Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Anh chàng Pulhof bí ẩn (2)

VietnamDefence - Pulhof đã tổ chức các cuộc chạy trốn từ vùng địch chiếm và bị nghi ngờ, sau đó trở thành điệp viên và lại một lần nữa bị nghi ngờ. Tuy nhiên cuối cùng, anh đúng là một người yêu nước chân chính.

IV

Là trưởng ban kỹ thuật của phòng cảnh sát nước ngoài thuộc chính phủ Hà Lan ở London, tôi cũng là người duy nhất ở phòng này có kinh nghiệm hoạt động phản gián. Do đó, quyết định của tôi về bất kỳ một chuyên án điều tra nào cũng là quyết định cuối cùng và luôn được bộ trưởng tư pháp chuẩn y.

Như thế, tôi đang gánh một trọng trách rất nặng nề kể cả khi chắc chắn người bị tình nghi không có tội, hoặc là trái lại, anh ta tự thú nhận tất cả. Trách nhiệm ấy tăng lên khi tôi buộc phải va chạm với một vụ án rắc rối. Lời nói của tôi có ý nghĩa quyết định. Và tôi không muốn vì sai lầm của tôi mà người vô tội phải chịu hàm oan. Nhưng tôi cũng không thể cho phép một tên điệp viên Đức vì sơ xuất của tôi mà vẫn tiếp tục làm việc cho bọn Đức được.

Cuộc điều tra vụ Pulhof đã làm tôi mất ngủ nhiều đêm. Trong chín câu hỏi mà tôi đặt ra cho anh ta, tôi chỉ nhận được sáu câu trả lời thoả đáng và có lập luận logic. Pulhof đã không thể có câu trả lời thoả đáng và có lập luận logic nào đó cho ba câu hỏi còn lại. (Cho đến cả bây giờ cũng vẫn chưa tìm ra được những câu trả lời như thế). Dường như chỉ có thể có một kết luận: Pulhof là điệp viên Đức và chỉ nhờ thế mà anh ta đã không bị trừng phạt. Nhưng. Nếu như anh ta là điệp viên Đức thì bọn Đức đã có đủ thời gian sử dụng anh ta.

Hơn hai năm đã trôi qua kể từ khi chiếc thuyền đầu tiên chở những người chạy trốn đến được nước Anh. Tiếp sau nó còn năm chiếc nữa. Trên những chiếc thuyền này đã có 87 người đến được Anh, chưa tính những người đến được cùng với Pulhof trên chiếc thuyền cuối cùng. Bọn Đức đã không nghĩ chiến tranh sẽ kéo dài đến năm 1944 và hiển nhiên các tổ chức của Pulhof đã phải đẩy mạnh hoạt động từ trước đó khá lâu. Tuy nhiên, chúng tôi đã chẳng có chút cơ sở nào để kết luận có một ai trong số những người có liên hệ với anh ta là điệp viên Đức. Kinh nghiệm của tôi qua nghiên cứu các phương pháp gián điệp của Đức nói cho tôi biết: chả chắc bọn Đức lại nhìn xa trông rộng đến mức nhẫn nại chờ đợi hơn hai năm trời mới cho cỗ máy vận hành. Nếu như Pulhof là điệp viên Đức thì bọn Đức đã phải biết là phản gián của chúng tôi chắc chắn sẽ tìm hiểu xem tại sao anh ta đã an toàn chạy thoát sang Anh, mặc dù anh ta đã bị một trong những người đồng mưu khai ra. Để xua tan những nghi ngờ của chúng tôi, bọn Gestapo ít ra bề ngoài cũng đã phải bắt giữ Pulhof hoặc là thẩm vấn anh ta tí chút gọi là chứ. Chúng có lẽ thậm chí đã cố dàn dựng “cuộc chạy trốn” của anh ta sao cho khi đến Anh quốc, anh ta phải trở thành một đại anh hùng - một người đã liều cả mạng sống để tổ chức cho các nhóm chạy trốn từ nước Hà Lan bị chiếm đóng và người đã khó khăn lắm mới thoát khỏi nanh vuốt của Gestapo.

