Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc sẵn sàng đóng tàu sân bay đầu tiên

VietnamDefence - Trung Quốc đã sẵn sàng đóng tàu sân bay đầu tiên của mình tại xưởng đóng tàu Chansin, nơi đã xây dựng xong hạ tầng cơ sở cần thiết, hãng Kyodo đưa tin ngày 22.8.10.

Tuy Bắc Kinh không tiết lộ thời gian bắt đầu đóng tàu sân bay, nhưng tại hãng đóng tàu Chansin ở Thượng Hải cho biết, "việc đóng tàu sân bay chỉ là vấn đề thời gian".

Hiện tại, các vật liệu cần thiết đang được chuyển đến. Tại xưởng đóng tàu Chansin đã xây dựng đốc tàu lớn nhất Trung Quốc dài 580 m, rộng hơn 100 m phục vụ việc đóng tàu sân bay.

Xưởng đóng tàu Chansin hiện là cơ sở đóng tàu lớn nhất Trung Quốc. Hãng này có 4 đốc lớn và 3 dây chuyền lắp ráp.

Trước đó, báo chí Nhật cũng đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng 2 hệ thống mặt đất huấn luyện phi công tàu sân bay tại Liêu Ninh và Sơn Tây.

Công nghiệp Trung Quốc đã tiến hành dự án tàu sân bay nội địa hơn 20 năm nay. Nhằm mục đích nghiên cứu kinh nghiệm đóng loại tàu này, Trung Quốc đã mua một số tàu sân bay bị thải loại của nước ngoài như tàu Melburn của Australia mua năm 1994, các tàu tuần dương hạng nặng chở máy bay Varyag, Minsk và Kiev.

Báo chí phương Tây cho hay, gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh dự án đóng tàu sân bay đầu tiên. Tháng 12.2008, quân đội Trung Quốc đã quyết định tăng cường hải quân bằng các tàu sân bay.

Ở giai đoạn đầu, Trung Quốc dự kiến đến năm 2015-2016, đóng 2 tàu sân bay động lực thông thường và đến năm 2020 thành lập 2 cụm tàu sân bay đầu tiên.

Ở giai đoạn 2, họ sẽ đóng 2 tàu sân bay hạng trung, lượng giãn nước 65.000 tấn với động lực hạt nhân.

Trong tương lai, hải quân Trung Quốc dự định thành lập 4 cụm tàu sân bay để triển khai ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Tàu sân bay Thi Lang đang được sửa chữa, hiện đại hóa tại Đại Liên (news2.ru)

Tháng 12.2009, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tiêm kích trên hạm J-15. Việc cất/hạ cánh được tiến hành từ tàu sân bay Thi Lang (tàu Varyag cũ).

Ukraine vào cuối thập niên 1990 đã bán cho Bắc Kinh tàu Varyag đóng dở với giá 20 triệu USD và chuyển giao gói tài liệu kỹ thuật đi kèm. Trung Quốc đã bắt tay vào sửa chữa và hiện đại hóa tàu sân bay này, coi đây là bệ mang để kiểm nghiệm công nghệ đóng tàu sân bay của họ.

Ngoài ra, Ukraine còn cung cấp cho Trung Quốc 1 trong các mẫu thử nghiệm của tiêm kích trên hạm Su-33, dựa trên mẫu này Trung Quốc đã chế tạo ra J-15.

Theo các chuyên gia Nga, hàng nhái J-15 sẽ khó có thể đạt tính năng như của Su-33 của Nga, vì thế không loại trừ Trung Quốc lại phải cầu cứu Nga bán cho Su-33. 

Ngoài ra, để đóng tàu sân bay của mình, Trung Quốc sẽ còn phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật cực kỳ phức tạp, trong đó có vấn đề đảm bảo tính tương thích giữa các hệ thống trên tàu và các hệ thống chiến đấu. Trung Quốc chắc chắn sẽ phải mua của Nga hoặc Ukraine một bộ phận trang thiết bị cho tàu.

  • Nguồn: Itar-tass, Armstrade, 24.8.10.

Print Print E-mail Print