Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Anh chàng Pulhof bí ẩn (1)

VietnamDefence - Một nhân viên phản gián lão luyện không khó khăn lắm để biết ai đang đứng về phía địch hoạt động chống lại anh ta. Điều đó có thể dễ dàng xác định trên cơ sở những tin tức của điệp viên bên phe mình, cũng như qua các tin tức do các tổ chức bí mật cung cấp.

I

Một nhân viên phản gián lão luyện không khó khăn lắm để biết ai đang đứng về phía địch hoạt động chống lại anh ta. Điều đó có thể dễ dàng xác định trên cơ sở những tin tức của điệp viên bên phe mình, cũng như qua các tin tức do các tổ chức bí mật cung cấp. Điều quan trọng đối với anh ta còn là phải biết được tên tuổi các nhân vật chỉ huy gián điệp địch, phương pháp hoạt động của chúng để anh ta thấy trước cần đề phòng những thủ đoạn nào của chúng. Thỉnh thoảng, khi thẩm vấn các tên trùm gián điệp, anh ta có thể nắm được những thủ đoạn đặc biệt mà chúng viện đến.

Vào đầu năm 1942, một chiếc thuyền chở theo những người chạy nạn rời khỏi bờ biển Hà Lan. Một chiếc chiến hạm Anh đã ngăn nó lại khi cách bờ biển Anh 5 hải lý, rồi kéo nó về cảng. Những người trên thuyền gồm bốn thanh niên Hà Lan. Vài người trong số họ là dân cùng Ost India thuộc Hà Lan, số còn lại trước đây đã từng sống ở đó.

Theo trình tự kiểm tra hiện hành, họ được đưa vào trường ái quốc Victoria Hoàng gia. Tất cả những người chạy nạn này đã bị thẩm vấn riêng rẽ, và tôi đã không do dự tuyên bố rằng, họ đúng là những người chạy nạn với chỉ một mục đích chạy khỏi nước Hà Lan bị chiếm đóng và hợp tác với những người đang tích cực chiến đấu chống lại bọn Đức.

Dĩ nhiên là trước hết người ta hỏi họ làm thế nào mà họ chạy trốn được. Tất cả đều khai giống nhau. Té ra người tổ chức vụ chạy trốn là do chàng thanh niên tên là Pulhof, người có một nửa dòng máu Hà Lan, một nửa dòng máu Mã Lai, tức là một người lai. (ở đây, cần phải nói thêm rằng, tất cả những người Hà Lan sống ở Ost India đều có địa vị cao trong xã hội vì họ hoặc là công chức chính phủ, hoặc là sĩ quan, hoặc là các kỹ sư, bác sĩ và luật sư. Bởi vậy những đứa con của họ với những phụ nữ Mã Lai được giáo dục tốt và rất thông minh - đó là nhờ dòng máu người cha. Pulhof rõ ràng là thuộc về số người này).

Sau khi so sánh lời khai của toàn bộ 14 người chạy nạn, tôi đã hình dung được đầy đủ chuyện Pulhof đã tổ chức cuộc chạy trốn này như thế nào. Anh ta đã làm việc đó với sự bình tĩnh vô song. Trước tiên, anh ta kiếm một chiếc thuyền máy, còn sau đó thì lợi dụng địa vị của mình mà chuẩn bị thực phẩm, nhiên liệu và những vật dụng cần thiết khác. Giữa thanh thiên bạch nhật, anh ta táo tợn dùng một chiếc ôtô công vụ của phòng lương thực chở cả số người Hà Lan này ra thuyền mà chả thèm che giấu điều đó! Hơn nữa, đó là chiếc ôtô không phải là loại có mui kín để người ngồi bên trong không bị trông thấy mà là chiếc xe mui trần kiểu thể thao. Bất kỳ ai không quá lười cũng đã có thể nhìn ngắm các hành khách một cách thoả thích. Hoặc là Pulhof có đảm lược đến mức liều lĩnh, hoặc anh ta chẳng sợ bọn Đức phát giác vì chính chúng thả lỏng cho anh ta.

Sự trắng trợn như thế đòi hỏi phải điều tra làm rõ. Trong thời gian làm việc ở cơ quan phản gián, tôi không chỉ một lần phải tin rằng, hợp lý hơn là xác định điều tồi tệ nhất đối với nghi can cho đến khi chứng minh được điều tốt nhất. Thực vậy, độc giả có thể phản bác vì Pulhof thậm chí còn không thuộc vào số nghi can cơ mà. Đó chỉ là một thanh niên can đảm và chỉ đồng ý làm việc cho bọn Đức để có thể giúp đỡ bạn bè chạy trốn khỏi nước Hà Lan bị chiếm đóng. Bằng chứng cho điều đó là sự thực là 14 người Hà Lan không chỉ trót lọt tới được nước Anh mà còn là những người ái quốc thực thụ. Tuy vậy, nhân viên phản gián không phải bao giờ cũng nhìn nhận vấn đề như nó thoạt nhìn. Pulhof có thể đã thực sự giúp đỡ chạy trốn, nhưng cũng có thể có khả năng khác. Nếu anh ta đã thoả thuận với bọn Đức, - có những cơ sở cho phỏng đoán đó vì trước chiến tranh Pulhof là kẻ thân quốc xã, - vì muốn giành lấy lòng tin, anh ta tất nhiên là đã cố lọt vào tốp người chạy nạn Hà Lan đầu tiên, lý lịch đàng hoàng của họ dễ dàng chứng minh. Sau đó, cùng những người chạy nạn, anh ta có thể đưa lên thuyền một tên phản bội hoặc một gián điệp. Tôi quyết định theo dõi gắt gao hoạt động sau này của Pulhof.

