Đại tá hải quân Tamon Yamaguchi lơ đễnh dùng hai ngón tay nhấc từ bàn viết lên một cuốn sách nhỏ bìa màu:
- Một việc làm tuyệt vời, xuất sắc, ngài Myazaki! Cần phải gửi điện mật cảm ơn về Tokyo...
- Xin ngài cho xem một chút, ngài Yamaguchi? - Myazaki nhổm dậy và nhận tận tay một bức thư vừa nhận được qua bưu điện ngoại giao.
Bên ngoài cửa sổ của phòng làm việc của tuỳ viên hải quân Nhật đã là đêm. Quầng sáng của các biển quảng cáo lười biếng và vô vọng chiếu lờ mờ trên mặt tiền của những ngôi nhà bên cạnh, từ sau tấm rèm dày vẳng đến tiếng còi văng vẳng của những chiếc ôtô muộn màng. Washington đang ngủ say giấc. Nhưng ở đây, trên tầng năm của toà nhà nhiều phòng sang trọng Alban Towers trên góc đại lộ Massachussetts và Wisconsin, cuộc sống vẫn chưa ngừng lại. Yamaguchi thuê hai phòng sát nhau. Ông ta sống không gia đình, biết và thích nấu các món ăn dân tộc, không lảng tránh các nhà ăn Nhật bé nhỏ. Ông ta thường bị bắt gặp ở quán “Long thuỷ đình” hoặc là ở quán “Kim Phật” nơi Yamaguchi tìm sự thư thái trong tĩnh lặng, thả mình vào những suy nghĩ triết học. Hôm nay, ông ở nhà cùng ăn tối với thiếu tá hải quân Toshio Myazaki và họ chỉ mới vừa chuyển sang phòng làm việc của chủ nhân.
- Đúng, ý tưởng ấy đáng được tán thưởng, - Myazaki ủng hộ ý kiến của xếp. - Nhưng nếu ngài cho phép, tôi muốn nói là trình độ nghệ thuật của cuốn sách nhỏ này có thể còn cao hơn nữa. Thị trường Mỹ không phải là của chúng ta, nơi mà người ta nuốt cả quả thối, kể cả hột...
Yamaguchi biết rằng, tay sĩ quan dưới quyền ông ta khá am hiểu nghệ thuật, có tiếng là một kẻ ham chuộng cái đẹp.
- Chúng ta phụng sự Thiên Hoàng, ngài Myazaki, - viên đại tá nói ngắn gọn. - Và mỗi người có bổn phận mang cống hiến của mình dâng lên ngài. Đó là cống hiến dưới mọi hình thức. Tôi tin hoạ sĩ đã làm cuốn sách này cũng đã cố đạt đến sự hoàn thiện, nhưng... Chẳng lẽ trong công việc của tôi và ngài, mọi thứ đều đúng với những tư tưởng cao siêu của Tokyo ư? Nhưng chúng ta đang đấu tranh không ngừng nghỉ và không khoan nhượng với đối phương và bằng cách đó làm chiến thắng đến gần. Phải thế không?
Myazaki đứng dậy và nghiêng đầu tuân phục. Sau đó, ông ta lại lật lại cuốn sách. Trong đó có nhiều tranh và ít chữ - mà lại đúng là cái mà các bạn nhỏ bé còn bám váy mẹ cần. Cái bưu phẩm giản đơn này chính là tính toán của các tác giả của nó: cuốn sách nhỏ trước hết phải đến được tay người lớn. Sau này được biết rằng, tác phẩm này đã là vật được chính tổng thống Mỹ Roosevelt cực kỳ chú ý. Mà chính xác hơn là một tranh vẽ trong cả đám những tranh vẽ khác.
Trên một trang đôi, hoạ sĩ vẽ một bản đồ địa lý màu cho học sinh và hai cậu bé. Một cậu bé được vẽ mặc quần áo thuỷ binh, còn cậu bé thứ hai thì đội chiếc mũ sắt bộ binh. Xoạc rộng đôi chân, tay đưa về phía mặt trời và ngoác rộng miệng, những cậu bé lính này đang đứng trên cả không gian Thái Bình Dương, từ Philippines đến San Francisco. Dòng chữ in gồm một số từ: “Bản đồ mới của đế quốc. Banzai!”
- Tôi cho là bọn Mỹ đã không lạ gì cái biểu tượng nhiều hứa hẹn này, - vừa rít thuốc, Yamaguchi nói. - Cần phải tán phát cuốn sách này.
- Tuân lệnh, thưa ngài đại tá! Họ đã hứa gửi đến số lượng in.
- Sau đó, tôi đề nghị ông, ông Myazaki, đi Los Angeles thuê ở đó một căn hộ và nắm tình hình ở bờ Tây... Tôi đã có thoả thuận sơ bộ với chính quyền Washington.
Toshio Myazaki nhướng mày ngạc nhiên và như một đấu sĩ bại trận trên đấu trường Colloseum của La Mã cổ đại đang hướng đôi mắt thảm hại với lời cầu khẩn tha thứ về phía ghế lô của hoàng đế, ông ta nhìn chằm chằm vị chỉ huy quan gián điệp. Ông ta rất không muốn thò ra khỏi cái ổ đã quen thuộc này để đến một một thành phố đầy khói và bốc mùi xú uế. Nhưng lập tức ánh mắt của ông ta tình cờ đập vào chiếc hộp thuốc lá bằng vàng của Yamaguchi mà ông này vừa lấy ra một điếu thuốc và châm hút. Phía trên góc bên trái trên bề mặt mặt nhẵn bóng có vẽ rõ nét biểu tượng hoàng gia của đất nước ông ta - mười bốn cánh hoa cúc đại đoá rực rỡ vây quanh mặt trời nhô lên (chỉ có chính Thiên Hoàng mới có biểu tượng với mười sáu cánh hoa).
