Vietnamdefence.com

 

Hệ thống bảo vệ trực thăng chống tên lửa phòng không vác vai Prezident-S của Nga

VietnamDefence - Nga lần đầu tiên trưng bày công khai hệ thống phòng vệ tích cực có tính cách mạng cho trực thăng chống tất cả các loại tên lửa phòng không mang vác hiện đại President-S. Đây là một sự kiện chấn động tại Triển lãm quốc tế vũ khí và kỹ thuật quân sự Eurosatory-2010 khai mạc tại Paris ngày 14.6.10.

Đôi lời về lịch sử

Sự xuất hiện của tên lửa phòng không vác vai đã thay đổi tận gốc tương quan lực lượng trên chiến trường mặt đất. Vào giữa thập niên 1960, các máy bay cường kích và trực thăng chiến đấu đã có thể đánh phá thoải mái không chỉ phía sau các đơn vị lâm chiến mà còn tung hoành ngay cả trên chiến trường. Pháo phòng không có nòng dẫu sao vẫn có hiệu quả thấp, còn tên lửa phòng không thông thường thì bất lực với độ cao nhỏ.

Nhưng cuối thập kỷ 1960, tình thế đã bắt đầu thay đổi. Trước hết là Mỹ, không lâu sau là Liên Xô đã chế tạo được các hệ thống vũ khí vác vai bắn các tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại.

Các tên lửa phản ứng với nguồn nhiệt phát ra từ các động cơ máy bay và bắn chính xác vào mục tiêu.
Tháng 11-12.1969, quân đội Ai Cập và Syria đã bắn rơi gần 20 trực thăng và máy bay Israel. Đây thực sự là cú sốc mãnh liệt đối với Không quân Israel vốn chưa từng bao giờ chịu tổn thất lớn như vậy trong thời gian ngắn đến thế.

Sau đó, Mỹ còn bị choáng hơn nhiều khi dùng vũ lực để đưa Việt Nam đến với các giá trị Mỹ. Không quân Mỹ đã mất trên bầu trời Việt Nam hơn 200 máy bay và trực thăng bởi hỏa lực tên lửa phòng không mang vác Liên Xô.

Dĩ nhiên là người ta bắt đầu tìm cách bảo vệ máy bay chống các đầu tự dẫn hồng ngoại. Họ đề xuất lắp cho tất cả các máy bay các loại mồi bẫy nhiệt (mục tiêu nhiệt giả) mà khi được bắn ra sẽ tạo ra quanh máy bay/trực thăng một màn nhiệt đánh lừa tên lửa phòng không.

Ban đầu, các phòng vệ này thực sự rất hiệu quả nên tất cả các máy bay chiến đấu trên thế giới đã được trang bị loại mồi bẫy nhiệt bắn ra này. Thật không may cho máy bay chiến đấu là các tên lửa hiện đại không hề phản ứng với ánh sáng chói và màn chắn nhiệt của các mồi bẫy này. Chúng đã trở nên “thông minh hơn”, hệ dẫn của chúng lập tức tiến hành lọc các mục tiêu mới và lái tên lửa đuổi theo đốm nhiệt đang bay ra xa chứ không phải đốm nhiệt tuy là rất sáng, song phát sáng và quay tròng tại chỗ.

Tại Afghanistan, các trực thăng Liên Xô từng bắn tá lả hết phải rồi trái các mồi bẫy nhiệt nhưng vẫn hứng chịu tổn thất không nhỏ chính bởi tên lửa phòng không vác vai. Còn khi phiến quân bắt đầu có tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ thì bay ở vùng núi Afghanistan trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Tổn thất nặng nề nhất bởi tên lửa phòng không vác vai quân đội Nga đã hứng chịu trong chiến tranh ở Chechnya. Tháng 8.2002, tại khu vực sân bay Khankala, ngay trước mắt nhiều người, 1 quả tên lửa Igla-1M đã bắn trúng động cơ 1 trực thăng Mi-26 vận tải hạng nặng đang hạ cánh làm chết một lúc 115 người.

Chỉ sau thảm kịch này, các kỹ sư Nga mới suy tính cách thức mới bảo vệ trực thăng và máy bay cường kích. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó. Các hãng hàng đầu của Tây Âu và Mỹ đã hoài công tìm cách giải quyết nhiệm vụ này trong hơn 10 năm trời. Xem chừng đây là nhiệm vụ quá sức đối với Nga.

