Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Ba Lan: Bruno chống lại Enigma (1)

VietnamDefence - Máy mã Enigma lần đầu tiên bị giải phá ở Ba Lan từ tháng 1 năm 1933.

Một kẻ tột cùng nghèo hèn,
trong hoàn cảnh khác,
có thể trở thành người tột đỉnh giàu sang.

K. Prutkov. “Những trước tác”


Bruno chống lại Enigma

Máy mã Enigma lần đầu tiên bị giải phá ở Ba Lan từ tháng 1 năm 1933. Diễn ra trước sự kiện này là chuyến thăm vào tháng 12 năm 1932 của chỉ huy cơ quan cơ yếu của Bộ Chiến tranh Pháp đến Varsava, trong chuyến thăm đó ông ta đã chuyển cho các chuyên gia mã thám Ba Lan một phần các tài liệu do một điệp viên Đức của họ cung cấp, trong đó có bản hướng dẫn sử dụng máy mã Enigma, thông tin về hệ thống khoá của máy mã này và bản thân danh sách các khoá mã được sử dụng trên thực tế.

Dĩ nhiên, phía Pháp làm điều đó nhưng không để lộ nguồn tin. Tháng 1 năm 1933, người Ba Lan đã tái tạo được trên giấy sơ đồ phức tạp của máy mã Enigma đang được sử dụng trong quân đội Đức. Công việc giải phá Enigma lại tiếp tục ở Ba Lan lúc thành lúc bại cho đến tháng 9 năm 1939.

Người ta biết là có thể có hơn 17,5 ngàn vị trí đặt cho ba trục rotor của máy mã Enigma. Nếu các chuyên gia mã thám không biết trước trình tự đặt các rotor đó thì con số này có thể sẽ sinh ra tới 100 ngàn tổ hợp. Vậy người Ba Lan đã có đóng góp gì vào việc giải phá máy mã Enigma? Một là họ đã lập tức hiểu ra là có không phải 26 cách thay thế có thể cho mỗi chữ cái của bản rõ mà là 25. Hai là họ đã xác định được rằng, trước khi truyền bức điện mang tin chính, các báo vụ viên Đức thường gửi đi đoạn mở đầu, tiếp sau đó là thông tin đặc biệt quan trọng - một nhóm ba chữ cái chỉ chủng loại máy Enigma. Nó cũng chỉ ra quân, binh chủng quân đội Đức đang sử dụng kiểu máy mã Enigma đó. Mà cái đó lại đồng nhất với các tiếp điểp trên bảng phích cắm và vị trí đặt các rotor. Nhóm ba chữ cái tiếp theo chỉ vị trí đặt các rotor.

Giá như người Ba Lan hiểu được điều đó thì nhiệm vụ cũng đơn giản hơn nhiều vì các nhân viên thông tin Đức thường mắc lỗi hoặc mất kiên nhẫn nên đã gửi đi đoạn mở đầu điện bằng bản rõ. Tuy nhiên vào năm 1934, Wehrmacht đã bắt đầu thay đổi cấu hình của bảng phích cắm hàng tuần thay vì hàng quý nên gây nhiều khó khăn cho các chuyên gia Ba Lan đang toát mồ hôi giải phá Enigma.

Người Ba Lan đối phó điều đó bằng cách chế tạo một thiết bị đặc biệt gọi là “côngtơmet”. Máy này có thể tự động quay các rotor để đưa chúng qua tất cả các vị trí có thể. Một phát minh khác của người Ba Lan là giấy kẻ đục lỗ đã giúp giải phá cấu hình của bảng phích cắm. Bên cạnh đó, các chuyên gia Ba Lan xuất phát từ phỏng đoán rằng, Wehrmacht chỉ sử dụng tổng cộng 6 dây nối, còn các chữ cái còn lại trên bảng bảng phích cắm vẫn không thay đổi. Và nếu như trước Thế chiến II nổ ra, cả người Pháp và Anh đều không đủ kiên trì nghiên cứu giải phá máy mã Enigma của Đức vì họ coi đó là việc tốn công vô ích (mặc dù họ cũng đã nghiên cứu kiểu máy Enigma cho Tây Ban Nha không có bảng phích cắm mà quân Franco sử dụng), thì người Ba Lan trong thời kỳ này dù sao cũng vẫn giải phá được một số khoá mã của máy mã Enigma.

Không lâu trước khi chiến tranh thế giới bắt đầu, Ba Lan đã chia xẻ các thành tựu nghiên cứu mã thám của mình đối với máy mã Enigma với các đồng minh Anh và Pháp. Từ ngày 22 đến 25 tháng 7 năm 1939, Bộ Tổng tham mưu Ba Lan đã chuyển cho các đại diện của bộ tổng tham mưu Anh và Pháp mỗi nước một chiếc máy mã Enigma do các chuyên gia mã thám và kỹ sư Ba Lan phỏng chế được, cũng như bản mô tả các phương pháp giải phá nó, tuy nhiên họ không nói về việc Ba Lan chế tạo được thiết bị Bombes.

Đây là một thiết bị cơ điện và là một côngtơmet cải tiến. Bombes hàm chứa không dưới 6 bản sao máy Enigma mà cho đến lúc đó người Ba Lan đã chế tạo được. Thiết bị này được gọi là Bombes là vì những người sáng chế ra nó đang ăn loại kem có cái tên kỳ dị là Bombes khi trong đầu họ nảy sinh ý tưởng chế tạo máy này. Bombes được dùng để dịch chuyển các rotor qua tất cả các vị trí có thể. Những khó khăn gia tăng khi giải phá các khoá mã Enigma vì phía Đức bổ sung thêm hai rotor nữa vào ba rotor hiện có (báo vụ viên Đức chỉ chọn và sử dụng ba rotor trong số năm rotor đó) đã được bù đắp nhờ quy định yêu cầu nhân viên vận hành Enigma phải tự xoay để xác định vị trí đặt cho các rotor. Do lười biếng nên các nhân viên vận hành máy mã Đức thường chọn tập hợp chữ AAA hay ABC hay đơn giản là ba chữ cái đầu trong đoạn mở đầu điện.
Sau khi Đức tấn công Ba Lan và nước này thất trận, các chuyên gia mã thám Ba Lan đã di tản qua Rumani sang Pháp và mùa thu năm 1939 họ đã đứng chân ở ngoại ô Paris. Tại đây, đã thành lập trung tâm Pháp-Ba Lan có tên là Bruno để tiếp tục nghiên cứu giải phá Enigma. Trong quá trình buộc phải chạy qua cả châu Âu, người Ba Lan đã mất một phần máy móc và tài liệu của mình. Nhưng chỉ với những gì còn lại, các chuyên gia mã thám Ba Lan lưu vong đã giúp người Pháp giải phá được một mật mã của Enigma cho ngày 28 tháng 10 năm 1939.

Được biệt phái đến trung tâm Bruno công tác có một nhân viên GCHQ để duy trì liên lạc thường xuyên với Bletchley Park. Chỉ trong thời kỳ từ tháng 9 năm 1939 đến khi Pháp thất trận tháng 4 năm 1940, trung tâm Bruno đã giải mã gần 15 ngàn bức điện mật mã của Đức chứa các mệnh lệnh tác chiến, báo cáo và chỉ thị mật. Kết quả là bộ chỉ huy Pháp đã được báo trước về nhiều ý đồ của địch, về việc tập kết, triển khai và di chuyển của binh lực địch.

Print Print E-mail Print