Về vấn đề này tôi đã có “ý kiến” của mình. Những nhân viên phản gián từng trải có thể khẳng định là sau những năm dài công tác trong ngành phản gián ở họ nảy nở một giác quan thứ sáu không thể giải thích nổi, nhưng nó lại thường mách bảo những hướng giải quyết cho những vấn đề thoạt nhìn thì rất phức tạp. Sau đó, có thể đi đến giải pháp đúng bằng phương pháp suy diễn.

Chính nhờ cái giác quan thứ sáu ấy mà tôi đã vạch mặt được Christian Lindermans, “tên phản bội thành phố Arnhem”, đó là thắng lợi lớn và đồng thời là một thảm kịch lớn đối với tôi. Bây giờ, tôi đã “cảm thấy” Pulhof vô tội và chính tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại tin như thế vì rõ ràng Pulhof đã không thể trả lời được ba câu hỏi của tôi. Chắc là có một cái gì đó trong ứng xử của anh ta đã làm cho tôi tin như vậy, mà thậm chí đó có thể là sự bình tĩnh của anh ta. Như tôi đã nói, Pulhof là một người rất thông minh. Anh ta có thể không chỉ trừu tượng trong suy nghĩ mà cả trong hành động nữa. Và tôi không nghĩ rằng, một con người thông minh nhường ấy, nếu như quả thực anh ta là điệp viên Đức, bắt buộc phải có được những câu trả lời đầy thuyết phục cho ba câu hỏi của tôi. Anh ta chắc cũng thừa hiểu là bất kỳ một điều tra viên từng trải nào dù sớm hay muộn cũng sẽ tấn công vào những điểm yếu đó trong lời khai của anh ta và bởi vậy đã có thể tìm ra trước những câu trả lời có tính thuyết phục. Vậy là sự bất lực của Pulhof trong việc đưa ra những câu trả lời xác đáng cho tất cả những câu hỏi của tôi đã giúp anh ta trở thành vô tội trong mắt tôi. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp thì chính sự bất lực của những người bị tình nghi trong việc trả lời được tất cả các câu hỏi của điều tra viên đã giúp chứng minh tội lỗi của họ.

Sau khi suy tính rất lâu, tôi đã đi đến kết luận: Pulhof vô tội.

Tôi đã viết gửi cho bộ trưởng tư pháp một báo cáo, trong đó tôi đã miêu tả trường hợp này từ tất cả mọi góc độ và tổng kết tất cả những cái “được” và “không được”. Để kết luận, tôi đã chỉ ra rằng, tôi tin vào sự vô tội của Pulhof và bởi vậy tôi cho rằng, anh phải được tự do. Nhưng tôi cũng bổ sung là do hiện tại chưa thể chứng minh được sự vô tội của Pulhof, mà anh ta thì lại phải trả tự do, nên cho đến hết chiến tranh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được cho anh ta rời khỏi nước Anh. Tôi đã kiến nghị cho anh ta giữ một chức vụ hành chính nào đó trong chính phủ Hà Lan ở London, nơi mà với những năng lực hiếm có của mình anh ta chắc chắn sẽ trở nên hữu ích và nơi mà đồng thời anh ta luôn nằm dưới sự theo dõi thường xuyên. Không cần phải hạn chế gì sự tự do đi lại của anh ta ở Anh, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào (tôi lại nhấn mạnh điều này) cũng không được cho anh ta rời khỏi Anh chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn.