II

Ba tháng sau, vào đầu mùa xuân năm 1942, chiếc thuyền thứ hai do Pulhof sắp xếp đã đến Anh. Trên thuyền có 20 người, một lần nữa lại toàn đàn ông: hai người lai, hai phi công của Không quân Hà Lan trước đây, còn số còn lại là các sinh viên đại học tổng hợp. Họ cũng bị thẩm vấn riêng rẽ và khi kể về cuộc chạy trốn, họ lặp lại từng từ đều giống hệt như chúng tôi đã nghe từ nhóm chạy nạn đầu tiên. Và lần này, Pulhof tự vạch kế hoạch chạy trốn, anh ta đã kiếm thuyền, thực phẩm và với sự can đảm hiếm có đã một mình chở những người chạy nạn ra thuyền bằng chiếc ôtô mui trần. Toàn bộ 12 người đã bị kiểm tra cặn kẽ, nhưng họ thực sự là những người chạy nạn. Nói một cách ngắn gọn, từ mùa hè năm 1942 cho đến tháng 3 năm 1944, còn có 4 chiếc thuyền nữa do Pulhof chuẩn bị đã sang được Anh. Khi bị thẩm vấn, họ khai như nhau và điều lạ lùng nhất là nếu quả thực Pulhof đã đồng mưu với bọn Đức, thì khi kiểm tra họ lại đúng là những người ái quốc Hà Lan.

Những bối cảnh liên quan đến việc một trong những chiếc thuyền này không đến được Anh là khá lạ lùng. Khi chu cấp thực phẩm cho chiếc thuyền thứ bảy này, Pulhof đã chuẩn bị đưa nó từ một khu vực yên tĩnh trên bờ biển Hà Lan, giữa Scheveningen và Hoek van Holland.

Đó là một đêm yên tĩnh. Và tưởng chừng chiếc thuyền này cũng yên ổn đến được Anh như chiếc thuyền trước mà không gặp phải trắc trở gì. Nhưng khi nó chỉ vừa rời khỏi bờ thì động cơ bắt đầu trục trặc. Sau đó thì nó hỏng hoàn toàn và đoàn người trên tàu chán nản gửi gắm hết hy vọng của mình vào chiếc buồm đơn sơ. Nhưng chẳng bao lâu sau thì một bất hạnh khác lại đổ xuống đầu những người đang muốn chạy trốn. Gió mạnh nổi lên và mặc cho mọi cố gắng của họ, chiếc thuyền bị thổi giạt về bờ biển Hà Lan. Biển động mạnh và chiếc thuyền bị xô giạt quay cuồng trong gió dữ. Mọi người không còn mảy may hy vọng chạy sang Anh nữa. Họ chỉ cố hết sức để tránh cái chết đang chờ đón trên vực biển, thà chấp nhận bị xử bắn khi lọt vào tay bọn Đức còn hơn.

Sáng hôm sau thì do ý chí quái ác của định mệnh, thuyền bị đẩy ngay vào vịnh Hoek van Holland. Những kẻ chạy trốn bất thành còn làm gì được nữa đây? Những kẻ thù độc ác nhất cũng chả chắc chọn được địa điểm đổ bộ thích hợp hơn. Chiếc thuyền bị dập nát bởi gió bão cùng với đoàn dân thường bên trên trôi vào bến tàu náo nhiệt đông nghịt những quan chức và binh lính Đức ngay giữa thanh thiên bạch nhật dĩ nhiên là không thể không gây chú ý. Tuyệt vọng trong câm lặng, những kẻ chạy trốn đưa thuyền vào bến, bỏ neo và trèo lên bờ trong thâm tâm thì chờ đợi sẽ bị bắt ngay. Nhưng đã chẳng có cái gì tương tự xảy ra. Không thể tin nổi là mọi chuyện đã kết thúc xuôn xẻ, họ bắt đầu tản nhanh về nhà mà vẫn sợ nghe thất tiếng hô của lính gác hoặc tiếng lách cách lên đạn. Nhưng chả ai thèm để ý tý nào đến họ, cứ như đó là một nhóm người trong thời bình vừa đi chơi ngoài biển về chứ không phải là một nhóm người chạy trốn vừa lọt vào cái cảng đông ngẹt và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên bờ biển của châu Âu bị chiếm đóng. Sau này, khi một mình phỏng vấn những người chạy nạn để được họ kể về tất cả những điều đó, tôi được biết rằng, Gestapo đã không hề đụng đến một người nào đã tham gia cuộc chạy trốn bất thành ấy.

Đâu là nguyên nhân của cách cư xử kỳ quặc của bọn Đức? Chả lẽ chúng lại cẩu thả đến mức xem nhẹ những biện pháp đề phòng tối thiểu? Rõ ràng là Pulhof và đã làm việc phối hợp với bọn Đức và đã chuẩn bị thuyền với sự cho phép của chúng. Việc bắt giữ những người chạy trốn có thể làm phức tạp sự hợp tác của Pulhof với bọn Đức và để tránh điều đó xảy ra chúng đã chọn giải pháp giả như chẳng thấy gì.

