Vietnamdefence.com

 

Chán hàng nội, Nga mua vũ khí Mỹ và NATO

VietnamDefence - Trong 5 năm tới, Nga sẽ mua của Israel và các nước NATO vũ khí tổng trị giá 12 tỷ USD, một nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (TsAST) ở Moskva, Nga cho biết.

Sau cuộc xung đột ở Kavkaz, Nga chợt hiểu đã đến lúc mua vũ khí hiện đại
của phương Tây (AP)
Theo các chuyên gia của Trung tâm này, chính quyền Nga bắt đầu hiểu rằng, không phải tất cả các loại vũ khí sản xuất ở Nga đều có thể gọi là có chất lượng.

“Nói chung thì nhận thức là cần đến với các nhà sản xuất nước ngoài để mua sắm những vũ khí cấp thiết đã đến với Bộ Quốc phòng Nga từ thời Bộ trưởng tiền nhiệm Sergei Ivanov, - Giám đốc TsAST, thành viên Hội đồng Xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga Ruslan Pukhov nói với báo gzt.ru ngày 11.6.2010. - Đến lượt mình, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Anatoly Serdyukov, người cũng cảm thấy cần mua sắm vũ khí từ nước ngoài, đã được cởi trói ít nhiều nhờ cuộc xung đột Kavkaz năm 2008 (chiến tranh với Gruzia) ”. 
 
Theo ông Pukhov, ban đầu, phần lớn giới tướng lĩnh hiện nay của Nga cho rằng, Nga cần tiếp tục ứng xử theo cách Liên Xô khi tự túc hoàn toàn bằng vũ khí tự sản xuất trong nước.

Anatoly Serdyukov không sợ  mua vũ khí mới của phương Tây (NATO)
“Tuy nhiên, trong thời gian xung đột với Gruzia, người ta đã thấy rõ là quân đội Gruzia được xây dựng theo mô hình phương Tây về khách quan là hiện đại hơn từ góc độ trang bị kỹ thuật, - ông Pukhov nói thêm. - Họ đã không thể hiện được mình là  những người lính giỏi nên họ thất bại. Nhưng liên lạc chiến thuật của quân đội Gruzia tốt hơn nhiều, trang bị cá nhân cũng tốt hơn. Chẳng hạn, trong quân đội Gruzia, số bị thương nhiều hơn, song số bị chết ít hơn”.

Máy bay không người lái (UAV), tàu chiến và xe thiết giáp

Theo báo cáo của TsAST, Nga cảm thấy nhu cầu trước hết đối với các UAV hiện đại, tàu chiến kiều Mistral và xe thiết giáp nhẹ. 

Trong 2 năm tới, Nga sẽ ký hợp đồng trị giá ước tính 300 triệu Euro với Israel để sản xuất UAV.

“Việc lựa chọn nhà sản xuất diễn ra đơn giản - chỉ trong số 2 công ty Israel là Elbit Systems và IAI (Israel Aerospace Industries). 
Nga sẽ mua UAV của nhà sản xuất nổi tiếng nhất thế giới là Israel (Israel Aerospace Industries)
 Elbit Systems được biết đến với việc bán lại các công nghệ quân sự, trong đó có cho Gruzia. Bởi vậy, lựa chọn nghiêng về IAI”, - ông Pukhov nói.

Ông cũng cho biết, Israel đang sản xuất các loại UAV tốt nhất, không có đối thủ trên thế giới, mà cả Mỹ và các nước EU cũng phải mua.

Các tàu sân bay trực thăng Mistral của Pháp mà Nga muốn mua theo các chuyên gia cũng vượt trội so với sản phẩm của Nga.

Hợp đồng này đề cập đến 4 tàu lớp Mistral sẽ được đóng tại các xưởng đóng tàu khác nhau. Dự kiến, chiếc đầu tiên sẽ được đóng tại xưởng đóng tàu của công STX ở Pháp, chiếc thứ hai tại xưởng đóng tàu của công STX ở Nga, 2 chiếc còn lại đóng theo giấy phép tại các nhà máy đóng tàu của Nga.
 
Tàu chiến lớp Mistral - mơ ước cháy bỏng của Bộ Quốc phòng Nga (Naval Technology)

Việc hợp đồng mua tàu Mistral gần như đã được ký kết đã được gián tiêps xác nhận sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nga Vladimir Putin và TT Pháp Nicolas Sarkozy ở Paris. Kết quả đàm phán ngày 11.6.2010 là việc Putin quyết định thành lập nhóm công tác về các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu chiến.

“Ý tưởng gây tranh cãi hơn là mua xe thiết giáp nhẹ. Vấn đề là các thử nghiệm thống nhất các xe của Nga và của nước ngoài mà chúng ta định mua không được tiến hành nên các chuyên gia có ý kiến khác nhau về vấn đề này”.
Iveco M65E sẽ được KamAZ lắp ráp tại Nga (onwar.eu)


Tuy vậy, theo báo cáo của TsAST, Nga dự định mua gần 3.000 xe ô tô bọc thép M65E của nhà sản xuất Italia Iveco và chúng sẽ được lắp ráp tại các nhà máy của KamAZ. Công ty Nga xác nhận có việc đàm phán với Iveco, nhưng hiện chưa có thỏa thuận.
 
Nga bỏ rơi Iran vì các nhà cung cấp vũ khí châu Âu (reza64.mihanblog.com)
Nga bỏ rơi Iran để đổi lấy quan hệ đối tác với phương Tây

Báo cáo khẳng định rằng, đa số các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài tiềm năng cho Nga là các nước EU và NATO. Đồng thời, ông Pukhov không cho rằng, tư cách thành viên NATO có thể cản trở các cuộc đàm phán.

“Một là, đàm phán với chúng ta là các nước “châu Âu cũ” có thái độ thân thiện với chúng ta chứ không phải như Ba Lan hay Estonia. Ngoài ra, khi đàm phán về một hợp đồng quân sự đã bắt đầu thì việc bất ngờ ngừng đàm phán lại vì lý do chính trị hay các lý do khác gây tổn hại lớn về hình ảnh”, - ông Pukhov nêu ý kiến. 
 

Ví dụ như đã xảy ra khi Nga và Iran đàm phán về S-300 mà Moskva đã đóng băng do áp lực của các đối tác phương Tây, trước hết là Mỹ, ông Pukhov khẳng định.

“Người ta nói với Moskva rằng, nếu muốn tiếp tục hợp tác với Washington thì phải chấm dứt đàm phán về S-300. Và Nga đã đồng ý - điều đó đã trở nên rõ ràng sau khi Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt Iran của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 9.6”, - ông Pukhov nói thêm.

  • Nguồn: Gzt, 11. 6.2010.

Print Print E-mail Print