Thành công bất ngờ

Tham gia nghiên cứu đề tài này có các hãng: Trung tâm KHKT Reagent ở Moskva, Viện thiết kế đặc biệt (SKB) Zenit và Trung tâm KHKT Elins đều ở Zelenograd, nhà thầu chính là Viện KHKT Ekran ở Samara. Việc giải quyết vấn đề mà chưa nước nào trên thế giới làm nổi là cực kỳ khó khăn.

Ông Aleksandr Ivanovich Kobzar, Tổng giám đốc của Zenit, hãng chịu trách nhiệm phát triển bộ phận cốt lõi của hệ thống là bộ phát xạ của hệ thống chế áp quang-điện tử đã trải qua mấy lần nhồi máu rất nặng, nhưng ông vẫn trụ lại và biến những ý tưởng như hoang tưởng thành thiết bị.

Năm 2009, hệ thống President-S đã được lắp ráp ở dạng cuối cùng và được thử nghiệm đầy đủ. Người ta đã dùng hệ thống tên lửa phòng không vác vai hiện đại nhất thế giới Igla bắn vào các mô hình nhiệt mục tiêu bay được bảo vệ bằng President-S.

Sơ đồ bố trí của mẫu cơ sở hệ thống President-S trên trực thăng tiến công Ka-50
(1) Thiết bị điều khiển; (2) Trạm chế áp quang-điện tử; (3) Thiết bị phát hiện chiếu xạ laser;
(4) Thiết bị cự tím phát hiện phóng tên lửa; (5) Thiết bị phóng thả mồi bẫy nhiệt.

Sau khi President-S được bật lên, tất cả các tên lửa bắn đến đều bị chệch sang một bên mục tiêu và tự hủy.

Người ta cũng bắn tên lửa vào 1 trực thăng Mi-8 “thật”. Chiếc trực thăng được đặt trên một chòi đặc biệt trên núi cao. Các động cơ được bật hết công suất, tức là phát nhiệt tối đa. Tên lửa được bắn gần như trực diện từ cự ly 1.000 m vào trực thăng. Nhưng tất cả các tên lửa Igla bắn đến đều bị dẫn xa khỏi trực thăng. Đây là thắng lợi rực rỡ của các công trình sư thiết kế một hệ thống bảo đảm bảo vệ tích cực các trực thăng chống tất cả các loại tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại.

Trước đây, Liên Xô đã tiến hành các vụ thử so sánh tên lửa Stinger chiến lợi phẩm ở Afghanistan và Igla của Liên Xô.  Igla cho thấy tính năng tốt hơn Stinger của Mỹ. Một khi Igla đã bắn trượt mục tiêu thì tất cả các trực thăng được lắp President-S chắc chắn an toàn trước Stinger. Giai đoạn tiếp theo - phát triển hệ thống bảo vệ máy bay cường kích chống tên lửa phòng không vác vai - đang được tiến hành tích cực.

Ông Aleksandr Kobzar cho biết, President-S hoạt động dựa trên việc bức xạ định hướng hẹp và điều biến một cách đặc biệt của loại đèn saphir đặc biệt. Trong hệ thống điều khiển của tên lửa xuất hiện hình ảnh ảo của mục tiêu mà “bộ não” điện tử của nó coi như là mục tiêu chính. Xuất hiện một thức hiện thực ảo quá mức thu hút tên lửa về phía mình.  Tên lửa lao đến không gian trống, nơi mà nó tự hủy vào thời điểm tính toán.  Dường như tất cả đều rất đơn giản, nhưng bài toán “đơn giản nhất” đó chưa ai trên thế giới giải được và đưa được vào sản xuất công nghiệp trừ Nga.

Hiện nay, President-S không chỉ đã vượt qua toàn bộ hệ thống các cuộc thử nghiệm quốc gia, mà còn được nhận vào trang bị và đưa vào sản xuất loạt. Theo lệnh của Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Aleksandr Zelin, thì không một chiếc trực thăng nào dùng để hoạt động tại các điểm nóng được nhận vào trang bị mà không được lắp hệ thống phòng vệ tích cực chống tên lửa phòng không vác vai.

Đây có lẽ là lần đầu tiên trong 20 năm qua, Nga không chỉ chào bán một hệ thống chiến đấu độc đáo mà đồng thời còn trang bị cho trực thăng của mình một hệ thống tối tân nhất.

Các trực thăng do hãng Rosoboronoexport xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng sẽ được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực.

President-S đã thu hút sự chú ý lớn của các đoàn từ các quốc gia khách hàng truyền thống của trực thăng Nga tại Eurosatory-2010.

  • Nguồn: CNews.ru; MP, RG, 15.6.10.

Print Print E-mail Print