|
Huawei và ZTE gây mối quan ngại an ninh ở nhiều nước như Mỹ, Nga, EU...
|
Thêm một vụ scandal gián điệp nữa nổ ra ở Mỹ. Quốc hội Mỹ cho rằng, các công ty viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, còn thiết bị của các công ty này có thể dùng cho hoạt động gián điệp.
Đáng chú ý là vụ scandal này gián tiếp đụng chạm đến đối thủ của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ Mitt Romney.
|
Biểu tượng của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ
|
Chính quyền Mỹ phải theo dõi hoạt động của Huawei và ZTE ở Mỹ và cảnh báo khu vực tư nhân về nguy cơ gián điệp, báo cáo do Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ - HPSCI (House Permanent Select Committee on Intelligence ) soạn thảo cho biết. Ngoài ra, cả 2 công ty này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và có thể làm phương hại an ninh quốc gia Mỹ. Các công ty này đã không đưa ra được câu trả lời thích đáng câu hỏi về mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc.
Huawei đang sản xuất các communicator, router, máy móc bảo đảm và các loại sản phẩm khác. Công ty ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, trong đó có điện thoại di động.
Tình báo Mỹ đưa ra những cáo buộc trên trong bối cảnh Huawei có kế hoạch lên sàn chứng khoán lần đầu tiên. Quốc hội Mỹ có thể cấm các công ty Trung Quốc ký kết hợp đồng với các hãng Mỹ và tham gia các thương vụ sáp nhập và thôn tính.
Ngoài ra, HPSCI còn khuyến nghị lưu ý nghiêm túc đến luật lệ nhằm mở rộng vai trò của nhóm liên ngành có tên Ủy ban về đầu tư nước ngoài ở Mỹ để loại trừ việc các công ty Mỹ mua sắm các sản phẩm kể trên.
Đại diện chính thức của Huawei, ông William Plummer đã bác bỏ cáo buộc của Quốc hội Mỹ. “Những khẳng định nói rằng, Huawei phớt lờ các thực tiễn kỹ thuật và thương mại là hoàn toàn vo căn cứ”, ông Plummer nói. ZTE thì gửi đến HPSCI lá thư nói rằng, công ty này không đồng ý với ý kiến cho rằng, ZTE nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. “Khác với các nhà sản xuất phương Tây, ZTE không nên nằm ở trung tâm chú ý của cuộc điều tra này”, lá thư viết.
Hiện chưa rõ, những cáo buộc của tình báo Mỹ ảnh hưởng thế nào đến việc bán điện thoại di động. Cả 2 công ty đang bán điện thoại di động cùng với các công ty như Verizon, Sprint và T-Mobile.
“Các công ty Mỹ muốn mua sản phẩm của Huawei sẽ phải tìm cho mình nhà cung cấp khác nếu như họ quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ và đời sống riêng tư của các khách hàng của mình, cũng như lo lắng cho an ninh quốc gia Mỹ”, Chủ tịch HPSCI Mike Rogers.
HPSCI cũng thông báo họ đã nhận được tin tức tin cậy từ các chuyên gia không nêu tên trong lĩnh vực này và từ các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên của Huawei cáo buộc công ty này về vấn đề tham nhũng và hối lộ, cũng như có hành vi phân biệt và vi phạm tác quyền. Tình báo Mỹ dự định chuyển báo cáo này cho Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Mỹ.
Báo cáo cũng nói rằng, Huawei đang cung cấp thiết bị và dịch vụ gây rủi ro cho an ninh lâu dài của quốc gia. Tuy nhiên, HPSCI không nêu ra được các chứng cứ cụ thể cho khẳng dịnh này, ít ra là trong phiên bản công khai của báo cáo. Theo các đại diện tình báo Mỹ, phiên bản mật của báo cáo có nhiều thông tin hơn.
Huawei và ZTE đang nhanh chóng trở thành “các đấu thủ thống trị toàn cầu” trên thị trường viễn thông có liên quan đến khu vực ngân hàng và tài chính, cũng như thị trường dầu khí, hệ thống giao thông đường biển và đường sắt, báo cáo viết.
“Doanh thu bán thiết bị viễn thông của ZTE ở Mỹ là gần 30 triệu USD/năm. Trong khi doanh thu của các nhà sản xuất lớn của phương Tây là hơn 14 triệu USD”, các đại diện ZTE trả lời cáo buộc của tình báo Mỹ.
Huawei và ZTE không chỉ là nguy cơ đối với hạ tầng nước Mỹ. Hai công ty này thuộc chính phủ Trung Quóc và đang ráo riết xâm nhập thị trường thiết bị mạng của Mỹ. Bắc Kinh có mọi “phương tiện và khả năng” để sử dụng các công ty này vào mục đích của mình.
Các nhà quản lý cấp cao của Huawei và ZTE cho biết, họ sẽ không bao giờ chiều theo mong muốn của chính phủ Trung Quốc phát triển sản phẩm để do thám vì coi việc làm đó như sự tự sát của doanh nghiệp.
Có thể, báo cáo này của tình báo Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Các đại diện quân đội Mỹ từ lâu đã coi Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh điều khiển học của các hệ thống quốc phòng Mỹ. Cho đến gần đây, chính quyền Mỹ vẫn chưa công khai nói về chuyện này để không làm căng thẳng tình hình. Nhưng trong phiên bản đầy đủ hơn của báo cáo của HPSCI, người ta đã dùng những cách nói thẳng thừng hơn để phản ánh sự lo ngại của Mỹ.
Tờ HuffPost cho hay, công ty Bain Capital do ông Mitt Romney, đối thủ của ông Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thành lập, trước đó đã có quan hệ đối tác với Huawei. Bain Capital đã cố tìm cách tham gia kinh doanh với Huawei và nhà sản xuất thiết bị điện tử 3Com, nhưng không được. Sau đó, công ty này cũng xâm nhập được thị trường Trung Quốc sau khi mua công ty Uniview vốn sản xuất thiết bị theo dõi cho Trung Quốc mà cảnh sát cũng sử dụng. Tuy vậy, ông Mitt Romney vẫn tuyên bố ông có ý định để Mỹ có lập trường rất cứng rắn đối với Trung Quốc do vi phạm nhân quyền.
Tuần trước, ở Mỹ cũng bùng nổ một scandal gián điệp khác. Công tố quận Brooklyn, New York đã cáo buộc 11 người tội chuyển giao công nghệ quân sự cho Nga. Bản chất các cáo buộc chủ yếu là việc xuất khẩu trái phép từ Mỹ sang Nga các thiết bị vi điện tử phục vụ cho quân đội và tình báo Nga.