Nhưng thế đã là đủ. Ông ta bỗng cảm thấy mình như một hạt cát bé nhỏ trong chiếc đồng hồ cát khổng lồ mà nó chỉ chạy đến lúc nào vị chúa tể còn chạm vào nó. Không có người ấy thì đồng hồ và thời gian đều chết lặng. Myazaki tràn đầy sự tôn kính, ngoan ngoãn đặt đôi tay được chămn chút cẩn thận ra phía trước người, trong tâm trí nghĩ là đang rạp mình trước Thiên Hoàng Hirohito, sau đó, hơi nhỏm dậy, cúi đầu trước chiếc hộp thuốc lá có vẽ biểu tượng của tổ quốc và vị chúa tể. Đối với Yamaguchi, kẻ đang chăm chú theo dõi vở kịch câm này, thậm chí còn có cảm tưởng là trong mắt của viên thuộc cấp loé lên ánh sáng phản chiếu của những cánh hoa của bông hoa mùa thu thiêng liêng của Nhật Bản. “Bây giờ thì có thể phái anh ta cả vào địa ngục, - Yamaguchi nghĩ.- Thôi, mọi sự đối với anh ta vẫn còn ở phía trước, cứ để anh ta cống hiến bằng đức tin và thực tế!”
Các hoạt động gián điệp của Myazaki còn kéo dài bao lâu nữa thì thật khó nói. Nhưng cái gì có bắt đầu thì cũng có kết thúc. Lúc thì vinh quang, lúc thì nhục nhã. Cơ quan phản gián của Hoa Kỳ không phải ngẫu nhiên khi cho theo dõi viên thiếu tá hải quân Nhật tò mò này. Khách quan mà nói thì đó là nhờ ngẫu nhiên.
Một lần, bác đánh cá kém may mắn W. Turrentine sống trong một căn nhà gỗ trên bờ biển, đã đến gặp các thuỷ binh trong cảng và yêu cầu được gặp chỉ huy. Terntain giải thích lộn xộn là gần chỗ anh ta ở có một cựu thuỷ thủ làm việc có kỳ hạn tên là Thomson. Khi hắn bị loại lên bờ, hắn bắt đầu lao vào rượu chè. Tiền thì không có. Nhưng hắn ta vẫn kiếm được mấy xu ở đâu đó để xoay được một vài suất rượu rum hay gin. Sau đó là lăn ra ngủ. Nhưng vào một ngày đẹp trời, Thomson mày râu nhẵn nhụi, thay sang đồ hải quân và biến mất. Buổi chiều, hắn trở về tỉnh táo và nói là chuẩn bị đi làm trở lại. Điều đó lặp lại mấy lần. Anh đánh cá nhận thấy Thomson trở về với những giấy tờ gì đó, giấu dưới tấm thảm chùi chân, còn buổi sáng thì mặc áo khoác dân sự mang chúng vào thành phố. Terntain bắt đầu từ từ theo dõi và... bắt gặp tay hàng xóm gặp một tên Nhật lùn nào đó, tay thuỷ thủ kia chào hỏi làm quen rồi đưa cho người đó cả đống giấy tờ.
Đối với phản gián hải quân Mỹ thì việc còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật - Thomson bị tạm giữ, còn Myazaki, kẻ đã nhận được từ Thomson những tài liệu đánh cắp trên các chiến hạm, vẫn tiếp tục đi dạo vẩn vơ như chẳng có chuyện gì. Hoá ra, Washington lo ngại đánh động viên thiếu tá Nhật vì hắn có những liên hệ lên đến tận các quan chức ngoại giao cao cấp nhất, làm điều đó có thể gây nên một vụ xì căng đan quốc tế. Thomson thì sau những cuộc tranh cãi dài dằng dặc giữa các cơ quan tư pháp, vụ của hắn được xem là một trong những vụ án đầu tiên về gián điệp nước ngoài ở Mỹ, đã bị kết án 15 năm tù. Myazaki biết được điều đó khi ông ta đã yên vị ở nhà, tại Tokyo. Ông ta có quyền miễn trừ ngoại giao mà...
Một điệp viên hẩm hiu khác của tình báo Nhật là thiếu tá hải quân Omai. Tên gián điệp này bị sập bẫy bởi khao khát không thể kìm nén được chung chạ với những con đàn bà “ngực trắng” thượng vàng hạ cám vào bất kỳ lúc nào, dù ngày hay đêm.
- Ông đã tự vặn cổ ông rồi, ông Omai ạ, - Yamaguchi quở mắng tay điệp viên của mình. - Hãy chấm dứt ngay những trò tình ái của ông đi hoặc tôi sẽ tống cổ ông khỏi đây trong vòng 24 giờ!
Omai đã sống khá lâu ở phương Tây (anh ta đã sinh ra và lớn lên ở đây) và khác với những người Nhật Bản nhẫn nhục, lặng lẽ ở tính cách ngang tàng, gàn bướng. Như Aristotel đã nói, “tính cách của chúng ta là kết quả lối sống của chúng ta”. Lúc này, hắn trở nên căm ghét nghề của mình.
