Vietnamdefence.com

 

Hệ thống phòng không Trung Quốc (2)

VietnamDefence - Cuối thập niên 1980, sau thời kỳ dài đối kháng chính trị-tư tưởng, có khi chuyển thành các đụng độ vũ trang cục bộ, quan hệ Xô-Trung đã được bình thường hóa. Dự án lớn đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước là hợp đồng bán tiêm kích Su-27SK cho Trung Quốc.


Chèn chú thích ảnh vào đây
Ngày 27/6/1992, lô đầu tiên gồm 8 chiếc Su-27SK và 4 Su-27UBK đã được đưa vào biên chế trung đoàn 9, sư đoàn 3 không quân Trung Quốc. Tháng 11/1992, các đơn vị này đã nhận thêm 12 tiêm kích một chỗ ngồi. 
Su-27SK số hiệu 19 màu xanh” - số hiệu trên bộ hút khí máy bay cho thấy máy bay này do KnAAPO (Liên hiệp sản xuất máy bay Komsomolsk trên sông Amur mang tên Yu. A. Gagarin, Nga) sản xuất, chiếc thứ 20 của loạt thứ 38

Ngoài việc cung cấp trực tiếp sang Trung Quốc các máy bay chiến đấu hoàn chỉnh, Trung Quốc còn ký với phía Liên Xô hợp đồng chuyển giao tài liệu công nghệ và trợ giúp triển khai sản xuất theo giấy phép ở Trung Quốc. Năm 1996, sau thời gian đàm phán dài giữa Công ty Sukhoi và Tổng công ty Sản xuất máy bay Thẩm Dương (Shenyang Aircraft Corporation - SAC) hợp đồng cùng sản xuất 200 Su-27SK với tên gọi J-11 trị giá 2,5 tỷ USD đã được ký kết. 

Theo điều kiện hợp đồng, việc lắp ráp J-11 bằng linh kiện của Nga đã được thực hiện ở một nhà máy tại Thẩm Dương. Tiêm kích J-11 được lắp ráp theo hợp đồng giấy phép năm 1996 đã lần đầu tiên cất cánh vào năm 1998. Các máy bay đầu tiên sản xuất theo giấy phép đã được biên chế cho trung đoàn 6, sư đoàn 2 không quân Trung Quốc và được sử dụng cùng với các tiêm kích Su-27SK cung cấp từ Nga. 
Ảnh Google Earth: sân đỗ máy bay trên sân bay nhà máy ở Thẩm Dương

Trung Quốc đã lắp ráp trong nước tổng cộng 105 J-11 theo giấy phép. Trên một phần đáng kể các máy bay này đã lắp đặt thiết bị avionics Trung Quốc. Sau khi lắp ráp 105 chiếc J-11, Trung Quốc từ chối điều khoản phụ lắp ráp thêm 95 máy bay với cớ tiêm kích Liên Xô “có tính năng chiến đấu thấp”. Tháng 12/2003, giai đoạn 2 của “Đề án 11” bắt đầu - chiếc tiêm kích “nội địa” J-11B do Trung Quốc chế tạo trên cơ sở Su-27SK đầu tiên cất cánh lần đầu tiên. 

Cùng với việc trang bị đầy đủ Su-27SK и J-11B cho các đơn vị không quân tiêm kích, các tiêm kích lỗi thời J-6, cũng như các biến thể đầu của tiêm kích đánh chặn J-8 bị loại khỏi biên chế chiến đấu. Các máy bay J-7 tạm thời tiếp tục được khai thác, nhưng chủ yếu cho mục đích đào tạo-huấn luyện hoặc trên các hướng thứ yếu. 
Các tiêm kích J-11 của Trung Quốc đang bay trên đỉnh Chomolungma cao nhất thế giới (8.848 m)
 
Cố tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc công nghệ vào Nga, công nghiệp Trung Quốc đã phát triển hàng loạt linh kiện và hệ thống, cho phép lắp ráp các tiêm kích này mà không cần phụ tùng của Nga và cải tiến thích nghi để chúng sử dụng được vũ khí hàng không do Trung Quốc sản xuất. 
Tiêm kích thế hệ 5  J-20 của Trung Quốc
 
Các công nghệ và tài liệu kỹ thuật nhận được từ Liên Xô và Nga đã cho phép tạo ra cú nhảy vọt về chất của công nghiệp hàng không Trung Quốc, đưa nó lên một trình độ phát triển mới. Trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã vượt qua sự lạc hậu 30 năm trong lĩnh vực này. 

