Loong hiện được trang bị cho quân đội Kazakhstan, Pakistan, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hơn 30 chiếc UAV trinh sát-tiến công CH-4 đã được chuyển giao cho Iraq và Saudi Arabia. Tổng giờ bay của các UAV CH-4 xuất khẩu là 10.000 giờ, đã phóng thả hơn 400 bom đạn, độ chính xác sử dụng vũ khí đạt 96%.

Một trong những đặc điểm chính của các triển lãm Airshow China là một cụm lớn binh khí kỹ thuật lục quân, cả hạng nặng và hạng trung, do Tổng công ty lớn nhất Trung Quốc Norinco sản xuất. Sản phẩm mới chủ yếu là hệ thống đa nhiệm trang bị tên lửa có điều khiển Red Arrow 10 (Hồng Tiễn 10) dùng để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất trên chiến trường, lẫn mục tiêu bay thấp. Xe chiến đấu VN-10 được giới thiệu là loại tương tự xe trinh sát BMD-2 của Nga, tuy nhiên không sao chép hoàn toàn xe của Nga. Trung Quốc đã giới thiệu 2 xe tăng chủ lực đang được xúc tiến mạnh cho xuất khẩu là VT4 và VT2B.

Một trong những binh khí kỹ thuật lục quân mới là họ xe đa nhiệm bánh lốp với công thức bánh 4х4, 6х6 và 8х8 Lynx, bao gồm đủ loại xe, từ một số xe trinh sát cho đến các pháo tự hành và cối tự hành. Norinco đã giới thiệu khái niệm phân đội mô tô hóa hạng nhẹ trang bị các xe này.

Trong lĩnh vực pháo binh, đáng chú ý là hệ thống rocket phóng loạt (pháo phản lực) AR3 với tên lửa có điều khiển tối tân cỡ 750 mm Fire Dragon 480 có tầm bắn đến 290 km. Như vậy, Trung Quốc đang xúc tiến ra thị trường trong nước và quốc tế các loại đạn cho phép chuyển hóa các hệ thống rocket phóng loạt thành các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật.

Hợp tác sản xuất động cơ máy bay với Ukraine

Trung Quốc đang phát triển mạnh hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay. Hãng Motor Sich và công-xooc-xi-om Skyrizon Aviation đã đệ trình dự án nhà máy sản xuất động cơ, trong đó có động cơ AI-322F dành cho máy bay huấn luyện L-15 Hongdu, động cơ D-436-148FM dành cho các loại máy bay An-158 và An-178, động cơ MS-500V-S dành cho máy bay L-410 và TVZ-117VMA-SBM1V dành cho trực thăng vận tải Mi-8MSB. Theo đại diện Skyrizon Aviation, nhà máy động cơ được ghi trong các văn kiện là nhà máy công nghiệp chế tạo động cơ Skyrizon Aviation và sẽ nằm ở gần Lưỡng Giang, khu tự trị Quảng Tây. Diện tích nhà máy sẽ là 5 km2, khoản đầu tư cho nhà máy dự kiến là gần 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD). Giai đoạn 1 xây dựng nhà máy đã hoàn thành vào cuối năm 2017, thời gian đưa toàn nhà máy vào hoạt động được ấn định là năm 2020. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất đến 1.000 động cơ máy bay và động cơ turbine khí quân sự và dân dụng trong một năm.

“Các sinh viên Trung Quốc đang được cử sang Ukraine để học hỏi kinh nghiệm”

Trung Quốc và Ukraine đang tích cực hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. “Từ tháng 5/2016, Skyrizon Aviation cử các sinh viên Trung Quốc đến Đại học Hàng không Kharkov và Đại học tổng hợp Công nghệ quốc gia Zaporozhie thực tập, học hỏi kinh nghiệm”, đại diện Skyrizon Aviation cho biết. Cùng với Công ty Motor Sich đã phát triển một động cơ máy bay mới (dự đoán là MS-500V-S). Nhiều chuyên gia động cơ Ukraine đã tham gia hoạt động thực tế tại Công ty Skyrizon Aviation.

Tháng 9/2017, động cơ TVZ-117 đã được thử nghiệm thành công tại trường thử của Skyrizon Aviation. Hồi đó, hai bên đã ký hợp đồng sản xuất theo giấy phép và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ TVZ-117VMA-SBM1V và hợp đồng bổ sung phát triển động cơ MS-500. Tuy nhiên, trong danh mục sản phẩm của hẫng hiện tại chưa có họ động cơ turbine cánh quạt D-136 mà dự kiến sẽ lắp cho trực thăng hạng nặng AHL (Advanced Heavy Lift) do Nga và Trung Quốc hợp tác phát triển. Căn cứ vào cấu trúc của hàng không thương mại và không quân vận tải Trung Quốc, có thể dự đoán rằng, nhà máy nói trên sẽ sản xuất động cơ TVZ-117 cho các trực thăng Mi-8.

Nguồn: PTS KHKT Nikolai Novichkov, PTS Sử học Dmitri Fedyushko (Phòng Thông tin-phân tích TASS) // VPK, № 44 (757), ngày 13.11.2018.

Print Print E-mail Print