Tôi còn tin tưởng hơn vào ý kiến của mình khi được kể những chi tiết của cuộc chạy trốn bất thành thứ hai. Hai tháng sau, không hề buồn phiền vì thất bại của chiếc thuyền thứ bảy, Pulhof đã tổ chức chuyến chạy trốn tiếp theo. Lần này, thuyền phải rời bờ biển ở Bắc Hà Lan. Một lần nữa lại có điều gì đã xảy ra và thuyền bị sóng đánh bạt trở lại bờ gần đúng về chỗ mà họ đã rời đi. Bọn lính gác Đức đã khá cảnh giác và bắt giữ họ ngay khi họ vừa lên bờ. Khi hỏi cung, một số người trong số họ đã bị tra tấn. Một người chạy trốn đã không chịu nổi đòn tra đã khai về việc cuộc chạy trốn đã được tổ chức như thế nào. Bọn Gestapo đã tra tấn rất bài bản và chúng đã buộc được kẻ bất hạnh khai ra cả họ tên người tổ chức cuộc chạy trốn và cả địa chỉ nhà của anh ta.

Bất chấp những yếu kém thì cũng không thể bảo bọn Đức là bọn vô tích sự được. Và tưởng chừng như chúng đã phải bắt lập tức Pulhof. Chúng lẽ ra phải được thoả mãn thú tính tra tấn đến chết cái người đã qua mặt chúng chứ. Nhưng điều đó đã chẳng xảy ra. Chúng không chỉ không đến nhà anh ta theo địa chỉ khai ra, mà còn không thèm làm các báo cáo thuần tuý hình thức. Pulhof vẫn yên ổn tiếp tục làm công việc của mình cứ như là đã chẳng có gì xảy ra.

III

Vào cuối mùa xuân năm 1944, một chiếc thuyền nhỏ chở những người chạy trốn đã rời bờ biển Hà Lan vào ban đêm. Nó nhằm hướng Tây mà đi. Buổi sáng khi còn cách bờ biển Anh không xa, nó đã bị một xuồng bảo vệ bờ biển Anh giữ lại và dẫn vào cảng. Những người chạy trốn, trong đó có cả Pulhof, đã được đưa lên bờ. Họ được cho ăn và nghỉ ngơi, rồi đưa đến trường ái quốc Victoria Hoàng gia ở Wandsworth. Tại đó Pulhof và những đồng chí của anh ta sẽ bị phản gián Anh kiểm tra kỹ lưỡng. Pulhof là người bị thẩm vấn đặc biệt gắt gao trong 10-12 ngày, tức là dài hơn bình thường khá nhiều. Việc kiểm tra kết thúc và theo quy định, anh ta được đưa tới bộ tham mưu cơ quan an ninh Hà Lan trên quảng trường Eton Square. Lúc này thì công việc chính thức được chuyển cho tôi.

Pulhof xuất hiện trong phòng làm việc của tôi lần đầu tiên vào một ngày nắng chói chang đầu xuân năm 1944, chỉ mấy tuần trước khi quân đồng minh đổ bộ lên đất Pháp. Vậy là, chuyên án thứ hai xét về độ khó trong suốt thời gian làm phản gián đã lọt vào tay tôi. (Chuyên án khó khăn nhất là vụ án Louisa mà tôi sẽ kể vào một lần khác).

Xét về bề ngoài, đó là một người người lai điển hình. Tóc đen pha sáng, đôi mắt đen, làn da vàng nói cho tôi biết về nguồn gốc Mã Lai về đằng mẹ của anh ta. Pulhof hơi gầy, cao trung bình, đôi chân cân đôi, đôi tay nhỏ và đẹp. Anh ta thừa hưởng từ người cha nét mặt của người Âu. Hàm răng trắng toát, chắc khoẻ cho thấy dòng máu thổ dân của anh ta. Ngay từ trước khi gặp anh ta, dựa trên một số tin tức, tôi đã có thể nhận định đây là con người rất thông minh. Tuy nhiên, khuôn mặt và ánh mắt của anh ta đã thể hiện một trí thông minh sống động đến nỗi tôi không thể không sửng sốt; vì đằng sau cách cư xử tự tin, đằng sau kiểu nói với giọng sỗ sàng, ngắt quãng ẩn giấu một sự cao ngạo, tuy nhiên dưới cái mặt nạ cao ngạo ấy, tôi đã nhận thấy cái gì đó rất trẻ con và kỳ lạ là lại còn là cái gì cuốn hút nữa. “Người này nguy hiểm, nhưng rất dễ chịu”, - tôi chợt nghĩ.

Sau khi moi ở Pulhof tất cả những gì anh ta có thể và muốn nói, tôi đã giành trọn hai ngày ròng rã để so sánh, phân tích các sự kiện. Sau đó, tôi lại gọi anh ta tới gặp. Pulhof vào và nhoẻn miệng cười để chào tôi, rồi ngồi xuống sau bàn đối diện tôi. Mặt anh ta đầy vẻ kín đáo. Anh ta cảm thấy thoải mái. Và chỉ có mỗi ánh mắt loé lên là cho thấy sự lo âu, đề phòng.