Đúng như tôi dự đoán, Pulhof đã được thả và được bổ nhiệm giữ một chức vụ hành chính. Theo như tôi được biết, người ta đã không nói thẳng với anh ta về việc cấm ra khỏi nước Anh. Ban đầu, tôi vẫn giữ liên hệ với anh ta. Anh ta rất hài lòng với công việc mới. Lúc đó, mặt trận thứ hai đã được mở. Tôi được cử làm chỉ huy phái bộ phản gián trực thuộc bộ tham mưu của Tổng tư lệnh tối cao và không bao lâu sau tôi đã lên đường sang lục địa châu Âu. Trước khi lên đường, tôi đã xem qua lại tất cả những hồ sơ hiện có ở chỗ tôi để một lần nữa tin chắc là chúng đã được hoàn tất. Khi sờ đến hồ sơ vụ Pulhof, tôi đọc lướt toàn bộ các tài liệu đính kèm hồ sơ và ở trang cuối cùng, chỗ nói về việc trả tự do và chỉ định công việc, tôi đã gạch một nét dài để nói rằng tôi coi vụ này đã chấm dứt. Nhưng hoá ra tôi lại là một nhà tiên tri tồi.

V

Vào tháng 4 năm 1945, bộ tham mưu của tôi đang đóng ở thành phố Breda của Hà Lan. Bọn Đức đã bị đánh tan và đã rút về phía Đông. Chỉ có một số tên chỉ huy quốc xã ngoan cố với một nhúm tàn quân là vẫn tiếp tục kháng cự. Các tỉnh Đông Bắc Hà Lan, sau năm năm dài nằm dưới ách chiếm đóng, cuối cùng đã được giải phóng. Bọn Đức đã vội vã rút chạy đến nỗi chúng bỏ lại trong các bộ tham mưu nhiều tài liệu tuyệt mật. Thực ra là chúng cũng đã cố thiêu huỷ những tài liệu quan trọng nhất trong số đó, nhưng bọn Đức, một dân tộc cẩn thận, chính xác đến khó tin, và cũng chính vì sự cẩn thận, chính xác, mà mưu toan của chúng đã thất bại.

Trong các bộ tham mưu Đức, có nhiều tài liệu và các bản sao của chúng đến nỗi cần phải mất nhiều ngày để thiêu huỷ chúng. Nhưng các sĩ quan tham mưu Đức, nếu chúng muốn cứu cái gáo dừa của mình, thì chỉ có trong tay không phải là mấy ngày mà chỉ là mấy phút. Đó là bởi vì các xe tăng và xe tải chở bộ binh đồng minh đang tiến nhanh về phía trước.

Đóng tại Ensched cho đến tận ngày cuối cùng, vẫn có một đơn vị phản gián mà bọn Đức gọi là phòng an ninh 306. Tất nhiên là tôi rất muốn được tìm hiểu các phương pháp làm việc của bộ tham mưu này và tất cả những tài liệu mà nó có. Bởi vậy, tôi đã hạ lệnh lập tức mang đến cho tôi tất cả những tài liệu tìm thấy trong bộ tham mưu đó. Và phòng làm việc của tôi ở Breda đã nhanh chóng bị chất kín những giấy là giấy. Cùng với các trợ lý, tôi đã lọc ra những tài liệu quan trọng nhất, nhưng cả những tài liệu như thế cũng rất nhiều. Để đọc chúng có khi phải mất cả mấy tuần ấy chứ. Mà tôi thì lại không có thời gian. Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ khác quan trọng hơn. Bởi vậy, tôi đã quyết định một lần nữa xem qua những tài liệu đã lọc ra phòng khi tôi đột nhiên buộc phải bỏ dở công việc này.

Đó là công việc thật thú vị và hấp dẫn. Té ra phản gián Đức biết cũng nhiều đây. Ngay ở trang đầu tiên của một tài liệu gồm bảy trang được đánh máy mau dít, tôi trông thấy: “... Thiếu tá O. Pinto, bí danh Frank Jackson...” Cánh tay đang cầm điếu thuốc chuẩn bị hút của tôi như đông cứng trong không khí. Bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc nếu bất ngờ trông thấy tên mình được đánh máy. Nhưng trông thấy tên mình trong một tài liệu tuyệt mật của quân Đức, mà kèm theo lại có cả bí danh mà biết nó thì chỉ có hai điệp viên Anh được tin cẩn nhất nữa chứ!