- Mức lương của tôi, thưa ngài Yamaguchi, không cho phép tôi có ý kiến cá nhân về đạo đức của ngài. Nhưng chỉ một tên đầy tớ ngoan ngoãn của ngài là nên động đậy tay chân khi mà những chuyện thật tồi tệ nảy ra từ các cuộc phiêu lưu bí mật của ngài...
- Câm ngay! - Yamaguchi nổi trận lôi đình. - Tôi nghĩ là anh sẽ phải chia tay với đồng lương ấy thôi. Những suy nghĩ của anh quá thấp hèn và đểu cáng.
- Không thấp hơn cái bụng của con vịt đâu, - Omai cười gằn xấc xược ngắt lời.
Câu trả lời cuối cùng đã vượt quá sức chịu đựng của Yamaguchi.
- Thằng đểu, mày đã bị bắt! - ông hét lên lạc giọng.
- Kính chào ngài, có phải ngài đang ở trại lính đâu, - viên thiếu tá xoay gót giày và biến mất sau khung cửa.
Nhưng cuộc cãi lộn này không loạt ra ngoài tầm mắt của phản gián Mỹ vì trong tròng làm việc của Yamaguchi có cài các máy nghe lén.
Ban đêm, trong phòng khách sạn Continental, nơi Omai ở, hắn bị tiếng chuông điện thoại đánh thức dậy. Một giọng phụ nữ ngọt ngào rầm rì với vẻ lo lắng:
- Ông không ngủ ư?
Không hắn vẫn còn chưa ngủ. Giá như mà ngủ được! Tất cả đều khó chịu và tồi tệ đối với hắn. Mà một khi đã muốn tung hê tất cả thì những thái cực đối chọi nhau nhất cũng gặp được nhau. Hắn ta nhận ra giọng nói quen thuộc của một nữ ca sĩ nhà hàng mà hắn đã chung chạ một lần ở khách sạn này.
- Em đang ở tầng dưới, phòng 602. Anh xuống chứ?
Với Omai thì chả cần phải mời đến lần thứ hai. Còn lúc bình minh khi hắn trở về phòng mình, hắn đã thấy thiếu một tài liệu “tuyệt mật” - danh sách những câu hỏi Tokyo đang quan tâm. Vậy điệp viên này dự tính thu thập những tin tức gì? Chúng tôi xin dẫn ra một số câu hỏi. “Tình báo Mỹ có cơ cấu như thế nào? Làm gián điệp ở nước này bằng những phương tiện nào là tốt nhất? Ai trong số các sĩ quan hải quân Mỹ là có triển vọng nhất về khả năng giữ những chức vụ cao trong cuộc chiến tranh có thể xảy ra? Lý lịch của họ, những đặc tính thuần tuý con người của họ? Chiến thuật đánh đêm của các đơn vị hải quân Mỹ là như thế nào? Liệt kê các tín hiệu và các phương tiện nhận dạng tàu biển. Báo cáo tin tức về các chủ lực hạm và tuần dương hạm hiện có. Có chỗ để di chuyển vị trí các đội tàu không? Tinh thần và tư tưởng của binh lính hạm đội ra sao?” Sau đó, nhiệm vụ cụ thể được giao cho: “Tìm hiểu các tính năng của đạn pháo hạm 203 mm...”
Sau cú này, Omai đã nhận thức đầy đủ về điều đã xảy ra và những hậu quả đang đe doạ, hắn liền biến mất tăm. Yamaguchi không biết về vụ mất tài liệu “tuyệt mật” nên vẫn tiếp tục lệnh các điệp viên thực hiện nhiệm vụ. Mấy tuần trôi đi. Từ Tokyo bỗng có yêu cầu gửi đến: “Tại sao đến giờ vẫn chưa có tin về đạn pháo 203 mm”. Tên gián điệp từng trải và lạnh lùng như nghẹn thở. Trong đầu hắn đã mường tượng thấy cảnh ngày tận thế. Hắn không hiểu về mệnh lệnh này của Trung tâm. Tuy vậy, hắn cũng không hỏi lại cấp trên để khỏi để lộ sự thiếu hiểu biết của mình. Hắn quyết định: “Chúng ta sẽ vượt qua thôi, chúng ta sẽ qua khỏi khó khăn bằng sức mình”. Trước đó, người của hắn đã tiếp cận được pháo hạm 203 mm, bởi vậy bản chất vấn đề không đòi hỏi phải giải thích riêng gì nữa. Nhưng giao nhiệm vụ tìm hiểu tính năng đạn pháo cho ai bây giờ? Và lập tức Yamaguchi thoáng nảy ra ý nghĩ - Omai! Mà mắng mỏ tên háu gái đáng khinh chuyên tìm váy đàn bà này cũng chả có ý nghĩa gì. Cần phải hành động mà là phải ngay lập tức.
Người của Yamaguchi đã tuyển được anh công nhân Brown ở một nhà máy sản xuất đạn cho pháo tháp. Người đàn ông đông con với đồng lương eo hẹp và điều kiện sống nghèo túng này đã nhận lời làm mọi việc, kể cả việc nguy hiểm nhất. “Cái đói là người đầu bếp tốt nhất, nó khiến người ta cảm ơn kể từ hớp canh ôi thiu nhất, - Brown mệt mỏi thốt lên và nói thêm: - Đối với tôi thì cũng như nhau cả thôi, đều chỉ là cái tròng cả”.