- Thưa ngài Pulhof, - tôi nói với ông ta, - tôi đã nghiên cứu kỹ những lời khai của ngài. Đa phần là tôi hiểu. Nhưng có một số yếu tố, mà chính xác hơn là chín, vẫn còn khó hiểu đối với tôi. Bởi vậy, bây giờ, tôi muốn đặt ra cho ngài chín câu hỏi và tôi hy vọng là ngài sẽ trả lời chúng.

- Tất nhiên rồi, - ông ta nói và gật đầu tỏ ý đồng tình.

- Chỉ mấy năm trước, ngài đã là một trong những người lãnh đạo, mà thậm chí có thể là người cầm đầu tổ chức thanh niên quốc xã ở Ost India. Trong khi đó, ngài lại khẳng định mình luôn luôn đã và sẽ là một người ái quốc Hà Lan chân chính. Ngài sẽ giải thích mâu thuẫn này như thế nào?

- Rất đơn giản, - anh ta cười đáp. - Khi đó, tôi còn là một thằng bé và tôi đã tưởng rằng, đó chỉ thuần tuý là một phong trào dân tộc chủ nghĩa và mỗi một thanh niên đàng hoàng sẽ coi việc tham gia nó là bổn phận của mình. Ngài đừng quên là hàng ngàn người Hà Lan tử tế cũng đã từng nghĩ như vậy. Sau này, quả thực là họ đã hiểu ra sai lầm của mình. Sau đó, tôi cũng có những nghi ngờ nào đó và khi bọn Đức xâm chiếm Hà Lan thì tôi hiểu những con lợn này là thế nào rồi. Vào thời của mình, bằng những khẩu hiệu kêu và lời hứa tốt đẹp, chúng đã đánh lừa được tôi, nhưng điều đó chỉ làm tăng lòng căm thù của tôi đối với chúng thôi. Một phần chính bởi vậy mà tôi đã quyết định tổ chức các cuộc chạy trốn - tôi muốn trả thù chính vì chúng đã trắng trợn lừa dối tôi như thế.

- Tốt, - tôi tiếp lời, - bây giờ là câu hỏi thứ hai. Anh còn rất trẻ. Mà nói theo kiểu nói của bọn Đức thì anh thậm chí chưa phải là người Aria. Tuy vậy, ông vẫn được vào làm ở phòng lương thực ở Rotterdam và chỉ 18 tháng sau đã được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng. Rõ ràng là dưới quyền anh có hàng mấy chục người và nhiều người trong số đó đáng tuổi bố anh. Anh giải thích thế nào về sự thăng tiến ấy?

Không hề do dự, anh ta trả lời ngay:

- Giải thích điều đó rất dễ. Trước hết, tôi xin nói ngay mà không phải khoe khoang là tôi cũng có những năng lực nhất định về công tác quản trị-hành chính. Ngoài ra, tôi đã làm việc rất nhiệt tình và thực sự đã đưa được nhiều việc vào quy củ. Tôi thậm chí cũng khó hình dung là sự hỗn loạn đến như thế nào đang ngự trị trong phòng lương thực khi người ta lập ra nó. Nhưng tôi tất nhiên là hiểu rằng tôi không bao giờ lại có thể được thăng tiến nhanh như vậy nếu như không nhờ có ngài trưởng phòng L. Đó là con người tuyệt diệu, người luôn dùng hết khả năng của mình để đánh lừa bọn Đức và giúp cho nhân dân mình. Ông ta biết tôi căm thù bọn Đức chẳng kém gì ông. Ông ta cũng biết những vụ chạy trốn do tôi tổ chức. Ông ta thậm chí còn đích thân nhiều lần giúp tôi tổ chức chúng. Ngài L. đã bổ nhiệm tôi lên cương vị này vì ông ấy biết rằng, khi có quyền, tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc giúp đỡ những người chạy trốn.

- Được, cứ tạm cho là như thế đi, - tôi nói. Bây giờ chúng ta chuyển sang câu hỏi thứ ba. Nhờ anh giúp đỡ, 87 người đã chạy trốn. Khi con người ta được người khác cứu mạng thì dĩ nhiên họ sẽ cảm thấy biết ơn đối với cứu tinh của mình. Tuy nhiên, nhiều người mà anh đã cứu sống đã nói với tôi rằng họ căm ghét anh. Hơn nữa, họ còn nghi ngờ anh và ngờ vực sự chân thành của những động cơ đã buộc anh phải giúp họ. Ông có thể giải thích điều đó như thế nào?

Anh ta mỉm cười, nhưng lần này là cười buồn bã.

- Tôi những tưởng là người hiểu rõ nhân tình thế thái - mà với ông thì điều này là cần thiết, - thì ông thừa sức tự trả lời câu hỏi này. Chẳng lẽ bản tính con người là lấy oán báo ân? Ngoài ra, tính của tôi thô lỗ, do đó tôi không thể làm gì với mình được. Những con người phải mang ân ai đó thường phản ứng một cách bệnh hoạn với những việc tương tự và kết quả là sự căm ghét sinh ra và ngày càng dâng cao. Chính tôi có lẽ sẽ phải kinh ngạc nếu như những người mà tôi đã giúp đỡ lại tỏ ra biết ơn tôi.

Pulhof khéo léo né tránh trả lời vào nội dung chính câu hỏi của tôi, nhưng tôi không thể không thừa nhận là câu trả lời lần này của anh ta rất logic. Câu ngạn ngữ “Làm phúc phải tội” có thể là hơi tàn nhẫn, nhưng đúng. Tôi đã quyết định chuyển sang câu hỏi khác.