Tôi bắt đầu chăm chú đọc tài liệu này từ đầu: “Lời khai và sự thú nhận đầy đủ của điệp viên Bobby ngày 22 tháng 3 năm 1945, tên thật - Anton Pulhof...” Đây là đòn đánh thứ hai. Pulhof, người đã bị cấm rời khỏi London cho đến hết chiến tranh, bằng cách nào đó đã đến được Hà Lan để bị bọn Đức bắt được và “thú nhận đầy đủ”, trong đó có đề cập đến tên tôi. Tài liệu trở nên rất thú vị.

Lời khai của Pulhof bắt đầu từ lời tuyên bố rằng, vào năm 1944, hai đại diện của cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS đã thiết lập quan hệ với anh ta và đề nghị anh ta làm việc cho cơ quan tình báo này. Anh ta đã đồng ý, sau đó được học một khoá đào tạo đặc biệt tại một trong những trường tình báo Mỹ ở London. Anh ta đã học những miếng võ tự vệ không vũ khí và học một khoá bắn súng ngắn ngắn hạn. Sau đó, anh ta được cử đến trường nhảy dù Anh để học nhảy dù. Sau đó, Pulhof đã học khoá học đào tạo nhân viên điện đài tại một trường của Mỹ ở London. Sau khi hoàn thành tốt đẹp việc học tập, anh ta được phong quân hàm đại uý quân đội Mỹ. Lời khai còn nói anh ta là người Hà Lan đầu tiên đã được nhận vào cơ quan đó. Trước đó, trong cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS ở châu Âu chỉ có chỉ có người Pháp, người Bỉ và người Mỹ gốc Đức.

Sau đó, OSS đã giao cho Pulhof nhiệm vụ tổ chức mạng lưới gián điệp ở Bắc Hà Lan. Anh ta đã phải thiết lập quan hệ với những công chức đáng tin cậy nhất trong bộ nông nghiệp và ngư nghiệp, và bắt đầu tuyển mộ điệp viên. Pulhof bị cấm liên hệ với một nhóm kháng chiến nào đó hoặc với những điệp viên Anh mà anh ta có thể phát hiện ra. (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS và đối tác Anh của nó thậm chí cạnh tranh ngay cả chiến tranh đang ở đỉnh điểm ác liệt và mỗi bên trong số họ đều cố giành giật “miếng bánh” lớn hơn trong lĩnh vực thu tin mật thay vì phối hợp nỗ lực vì sự nghiệp chung).

Pulhof bị nghiêm cấm tham gia vào các hành động phá hoại hoặc vào các hành động tích cực khác chống bọn Đức. Anh ta phải thu thập đủ các loại tin tức: về quân số của bọn Đức và vị trí đóng quân của chúng, về kết quả các trận không kích ban ngày của các máy bay ném bom Mỹ và về tâm trạng của quân Đức. Toàn bộ thông tin mà Pulhof thu được phải được gửi về London. Bốn năm tháng sau khi vượt qua chiến tuyến, Pulhof phải quay trở về vùng Nam Hà Lan đã được quân đồng minh giải phóng.

Ngày 10 tháng 11 năm 1944, Pulhof nhảy dù xuống vùng Groningen. Anh đã lập tức bắt tay vào việc - bắt đầu thiết lập lưới điệp viên. Mọi chuyện ban đầu đều diễn ra xuôn xẻ. Nhưng ba tháng sau, ngày 10 tháng 2 năm 1945,  cảnh sát Đức do lời khai của một tên phản bội đã bất ngờ tập kích vào một cuộc họp bí mật. Trong số những người bị bắt có cả Pulhof. Anh ta bị bắt giữ mất mấy tuần và cho đến khi cuối cùng bị tên chỉ huy Gestapo ở Bắc Hà Lan hỏi cung. Ngày 22 tháng 3 năm 1945, tên chỉ huy này đã gửi “lời khai và lời thú nhận đầy đủ” của Pulhof cho thiếu tá Feldmann, trưởng phòng an ninh 306 ở Ensched. Chính là tài liệu mà tôi đã đọc.