Người Nhật rất vội vã và thậm chí không tranh thủ kiểm tra, điều tra nghiệp vụ đối với Brown và chính anh ta là một điệp viên lão luyện mà người Mỹ đã gài cho “những ông bạn” của họ... Câu chuyện kết thúc với việc Yamaguchi hài lòng với thành công nên đã trả ngay cho điệp viên người Mỹ 600 đô la tiền mặt để lấy cái “tài liệu” không đáng giá một xu.
Thế đấy, trong trò chơi thông minh này, nơi mà những người Nhật thận trọng và đa nghi còn bị dắt mũi một thời gian nữa và phản gián Mỹ đã đưa ra sân khấu một điệp viên hai mang. Thời đó thì điệp vụ này bị coi là khác thường, mặc dù những thủ đoạn tương tự thường chỉ các tình báo viên kinh nghiệm hơn mới dùng.
Hết ngày này qua tháng khác, Yamaguchi tiếp tục mở rộng lưới gián điệp của mình từ New York cho đến tận các bang cực Tây nước Mỹ. Ông ta cài người vào cả các văn phòng du lịch Nhật Bản, cả vào công ty buôn bán tơ tằm và nhiều hãng nhỏ của Nhật khác. Ông ta vẫn sống độc thân như trước, còn trong những giờ ban đêm yên tĩnh ông ta nghỉ ngơi bằng cách đọc những cuốn sách Nhật ngợi ca “quá khứ hào hùng” của Nhật Bản. Yamaguchi đặc biệt say mê nghiên cứu Yoga, các giáo phái Phật giáo, các “thuyết” huyền bí. Ông ta mang sang Mỹ một thư viện nhỏ những sách vở yêu thích mà ông có thể đọc đi đọc lại hàng chục lần; ông cũng mua một số sách tiếng Anh ở Washington.
Trong các cuộc trò chuyện với trợ lý Kato của mình, viên đại tá hải quân thường hút thuốc nhiều và chìm vào những suy tư triết học. Thực ra những cuộc gặp này làm người ta liên tưởng đến một nhà hát của một diễn viên ba hoa là Yamaguchi.
- Truyền đạt những hiểu biết cá nhân, những quan sát, và cuối cùng là kinh nghiệm cho người khác bằng ngôn ngữ và nghệ thuật hội hoạ (lúc này, ông ta dùng ngón trỏ chỉ ngọn núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết) có nghĩa là gì, - ông ta đặt câu hỏi, nhìn ngang qua Kato lên bức tranh quả núi thiêng Phú Sĩ treo dưới trần, - có nghĩa là gì? Một mặt, điều đó có nghĩa là làm giàu về đạo đức, tinh thần, khoa học cho đối tác của mình, mặt khác là nhận thức sự vĩ đại của bản thân, cái “tôi” của mình.
- Hôm nay, tôi sẵn lòng chia xẻ với ông, ông Kato ạ, những hiểu biết khiêm tốn của tôi trong lĩnh vực ít được nghiên cứu nhất, bí ẩn và trước đây chưa tồn tại ở Nhật Bản sekta Phật giáo Yamabushi. Ông hãy chú ý: sự khao khát không thể chế ngự vươn tới cái phi thường, sự cảm thấy trước điều thần kỳ nằm trong bản chất con người. - Và Yamaguchi, sau khi lên lưng con ngựa của mình, đã bắt đầu kể chuyện.
Yamabushi là những chiến binh sơn cước, đó đã không phải là giáo phái mà là một hội đoàn của các nhà sư. Nó xuất hiện nghe đâu vào khoảng thế kỷ IX. Các thành viên của nó tập Yoga, võ nghệ, tụng kinh và truyền đạt những kiến thức của mình cho những gián điệp của thời xa xưa ấy - các ninja. Yamabushi sống trong núi và chỉ vào những ngày thiêng liêng nào đó chỉ họ biết thì họ lại đến Kyoto để kính ngưỡng các thánh tích của đền Daigoji.Các Ninja là những người giỏi nhất về võ nghệ Yamabushi, kể cả nghệ thuật nguỵ trang ảo thuật. Chính vì thế, họ có thể trong những tình huống cần thiết cho các gián điệp đóng vai “nhà sư”, “nghệ sĩ ảo thuật lang thang”, “người nông dân quê kệch”, ...
- Tài thần thông biến hoá của ninja - Yamaguchi nhấn mạnh, - được coi là một trong những nền tảng của tính nhà nghề cao cần có cho việc thu thập lâu dài thông tin ở các thành phố, làng mạc và gọi là “công việc của tổ trưởng tình báo”.
Kato gật đầu tỏ ra hiểu. Khi nghe từ “tổ trưởng tình báo”, hắn cảm thấy mình không quá đơn độc trong biển kiến thức mà xếp vừa trút xuống đầu lên hắn. Nó lập tức đưa hắn từ thời trung cổ trở lại thế giới ngày nay, gần gũi và quen thuộc với tên gián điệp Nhật này.
