|
Binh lính không đeo phù hiệu (trên thực tế không phải là lính của nhóm Strelkov] ở Slavyansk, 2014 (svopi.ru) |
>> Đặc nhiệm Nga ở Crimea và Donbas qua con mắt phương Tây (1)
Donbas
Chủ yếu dựa trên các bức ảnh selfie của binh lính Nga đăng trên Internet, nhóm tình nguyện viên “InformNapalm” đã làm rõ tên tuổi của những binh lính ở các đơn vị khác nhau của SSO đã có mặt trên lãnh thổ Ukraine. Trong số đó có tất cả 7 lữ đoàn của GRU, Lữ đoàn (Trước năm 2015 là Trung đoàn) đặc nhiệm độc lập số 45 của VDV, cũng như các nhân viên FSB [14]. Tuy vậy, không nguồn tin công khai nào khẳng định rằng, SSO đã tham gia vào các chiến dịch này. Theo nhà bình luận quân sự Nga Aleksei Nikolsky, “căn cứ vào những hiểu biết của chúng ta về SSO và các nhiệm vụ của lực lượng này, sự hiện diện của họ ở miền Đông Ukraine là không cần thiết” [15]. Nghĩa là nhà bình luận này đã không tìm thấy những bằng chứng khẳng định sự hiện diện của SSO ở Donbas. Sự vắng mặt có thể của SSO ở miền Đông Ukraine cũng phù hợp với quan niệm về SSO như một công cụ đặc biệt chỉ được sử dụng ở nơi mà sự leo thang chiến sự là ít có khả năng xảy ra. Điều đó cũng nhấn mạnh rằng, SSO, với khả năng chiến đấu và “chi phí” sử dụng cao của mình, chỉ được sử dụng khi mà không lực lượng nào khác có thể giải quyết được nhiệm vụ đặt ra.
Nhân viên GRU đầu tiên đã bị SBU bắt giữ vào tháng 3/2014. Anh ta bị bắt cùng với 3 đồng nghiệp khác trong khi thu thập tin tức tình báo về các vị trí của quân đội Ukraine trên bán đảo Chongar ở phía Bắc Crimea. Anh ta tên là Roman Filatov và anh ta đã thừa nhận mình là sĩ quan GRU. Theo thỏa thuận riêng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Sergei Pashinsky, Filatov đã được đánh đổi với Chuẩn đô đốc Sergei Gaiduk và 8 người khác bị chính quyền mới ở Crimea bắt giữ [16].
Ngoài lực lượng đặc nhiệm GRU, trang mạng “Zabytyi polk” (Trung đoàn bị lãng quên) cho hay, Trung đoàn đặc nhiệm độc lập 45 của VDV đã bị phát hiện ở thành phố Novoazovsk. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đã tuyên bố có các bằng chứng về sự hiện diện tích cực của SVR trong khu vực, ngoài ra, cũng đề cập đến sự tham chiến của các đơn vị đặc nhiệm Alpha và Vympel của FSB. Tuy nhiên, tuyên bố về sự tham gia của Alpha và Vympel không có sự xác nhận ở các nguồn khác [17].
Không rõ chính xác là khi nào đặc nhiệm GRU đã bắt đầu phái quân của mình sang Donbas. Một trong những nhân chứng đầu tiên là nữ phóng viên quân sự Ukraine Inna Zolotukhina. Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh từ những ngày đầu tiên” của mình, Zolotukhina nói rằng, các lực lượng đã đánh chiếm trụ sở SBU ở Slavyansk vào cuối tháng 4/2014 “đã ăn mặc và được trang bị như các binh sĩ của tiểu đoàn đặc nhiệm Vostok (Phương Đông) của Kadyrov (thực chất đây là tiểu đoàn đặc nhiệm của GRU, binh sĩ hoàn toàn là người Chechnya) mà tôi đã trông thấy hai tháng trước ở Crimea” [18]. Cô cũng khẳng định rằng, “một quan chức cấp cao của các cơ quan sức mạnh thành phố Slavyansk đã nói với tôi rằng, gần 150 huấn luyện viên của GRU đã có mặt ở thành phố trong hơn một tháng trời” [19]. Nếu thông tin này là đúng thì đặc nhiệm GRU đã có mặt ở miền Đông Ukraine từ giữa tháng 3/2014. Thời điểm đó là một tháng trước khi bắt đầu phong trào chống chính phủ quy mô lớn ở Donbas.
