Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ tạm dừng mua MiG-29K?

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định tạm dừng chương trình mua sắm tiêm kích trên hạm MiG-29K/KUB sau tai nạn của chiếc MiG-29KUB ở Nga ngày 23.6.2011, Defense News ngày 29.6 đưa tin. Tuy nhiên, RIA Novosti dẫn lời Tư lệnh Hải quân Ấn Độ lại phủ định thông tin trên.

MiG-29К (migavia.ru)

Ấn Độ đã mua từ Nga tổng cộng 45 máy bay loại này, trị giá 2,15 tỷ USD và dự định mua thêm một số nữa, nhưng việc đàm phán chưa được bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đề nghị Nga cung cấp báo cáo điều tra nguyên nhân vụ tai nạn chiếc MiG-29KUB chế tạo theo đơn đặt hàng của Ấn Độ để có cơ sở ra quyết định dừng bay hay cho tiếp tục bay các máy bay loại này được chuyển giao trước đó.

Theo Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Nirmal Verma, phía Ấn Độ muốn có các thông tin giải thích từ phía nhà sản xuất RSK MiG, bởi vì chiếc máy bay rơi vẫn thuộc sở hữu của hãng này và do các phi công Nga điều khiển.

Hiện chưa có câu trả lời liệu có những nguyên nhân kỹ thuật để chấm dứt bay, song khi cần Ấn Độ sẽ tạm dừng khai thác loại máy bay này. Hải quân Ấn Độ hiện có trong trang bị 5 chiếc MiG-29К và sắp tới chúng có thể bị tạm dừng bay.

Theo các nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ, vấn đề mua thêm MiG-29K/KUB hiện chưa được xem xét vì Ấn Độ muốn chờ kết quả điều tra tai nạn của chiếc MiG-29КUB. Sau đó, họ sẽ quyết định việc mua tiếp các máy bay này.

Theo Đô đốc N. Verma, một nhóm chuyên gia Hải quân Ấn Độ đã tới RSK MiG và nếu phát hiện ra các vấn đề kỹ thuật, các máy bay MiG-29К sẽ bị dừng bay.

Hãng RIA Novosti dẫn lời Đô đốc N. Verma hôm 29.6.2011: "Các kế hoạch của chúng tôi về việc mua sắm (MiG-29K) không thay đổi". Theo ông, phía Nga đã thông báo cho Hải quân Ấn Độ rằng, tổ lái chiếc MiG-29KUB gặp nạn khi thực hiện chuyến bay định mệnh đã thực hiện một thao tác cơ động phức tạp ở tốc độ siêu âm. "Chúng tôi được thông báo là nguyên nhân (tai nạn) không phải ở kỹ thuật mà ở yếu tố con người", ông Verma cho biết.

Chiếc MiG-29KUB bị rơi ở Nga cách Akhtubinsk 43 km vào ngày 23.6 khi bay thử trong khuôn khổ hợp đồng bán 16 chiếc tiêm kích cho Hải quân Ấn Độ để triển khai trên tàu sân bay Vikramaditya (tàu Đô đốc Gorshkov trước đây, đang được hiện đại hóa ở Nga). Vụ tai nạn làm cả 2 phi công thiệt mạng. Nga hiện đã dừng bay đối với tất cả các máy bay MiG-29.

Lợi dụng vụ tai nạn này, nhiều báo chí phương Tây đã loan tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã dừng chương trình mua sắm MiG-29K/KUB.

2 chiếc MiG-29K của Hải quân Ấn Độ đang bay tại Goa (Defense News)

Tháng 1.2004, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 16 MiG-29K, trong đó có 4 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-29KUB, trị giá 650 triệu USD, trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD về chuyển giao và hiện đại hóa tàu sân bay Đô đốc Gorshkov. Hợp đồng cũng bao hàm việc cung cấp phụ tùng, thiết bị huấn luyện, đào tạo phi công và kỹ thuật viên, tổ chức bảo dưỡng vật chất-kỹ thuật cho máy bay tại Ấn Độ. Hợp đồng còn có điều khoản về khả năng mua thêm 30 chiếc MiG-29 đến năm 2015.