- Ông, ông Kato ạ, - Yamaguchi tiếp tục lên giọng dạy dỗ hắn, - nếu nghe người ta nói về các gián điệp ninja đàn ông thì tôi có thể cam đoan là anh không cái gì về các nữ ninja. Trời, những “cô gái Amazon” (Amazon - trong thần thoại Hy Lạp, là một bộ tộc nữ chiến binh ở vùng Tiểu á hoặc trước núi Kavkaz gần biển Đen. Họ chỉ thân cận với đàn ông để sinh đẻ. Những đứa bé trai sinh ra được trả về cho cha chúng hoặc bị giết , còn các bé gái được giữ lại, bị đốt mất vú phải để có thể học bắn cung. Chính vì thế, từ amazon theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “không có vú” - ND). này mới nham hiểm làm sao...
Kato nhẫn nhục cố làm vẻ mặt đầy quan tâm, chú ý lắng nghe khi Yamaguchi cao hứng kể về những vụ đâm chém do những con quỷ cái này gây ra đối với những vương công không còn cần thiết sau khi đã thoả mãn tình dục và moi được thông tin cần thiết.
- Đáng tiếc là vào thời chúng ta thì các Mata Hari Nhật Bản ấy đã đổi nghề! Một người trong số họ đã được tôi đặc cách phái đến với thiếu tá Omai... Chú ý: họ đã sát hại những anh hùng đã kiệt sức của mình ngay trên giường bằng những chiếc cặp tóc lấy từ trên mái tóc! Tất nhiên vật tư trang phụ nữ này đã được làm theo đơn đặt hàng và có dạng một con dao găm tí hon. Vỏ dao chính là kiểu tóc vấn cao truyền thống....
Trong giới ngoại giao ở Washington, Yamaguchi cố không để lộ hết sự uyên thâm và kiến thức của mình. Nhưng nếu như ông ta đột nhiên có ý định cần gây ấn tượng cho người nào đó thì ông ta hào hứng sôi sùng sục cho đến khi xì hết hơi.
Thời gian vẫn cứ trôi và các “sơ hở” trong hoạt động gián điệp của Yamaguchi ngày càng nhiều lên, “hãng” của ông ta ở Tokyo đã bắt đầu nghĩ phải nhanh chóng “thay đổi mặt tiền”. Mũi kim phong vũ biểu chính trị không báo trước điều gì vui vẻ cả. Washington đã tiễn ông ta bằng nụ cười mỉa mai, nhưng Tokyo thì đón ông như một anh hùng dân tộc! Yamaguchi được thăng hàm chuẩn đô đốc và trở thành tham mưu trưởng hạm đội 5. Một năm sau, vào tháng 1 năm 1940, ông ta được điều đến bộ tham mưu của Đô đốc Isoroku Yamamoto với tư cách một chuyên gia về hải quân Mỹ và gián điệp để tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tấn công Mỹ.
Yamamoto biết Yamaguchi từ thời ông ta còn hoạt động ở Mỹ. Khi đó ông ta suốt ngày mê mẩn chơi poker với các sĩ quan Mỹ, nổi tiếng vô dịch chơi cờ “go” của Nhật trong hạm đội ở Yokosuka. Đã có những chuyện tiếu lâm về sự máu me cờ bạc quá đáng của ông ta. Khi những chuyện tiếu lâm châm chích chua cay đó lọt đến đôi tai thính của ông ta, ông ta ngạo mạn bác bỏ: “Không được kết tội vội vàng như thế, các quân bài và nghề nghiệp của tôi là không thể tách rời nhau!” Tất nhiên, trước hết ông ta muốn nói đến nghề gián điệp của mình, còn nơi chiếu bạc, ông ta thể hiện một tài năng đa dạng của một nghệ sĩ nhiều mánh khoé như xiếc. Ông ta không thích thất bại và chịu đựng chúng cực kỳ nặng nề: chúng cản trở ông ta tập trung cho những vấn đề mà ông đã dự trù sẵn để thăm dò các đối tác Mỹ. Vào thời mình, Yamamoto đã phục vụ trên kỳ hạm Mikasa dưới quyền Đô đốc Tojo (Hideki Tojo (1884-1948), trùm quân phiệt Nhật trong Thế chiến II, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhật năm 1937, đã chỉ huy đạo quân Quan Đông đánh chiếm Mãn Châu Lý, bộ trưởng chiến tranh Nhật năm 1940 và năm 1941, 2 tháng trước trận Trân Châu Cảng đã được cử giữ chức Thủ tướng Nhật. Tojo đã lãnh đạo chính phủ và chỉ huy các chiến dịch quân sự của Nhật trong Thế chiến II cho đến khi phải từ chức năm 1944 sau một loạt thất bại quân sự. Bị toà án xử tội phạm chiến tranh kết án tử hình năm 1945 và hành quyết ngày 12 tháng 12 năm 1948 - ND). Vụ nổ trong trận đánh Tsusima đã làm ông ta mất ba ngón tay phải. Nhưng bây giờ, ngay trước khi nổ ra các sự kiện ở Trân Châu Cảng thì điều đó hiển nhiên chẳng cản trở vị đô đốc dẫn đầu hạm đội liên hợp.
Ở đây, cũng cần nói rằng, bất chấp tất cả những thất bại và sai lầm ở Mỹ, tên gián điệp Yamaguchi đã láu cá thu được một số bí mật của người Mỹ do sự sơ ý của họ. Vậy là không lâu trước trận đánh Trân Châu Cảng, một trong các tờ báo ở Trung Tây nước Mỹ đã tìm cách đăng được phương án chót của kế hoạch động viên của Mỹ. Và điều đó đã đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong sự thăng tiến của một sĩ quan hải quân Mỹ.