- Thôi được, ta cứ tạm cho là anh đã trả lời câu hỏi thứ ba của tôi, - tôi nói. - Bây giờ là câu hỏi thứ tư. Anh thông minh hơn nhiều người bình thường và anh hiểu rõ là anh đã cực kỳ liều lĩnh khi giúp những người chạy trốn. Tại sao anh lại liều lĩnh một cách không cần thiết khi chở những người anh chuẩn bị đưa sang Anh bằng xe mui trần đi khắp Rotterdam? Mà lại bằng xe công vụ của bọn Đức nữa!

Câu hỏi này chẳng hề làm cho anh ta bối rối.

- Chả lẽ, ông lại nghĩ thế là quá liều ư? Tôi luôn cho rằng, ở một nước bị chiếm đóng, người nào càng hành động táo bạo bao nhiều thì nguy cơ người ấy bị nghi ngờ càng nhỏ bấy nhiêu. Anh còn nhớ rõ câu chuyện của Edgar Poe “Lá thư bị đánh cắp” đấy chứ? Còn nơi nào mà bọn mật thám không sục vào để tìm lá thư quý giá ấy! Chúng lục tung tất cả, sục tìm cả tất cả mọi ngóc dù nhỏ nhất, trong khi lá thư nằm ngay dưới mũi chúng. Nhưng chúng lại không hề nghĩ đến việc tìm nó ở đó! Và tôi cũng đã hành động theo nguyên tắc ấy. Bọn Đức không thể tưởng tượng được là giữa thanh thiên bạch nhật tôi lại đi dùng xe công vụ mui trần để chở những người chạy trốn! Ngoài ra, ở đây còn những lý do mang tính tâm lý thuần tuý - đó là tôi cực kỳ khoái được trả thù bọn Đức, được biến bọn chúng thành những thằng ngốc và chở những người chạy trốn đi ngay dưới mũi chúng.

Tôi bỗng có cảm giác là tôi đang cố bắt một con lươn bằng tay không. Cả lần này nữa, câu hỏi của tôi cũng chả làm cho Pulhof luốn cuống. Câu trả lời rất logic và có cơ sở. Cảm thấy thật vô nghĩa để cố lấy được những lời giải thích nào khác, tôi đành chuyển sang câu hỏi tiếp theo.

Tôi xin có mấy nhận xét về câu hỏi thứ năm. Khi bị thẩm vấn tại trường ái quốc Victoria Hoàng gia cũng như khi ở chỗ tôi, ngay từ đầu Pulhof đã tuyên bố anh ta đến Anh chỉ với một mục đích duy nhất - xin chỉ thị của chính phủ Hà Lan ở London để định hướng hoạt động của các tổ chức bí mật ở Hà Lan. Sau đó anh ta sẽ nhảy dù về lại Hà Lan để lãnh đạo các tổ chức đó.

Bất kỳ ai tỏ ra quá sốt sắng xin rời khỏi Anh để trở về nước mình đều lập tức bị nghi ngờ. Tất nhiên là người ấy có thể là người trung thực, thật sự muốn trở về nước để giúp đỡ tích cực cho đồng minh.

Bởi vậy, tôi hỏi anh ta:

- Bây giờ chúng ta hãy xem anh trả lời câu hỏi thứ năm như thế nào. Anh muốn trở về Hà Lan để triển khai hoạt đông tích cực giúp quân đồng minh. Phải thế không?

Anh ta gật đầu tán thành.

- Nếu như người ta chấp thuận yêu cầu của anh thì kiểu gì anh cũng phải ở lại Anh ba tháng để học nhảy dù, học bắn và tất nhiên là để nhận chỉ thị về hoạt động tương lai của anh. Sau đó anh sẽ được tung về Hà Lan. Nhưng chỉ cần anh xuất hiện trên đường phố Rotterdam với bộ dạng khác thường thì người ta sẽ lập tức biết ngay. Bọn Đức sẽ quan tâm trước hết đến việc tại sao anh lại đột nhiên biến mất trong ba tháng liền rồi sau đó lại bí mật xuất hiện. Anh có nghĩ rằng, anh sẽ khó lòng mà thoát khỏi tình thế đó hay không?

- Chả khó lắm đâu, - Pulhof trả lời. - Thứ nhất, theo tôi biết thì các điệp viên được tung về vào ban đêm đúng không? - Tôi gật đầu tỏ ý đồng tình. - Như thế thì tôi sẽ có đủ thời gian để đến được nhà một thành viên hoàn toàn tin cậy trong tổ chức của tôi trước khi trời sáng. Tôi có những trợ thủ của mình. Đó là những con người tin cậy, dũng cảm và sáng tạo. Họ sẽ thực hiện những chỉ thị của người Anh và tôi thì sẽ lãnh đạo hoạt động của họ từ nơi trú ẩn của mình. Tôi cũng đã có chút kinh nghiệm rồi. Và tôi có thể chỉ đạo hoạt động đó mà chả cần xuất hiện ở đâu cả. Ông vừa lòng với câu trả lời của tôi chứ?