Hiện nay, mặc dù gặp khó khăn trong việc chế tạo các động cơ máy bay hiện đại với độ tin cậy cần thiết, Trung Quốc hiện có khả năng chế tạo tất cả các loại máy bay chiến đấu, kể cả tiêm kích thế hệ 5. Ở đây, cần phải nói thêm rằng, ngoài sản xuất các tiêm kích mới, các nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không, Trung Quốc đang đầu tư nguồn lực lớn cho phát triển mạng lưới sân bay. Trên lãnh thổ Trung Quốc đã xây dựng một số lượng lớn đường băng sân bay mặt cứng có khả năng khi cần tiếp nhận và khai thác tất cả các loại máy bay có trong biên chế quân đội. 
Mạng lưới sân bay của Trung Quốc
 
Khoảng 30% các sân bay này hiện hoặc hoàn toàn không được khai thác, hoặc là khai thác với mức tải tối thiểu. Nhưng tất cả chúng đều được duy trì ở trạng thái làm việc. Sự hiện hữu của các đường băng tốt dự trữ đó và hạ tầng sân bay được chuẩn bị cho phép khi cần nhanh chóng phân tán máy bay chiến đấu để tránh đòn tấn công của đối phương. 

Xét về số lượng sân bay có đường băng mặt cứng có khả năng làm việc, Trung Quốc vượt trội đáng kể so với Nga. 

Ngoài các máy bay chiến đấu hiện đại, vào đầu thập niên 1990, quân đội Trung Quốc rất cần các hệ thống phòng không có thể thay thế các hệ thống tên lửa phòng không tương tự S-75 đã lạc hậu. 

Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán với Moskva để mua các hệ thống tên lửa phòng không từ năm 1991. Sau khi được trưng bày công khai tại Triển lãm hàng không Moskva vào năm 1992, hệ thống tên lửa phòng không S-300P, năm 1993, Nga đã bắt đầu cung cấp các hệ thống này cho Trung Quốc. Trung Quốc đã đặt mua 4 tiểu đoàn S-300PMU trị giá 220 triệu USD. Trước khi chuyển giao, mấy chục sĩ quan và chuyên gia dân sự Trung Quốc đã được đào tạo tại Nga. Năm 1993, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc 32 bệ phóng xe kéo 5P85Т với xe kéo KrAZ-265V, với 4 ống phóng chứa tên lửa phòng không có điều khiển 5V55U mỗi bệ và 4-8 tên lửa dự phòng đi kèm. 

Năm 1994, Nga đã chuyển giao thêm 120 tên lửa để tiến hành bắn tập, huấn luyện. Hệ thống có thể tiêu diệt đồng thời 6 mục tiêu bay ở cự ly đến 75 km với khả năng dẫn 2 tên lửa đến mỗi mục tiêu. 

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU bằng các tính năng của mình để gây ấn tượng mạnh đối với các chuyên gia Trung Quốc vì đến lúc đó Trung Quốc chưa từng có hệ thống nào như vậy. Các tiểu đoàn phòng không đã được triển khai để bảo vệ các mục tiêu hành chính-công nghiệp và quân sự lớn. 
Ảnh Google Earth: các trận địa của hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU ở ngoại ô Bắc Kinh 

Năm 1994, Trung Quốc ký tiếp hợp đồng mua 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU1 trị giá 400 triệu USD. Hợp đồng bao gồm cung cấp 32 bệ phóng 5P85SE/DЕ sử dụng khung gầm 4 trục MAZ-543М và 196 tên lửa 48N6Е đi kèm. Các tên lửa cải tiến được trang bị hệ dẫn radar bán chủ động kiểu “bám qua tên lửa” với tầm bắn tăng lên đến 150 km. Một nửa giá trị hợp đồng được thanh toán bằng các hợp đồng đổi hàng tiêu dùng của Trung Quố, nửa còn lại trả bằng ngoại tệ. 

