Vietnamdefence.com

 

Đài Loan triển khai tên lửa hành trình Hùng Phong 2E răn đe Trung Quốc

VietnamDefence - Đài Loan trước cuối năm 2010 sẽ triển khai các hệ thống tên lửa hành trình HF-2E (Hsiung Feng [Hùng Phong] 2E) do họ tự phát triển, hãng AFP dẫn nguồn một quan chức đảng cầm quyền Đài Loan Quốc dân đảng.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất HF-2E (fas.org)

Theo ông này, sau khi nhận được “những bộ phận then chốt” nào đó, đảo Đài Loan đã triển khai sản xuất loạt các tên lửa này.

Vị quan chức này từ chối tiết lộ tầm bắn của HF-2E, cũng như khối lượng sản xuất dự kiến.

Tuy nhiên, tờ báo China Times xuất bản ở Đài Bắc đưa tin, HF-2E có tầm bắn 800 km, còn số lượng các tên lửa này sẽ lên tới 300 quả.

Tờ báo này cũng cho hay, bán kính tác chiến của biến thể đầu tên lửa này không vượt quá 600 km.

Từ năm 2000, Đài Loan đã chi hàng năm 68 triệu USD cho việc phát triển HF-2E.

HF-2E là tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) do Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn (Đài Loan) phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống hạm HF-2.

Hệ thống tên lửa hành trình HF-2E được thiết kế để triển khai trên tàu hoặc trên mặt đất.

HF-2E được cho là bắt đầu sản xuất loạt từ cuối năm 2005. Cũng có thông tin nói rằng, Đài Loan quyết định chính thức sản xuất loạt nhỏ vào tháng 1.2008

Ngày 10.1.2006, Jane's Defense Weekly đưa tin Đài Loan đã chế tạo 3 mẫu chế thử HF-2E và dự định chế tạo đến 50 quả vào năm 2010 và đến 500 quả sau năm 2010.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất HF-2E

Theo Jane’s, HF-2E có tầm bắn trên 600 km và có thể lên tới 1.000 km khi được lắp động cơ mạnh hơn của Mỹ, tuy nhiên Mỹ từ chối cung cấp công nghệ này cho Đài Loan vì lo ngại vi phạm chế độ cấm phổ biến công nghệ tên lửa MTCR.

Căn cứ vào tiết lộ úp mở của quan chức Quốc dân đảng nói trên về việc Đài Loan đã triển khai sản xuất loạt HF-2E sau khi nhận được “những bộ phận then chốt” và nếu thông tin về tầm bắn 800 km của HF-2E là chính xác thì có lẽ Đài Loan đã được Mỹ cung cấp công nghệ động cơ mới và các công nghệ dẫn liên quan khác.

HF-2E được trang bị 1 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và 1 động cơ hành trình turbine phản lực.

Tên lửa sử dụng hệ dẫn kết hợp quán tính và GPS thương mại và được hiệu chỉnh bằng hệ nhận dạng địa hình bản đồ số, có tốc độ bay tối đa 0,85M, độ chính xác 12 m.

HF-2E có chiều dài 6,25 m, đường kính 0,50 m, trọng lượng khoảng 1.600 kg,  và mang đầu đạn 200 kg (có nguồn nói 400-450 kg).

Với tầm bắn 1.000 km, Quảng Châu, Hongkong, Macau, Thượng Hải, Nam Kinh
đều bị HF-2E đe dọa

Đài Loan phát triển HF-2E để làm phương tiện răn đe Trung Quốc. Một khi xảy ra xung đột vũ trang, bằng các tên lửa này, Đài Loan có thể tấn công các sân bay và căn cứ quân sự ở đông nam Hoa lục, cũng như hàng loạt thành phố lớn, kể cả Thượng Hải và Hongkong.

Tạp chí WMD Insights, số 11.2006 đã đăng bài “Trung Quốc lo lắng theo dõi những dự án phát triển tên lửa hành trình phòng thủ của Đài Loan” cho biết, để đối phó với Hoa lục, Đài Loan đang tập trung vào 2 dự án phát triển tên lửa hành trình tấn công mặt đất HF-2E và tên lửa chống tên lửa đường đạn chiến thuật (ATBM).

Bất chấp việc Bộ Quốc phòng Đài Loan nói HF-2E chỉ là tên lửa chống hạm và bác bỏ khả năng tên lửa này có chức năng tấn công mặt đất, phía Trung Quốc cho rằng, HF-2E có khả năng tấn công các mục tiêu chính trị và quân sự ở khắp đông nam Trung Quốc và vì thế, đe dọa nghiêm trọng sự ổn định quan hệ 2 bờ.

Các nguồn tin Trung Quốc cũng nói rằng, Đài Loan có ý đồ tăng tầm bắn của HF-2E lên đến 2.000 km. Tầm bắn này cho phép HF-2E tấn công cả Bắc Kinh và đập Tam Hiệp.

Hệ thống ATBM của Đài Loan được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đường đạn chiến thuật M-9 tầm 600 km và M-11 tầm 300 km mà Hoa lục đã triển khai số lượng lớn gần eo biển Đài Loan, thậm chí cả tên lửa hành trình.

  • Nguồn: Wikipedia; WMD Insights, 11.2006; Lenta, 31.8.2010.

Print Print E-mail Print