Tôi im lặng một chút mặc dù hiểu rằng câu trả lời là rõ ràng, khúc chiết. Pulhof có thể vội vã muốn trở về Hà Lan vì lý do này hay lý do khác, nhưng sự giải thích của anh ta đã là đủ đối với toà án. Xin độc giả đừng quên là tôi có nhiệm vụ làm rõ tội lỗi hoặc sự vô tội của Pulhof không phải vì tò mò: cứ cho anh ta có tội thì nhiệm vụ của tôi là tìm ra những bằng chứng để có thể thuyết phục được toà. Nhưng tôi đã chẳng được làm cái này lẫn cái kia. Thực ra, tôi giữ lại những con bài nặng ký nhất cho đoạn cuối của cuộc chơi. Và bây giờ đã đến lúc tung ra một trong những con bài ấy:

- Thôi được, - tôi nói. - Bây giờ chúng ta lại trở lại với hoạt động của anh. Anh đã đưa được sang Anh 87 người. Tất cả đều là những chàng trai Hà Lan trung thực. Nhưng một người thông minh như anh không thể không hiểu là những con người này chỉ được quan tâm đến như một nguồn bổ sung cho quân đội, một sự bổ sung tuyệt vời chứ không hơn. Mà ở Hà Lan thì lại còn có nhiều người có giá trị hơn nhiều - những chính trị gia, những nhà lãnh đạo phong trào kháng chiến và những người khác, những người mà người Anh cần có hơn. Tại sao anh lại đưa những người này đi trốn?

Pulhof hơi suy nghĩ.

- Đây là câu hỏi khó nhưng tôi có thể trả lời. Trước hết, bản thân tôi không cho rằng, các chính trị gia là có giá trị lớn. Chính ông đã thừa nhận là tôi đã cung cấp lực lượng bổ sung tốt cho quân đội. Mà trong chiến tranh thì người ta cần trước hết những người lính tốt. Các chính trị gia to mồm biện thuyết, làm những trò gian manh, nhưng chả lẽ khi đã mất cơ hội lãnh đạo, họ lại có giá trị lớn trong cảnh lưu vong? Tôi thừa nhận tôi đã nghiêng về những người trạc lứa tuổi tôi, có cùng lối suy nghĩ như tôi mặc dù khi đã đến Anh thì họ lại bảo là tôi không xứng đáng làm bạn của họ. - Anh ta cười buồn rầu, chắc chắn là vì nhớ lại những lời của tôi rằng, những người mà anh ta đã giúp chạy trốn đang căm ghét và không tin anh ta. Nhưng chả lẽ lại có thể kết tội tôi vì tôi đã thích giúp những người đồng lứa và đôi khi những người lai? Còn một điều quan trọng nữa. Trong thời gian khá dài, tôi đã tổ chức thành công những cuộc chạy trốn và điều đó được lý giải một phần là do tôi đã không mạo hiểm một khi không cần thiết. Tôi đã giải thích tại sao tôi đã chở những người chạy trốn đi khắp Rotterdam bằng ôtô công vụ. Nếu như không tính đến cái trò anh hùng rơm này, mà cái đó cũng có nguyên nhân của nó, thì tôi luôn cố làm tất cả để việc đưa người chạy trốn được tiến hành một cách lặng lẽ và không gây chú ý không cần thiết. Và giả như tôi đã cố giúp những con người nổi tiếng mà ông đã nhắc đến ấy thì lập tức bất kỳ thằng cảnh sát Đức cũng lập tức bám theo tôi ngay. Hiển nhiên, điều đó có thể gây ra sự chấn động. Đưa một yếu nhân đi ngay dưới mũi bọn Đức đâu phải chuyện đùa! Điều đó có lẽ sẽ làm cho việc tiếp tục đưa người chạy trốn gặp phải nguy hiểm. ở mức độ nào đó thì có thể coi bọn Đức là bọn ngốc. Nhưng chúng rất ngoan cố và chúng sẽ không từ bỏ ngay các kế hoạch của chúng đâu. Chúng sẽ không chịu yên chừng nào chưa khám phá được toàn bộ tổ chức. Đó chính là những nguyên nhân khiến tôi đã hành động như thế.
Tôi bắt đầu khâm phục Pulhof một cách vô thức. Với mỗi câu hỏi của tôi, anh ta lập tức có ngay câu trả lời thông minh và khá vừa lòng tôi. Anh ta đã không lạc đề và không cố tranh thủ thời gian để cân nhắc câu trả lời bằng cách  giả bộ chậm chạp hoặc không đủ thông minh như một số kẻ tình nghi khác thường làm. Anh ta hoặc là một người trung thực, hoặc là một kẻ nói dối đại tài, nhưng càng nghe anh ta trả lời tôi lại càng tin anh ta hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa đưa ra con bài nặng ký nhất của mình.

- Mọi chuyện tạm thời là rất tốt, - tôi nói. - Anh đã trả lời tất cả các câu hỏi của tôi. Bây giờ thì tôi mong anh trả lời thêm một câu hỏi nữa của tôi. Qua những lời khai của các bạn anh, và cả của anh nữa, tôi hiểu chuyến đi của anh là hoàn toàn bình thường. Anh rời Hà Lan trên một chiếc thuyền buồm nhỏ có động cơ. Anh, theo tôi hiểu, đã rời bờ ở cửa sông Mass vào ban ngày. Và có lẽ chiếc tàu tuần tiễu của bọn Đức đỗ ở cửa sông phải trông thấy chiếc thuyền của anh. Chiếc tàu tuần tiễu đánh tín hiệu cho anh dừng lại để kiểm tra, nhưng anh đã không hề chú ý tới tín hiệu này và tiếp tục bơi đi. Tôi nói đúng chứ?