Hợp đồng bổ sung ký năm 2001 trị giá 400 triệu USD với nội dung mua thêm 8 tiểu đoàn S-300PMU-1 với 32 bệ phóng và 198 tên lửa 48N6Е. Các hệ thống mua trong lô này đã được triển khai ở khu vực eo biển Đài Loan và xung quanh Bắc Kinh. 

Năm 2003, Trung Quốc đã nêu ý định đặt mua các hệ thống tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU2 Favorit mà Nga lần đầu tiên chào bán trên thị trường vũ khí thế giới vào năm 2001. Đơn đặt hàng bao gồm 64 bệ phóng 5P85SЕ2/DЕ2 và 256 tên lửa phòng không có điều khiển 48N6Е2. 

Các tiểu đoàn đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng vào năm 2007. Hệ thống cải tiến này có thể bắn đồng thời 6 mục tiêu bay ở cự ly đến 200 km và độ cao đến 27 km. 

Với việc trang bị các hệ thống S-300PMU2, Trung Quốc đã lần đầu tiên có được khả năng hạn chế trong đánh chặn tên lửa đường đạn ở cự ly đến 40 km. 

Theo báo chí Nga, Trung Quốc đã nhận tổng cộng 4 tiểu đoàn S-300PMU, 8 tiểu đoàn S-300PMU1 và 12 tiểu đoàn S-300PMU2. Mỗi bộ trang bị cấp tiểu đoàn bao gồm 6 bệ phóng. Kết quả là Trung Quốc đã mua 24 tiểu đoàn S-300PMU/PMU1/PMU2 với 144 bệ phóng. 

Sau khi có kinh nghiệm khai thác các hệ thống tên lửa phòng không S-300P, Trung Quốc đã muốn triển khai sản xuất theo giấy phép các hệ thống này ở trong nước. Tuy nhiên, với bài học “sản xuất chung” tiêm kích Su-27 và lo nại mất “các công nghệ trọng yếu”, ban lãnh đạo Nga đã không chấp nhận, nên Trung Quốc đã phải tự lực tiến hành phát triển hệ thống tên lửa phòng không mới. 

Tuy nhiên, ở hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc vẫn bộc lộ rõ nét các đường nét của S-300P. Hàng loạt các đặc điểm cấu trúc và giải pháp kỹ thuật của S-300P phần nhiều được các kỹ sư Trung Quốc sao chép khi thiết kế HQ-9. 
Bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không HQ-9

Tuy vậy, coi HQ-9 là bản sao chép S-300P của Nga cũng không đúng. Bệ phóng của HQ-9 sử dụng một loại tên lửa khác có kích thước khác, radar anten mạng pha CJ-202 được sử dụng để điều khiển hỏa lực. Bệ phóng được lắp trên khung gầm xe việt dã 4 trục do Trung Quốc sản xuất. HQ-9 có tầm bắn tối đa gần 125 km, trần bắn tối đa 18.000 m, trần bắn tối thiểu 25 m, tầm tiêu diệt mục tiêu đường đạn 7-25 km ở độ cao 2.000-15.000 m. 

Một lữ đoàn HQ-9 gồm 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn được trang bị một xe chỉ huy và radar điều khiển hỏa lực riêng. Một tiểu đoàn được biên chế 8 bệ phóng, số lượng tên lửa sẵn sàng phóng là 32 quả đạn. 

Biến thể xuất khẩu của HQ-9 là FD-2000 đã thắng thầu trong cuộc đấu thầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đánh bại các hệ thống Patriot của Mỹ, S-400 của Nga và Aster của châu Âu. Nhưng dưới áp lực của Mỹ, kết quả đấu thầu đã bị hủy bỏ. Hiện nay, Trung Quốc đang sản xuất biến thể hiện đại hóa là HQ-9A. 

