Vietnamdefence.com

 

J-10 chuẩn bị nhảy vào thị trường thế giới

VietnamDefence - Ẩn mình trong màn bí mật kể từ ngày thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1998, máy bay tiêm kích J-10 của tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô (Chengdu Aircraft Corp) của Trung Quốc đã quyết định bước ra thị trường máy bay quân sự thế giới.

Máy bay tiêm kích đa năng J-10

Sau một lịch sử phát triển từ những năm 1960 và 5 năm có mặt trong trang bị của không quân Trung Quốc, J-10 có thể xuất hiện trên thị trường sau năm 2010 và có thể cạnh tranh với máy bay chiến đấu đa năng F-16 Block 60 của công ty Mỹ Lockheed Martin vì có giá rẻ hơn 2 lần.

Theo tướng Ho Weirong, phó tư lệnh không quân Trung Quốc, J-10 có tính năng chiến đấu tương đương F-16, có thể mang 6 tấn vũ khí trên 11 điểm treo và cự ly chạy đã cất cánh chỉ là 350 m.

Hiện tại, không quân Trung Quốc được cho là có khoảng 150 máy bay tiêm kích J-10. Trung Quốc đã mua 300-400 động cơ AL-31FN do công ty Salyut của Nga sản xuất (lực đẩy 12,7 tấn).

Pakistan, nước đã tiếp nhận công nghệ vũ khí hạt nhân và nhiều thế hệ vũ khí thông thường của Trung Quốc, sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua máy bay tiêm kích này.

Thông tin từ Pakistan cho phép kết luận rằng, nước này đã mua 36 máy bay tiêm kích J-10 trị giá 1,4 tỷ USD, tức là gần 40 triệu USD/chiếc (không rõ khoản tiền này có bao gồm tiền phụ tùng, hậu cần kỹ thuật và đào tạo nhân lực hay không). Máy bay tiêm kích F-16C Block 60 được trang bị radar anten mạng pha chủ động AN/APG-80 đã được bán cho không quân Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất với đơn giá gần 80 triệu USD.

Pakistan có thể mua 70-150 máy bay tiêm kích J-10. Không quân nước này đã sử dụng máy bay tiêm kích F-16 từ năm 1982 và đang chờ nhận lô 18 chiếc F-16C/D Block 52 đầu tiên trong tổng số 36 chiếc đã đặt mua). Các nguồn tin Pakistan cho hay, J-10 sẽ không được Pakistan cùng sản xuất với Trung Quốc. Có tin nói rằng, Iran, Myanmar và Philippines quan tâm đến việc mua J-10.

J-10

Trung Quốc chưa công bố chính thức tính năng của J-10. Tuy vậy, mới đây báo chí Trung Quốc đưa thông tin sau về J-10: dài 16,43 m; sải cánh 8,78 hoặc 9,5 m; trọng lượng cất cánh tối đa 19227 kg; tải trọng chiến đấu tối đa 7000 kg; bán kính chiến đấu 1100 km; tốc độ tối đa 2М, khả năng cơ động đến 9 g.

Bất chấp câu chuyện về sự trợ giúp thiết kế của Israel và Nga, cùng sự phụ thuộc vào động cơ của hãng Salyut (Nga), Trung Quốc vẫn quảng cáo J-10 là sản phẩm do họ tự lực chế tạo. Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập không quân Trung Quốc (11.2009), J-10 đã tham gia bay biểu diễn và một chiếc J-10 và 1 maket 2 chỗ ngồi to như thật được trưng bày tại bảo tàng hàng không Trung Quốc.

Ngoài giá cả, điều khiến J-10 trở nên hấp dẫn là thiết bị điện tử và các hệ thống vũ khí có sức cạnh tranh. Tháng 1.2009, trên Internet xuất hiện các bức ảnh chụp biến thể mới nhất J-10B (Pakistan gọi là FC-20) sử dụng các bộ hút khí với cấu trúc “hành trình siêu âm” giống như của máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ.

Phần mũi được sửa đổi, nhiều khả năng máy bay được lắp radar với anten mạng pha chủ động cố định, đặt chếch lên trên, một hệ thống sục sạo và bám hồng ngoại ở phía trước kính chắn gió. Nếu tất cả điều này là đúng thì những bức ảnh này cho thấy sự tiến bộ lớn của kỹ thuật radar Trung Quốc và nó có thể biến J-10  thành một đối thủ nặng ký đối với các máy bay tiêm kích thế hệ 4+ của phương Tây và Nga. Trong buồng lái máy bay có đặt 3 màn hình chiến thuật đa năng và bộ hiển thị trên mặt kính chính diện.

J-10

J-10 có 11 điểm treo vũ khí, trong đó có 5 điểm ở dưới thân. Vũ khí chính của J-10 là tên lửa không-đối-không tầm trung (70 km) PL-12 do công ty Luoyang phát triển, sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động. Tổng số tên lửa PL-12 có thể treo trên J-10 có thể lên tới 8 quả.

Máy bay còn được trang bị tên lửa không-đối-không tầm ngắn PL-8 (sao chép tên lửa Python-3 của Israel), cũng như biến thể cải tiến của PL-8 có tên gọi là PL-9, đều ngắm bắn bằng hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ bay. Sắp tới, các phi công J-10 có thể được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu gắn trên mũ bay hiện đại hơn, còn máy bay tiêm kích này thì được trang bị tên lửa không-đối-không thể hệ 5.

Thành công của J-10 trên thị trường thế giới sẽ phụ thuộc vào khả năng của Trung Quốc sản xuất các động cơ turbine quạt tin cậy. Từ giữa thập niên 1980, tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương đang phát triển động cơ WS-10A Taihang  có lực đẩy 13,2 tấn. Trong khi đó, các nguồn tin Nga nói rằng, các chương trình phát triển động cơ của Trung Quốc đang gặp những khó khăn nghiêm trọng.

Tập đoàn Thành Đô có thể cũng đang tiến hành chương trình động cơ turbine quạt tiên tiến cạnh tranh Huashan mà một số nguồn tin Trung Quốc cho biết động cơ này dựa trên việc tập đoàn Thành Đô mua tài liệu kỹ thuật và quyền bán động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực R-79 của Viện thiết kế (KB) Tumansky R-79 vốn được phát triển cho máy bay tiêm kích siêu âm cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-141.

Các nguồn tin Nga cũng tin rằng, Trung Quốc vẫn muốn mua loại biến thể mạnh hơn của động cơ AL-31FN với lực đẩy 13,5 tấn và cuối cùng là các biến thể có lực đẩy 15 tấn. 
  

J-10 tại Bảo tàng hàng không TQ

Tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô vẫn đang phát triển biến thể trên hạm của J-10.  Năm 2009, có tin một phi công thử nghiệm đã nói rằng, các vụ thử nghiệm mô phỏng trên mặt đất cho thấy khả năng sử dụng J-10 từ boong tàu sân bay.

  • Nguồn: Chinese Chengdu J-10 Emerges / Richard Fisher, Jr. // Aviation Week, 14.1.10; MP, 9.11.09, 16.01.10.

Print Print E-mail Print