Nhà tài phiệt Ukraine Sergei Taruta cũng đã nói rằng, đặc nhiệm Nga nhiều khả năng đã có vai trò trong việc phát động cuộc nổi loạn. Ông Taruta đã tham gia cuộc đàm phán của chính phủ Ukraine với quân nổi dậy ở Donetsk. Theo lời ông, ngày 8/4, chính quyền Ukraine đã mua chuộc quân nổi dậy để họ rời khỏi tòa nhà chính quyền Donetsk. Tuy nhiên, ngay khi thỏa thuận vừa đạt được, “những người xanh bé nhỏ” (biệt danh được đặt cho lính đặc nhiệm Nga sau sự kiện chiếm giữ Crimea) đã từ Slavyansk kéo đến Donetsk và làm cho quân nổi dậy đổi ý. Sau cuộc viếng thăm này, hai bên đã không thể đạt được thỏa hiệp [20]. Như vậy, Nga đã dính líu vào việc kích động phần nào cuộc nổi dậy chống Kiev ở Donbas, và các lực lượng đặc nhiệm Nga đã là một trong những công cụ chủ yếu. Đây là ví dụ nổi bật của việc sử dụng đặc nhiệm trong các hành động ngầm kiểu phức hợp. Tuy nhiên, những sự việc đó cũng không hề phủ nhận việc sự chủ động của dân cư địa phương đã đóng vai trò lớn trong cuộc nổi dậy của Donbas chống Kiev [21].
Trong khi hoạt động của đặc nhiệm Nga ở Crimea phần lớn liên quan đến các hành động ngầm, thì sự tham gia của họ vào các sự kiện ở Donbas kể từ tháng 7-8/2014 cũng bao hàm sự dính líu quy mô lớn. Nhà bình luận quân sự Ukraine Konstantin Mashvets nói rằng, đặc nhiệm GRU đã huy động đến Donbas từ 3-4 đơn vị/tiểu đoàn. Các đơn vị này gồm 250-300 quân và có mặt trong khu vực theo kiểu luân phiên trong số 7 lữ đoàn đặc nhiệm GRU. Họ hoạt động thành các toán 10-12 người và phối hợp hành động với các đơn vị trinh sát vô tuyến điện tử của GRU [22].
Liên quan đến các hoạt động tác chiến trực tiếp, nhìn chung đặc nhiệm Nga ở Donbas đã tìm cách tránh chạm súng trực tiếp. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Ví dụ, một trong những sĩ quan GRU bị phát hiện ở Donbas là người có họ là Krivko. Anh ta đã bị thương trong trận đánh ở Sanzharovka vào cuối tháng 1/2015. Cũng vào tháng 5/2015, hai binh sĩ của Lữ đoàn đặc nhiệm số 16 ở Tambov của GRU đã bị thương trong trận đánh ở thành phố Schastie, gần Lugansk [24]. Những ví dụ này cho phép khẳng định rằng, đặc nhiệm GRU đã không phải lúc nào cũng tránh được giao chiến trực tiếp.
Về sự phối hợp giữa lính đặc nhiệm Nga và quân nổi dậy thì đặc nhiệm Nga đã tiến hành huấn luyện dân chúng địa phương và cung cấp cho họ tin tức tình báo. Đồng thời cũng nhận thấy có sự không muốn hợp tác nào đó, nhất là ở nơi mà những lính tình nguyện đến từ Nga (không phải binh sĩ chính quy) có thể tự mình làm việc này. Mashovets cũng cho biết, mỗi toán đặc nhiệm GRU đều có một cán bộ điệp báo GRU. Qua đó thấy rằng, Nga theo đuổi mục đích tách biệt các nhiệm vụ mang tính quân sự và mang tính chính trị. Đặc nhiệm GRU làm nhiệm vụ trinh sát và hỗ trợ quân sự, còn việc giải quyết các vấn đề chính trị do các cán bộ chỉ đạo điệp báo phối thuộc phụ trách [23].