Pulhof gật đầu tỏ ý đồng tình, còn tôi thì tóm lược ngắn gọn:

- Theo tất cả các quy tắc của luật cuốc tế, chiếc tàu tuần tiễu lẽ ra đã phải bắn cảnh cáo và nếu như sau đó anh vẫn không dừng lại thì nó sẽ đuổi theo và nhấn chìm anh. Chiếc tàu dó có tốc độ ít ra là gấp đôi chiếc thuyền của anh. Nó được trang bị đến tận răng và do bọn Đức điều khiển, trong khi đó thì chiếc thuyền của anh dĩ nhiên là chẳng có vũ khí gì. Bất kỳ lúc nào chúng cũng đã có thể bắn anh như bắn một con vịt đang bơi. Nhưng theo lời anh kể, chiếc tàu tuần tiễu lại để cho anh đi. Nó đánh một tín hiệu cảnh cáo cho anh, sau đó là một tín hiệu nữa, thế mà khi anh không chịu nghe lệnh nó thì đột nhiên nó lại không quan tâm tới anh nữa. Anh giải thích thế nào về điều đó? Bọn Đức rất cẩn thận và chúng thường không cho phép ai vi phạm những luật lệ mà chúng đặt ra đâu. Thêm vào đó, chúng chắc chắn sẽ thoả mãn được đánh chìm chiếc thuyền lá tre của Hà Lan dám cả gan coi thường chúng. Pulhof nhìn vào mắt tôi, nhún vai, nở một nụ cười dễ thương và nói:

- Cũng như ông, tôi không thể giải thích điều đó. Tất nhiên là tôi hiểu ông đang nghĩ gì và tôi không thể lên án ông vì chuyện đó một khi ông đã lưu ý đến những tình huống thực sự lạ lùng. Ông đang nghĩ rằng, việc chạy trốn là được dàn dựng sẵn và rằng tôi đã móc ngoặc trước với bọn Đức nên vì thế chúng đã cho chúng tôi bơi đi. Nói một cách khác, ông đang coi tôi là một điệp viên Đức. Tôi hiểu đó là kết luận logic duy nhất mà ông có thể rút ra, nhưng tuy câu chuyện này có vẻ thật khó tin, nhưng tất cả đã đúng là như thế. Một sự trùng hợp may mắn của hoàn cảnh! Rõ ràng, chiếc tàu tuần tiễu lần đó được điều khiển bởi một thuỷ thủ đoàn ngờ nghệch. Tôi xin thề là tôi không phải là gián điệp Đức và đã không bao giờ là thế cả. Thật khó tìm ra lời giải thích cho tất cả chuyện này. Tôi chỉ có thể nhắc lại một lần nữa rằng, sự thật đôi khi khác thường hơn cả điều tưởng tượng.

Pulhof đã nhắc lại thành tiếng những ý nghĩ của tôi. Anh ta không bối rối, không mất tự chủ.

Tất nhiên, anh ta hiểu là có lẽ mạng sống và chắc chắn cả sự tự do của anh ta phụ thuộc vào việc anh ta có thể trả lời thoả đáng cho câu hỏi này không.

Lúc này thì Pulhof đã không giữ được tự tin như trước, nhưng vẫn nhìn thẳng vào mặt tôi một cách điềm tĩnh. Tạm để lửng câu hỏi cuối chưa được trả lời, tôi quyết định chuyển sang dùng mánh khoé khác.

- Những cái thuyền mà anh dùng để đưa người đi là một chủ đề để chúng ta đàm đạo lâu lâu. Chúng ta hãy nói về chúng. Tôi biết là trong khoảng sáu tháng trước khi anh đến Anh, một trong những chiếc thuyền mà anh chuẩn bị đã không đến đích. Hình như nó ra khơi vào ban đêm từ một điểm nào đó giữa Sheweningen và Huk-van-Holland trên bờ biển Hà Lan. Động cơ bị hỏng, trên biển thì có gió lớn. Biển nổi sóng to mà trên thuyền thì không có những thuỷ thủ lành nghề. Thuyền đã bị gió thổi bật trở về bờ biển Hà Lan.Và lúc khoảng gần 10 giờ sáng, tức là khi đó trời đã sáng thì các hành khách đã buộc phải lên bờ ở Huk-van-Holland. Anh hãy thử tưởng tượng cảnh tượng ấy. Trong cảng đang đông nghịt lính bảo vệ bờ biển, công nhân cảng, mật thám của cảnh sát an ninh Đức, nhân viên hải quan và những loại người khác. Thế mà bỗng giữa thanh thiên bạch nhật, trong cảng xuất hiện một chiếc thuyền hỏng chật cứng những người Hà Lan. Khi ghé vào bờ, các hành khách nhanh chóng rời thuyền và tản đi về các hướng, nhưng chả ai thèm chú ý đến họ. Chẳng một ai hỏi họ lấy một câu, chẳng có một tên cảnh sát Đức nào bắt họ dừng lại, mà bọn bảo vệ bờ biển thì cũng không thông báo về sự xuất hiện của một chiếc thuyền khả nghi. Vào thời bình thì chuyện như thế có thể không ai để ý. Nhưng vào thời chiến và ở một nước bị chiếm đóng thì nó chắc chắn phải gây sửng sốt. Anh có thể nói gì về tất cả điều đó?