HQ-9A có hiệu suất bắn và hiệu quả cao hơn, nhất là về khả năng chống tên lửa, đạt được nhờ nâng cấp thiết bị điện tử và phần mềm. 

Báo chí cũng đã đưa tin về việc Trung Quốc chế tạo và đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không HQ-15, được cho là sao chép S-300PMU-1. Nhưng thông tin chính xác về hệ thống này thì không thể tìm thấy. 

Từ năm 1991, Trung Quốc đã lần đầu tiên trưng bày hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-12 ở triển lãm Le Bourget, Pháp. Hệ thống này được bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1980 để thay thế hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu HQ-2. 
Bệ phóng tự hành hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-12
 
Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống bị chậm trễ nhiều. Mãi đến năm 2009, hệ thống mới được công khai, mấy đại đội HQ-12 đã tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đã triển khai gần 10 tiểu đoàn HQ-12. 

Dường như tỏ ra thành công hơn là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới HQ-16 của Trung Quốc. Đây là sự kết hợp những giải pháp kỹ thuật tiên tiến sao chép từ các hệ thống S-300P và Buk-M2 của Nga. Khác với Buk, HQ-16 sử dụng chế độ “phóng nóng thẳng đứng”. 
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16
 
HQ-16 được trang bị các tên lửa phòng không có trọng lượng 328 kg, tầm bắn 40 km. Bệ phóng tự hành được trang bị 4-6 tên lửa để trong các ống phóng kín. Radar của hệ thống có khả năng phát hiện mục tiêu bay ở cự ly 150 km. Các thành phần của HQ-16 được bố trí trên các ô tô việt dãn 6 trục. Hiện nay, một số tiểu đoàn HQ-16 đang được triển khai tại các trận địa ở Tây Nam Trung Quốc. 

Ảnh Google Earth: các trận địa hệ thống tên lửa phòng không HQ-16 ở khu vực Thành Đô

Hệ thống có khả năng tiêu diệt các máy bay của không quân lục quân, không quân chiến thuật và chiến lược, trực thăng chi viện hỏa lực, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. HQ-16 cho phép đối phó hiệu quả các cuộc tập kích ồ ạt của các phương tiện tiến công đường không trong điều kiện có chế áp điện tử cường độ cao. Hệ thống có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong các điều kiện thời tiết khác nhau. HQ-16 là hệ thống đa kênh. Các phương tiện hỏa lực của nó có thể bắn đồng thời đến 6 mục tiêu, dẫn đến 4 tên lửa từ một bệ phóng vào mỗi mục tiêu trong số đó. Khu vực tác xạ là 360 độ theo phương vị. 

Trong biên chế lực lượng tên lửa phòng không quân đội Trung Quốc có 110-120 hệ thống (tiểu đoàn) tên lửa phòng không với tổng cộng gần 700 bệ phóng. Xét về chỉ số này, Trung Quốc chỉ thua kém Nga (gần 1.500 bệ phóng). Hơn nữa, tỷ lệ các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trong quân đội Trung Quốc liên tục tăng lên. 

Theo thông tin báo chí, tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, Nga đã đồng ý về nguyên tắc bán cho Trung Quốc các hệ thống hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400. Hiện nay, hai bên đang thảo luận khả năng cung cấp cho Trung Quốc 2-4 tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn được biên chế 8 bệ phóng. Phía Trung Quốc yêu cầu phải nhận được thông tin đầy đủ về các tính năng kỹ-chiến thuật của S-400. Nhờ mua sắm các hệ thống S-400, Trung Quốc sẽ có thể kiểm soát không phận không chỉ trên lãnh thổ của mình mà cả trên Đài Loan và quần đảo Senkaku. 
Ảnh Google Earth: sơ đồ bố trí hệ thống tên lửa phòng không (các hình vuông và tam giác tô màu) và radar (cac hình thoi màu xanh) dọc bờ biển Trung Quốc
 