Những hành động trực tiếp khác của đặc nhiệm Nga bao gồm hoạt động phá hoại trên các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Ví dụ, tháng 9/2014, một trong các nhiệm vụ đó thất bai, kết quả là một người được cho là điệp viên của GRU bị giết. Anh ta bị nghi ngờ đã gây nổ một xi-téc xăng máy bay tại ga Osnova, nhiều khả năng là nhằm gây khó khăn cho không quân Ukraine.
Các nguồn tin Ukraine cũng nói rằng, mùa hè năm 2015, các đơn vị tinh nhuệ của lực lượng nổi dậy và đặc nhiệm GRU hoạt động rất mạnh ở hậu phương. Họ tiến hành hoạt động phá hoại, bao gồm cả gài mìn và tấn công các đoàn xe được bảo vệ yếu của Ukraine [25].
Đặc nhiệm của FSB tham gia các hành động trực tiếp kiểu khác. Nhà bình luận quân sự Ukraine Dmitri Tymchuk nói rằng, các nhiệm vụ đặc biệt của đặc nhiệm FSB là giám sát và tăng cường kỷ luật trong các nhóm quân ly khai. Việc này bao gồm cả ngoại giao, lẫn “các biện pháp có tính thể chất” chống lại những cá nhân đặc biệt bất trị [26].
|
Thành viên quân nổi dậy Aleksandr Mozhayev có biệt danh Babai bên hàng rào ngăn bên ngoài tòa nhà hội đồng thành phố ở Kramatorsk (ria.ru) |
Như vậy, giống nhà ở đa số các nước, ta thấy rõ các vấn đề phối hợp hành động giữa các đầu mối, bộ ngành khác nhau. Nhà bình luận Nga Konstantin Gaaze cho rằng, có ít nhất ba bộ ngành của Nga thực thi chính sách ở Donbas. Thường thì họ không muốn hoặc không thể phối hợp các nỗ lực của mình. Chẳng hạn, Trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov chịu trách nhiệm về ban lãnh đạo chính trị của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, trong khi giới quân sự Nga chỉ đạo lực lượng vũ trang của hai khu vực này. Ngoài ra, còn có những nhiệm vụ nhất định ít người biết thì do FSB phụ trách. Theo khẳng định của Gaaze, cả ba đầu mối, bộ ngành này ít khi thông tin cho nhau về các hành động của mình [27]. Tuy nhiên, vào tháng 10/2015 (theo các nguồn tin Ukraine), để giải quyết vấn đề này, tại Donetsk đã thành lập trung tâm điều phối chung của GRU và FSB [28].
Từ những ví dụ sử dụng lực lượng đặc nhiệm ở Crimea và Donbas kể trên, có thể tổng kết hoạt động của đặc nhiệm Nga như sau:
Các nhiệm vụ của đặc nhiệm Nga tại Crimea và Donbas |
| Crimea
| Donbas
| Hành động trực tiếp | | X
| Trinh sát đặc biệt | X
| X | Hỗ trợ quân sự | | X | Hành động ngầm | X
| X
|
|
Những bài học đối với nước Mỹ
Giống như chuyện thường xảy ra, bản chất của hai chiến dịch này khiến cho việc nghiên cứu chúng nhằm rút ra những kết luận cho các nước khác là rất khó. Sự hiện diện của một số lượng lớn những người dân tộc Nga và những người thân Nga, cũng như các mối liên hệ lịch sử của các tỉnh này với nước Nga làm cho Crimea và Donbas trở nên độc đáo và khác với bất kỳ tỉnh nào khác, nơi mà trong tương lai Nga có thể trở thành một bên tiềm tàng tham gia xung đột. Mặc dù vậy, có thể rút ra ba bài học chính.