Pulhof im lặng một lát. Sau đó, anh ta thốt lên:

- Tất cả điều đó hoàn toàn không thể giải thích được. Như ông đã nói lẽ ra khi những người trên thuyền lên bờ thì lập tức họ đã phải bị bắt lập tức, nhưng điều đó đã không xảy ra. Họ còn may mắn ở chỗ chiếc tàu tuần tiễu đã để yên cho họ. Trường hợp này thuộc về những trường hợp có thể nói là sự thật đôi khi khác thường hơn cả điều tưởng tượng.

- Có thể có một lời giải thích cho tất cả điều đó, - tôi lên tiếng. - Chắc là bọn Đức đã biết trước về sự ra đi của con thuyền đó. Và chính anh đã báo cho chúng. Nhưng khi con thuyền quay lại thì bọn Đức chắc là đã quyết định là tốt nhất cứ để cho những người đi thuyền giải tán vì dù sao chăng nữa họ cũng là bạn của anh, mà anh lại là bạn của bọn Đức.

Pulhof cười lạnh lẽo.

- Điều đó xem ra giống sự thật nếu như tôi đã là bạn của bọn Đức. Nhưng như tôi đã nói với ông, tôi đã và sẽ không bao giờ là bạn của những con lợn đó cả. Anh có thể tin hoặc không tin tôi, nhưng tôi đang nói sự thật.

Sự thật đôi khi còn khác thường hơn cả điều tưởng tượng, - tôi ngắt lời anh ta. - Tôi chưa bao giờ nghe ai nói thế cả. Thôi được, chúng ta hay để lại câu hỏi đó và chuyển sang câu hỏi tiếp. Anh có thể vui mừng vì đây là câu hỏi cuối cùng mà tôi chuẩn bị đặt ra cho anh. Ta sẽ nói chút nữa về những chiếc thuyền. Chúng đang ngày càng làm cho tôi quan tâm hơn. Hai tháng sau khi xảy ra trường hợp mà tôi và anh vừa đề cập tới xong, anh đã lại chuẩn bị một chiếc thuyền khác. Nó ra khơi từ bờ biển Bắc Hà Lan. Nhưng cũng như chiếc thuyền trước, nó lại gặp trục trặc và lại bị đánh giạt về gần như đúng nơi mà nó đã rời đi. Tôi được biết một trong những người bị bắt giữ, sau cuộc thẩm vấn kéo dài, đã không chịu nổi đòn tra nên đã khai ra toàn bộ sự thật về cuộc chạy trốn. Anh ta khai rằng, anh là người tổ chức cuộc chạy trốn này, thậm chí còn khai cả địa chỉ nhà của anh. Như anh biết đấy, bọn Gestapo sẽ bắt bất kỳ ai mà chúng có chút nghi ngờ. Và nếu như ai đó bị chỉ điểm và tất cả chứng cứ đều chống lại anh ta thì mạng sống của anh ta đã không còn đáng một đồng xu mẻ. ấy vậy mà anh đã bình yên tiếp tục làm công việc của mình. Bọn Gestapo đã không chỉ không bắt anh, mà chúng còn không thèm tranh thủ triệu anh đến thẩm vấn. Tại sao, tôi hỏi anh đấy?

Pulhof vẫn bình thản như trước.

- Đây cũng lại là một trường hợp không thể giải thích nữa. Có lẽ bọn Đức đã tính là tôi sẽ dẫn chúng đến một nhân vật quan trọng nào đó đang chuẩn bị chạy khỏi Hà Lan chăng. Hoặc là chúng nghĩ tôi không thể hành động một mình và bởi vậy chúng đã không động đến tôi để dần dần chúng sẽ khám phá ra toàn bộ tổ chức.

- Cách giải thích của anh không phải là không có lý. Nào ta hãy tiếp tục tiếp tục bàn luận một cách logic nữa nhé. Nếu như quả thực bọn Đức đã theo dõi anh thì sau mấy tháng chúng đã có thể biết được là anh đang chuẩn bị cho nhóm người mới chạy trốn và chính anh cũng ra đi cùng với họ. Cần phải khẳng định là chúng không thể để cho một người đang nằm trong diện nghi vấn của chúng thoát được khỏi tay chúng. Và hiển nhiên là chúng đã phải bắt anh trước khi anh định chạy trốn. ấy vậy mà anh lại đang ở đây. Chỉ có thể có một kết luận: bọn Đức không theo dõi anh.

Vậy là tôi đã thẩm vấn Pulhof trong mấy ngày liền. Tôi cứ trở đi trở lại với ba vấn đề không thể giải thích ấy. Sẽ là không thể giải thích nổi nếu như không kết luận anh ta là đồng bọn của bọn Đức nên bọn chúng đã che chở anh ta. Trong suốt thời gian ấy, Pulhof không một lần mất bình tĩnh.

Bản thân anh ta cũng không hiểu làm sao anh ta đã có thể chạy trốn được, nhưng anh ta luôn nhắc đi nhắc lại anh ta không phải là điệp viên Đức. Tôi quyết định chấm dứt những buổi thẩm vấn không kết quả này và nói với Pulhof là sẽ có quyết định ngay thôi.

Print Print E-mail Print