Khi bị hỏi cung, Pulhof đã kể chi tiết về các phương pháp kiểm tra của phản gián đối với tất cả những người đến Anh, không quên nêu ra cả vài trò của tôi trong vụ này. Tiếp đó là mô tả chi tiết cơ quan tình báo chiến lược Mỹ và các bí danh quy ước của các sĩ quan mà Pulhof phải liên lạc. Anh ta còn kể về công tác đào tạo mà Pulhof đã trải qua và về những chỉ thị và hướng dẫn mà anh ta nhận được trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Tiếp đó là mô tả về tổ chức cơ quan mật vụ Hà Lan ở Anh cũng như ở Bắc Hà Lan. (Ở đây, tên và bí danh của tôi - Frank Jackson - lại được nhắc lại). Pulhof đã khai với chúng nhiều tin tức về số phận của quả ngư lôi có điều khiển vẫn còn tốt nguyên mà quân đồng minh đã thu được khi đổ bộ lên Normandie, đưa ra một số ý kiến về khả năng các cuộc đổ bộ mới của quân đồng minh ở Bắc Hà Lan.

Sau khi đọc xong trang cuối của tài liệu này, tôi thấy cổ họng mình khô khốc. Những lời khai khốn kiếp này đang nằm chình ình trước mặt tôi đã nói lên rằng Pulhof đã phản bội tổ quốc mình. Pulhof, người mà chính tôi đã trả lại tự do, đã lừa được tôi và tôi không che giấu đó là một đòn mạnh đánh vào lòng tự ái của tôi. Điều làm tôi phẫn nộ nhất là việc anh ta được gia nhập OSS. Pulhof với những năng lực và khả năng ngôn ngữ của mình hẳn đã moi được nhiều bí mật và nhanh chóng cung cấp cho các ông chủ Đức. Trong tài liệu mà tôi đã đọc, còn nói Pulhof cung cấp tất cả tin tức một cách tự nguyện, anh ta không bị tra tấn. Vào lúc đó, tôi đã sẵn sàng mất tất cả miễn là tóm được cái con người khéo mồm khéo miệng và luôn tươi cười ấy. Nhưng tôi hiểu ngay là hắn có lẽ đã trốn được cùng với các ông chủ Đức của mình. Mà nếu như hắn còn đang ở đâu đây thì cũng gần như không thể tìm ra hắn trong tình trạng hỗn mang khi mà các đạo quân kéo đi và hàng ngàn nạn dân kéo theo sau quân Đức. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ tóm được Pulhof. Nhưng cả lần này, tôi cũng là một nhà tiên tri tồi.

VI

Cho đến đầu tháng 5 năm 1945, toàn bộ miền Bắc Hà Lan đã được quân đồng minh giải phóng. Tất cả những người bị giam giữ trong các nhà tù của bọn Đức đều được kiểm tra nhanh, sau đó được thả và cho hồi hương. Cả tôi cũng tham gia vào công việc này mặc dù nó chỉ là việc làm hình thức thuần tuý: đại đa số các tù nhân là các chiến sĩ kháng chiến hoặc là các điệp viên của đồng minh, những người bằng cách nào đó còn sống sót. Và dù sao công việc này cũng vẫn phải làm để không cho một tên gián điệp Đức nào trốn thoát được, cũng như để lọc ra những người dân sở tại đã cộng tác với quân Đức và bị bắt chỉ nhằm mục đích che mắt để sau này thẩm vấn tiếp kỹ càng hơn.

Và trong số những cựu tù nhân bị tập trung để kiểm tra này có cả Pulhof. Tôi im lặng mấy giây nhìn anh ta. Thường thì xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động phản gián, tôi đang cố không để chế ngự bởi cảm tính và với bất kỳ chuyên án nào, tôi cũng luôn chuẩn bị điều tra một cách chu đáo như một bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật. Nếu như một nhân viên phản gián hành động theo cảm tính, anh ta sẽ không thể tìm hiểu vụ việc một cách khách quan, và việc giải quyết nó nhất định sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố tình cảm cá nhân và anh ta sẽ không thể tìm ra được sự thật. Nhưng cần phải thừa nhận lần này tôi nhìn Pulhof với sự kinh tởm không che giấu. Tôi quyết bằng mọi giá vạch mặt tên phản bội, kể cả nếu như điều đó làm tôi mất nhiều thì giờ.