4 chiếc MiG-29К đầu tiên ở dạng tháo rời đã được chuyển đến Ấn Độ vào tháng 12.2009. Hải quân Ấn Độ hiện sử dụng 5 chiếc (có thông tin là 4 chiếc đã nhận vào biên chế + 2 chiếc đang lắp ráp tại căn cứ Hansa, bang Goa, Ấn Độ).

Tháng 2.2010, MiG-29K/KUB chính thức được nhận vào trang bị của Hải quân Ấn Độ.

Tháng 3.2010, Ủy ban của chính phủ Ấn Độ đã chuẩn chi 1,5 tỷ USD mua thêm 29 MiG-29К để trang bị cho tàu sân bay đầu tiên Vikrant cỡ 37.500 của Ấn Độ, đang đóng.

Dự kiến, Nga bắt đầu chuyển giao lô MiG-29K thứ hai vào năm 2012.

Trong tương lai dài hạn, Hải quân Ấn Độ dự định đóng thêm 3 tàu sân bay, song chưa rõ chúng sẽ được trang bị loại máy bay nào.

Tiêm kích trên hạm MiG-29K (1 chỗ ngồi) và MiG-29KUB (2 chỗ ngồi) là máy bay đa năng thế hệ 4++, có thể làm nhiều nhiệm vụ (giành ưu thế trên không, phòng không cho binh đoàn tàu, tiêu diệt mục tiêu mặt nước, mặt đất) bất kể ngày đêm và trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Tiêm kích thử nghiệm MiG-29K/KUB thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1.2007. Chiếc máy bay sản xuất loạt lần đầu tiên cất cánh vào tháng 3.2008.

Tuy có bề ngoài tương đồng, MiG-29K có trọng lượng lớn hơn 30 % so với MiG-29B của Không quân Ấn Độ. MiG-29K sẽ được trang bị các tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn thẳng, tên lửa chống hạm có điều khiển, rocket, bom và 1 pháo 30 mm. Dự trữ bay của MiG-29K/KUB tăng hươn gấp đôi, chi phí giờ bay giảm gần 2,5 lần.

MiG-29K có các tính năng kỹ thuật và khai thác tốt hơn, độ tin cậy cao hơn. Hệ thống avionics của máy bay có cấu trúc mở. Radar trên khoang đa năng, đa chế độ Zhuk-ME cho phép bám đến 10 mục tiêu và tấn công đồng thời 4 mục tiêu trong số đó.

Máy bay có khung thân cải tiến, sử dụng các vật liệu composite, có độ bộc lộ radar nhỏ và tải trọng chiến đấu lớn hơn, các thùng nhiên liệu dung tích lớn hơn và hệ thống tiếp dầu trên không, hệ thống gấp cánh cải tiến, hệ thống điều khiển điện từ xa kỹ thuật số kiểu tứ trùng.
MiG-29К được trang bị cơ cấu hãm để hạ cánh trên tàu sân bay và có bộ càng gia cường, cánh gấp và lớp phủ đặc biệt chống tác động ăn mòn của nước biển.


Ngoài ra, theo một hợp đồng hiện có giữa Nga và Ấn Độ, Nga sẽ hiện đại hóa 65 MiG-29 của Không quân Ấn Độ. Hợp đồng được ký vào năm 2008, trị giá 850 triệu USD. Sau khi hiện đại hóa, MiG-29 sẽ được trang bị hệ thống avionics và các hệ thống trên khoang mới.

Theo số liệu của Rosoboronoexport, mặt hàng vũ khí bán chạy nhất của Nga là máy bay, chiếm khoảng 50% tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí. Trong đó, được tiêu thụ nhiều nhất là tiêm kích Su-30МК và MiG-29 với các khách hàng là Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria, Venezuela, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Ethiopia, Sudan, Bangladesh, Eritrea. Tuy nhiên, một phần lớn vũ khí Nga được bán cho Ấn Độ.

  • Nguồn: Lenta, Armstrade, Defense News, RIA Novosti, VZ, 29.6.2011.

Print Print E-mail Print