Vietnamdefence.com

 

10 quốc gia có tin tặc hoạt động mạnh nhất

VietnamDefence - 10 quốc gia chiếm ¾ tổng số cuộc tấn công tin tặc. Tất cả các nước trong nhóm BRIC đều có mặt, nhưng quốc gia có tin tặc đông nhất chính là Trung Quốc.

Dựa trên số liệu của hãng Akamai Technologies, hãng tin Bloomberg đã lập bảng xếp hạng các quốc gia nguy hiểm nhất về tấn công tin tặc và đúng như dự đoán, nước dẫn đầu là Trung Quốc.

Trong quý 4/2012, Trung Quốc chiếm 41% tổng số cuộc tấn công tin tặc thực hiện trên toàn thế giới. Chính số liệu này được lấy làm cơ sở khi lập bảng xếp hạng. Hơn nữa, ngay tại Trung Quốc, đang diễn ra sự gia tăng bùng nổ số lượng các cuộc tấn công tin tặc. So với quý trước đó, tỷ trọng của Trung Quốc đã tăng 33%, còn so với quý 4/2012 là tăng 13%.

Các cuộc điều tra đã phát hiện ra có một mạng lưới tin tặc phức tạp và rộng lớn đang hoạt động ở Trung Quốc. Một số thành viên của nó có liên hệ với quân đội Trung Quốc, hiện chưa rõ mức độ dính líu của các quan chức Trung Quốc vào các chiến dịch tin tặc. Chính phủ và báo chí nhà nước Trung Quốc tiếp tục bác bỏ sự dính líu của nước này vào các scandal tin tặc quốc tế.

Đứng thứ hai với một quãng cách xa so với Trung Quốc là Mỹ khi chiếm 10% tổng số các cuộc tấn công tin tặc. So với quý 3/2012, đã giảm 3%, còn nếu tính theo năm thì con số vẫn không đổi. Mỹ là nơi trú ẩn của một số nhóm tin tặc khét tiếng như Anonymous và AntiSec.

Đứng thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này chiếm 4,7% tổng số cuộc tấn công, tăng 0,4% so với quy trước, nhưng ít hơn so với một năm trước khi tỷ lệ này là 5,6%.

Nga đứng vị trí thứ tư với 4,5% tổng số cuộc tấn công trong quý 4/2012. Tình hình như vậy đã có sự cải thiện đáng kể. Trong quý trước, chỉ số này là 4,7%, còn một năm trước là 6,8%.

Ít nhất có 40 tập đoàn, tổng công ty đã trở thành mục tiêu tin tặc từ Nga và Đông Âu, trong đó có Apple, Facebook và Twitter.

Mục tiêu của các hacker là thu thập thông tin mật của công ty, nhất là tài sản trí tuệ có thể qua các kênh ngầm, trước hết là liên quan đến Apple. Trước đây, những cuộc tấn công này chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc. Các bộ phận an ninh mạng của các công ty đặc biệt nhấn mạnh sự đa dạng và trình độ cao của các cuộc tấn công.

Facebook cho biết, họ đã hứng chịu một cuộc tấn công lợi dụng các điểm yếu của site được thiết kế cho các thiết bị di động. Apple cũng tiết lộ có một cuộc tấn công tương tự. Trong quá trình điều tra, nghi ngờ rơi vào các nhóm tin tặc tội phạm từ Nga hay Đông Âu. Người ta xác định được là ít nhất có 1 máy chủ mà bọn hacker sử dụng là năm ở Ukraine.

Đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng là Đài Loan với 3,7%  tổng số cuộc tấn công tin tặc. So với quyas 4/2012, con số này đã giảm đi 2 lần. Điều thú vị là tuy là một trong những nước nguy hiểm nhất về tội phạm mạng, Đài Loan đồng thời cũng là miếng mồi béo bở cho hacker khi 12,7% tổng số cuộc tấn công tin tặc trên thế giới là nhằm vào các máy tính của Đài Loan.

Đứng thứ 6 lại là một nước đang phát triển khác là Brazil với 3,3% tổng số cuộc tấn công tin tặc trên thế giới trong quý 4/2012.

Romania chiếm 2,8% tổng số cuộc tấn công tin tặc trên thế giới trong quý 4/2012, đứng thứ 7 bảng xếp hạng. Báo chí gọi thành phố Râmnicu Vâlcea của Romania là thiên đường của tội phạm mạng.

Một quốc gia nữa của nhòm BRIC là Ấn Độ đứng thứ 8 với 2,3%. Đứng thứ 9 là Italia với 1,6%, còn đứng thứ 10 là Hungaria với 1,4%.

Tính đến hiện tại, tinh vi nhất trong các cuộc tấn công mạng là cuộc tấn công của virus Eurograbber năm 2012 trộm cắp 36 triệu euro. Hơn 30.000 tài khoản khách hàng ở hơn 30 nhà băng của 4 nước châu Âu đã bị bẻ khóa, còn phần mềm độc hại sử dụng đã lây nhiễm cả cho máy tính cá nhân lẫn điện thoại di động.

Nổi tiếng trong giới tin tặc người Nga là Nikita Kuzmin, người đã cùng với đồng bọn từ Latvia và Romania đã viết ra “virus Gozy”. Virus này đã tấn công hơn 1 triệu máy tính, tổng thiệt hại gây ra gần 50 triệu USD. Trong số các máy tính bị lây nhiễm có hơn 40.000 máy tính ở Mỹ, trong đó có gần 160 máy tính của Cơ quan Hàng không-vũ trụ Mỹ NASA. Bọn tội phạm đã truy cập được các thông tin ngân hàng trên toàn thế giới và lấy cắp tiền từ các tài khoản của các thể nhân và pháp nhâ, cũng như các cơ quan chính phủ.

Trong khi đó, một trong những tin tặc lừng danh nhất thế giới là Gary McKinnon, người Anh, quốc gia không nằm trong số 10 quốc gia nhiều tin tặc nhất. Anh ta đã thực hiện vụ thâm nhập có quy mô lớn nhất vào các hệ thống thông tin nhà nước Mỹ, gây tổn thất 800.000 USD. Anh ta đã xâm nhập được 97 máy tính của các bộ ngành khác nhau, trong đó có NASA và Lầu Năm góc. McKinnon tìm trong các hệ thống máy tính những chứng cứ tồn tại người ngoài hành tinh và không mưu đò thu lợi gì từ các hành động của mình, kể cả lợi ích vật chất.

Nguồn: VZ, 24.4.2013.

Print Print E-mail Print