Tất cả những điều đó đã làm cho giới quân sự Nhật tin vào sự cần thiết đẩy mạnh việc chuẩn bị chiến tranh. Trong khi tiến hành cụ thể hoá những kế hoạch đã có từ lâu nhằm giáng đòn đầu tiên vào Trân Châu Cảng, một trong những bạn thân nhất của Đô đốc Isoroku Yamamoto, trung tá hải quân Minobi bắt tay vào bí mật huấn luyện các phi công không quân hải quân. Theo lệnh của ông ta toàn bộ dân cư của đảo Sioku, hòn đảo có những nét giống với đảo Oahu ở Hawaii, đã bị đưa khỏi đảo. Sau đó, một tiểu đoàn công binh đã xây dựng một mô hình Trân Châu Cảng làm bằng gỗ tấm và sắt gỉ với đầy đủ nhà cửa, kho tàng, cửa hàng, trạm tiếp liệu kế bên trên hòn đảo này. Trong 720 ngày, biết bao nhiêu bom và ngư lôi hàng không đã trút xuống Sioku, hòn đảo mà khi trò chuyện với bạn bè thân tình, Yamamoto đã gọi là Trân Châu Cảng. Trong những năm ấy, do huấn luyện kém và nhiều khi do cả thời tiết khắc nghiệt mà Minobi đã mất tại vùng đảo Sioku 300 máy bay chiến đấu.
|
Đô đốc Isoroku Yamamoto, kiến trúc sư cuộc tấn công Trân Châu Cảng
|
Không lâu trước ngày X, ngày tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii, Yamamoto đã trao cho Minobi quân hàm đô đốc. Còn một ngày trước khi tấn công, trước hàng phi công, Minobi đã thông báo cho các sĩ quan vẫn còn chưa hiểu mô tê gì ấy rằng, cái hòn đảo bia mà họ đã ném bom là bản sao chính xác của Trân Châu Cảng, nơi mà vào “giờ cao điểm” họ sẽ phải thể hiện chủ nghĩa anh hùng của mình trong “cuộc chiến vì Đại Đông Á”.
Sáng sớm ngày 20 tháng 11 năm 1941, dưới trần mây mù dày đặc, binh đoàn tàu chiến của Nhật theo lệnh của Bộ tổng tư lệnh tối cao Quân đội Thiên Hoàng đã rời các cảng Yokosuka, Sasebo và Kure. Binh đoàn này nằm dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Nagumo. Người chỉ huy chung đòn tiến công chiến lược này vào căn cứ hải quân Mỹ Trân Châu Cảng là Tư lệnh Hải quân Nhật, Đô đốc Isoroku Yamamoto. Phụ trách tình báo là người bạn ông ta - Phó đô đốc Yamaguchi. Chiến dịch có mật danh Z.
Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng chỉ kéo dài vẻn vẹn hai giờ đồng hồ. Theo kế hoạch tác chiến, các máy bay cất cánh từ các tàu sân bay sẽ tiêu diệt các tàu Mỹ. Sau khi hoàn thành chiến dịch Z, toàn bộ binh đoàn tàu Nhật phải rút nhanh về hải phận Nhật Bản.
Kết quả của cuộc tập kích là 4 chủ lực hạm, 2 khu trục hạm và 2 tàu hỗ trợ bị đánh đắm, 188 máy bay bị tiêu diệt. Tổn thất nhân mạng là trên 3.000 người. Tổn thất của phía Nhật là 28 máy bay đã không trở lại tàu sân bay và 74 máy bay bị thương, 1 tàu ngầm cỡ lớn và 5 tàu ngầm nhỏ bị đánh đắm.
Theo ý kiến của một trong những người nghiên cứu nguyên nhân căn cứ Trân Châu Cảng bị huỷ diệt thì nhiều kết luận rút ra từ cả núi tài liệu, báo cáo, biên bản, tờ trình có thể còn đáng tranh cãi. Tuy vậy, có 2 yếu tố là hoàn toàn đúng. Người Nhật đã đạt được tính bất ngờ tuyệt đối cho cuộc tiến công và ngoài ra, hệ thống thông tin của Mỹ là cực kỳ yếu kém.
Về bản chất, cả hai yếu tố này liên hệ chặt chẽ với nhau: nếu không có những trục trặc trong toàn bộ hệ thống tình báo Mỹ thì người Nhật khó lòng mà tận dụng được yếu tố bất ngờ.
Vào tháng 12 năm 1941, ít ai ở Washington lại tin là thực sự Nhật đã có khả năng tấn công Trân Châu Cảng. Mà người Nhật thì đã có khả năng ấy rồi! Còn ít người hơn tin là người Nhật lại manh nha có ý đồ tấn công. Những người khác thì cho rằng, quần đảo Hawaii nằm quá xa Nhật, còn hạm đội Nhật thì về mặt kỹ thuật không đủ sức thực hiện nhiệm vụ như thế, kể cả là tấn công vào Trân Châu Cảng, cũng như vì không quân Nhật, theo Washington, không có đủ phi công lành nghề.