Đa số các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung của Trung Quốc được triển khai dọc theo bờ biển nước này. Chính ở khu vực này có đại bộ phận các doanh nghiệp mang lại 70% GDP cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng rất chú ý phát triển và hoàn thiện các phương tiện kiểm soát tình hình trên không. Các trạm radar lạc hậu sao chép các radar Liên Xô thời những năm 1950 đang được thay thế nhanh chóng bằng các radar mới. 
Trạm anten radar JY-27
 
Có lẽ lớn nhất trong các trạm radar sóng mét là radar hai tọa độ phát hiện tầm xa băng rộng JY-27. Theo hãng thiết kế, radar này có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly xa (cự ly phát hiện mục tiêu bay là 500 km). 
Radar Type 120
  
Radar Type 120 phát hiện mục tiêu bay thấp là sự phát triển tiếp theo của radar JY-29/LSS-1 2D, có khả năng đồng thời theo dõi 72 mục tiêu ở cự ly 200 km. Trung Quốc đã triển khai 120 radar này, kể cả trong thành phần các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, HQ-12 và HQ-16. 
Radar ba tọa độ JYL-1 với tầm phát hiện 320 km
 
Một số loại trạm radar mới của Trung Quốc đã được giới thiệu tại triển lãm hàng không-vũ trụ China Airshow - 2014 ở Chu Hải. 

Ngoài các radar mặt đất, Trung Quốc cũng đang ráo riết nghiên cứu chế tạo các máy bay báo động sớm. Đó là vì đa số các tiêm kích hiện đại của Trung Quốc được triển khai tại các căn cứ dọc bờ biển. Chiều sâu bảo vệ bằng tiêm kích từ trạng thái “trực tại sân bay” là khoảng 150-250 km với điều kiện phát hiện mục tiêu bay ở cự ly đến 500 km. 

Xét tới yếu tố, radar phòng không trong đa số các trường hợp cho phép phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 250-300 km và khi so chỉ số này với chiều sâu tấn công của các phương tiện tiến công đường không thì rõ ràng là không quân tiêm kích của hải quân Trung Quốc không có khả năng bảo đảm phòng không hiệu quả từ trạng thái “trực tại sân bay”. 

Các máy bay báo động sớm khi tuần ta bờ biển trên vùng biển quốc tế có khả năng đẩy xa tuyến phát hiện mục tiêu bay. 

Vào giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã có một nỗ lực chế tạo máy bay báo động sớm với sự tham gia của các chuyên gia thiết kế nước ngoài. Sau quá trình đàm phán giữa Nga, Israel và Trung Quốc vào năm 1997, đã ký kết hợp đồng cùng phát triển, chế tạo và cung cấp cho Trung Quốc các hệ thống chỉ huy và báo động sớm. 

Theo đó, công ty sản xuất máy bay “Tổ hợp KHKT hàng không Taganrog” (TANTK) mang tên G.M. Beriev sẽ chế tạo trên cơ sở máy bay sản xuất loạt А-50 một máy bay để lắp hệ thống radar do Israel sản xuất với radar EL/M-205 PHALCON. Nền tảng của hệ thống là radar xung-Doppler đa năng EL/M-205 do công ty Elta của Israel phát triển. Radar này gồm 3 anten mạng pha chủ động cấu thành một tam giác và bố trí bên trên thân máy bay trong vỏ rẽ dòng cố định, hình nấm, đường kính 11,5 m (lớn hơn so với các máy bay E-3 của Mỹ và А-50 của Nga). 

Nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện được dưới áp lực cực mạnh của Mỹ. Mùa hè năm 2000, Israel đã buộc phải ban đầu là tạm dừng hợp đồng, còn sau đó là chính thức thông báo với Trung Quốc về việc dừng tham gia vào dự án. Sau khi Israel rút khỏi chương trình, ban lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tiếp tục tự lực thực hiện chương trình bằng cách lắp hệ thống radar với anten mạng pha chủ động lên máy bay do phía Nga cải tạo và cung cấp, các khí tài liên lạc và truyền dữ liệu sản xuất trong nước. Do Trung Quốc không có máy bay nào khác thích hợp với vai trò phương tiện mạng hệ thống radar báo động sớm, nên các máy bay chỉ huy-báo động sớm sản xuất loạt tiếp theo Trung Quốc quyết định sản xuất dựa trên cơ sở một số trong những máy bay vận tải quân sự Il-76MD mà Nga cung cấp cho Trung Quốc trong thập niên 1990. 
Máy bay chỉ huy-báo động sớm KJ-2000 của Trung Quốc
 
Cuối năm 2007, 4 máy bay chỉ huy-báo động sớm KJ-2000 sản xuất loạt đã được chính thức nhận vào trang bị. Trên các nguồn tin công khai không có thông tin tin cậy về tính năng của hệ thống báo động sớm này. Chỉ biết rằng, tổ lái của KJ-2000 gồm 5 người và 10-15 trắc thủ. Máy bay có thể bay tuần tra ở độ cao 5-10 km, tầm bay tối đa 5000 km, thời gian bay 7 giờ 40 phút. 

Việc trang bị KJ-2000 đã cho phép nâng cao đáng kể khả năng của không quân Trung Quốc trong phát hiện mục tiêu bay, kể cả mục tiêu bay thấp và tàng hình. Nhưng một đơn vị máy bay báo động sớm chỉ gồm 5 chiếc (kể cả chiếc chế thử) KJ-2000 rõ ràng là không đủ đối với Trung Quốc. Bởi vậy, họ đã bắt đầu phát triển “loại radar bay” mới trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Y-8 F-200. Máy bay được trang bị radar giống với radar Ericsson Erieye AESA của Thụy Điển, với tầm phát hiện mục tiêu 300-450 km. 
Máy bay chỉ huy-báo động sớm KJ-200 của Trung Quốc

Máy bay KJ-200 sản xuất loạt đầu tiên cất cánh vào ngày 14/1/2005. Theo các chuyên gia nước ngoài, hiện nay, trong biên chế có không dưới 6 máy bay này. 

Trung Quốc cũng đang tiếp tục chế tạo các biến thể mới của các máy bay báo động sớm với các radar có tính năng cao hơn. 

Công nghiệp Trung Quốc đã có cú nhảy vọt trong lĩnh vực radar hàng không từ radar quét cơ khí đến các hệ thống với anten mạng pha chủ động. 

Các chuyên gia tổng công ty CETC đã chế tạo được radar 3 tọa độ phát hiện tầm xa với anten mạng pha chủ động, tức là radar cho phép quét điện tử theo độ cao và phương vị. 
Máy bay báo động sớm KJ-500 của Trung Quốc
 
Giữa năm 2014 có tin Trung Quốc đã đưa vào trang bị máy bay báo động sớm hạng trung mới KJ-500 chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải Y-8F-400. Khác với KJ-200 với radar dài cố định, KJ-500 có anten radar tròn đặt trên cột. 

Hiện nay, Trung Quốc khoảng gần 15 máy bay báo động sớm, hàng năm sản xuất 2-3 máy bay mới loại này. Trung Quốc đang rất chú trọng nghiên cứu chế tạo và hoàn thiện các tiêm kích hiện đại, các phương tiện phòng không mặt đất, các trạm radar phát hiện và các hệ thống chỉ huy tự động hóa. 

Theo các tài liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phòng không tích hợp, vạn năng quốc gia và dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2020. 

Một thành tựu lớn của công nghiệp vô tuyến điện tử Trung Quốc là khả năng tự lực phát triển và sản xuất hầu như tất cả các loại radar, phương tiện chỉ huy/điều khiển và dẫn đường. Các hệ thống xử lý dữ liệu trên khoang của các hệ thống phòng không này và các tiêm kích nội địa hiện sử dụng các máy tính và phần mềm do Trung Quốc phát triển và sản xuất nên tăng cường được an toàn thông tin và bảo đảm khả năng hoạt động của máy móc trong thời kỳ đặc biệt. 

Nguồn: TW, china-inc, 25.12.2014.

Print Print E-mail Print