Một là cần chú ý đến khả năng gia tăng của Nga về triển khai và huy động nhanh lực lượng đặc nhiệm. Đặc biệt, cần lưu ý đến việc thành lập SSO, đơn vị đã tăng cường đáng kể sức mạnh của nước Nga trong lĩnh vực này. Họ đã có thể chớp nhoáng tạo ra sự đã rồi (fait accompli) mà ban lãnh đạo Ukraine đã không có cơ hội phản ứng. Kịch bản tương tự hoàn toàn có khả năng xảy ra với các nước khác. Nếu xảy ra xung đột giữa Nga với một nước nào đó, Nga có thể huy động nhanh lực lượng đặc nhiệm để tạo ra fait accompli, điều có thể tạo ra tình thế nan giải đối với chính phủ nước đó. Thất khó mà chấp nhận việc Nga đã làm, nhưng các hành động đáp trả có thể dẫn đến leo thang xung đột, điều có thể còn tồi tệ hơn nữa. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp tổn hại chính trị hay vật chất của việc chấp nhận hiện trạng mới là không lớn.
Các nước NATO cần phải chú ý đến việc các nước thành viên sẽ đánh giá tình thế hình thành như thế nào. Không phải là các đồng minh NATO muốn ủng hộ giải pháp quân sự cho cuộc xung đột mà sẽ có những lo ngại lớn về khả năng leo thang. Quốc gia tham gia xung đột trước hết sẽ buộc phải tin chắc vào sự trợ giúp chắc chắn của các đồng minh, trước khi quyết định về các hành động đáp trả.
Hai là, việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm và các cuộc chiến tranh phức hợp nói chung không lần nào giống lần nào cả. Bởi vậy, việc chuẩn bị cho kịch bản giống với kịch bản Ukraine sẽ vô nghĩa. Trái lại, mỗi quốc gia cần phải đánh giá những điểm yếu của mình một khi xảy ra xung đột tiềm tàng với Nga và tập trung khắc phục những điểm yếu đó.
Ba là, hiệu quả của việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm có thể được bổ sung bằng các công cụ phi quân sự khác. Trong trường hợp Crimea và Donbas, đó là hoạt động tuyên truyền của truyền hình Nga và việc phá hoại hạ tầng thông tin. Trong các trường hợp khác, đó có thể là điều gì đó hoàn toàn khác. Bài học chủ yếu là hãy sẵn sàng cho khả năng xuất hiện đồng thời những mối đe dọa khác nhau.
Mỹ cũng cần lưu ý đến việc khả năng gia tăng của Nga trong việc sử dụng chớp nhoáng lực lượng đặc nhiệm đang đe dọa các đồng minh của Mỹ. Phản ứng đáp trả sẽ dễ dàng hơn nếu như kịp thời đưa ra các biện pháp có tính quân sự và/hoặc chính trị. Liên quan đến tình đoàn kết của NATO, vạch đỏ mà sau đó sẽ áp dụng Điều 5 Hiến chương NATO có thể còn mờ nhạt hơn nữa.
Một vấn đề khác đối với Mỹ có thể là việc kinh nghiệm của Nga trong việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm có thể được xuất khẩu ra nước ngoài. Nga đã có kinh nghiệm như thế khi vào cuối thập niên 1990, quân đội Nga đã giúp xây dựng lực lượng đặc nhiệm Ethiopia. Nga có quan hệ quân sự mật thiết với những nước có quan hệ căng thẳng với Mỹ. Việc tăng cường các lực lượng đặc nhiệm của các địch thủ tiềm tàng của nước Mỹ có thể một vấn đề khó khăn đối với công tác hoạch định quân sự.
Nếu như sự thay đổi chế độ không diễn ra thì quan hệ của Nga với nhiều nước có thể còn phức tạp trong nhiều năm nữa. Điều đó có nghĩa là kể cả khi Nga không lựa chọn đối đầu thì sự xung đột lợi ích và những cách diễn giải khác nhau các hiện thực chính trị có thể dẫn tới xung đột thật sự. Chừng nào chưa tạo lập được sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ vững chắc với Nga, đối với nhiều nước, xác suất xảy ra xung đột vẫn còn rất lớn. Trong điều kiện đó, khả năng gia tăng của lực lượng đặc nhiệm Nga khiến người ta lo lắng.
>> Đặc nhiệm Nga ở Crimea và Donbas qua con mắt phương Tây (1)
Tài liệu tham khảo:
[14] ИнформНапалм, informnapalm.org/12174-russianpresence.