Do những tiền đề đó nên cũng dễ hiểu phản ứng của Bộ trưởng Hải quân Mỹ Frank Knox khi ông này nghe tin Trân Châu Cảng đang bị các phi công Nhật oanh tạc. “Lạy Chúa! - vị bộ trưởng thốt lên. - Không thể thế được!” Đối với ông ta và cả với những quan chức quân đội và hải quân Mỹ thì hành động chớp nhoáng của Nhật Bản là không thể có, khó tin. Họ đã chờ đợi cuộc tiến công ở bất cứ đâu, ngoại trừ ở quần đảo Hawaii. Đã có những dấu hiệu người Nhật đang chuẩn bị tấn công. Nhưng các bộ óc cao siêu nhất nước Mỹ đã không giành chú ý xứng đáng cho chúng. Mà còn có thể nghĩ tới điều gì được nếu như chúng ta đã nói ở trên là trước Thế chiến II rất lâu, Nhật đã chuẩn bị và cẩn thận cài cắm lưới gián điệp của mình ở nhiều nước, kể cả Hoa Kỳ.
Trong những ngày trước khi nổ ra cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, các cơ quan đặc vụ Nhật đã đóng một vở kịch vui thật sự. Một ngày chủ nhật, trên đường phố Tokyo và các thị trấn ngoại ô bỗng xuất hiện các thuỷ thủ Nhật đi chơi thành tốp hay đơn lẻ. Đáp lại bức điện từ Washington yêu cầu “chính xác hoá vị trí của hạm đội Nhật”, tuỳ viên hải quân Mỹ thuộc sứ quán Mỹ ở Tokyo đã trả lời là chắc chắn các chiến hạm Nhật đang đậu tại căn cứ của mình tại Yokosuka bởi vì “có rất nhiều thuỷ thủ được đi phép ở các khu vực quanh thủ đô Nhật và ngay ở Tokyo”. Trên thực tế, đó không phải là thuỷ thủ mà là các nhân viên tình báo Nhật cải trang mặc đồ thuỷ binh.
Cần phải nói rằng, người Nhật còn tích cực tiến hành một trò chơi khác - trò chơi “chiến tranh mật mã”. Khi đó, có lẽ nó đang ở tâm điểm chú ý của toàn bộ hoạt động gián điệp của các đơn vị tình báo. Các trạm nghe lén ở vịnh California đã cho phép các bộ tham mưu Nhật thu được các tin tức về hoạt động của hạm đội Mỹ suốt dọc bờ biển Thái Bình Dương. Mật mã của Hải quân Mỹ đã bị phá giải trước khi nổ ra cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng. Các trung tâm chặn thu vô tuyến điện ở Quảng Châu, Thượng Hải, Mêhicô đã hào phóng cung cấp cho Bộ tổng tham mưu Nhật các bản điện mật mã thu được của các cơ quan Mỹ các cấp.
Người Nhật khi đó cao tay hơn đối thủ trong lĩnh vực ứng dụng liên lạc vô tuyến. Theo ý kiến của các nhà quan sát, họ chỉ có thể tiến hành thành công những động tác nghi binh của các đơn vị hạm đội khi trong tay họ có những nhân viên kỹ thuật tay nghề cao và hệ thống thông tin chắc chắn. Họ rất thường xuyên thay đổi mã liên lạc và để tăng hiệu lực đánh lừa địch, làm nó mất phương hướng, họ đã áp dụng chiến thuật “im lặng” khi tàu tiến vào khu vực hành động. Họ cũng đã khéo léo sử dụng các bức điện vô tuyến giả gửi từ các khu trục hạm Nhật vào khu vực này, còn các bức điện mật mã khác thì lại chỉ ra một khu vực địa lý có khả năng đổ bộ hoàn toàn khác, cách xa địa diểm hành động dự định hàng trăm dặm...
Không còn nghi ngờ gì nữa là cả yếu tố dân cư trên quần đảo Hawaii cũng có vai trò nhất định trong việc chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng. Trên quần đảo đầy núi lửa này, một trong những điểm tựa quan trọng nhất của Hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, người Nhật chiếm 30% dân cư. Nếu như ở nước Mỹ chính quốc, người Nhật không được phép làm việc ở các mục tiêu quân sự thì ở Hawaii, nguyên tắc này đã không được áp dụng. Trong bối cảnh đó, các cơ quan đặc vụ Nhật đã có những cơ hội cực kỳ thuận lợi cho việc tuyển mộ điệp viên.
Kết quả là gì? Các phi công Nhật biết được tuyệt đối chính xác các tàu mà họ cần phải nhấn chìm xuống đáy biển đang nằm ở đâu tại Hawaii. Họ còn biết người ta nghỉ ngày chủ nhật hay kỳ nghỉ cuối tuần ra sao, các thuỷ binh Mỹ sống ở đâu khi họ rời tàu lên bờ, ai trong số các sĩ quan đến nhà ai chơi, ai uống bao nhiêu và ghé các quán rượu của khu phố Tàu...
Cuộc tiến công vào Trân Châu Cảng đã mở màn vào sáng sớm ngày 7 tháng 12 năm 1941. Chiếc tàu quét lôi Condor của Mỹ vào lúc 3 giờ 50 phút sáng đã phát hiện một chiếc tàu ngầm Nhật ở tư thế nửa chìm nửa nổi trong vùng cấm cách không xa lối vào vịnh Trân Châu Cảng. Vào lúc 6 giờ 45 phút buổi sáng hôm đó, chiếc tàu ngầm này đã đánh đắm khu trục hạm World. Nhưng báo cáo của hạm trưởng khu trục hạm này đã không được gửi theo cấp. Các sĩ quan của căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng vẫn còn mải tiếp tục bàn luận sự kiện này khi mà những quả bom Nhật đã bắt đầu rơi xuống đảo.
