VietnamDefence -
Ngày 19.1.2010, tờ báo Trung Quốc China National Aero (tên dịch sang tiếng Anh) đã đăng một bài báo về máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới PAK DA (hệ thống máy bay tầm xa tương lai) đang được Nga phát triển.
…Cuối năm 2009, báo chí Nga đưa tin Viện OKB Tupolev dự định phát triển máy bay ném bom thế hệ mới trước năm 2017 và dự kiến đưa vào sản xuất loạt vào năm 2020-2025.
Theo kế hoạch, việc thiết kế máy bay phải hoàn thành vào năm 2012, chế tạo mẫu chế thử vào năm 2017, phát triển đầy đủ các hệ thống thiết bị trên khoang vào năm 2020-2025.
Chương trình có tên chính thức là PAK DA và có liên hệ chặt chẽ với chương trình phát triển máy bay tiêm kích chiến thuật tương lai PAK FA. Chương trình chế tạo PAK FA đang nằm ở trung tâm sự chú ý của cộng đồng thế giới.
Lịch sử phát triển của PAK DA
Trong thập niên 1990, Tư lệnh Không quân tầm xa (không quân chiến lược) Nga, tướng Deinekin đã nói ông hy vọng chế tạo một loại máy bay ném bom mới, rẻ hơn để thay thế các máy bay Tu-22М và Tu-160. Có thể, tướng Deinekin muốn nói đến “Dự án 54S” từng bị hủy bỏ năm 1991 và người ta định phục hồi vào năm 1994. Công bằng mà nói thì đây thực sự là một dự án có tính cách mạng, nhưng nó sẽ không thể thay thế Tu-160.
Năm 1999, Nga bắt đầu phát triển một loại máy bay ném bom mới để thay thế các máy bay mang tên lửa hạng nặng Tu-95MS và Tu-160, nhưng lúc đó cũng có những kế hoạch phi thực tế nhằm thay thế máy bay cấp chiến lược bằng một máy bay ném bom hạng trung. Theo dự án này, mẫu chế thử dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng việc này đã không làm được vì không có động cơ lực đẩy 20 tấn kiểu AL-41.
“Máy bay ném bom hạng trung” là gì? Có phải là máy bay dạng Su-34 hay Tu-22М? Trước đây, chủng loại máy bay này được xác định rất rõ - Tu-16, Tu-22, Tu-22М và В-58. Tầm bay của các máy bay ném bom này đạt 7000 km. Máy bay ném bom chiến lược có tầm bay không dưới 12000 km, ví dụ, Tu-160 có thể bay 14000 km.
Dự kiến, PAK DA có thể sử dụng các đường băng hiện có thích hợp cho Tu-22М. Chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2017-2021, đến trước năm 2027 có thể chế tạo khoảng 100 chiếc (10-12 chiếc/năm, tức 1 chiếc/tháng).
Có thông tin khẳng định PAK DA sẽ được chế tạo theo hướng như Tu-160. Các viện thiết kế Mikoyan, Sukhoi và Tupolev đều có các thiết kế dự thi. Viện MiG đưa ra thiết kế máy bay ném bom siêu vượt âm, Viện Sukhoi đưa ra máy bay dựa trên “một thiết kế hiện có”, OKB A.N. Tupolev đưa ra thiết kế máy bay có cánh dạng hình học thay đổi và trọng lượng nhỏ hơn 2 lần so với Tu-160. Nhiều khả năng, thiết kế của Viện Tupolev sẽ giành chiến thắng.
Có thông tin khẳng định PAK DA sẽ có trọng lượng cất cánh tối đa 125 tấn, tốc độ hành trình siêu âm, tốc độ tối đa 1,5-2M, mức trang bị sức kéo bằng 0,5. Như vậy, PAK DA sẽ phải có 2 động cơ x 31000 kgf lực đẩy. Nhưng vấn đề là ở chỗ, Nga hiện không có các động cơ có lực đẩy như vậy, nên một số chuyên gia phỏng đoán, PAK DA có thể được lắp 4 động cơ 117S x 15500 kg lực đẩy vốn được chế tạo cho máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA. Ưu điểm của giải pháp này là việc tiêu chuẩn hóa cao về động cơ giữa các máy bay tương lai PAK DA và PAK FA.
Hiện nay, động cơ 117S được lắp cho máy bay Su-35. Mức tiêu thụ nhiên liệu của động cơ này là 1,25 kg/km, và nếu như PAK DA có hình dáng khí động tốt và các công nghệ mới, mức tiêu thụ nhiên liệu có thể sẽ giảm xuống còn 1 kg/km.
Hệ thống động lực gồm 4 động cơ cải tiến sẽ cho phép PAK DA (trọng lượng nhiên liệu bên trong là 50 tấn) đạt tầm bay 12500 km.
PAK DA có thể mang các tên lửa hành trình chiến lược КН-101 mang đầu đạn hạt nhân hoặc КН-102 mang đầu đạn thông thường. КN-101 có trọng lượng 2200-2400 kg, phần chiến đấu nặng 400 kg và tầm bắn tối đa 5000-5500 km.
- Nguồn: whnews.cn; MP, 26.01.10.