- Thế nào, Pulhof, hay có lẽ tốt hơn nên gọi anh là Bobby chăng? Vậy là chúng ta lại gặp nhau. Lần trước anh đã may mắn yên lành thoát nạn. Tôi e rằng lần này, anh khó mà làm được thế. Năm ngoái, anh hót với tôi một chuyện, còn sau đó là với kẻ thù của chúng tôi, như tôi biết được, - tôi chỉ vào tài liệu nằm trên bàn trước mặt tôi, - anh lại hót chuyện khác hẳn. Anh sẽ giải thích thế nào về việc anh đã tự nguyện khai báo với bọn Đức?

Pulhof, cũng như trước, lạnh lùng nhìn tôi. Nụ cười thảm thương ẩn ước trong khoé miệng. Lúc đó, Pulhof giống như một người bạn cũ đang chào đón tôi trong một bữa tiệc, chứ không giống một tên phản bội bị bắt quả tang.

- Thưa ông, trước tiên, tôi có thể đặt cho ngài hai câu hỏi không ạ?

- Không hỏi han gì hết, - tôi sỗ sàng cắt ngang, - anh đừng có mộng tưởng là anh sẽ thoát được bằng cách kéo dài thời gian đâu nhé. Chiến tranh cũng sắp kết thúc rồi. Bây giờ, tôi có thừa thời gian.

- Tôi hiểu thời gian với ngài thật quý báu, thưa ông, - Pulhof trả lời, - và bởi vậy, tôi muốn lập tức bắt tay vào việc. Câu hỏi thứ nhất của tôi. Ông có thể nêu ra những tin tức nào trong lời khai của tôi mà bọn Đức chưa biết từ trước không?

Đó là một câu hỏi khó. Tôi biết nhiều tin tức trong lời khai của Pulhof thì bọn phản gián Đức đã nhận được từ các nguồn khác. Tôi cũng biết bí danh Frank Jackson của tôi thì cũng bị bọn Đức biết từ trước. Nhưng tôi không nghĩ là Pulhof biết bí danh ấy và anh ta bằng cách đó đã chủ định báo cho bọn Đức những tin tức không còn là mới nữa. Nếu Pulhof làm việc đó có chủ ý thì dĩ nhiên là anh ta đã có sẵn câu trả lời cho những câu hỏi của tôi liên quan đến việc này. Và dù sao tôi cũng không được thoả mãn.

- Tôi đồng ý là những tin tức mà anh báo cho bọn Đức quả thực không còn mới nữa. Nhưng điều đó không làm cho anh khá hơn trong mắt tôi. Anh đã khai với chúng tất cả những gì anh biết. Và cái việc anh cung cấp những tin tức đã cũ cho bọn Đức cũng không biện minh cho anh được.

- Xin ngài thứ lỗi, thưa ngài - Pulhof nói vẫn bình tĩnh như trước. - Tôi tưởng điều đó sẽ biện minh cho tôi. Và tiện thể, đây là câu hỏi thứ hai mà tôi muốn đặt ra cho ngài. Trước khi rời London, tôi đã được thông báo bí danh và địa chỉ của các điệp viên ở Hà Lan mà tôi phải liên lạc. Nếu như tôi đúng là kẻ phản bội hoặc là gián điệp đôi thì chả lẽ tôi đã lại không bán đứng họ cho bọn Đức ngay khi có cơ hội thuận lợi đầu tiên sao? Chẳng lẽ những điệp viên Hà Lan này đã bị xử bắn hoặc đang bị bắt giữ ư? Thưa ngài, ngài hãy đọc lại một lần nữa lời khai của tôi. Trong đó có nói gì đến họ tên của những trợ thủ của tôi hoặc là những người tôi đã có liên hệ chăng?