Người ta còn kể câu chuyện như thế này: các đài radar của một đơn vị Mỹ trên quần đảo Hawaii (một đài radar huấn luyện) đã bắt được các máy bay Nhật thuộc tốp đầu tiên vào lúc 7 giờ hai phút sáng. Các máy bay chiến đấu tiến gần đảo từ hướng Bắc. Nhưng tín hiệu báo động chiến đấu sau đó vẫn chẳng làm người ta tin. Một viên trung uý Mỹ thiếu kinh nghiệm, đã nhận lầm tốp máy bay này là của máy bay mình nên đã giật giọng ngắt lời viên trung sĩu đang báo cáo và hạ lệnh “quên ngay cái chuyện ngớ ngẩn này”.
Người ta buộc phải thấy rằng, luận điểm chính mà các đại diện của bộ chỉ huy Mỹ ở Trân Châu Cảng sử dụng để biện hộ cho thất bại thảm hại vừa qua trong quá trình điều tra của quốc hội chính là những lý lẽ nại ra là họ đã “không nhận được thông tin mà Washington đã có trong tay”. Người ra cũng biết rằng, những vấn đề cơ bản trong việc phân phối tinh tình báo có liên quan tới sự quan tâm của thủ đô đối với yêu cầu “bảo vệ thông tin mật”. Như lời khai trong quá trình điều tra của chuẩn tướng Sherman Miles, chỉ huy tình báo khi đó, thì đúng là “đã không một báo cáo ngoại giao nào của Nhật đã được giải mã được gửi ra ngoài phạm vi Washington”. Người ta làm thế nhằm bảo vệ hệ thống giải mã Magic. Nói một cách khác, chính quyền và bộ chỉ huy quân đội đã cố ngăn ngừa để lộ việc các chuyên gia Mỹ đã giải mã được các mật mã ngoại giao của Nhật. Mong muốn bảo vệ tránh rò rỉ thông tin về hệ thống Magic, theo ý kiến của một nhà quan sát, còn thúc đẩy tướng J. Marshall đến quyết định thông báo cho Trân Châu Cảng về mối nguy cơ đang đến gần không phải bằng điện báo mà và qua đường điện thoại thương mại. Vậy điều gì đã xảy ra vậy?
Nhân viên đưa thư của công ty RCA, người gốc Nhật mang điện của tướng Marshall cho chỉ huy căn cứ ở Trân Châu Cảng vẫn còn đang trên đường bằng chiếc xe máy hai xylanh thì cuộc oanh tạc kinh khủng của các máy bay Nhật xuống hòn đảo đã bắt đầu. Anh ta buộc phải chui xuống hầm trú ẩn. Và công văn hoả tốc trong túi anh ta vốn đã có thể cảnh báo cho ban chỉ huy căn cứ về cuộc tiến công có thể của địch chỉ được đưa đến địa chỉ vào sau buổi trưa ngày 7 tháng 12. Bao phủ trên Trân Châu Cảng là mùi cháy khét lẹt. Các đội mai táng đã lôi thi thể những người thiệt mạng từ dưới những đống đổ nát của những kho tàng, những ngôi nhà sập, từ các boong tàu! Còn từ các loa phóng thanh vẫn còn vang lên ra rả tiếng nói của phát thanh viên đài phát thanh địa phương Honolulu Advertiser vốn được ghi sẵn lên đĩa nhựa để phòng bất trắc: “Chúng ta vừa bị tấn công. Tất cả phải giữ bình tĩnh và ở nguyên trong nhà. Không ra phố để khỏi cản trở binh lính cơ động nhanh tới vị trí. Không có gì phải lo lắng. Không có gì phải lo lắng cả...”
Đơn giản là người ta đã quên tắt cái đĩa ghi âm ấy. Bây giờ thì người ta hơi sức đâu mà để ý đến điều đó.
Mấy chục năm đã trôi qua kể từ khi nước Nhật quân phiệt tấn công nước Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đâu đó dưới đáy đại dương mênh mông này là nơi di hài của Đô đốc Yamamoto, một trong những kẻ thủ phạm gây ra chiến tranh, đang yên nghỉ - máy bay của hắn đã bị các máy bay tiêm kích Mỹ bắn hạ vào ngày 18 tháng 4 năm 1943. Cả tên gián điệp Yamaguchi cũng về bên kia thế giới từ lâu. Và cũng đã có nhiều điều thay đổi trên vũ đài thế giới. Nhưng dù sao thì hiện nay, các sử gia phương Tây khác vẫn đang cố tô vẽ cho nước Nhật hình ảnh “một nạn nhân vô tội”. Trên thực tế, chính người Mỹ đã giúp nước Nhật chuẩn bị chiến tranh với âm mưu lái toàn bộ sức mạnh xâm lược chống lại Liên Xô. Tuy đã tấn công nước Mỹ, nhưng Nhật vẫn không từ bỏ các hoạt động quân sự chống Liên Xô. Tokyo chỉ trì hoãn một thời gian việc khai chiến mà thôi. Trì hoãn trong đúng khoảng thời gian mà theo toan tính của các chiến lược gia Nhật là cần để cho các đạo quân Hitler chiến thắng Quân đội Xôviết...