[15] Nikolsky, “Little, Green and Polite”, 130.
[16] Юрий Бутусов, “Как украинская контрразведка ровно год назад захватила первого шпиона в российско-украинской войне”, Цензор.нет, 12 марта 2015 первогоhttp://censor.net.ua/resonance/328206/kak_ukrainskaya_kontrrazvedka_rovno_god_nazad_zahvatila_pervogo_shpiona_v_rossiyiskoukrainskoyi_voyine
[17] См. https://joinfo.ua/politic/1057527_Rossiyskie-aktivisti-opublikovali-polniy-spisok.html; и “Российская армия и спецслужбы РФ в войне против Украины”, Цензор.нет, 25 ноября 2014, http://censor.net.ua/resonance/313320/rossiyiskaya_armiya_i_spetsslujby_rf_v_voyine_protiv_ukrainy.
[18] Батальон “Восток”, состоящий преимущественно из чеченцев, в 1999-2008 годах напрямую подчинялся GRU. В 2008 году он был официально распущен, но по утверждениям российского журналиста и эксперта по Кавказу Ивана Сухова, “на самом деле его никогда не распускали, а просто перепрофилировали и инкорпорировали в подразделение Минобороны, расположенное в Чечне”. См. Claire Bigg, “Vostok Battalion: A Powerful New Player in Eastern Ukraine”, Radio FreeEurope/ Radio Liberty, 30 мая 2014, http://www.rferl.org/a/vostok-battalion-a-powerful-new-player-in-eastern-ukraine/25404785.html
[19] Инна Золотухина, Война с первых дней (Киев: Фолио, 2015), 70.
[20] Соня Кошкина, Майдан – нерасказанная история (Киев: BraitBooks, 2015), 400.
[21] Эта точка зрения серьезно обсуждается среди специалистов. Для оценки роли местной инициативы см. Serhiy Kudela, “Domestic Sources of the Donbas Insurgency”, PONARS Eurasia Policy Memo No. 351. Для оценки роли России, см. Andreas Umland, “In Defense of Conspirology” http://www.ponarseurasia.org/article/defense-conspirology-rejoinder-serhiy-kudelias-anti-political-analysis-hybrid-war-eastern, и Yuri Matsiyevsky, ”The limits of Kudelia’s Argument: On the Sources of the Donbas Insurgency”, PONARS Eurasia, October 31,2014, http://www.ponarseurasia.org/article/limits-kudelias-argument-sources-donbas-insurgency.
[22] Константин Машовец, “О “туристах” Путина или война малых групп”, Информационное сопротивление, 30 июля 2015, http://sprotyv.info/ru/news/kiev/o-turistah-putina-ili-voyna-malyh-grupp.
[23] Там же.
[24] Falcon Bjorn, “Royal Flush”. Russian Special Forces soldier fighting in Ukraine showed us all!”, InformNapalm, 25 мая 2015 “Royal Flush”. Russian Special Forces soldier fighting in Ukraine showed us all!; и Falcon Bjorn “Ukrainian Army Destroys Russian Spetsnaz GRU Recon Group near Shchastya and Captures Two Russian Servicemen”, InformNapalm, 17 мая 2015 https://informnapalm.org/en/ukrainian-military-destroys-a-russian-spetsnaz-incursion-into-shchastya-and-captures-two-wounded-spetsnaz-troops/.
[25] См. “Спецназ ГРУ начал охотиться на украинских военных в тылу”, Новое время, 17 июля 2015.
[26] Интервью с Тимчуком в статье Виктора Степаненко “Российских грушников на оккупированных территориях сменяет FSB”, Новое время, 20 октября 2015.
[27] Константин Гаазе, “Выбор Суркова: зачем Кремль опять меняет донецкое начальство” Forbes Russia, 7 сентября 2015, http://www.forbes.ru/mneniya-column/vertikal/298849-vybor-surkova-zachem-kreml-opyat-menyaet-donetskoe-nachalstvo.
[28] http://nv.ua/ukraine/events/vtorgshiesja-v-ukrainu-fsb-i-gru-obedinilis-dlja-teraktov-i-diversij-is-78415.html.