“Vụ Pulhof” kết thúc như vậy. Bất kỳ một điều tra viên nào giàu kinh nghiệm trong ngành phản gián cũng không thể phản đối được Pulhof. Anh ta đã không giao vào tay địch một đồng chí nào của mình trong lực lượng kháng chiến hoặc một điệp viên nào của chúng tôi. Trái lại, anh ta đã cứu sống họ. Trực giác đã mách bảo anh ta cách xử sự khi bị hỏi cung. Nếu như tôi là người phụ trách huấn luyện Pulhof ở cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS thì tôi cũng khuyên anh ta hành động trong hoàn cảnh tương tự đúng như anh ta đã làm. Nếu như anh sẽ bị rơi vào tay địch và anh sẽ bị chúng hỏi cung, tôi dạy các điệp viên của chúng tôi trước khi phái họ vào vùng địch chiếm, hãy tìm cách khai với bọn hỏi cung chỉ những tin có thực, nhưng là tin mà chúng đã biết từ các nguồn khác. Chúng sẽ lập tức kiểm tra những tin tức mà các anh khai ra và khi đã tin là đúng sự thật thì chúng sẽ tin các anh thực sự khuất phục và đã khai tất cả những gì các anh biết. Phương pháp này sẽ giúp các anh thoát khỏi đòn tra nếu nhưng các anh sa vào tay bọn Gestapo. Như thế, các anh sẽ che giấu được những tin tức quan trọng nhất mà bọn Đức còn chưa biết, những tin tức mà chắc chắn chúng đã có thể moi ra từ các anh bằng cách tra tấn liên tục. Bất kỳ người nào, dù cứng rắn và kiên cường đến đâu, thì sức chịu đựng của anh ta cũng chỉ có giới hạn nếu một khi chính ông trời không thương tình và anh ta không bị điên.

Vậy là, Pulhof đã chọn được phương châm hành động đúng để cố gắng cứu mình và các đồng chí của mình. Bọn Đức hài lòng với các tình tiết chính xác và chúng tin là Pulhof đã khai với chúng tất cả những gì anh ta biết. Tên sĩ quan đã hỏi cung Pulhof có lẽ đã rất kiêu hãnh khi ký tên mình vào báo cáo gửi cho tên thiếu tá Feldmann. Và tất nhiên là việc Pulhof che giấu được bọn Đức tên tuổi và địa chỉ của những trợ thủ trong lưới tình báo và tất cả những mối quan hệ của mình đã chứng tỏ 100% sự vô tội của anh ta. Pulhof đã có thể tố giác với địch các đồng chí của mình và bằng cách đó tránh được nguy cơ bị tra tấn. Nhưng anh ta đã chọn con đường khác, nguy hiểm và dũng cảm, và anh ta đã đi qua được trót lọt con đường đó. Và mặc dù thoạt đầu đọc các bản cung của Pulhof đã khiến tôi nhìn anh ta như một tên phản bội đã tự ký vào bản án tử của mình, nhưng cuối cùng chính những bản cung đó đã lại là bằng chứng hùng hồn nhất cho sự vô tội của anh ta. Câu chuyện của Anton Pulhof, người mà các bạn tôi trong OSS biết đến với bí danh Bobby, là như thế đấy.

Con người xương xương, nửa Âu, nửa Mã Lai này có một bộ óc thật sáng suốt và sắc sảo. Pulhof đã tổ chức các cuộc chạy trốn từ vùng địch chiếm và bị nghi ngờ, sau đó trở thành điệp viên và lại một lần nữa bị nghi ngờ. Tuy nhiên cuối cùng, anh đúng là một người yêu nước chân chính.

Trong một thời gian dài, tôi đã không biết được anh là ai, “là bạn hay thù?” Và cuối cùng, tôi đã thấy ở anh một người bạn, một người bạn chân chính của nước Anh và Hà Lan. Bây giờ anh ở đâu, tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi tin chắc rằng, anh là một trong những người anh hùng không có tên trong những bài ca, những người đã đóng một vai trò quan trọng đến thế trong chiến tranh, những người đã mạo hiểm mạng sống của mình vì hạnh phúc của tổ quốc mà không cầu cả vinh quang lẫn tiền tài. Không có lòng yêu nước nào cao quý hơn thế.

Print Print E-mail Print