Vietnamdefence.com

 

Ủy ban An ninh Quốc gia KGB: Vào lúc cần thiết và ở nơi cần thiết (5)

VietnamDefence - Trong thập niên 1980, nhân viên cơ yếu sứ quán Mỹ ở Bogotha 43 tuổi Jeffrey Barnett đã lọt vào tầm ngắm của Tổng cục I-KGB. Thường thì đàn ông ở cái tuổi như Barnett đều đã tri thiên mệnh.

Lối sống buông thả của Jeffrey đề cập trong các báo cáo của trung tâm KGB ở Bogotha cho thấy nó chẳng đem lại cho ông ta cái gì ngoài sự thất vọng sâu sắc. Thực vậy, gia đình không mà tiền cũng không. Nửa đời đã đi tong chỉ để trở thành một nhân viên quèn ở sứ quán, trong khi thời gian để cải thiện tình thế chẳng còn nhiều nhặn nữa. Hiển nhiên là không phải ai trong số những người giống Barnett đều phản bội.

Để làm thế cần phải có hai điều kiện. Điều kiện đầu tiên là rất rõ ràng: đó là việc bán các bí mật mà ông ta biết được do chức trách đối với Barnett đã trở thành nếu không phải là cách duy nhất thì ít ra cũng là cách hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề của ông ta. Người đã tạo ra điều kiện thứ hai để vào thời điểm gay cấn đó xuất hiện một nhân viên tuyển mộ thông minh trên đường đi của Barnett - đó là đại tá Aleksandr Bolotov, người đã đóng vai một nhà ngoại giao Thuỵ Điển bay đến Bogotha từ Tây Berlin.

Thời điểm thuận lợi để Bolotov làm quen với Barnett đã đến ở một quán bar khi Bolotov đứng cạnh tay nhân viên cơ yếu Mỹ kia bên quầy bar. Bolotov uống hết suất Wishky của mình và giả đi ra cửa. “Thưa ông, ông có nguy cơ nghèo khó đấy nếu bỏ quên các tờ bạc của ông trong các quán bar!” - Barnett đã say sưa vui vẻ hét toáng lên phía sau. Dĩ nhiên là Bolotov cố ý để quên tờ bạc. Ông thích thủ đoạn có nhiều mạo hiểm này. Bởi lẽ, nạn nhân đã định có thể không phát hiện thấy mồi nhử, đôi khi cứ lẳng lặng nhét vào túi mình. Trong trường hợp Barnett, mẹo này đã có tác dụng và “nạn nhân” đã tự bắt quen với sĩ quan hoạt động của KGB.

Sự hội ngộ được đánh dấu bởi cuộc nhậu thừa mứa, say sưa, trong đó Bolotov kể ra câu chuyện nguỵ trang chuẩn bị trước về cảnh sống tối tăm của mình triền miên cho đến khi gặp được một người Nam Phi giàu có. Theo lời Bolotov, trong tình hình bị cô lập về chính trị và kinh tế của Cộng hoà Nam Phi thì người Nam Phi mới quen kia đã tìm được cho mình một công việc khá có lợi. Ông ta mua các thông tin có giá trị, sau đó bán lại cho chính phủ Nam Phi. Tiền nhiều như nước chảy vào túi Bolotov khi trở thành bạn cùng làm ăn của gã Nam Phi trong việc thu thập thông tin.

Barnett tin vào câu chuyện này và đề nghị cung cấp cho người quen của Bolotov bản sao bản rõ các bức điện mật mã của sứ quán Mỹ qua tay anh ta. Các bản gốc Barnett phải tiêu huỷ trước sự chứng kiến của người cùng làm. Đáp lại đề nghị này, Bolotov không quá mặn mà trả lời rằng, các tài liệu của sứ quán chả đáng giá mấy vì đa số bí mật của Bộ Ngoại giao Mỹ thường được đưa lên báo chí rất nhanh, nhiều khi là do các nhà ngoại giao Mỹ cho phép.

Đôi khi, thậm chí có nhiều bài báo trọn vẹn được viết từ các bức điện mật mã của sứ quán như đã xảy ra với thông báo của tờ báo Washington Times rằng, tập đoàn ma tuý Columbia “Cartel Medelin” đã cung cấp ma tuý từ Nicaragua vào Mỹ. Bằng cách đó, Bộ Ngoại giao Mỹ toan buộc tội chính phủ Nicaragua không được ưa thích đồng loã với buôn bán ma tuý và toan tính thuyết phục quốc hội Mỹ tăng viện trợ cho lực lượng đối địch với chính phủ Nicaragua.

Sau cân nhắc những điều Bolotov nói, Barnett đã đề nghị bán bản sao bản rõ các bức điện mật mã của trưởng trung tâm CIA ở Bogotha với giá 100 ngàn đô la. Đối với cán bộ tình báo Liên Xô kia thì đây là ước mơ tột đỉnh. Bolotov đề nghị trả trước cho Barnett 40 ngàn đô la với điều kiện các bức điện mật mã đó phải thuộc các ngày khác nhau của 2 tháng gần đâu. Vụ tiền trao, cháo múc diễn ra ngay vào hôm sau.

Cuộc gặp này của Bolotov với Barnett là cuộc gặp cuối cùng. Bolotov biết rằng, trung tâm KGB ở Bogotha đã từ lâu thường xuyên chặn thu các bức điện mật mã của sứ quán Mỹ với hy vọng một ngày nào đó sẽ giải mã được chúng. Bản rõ các bức điện mật mã mà Barnett cung cấp đã cho phép hy vọng bằng cách đối chiếu chúng với các bản mã hoá để xuyên thủng kẻ hở nào đó trong hệ thống bảo đảm an toàn thông tin liên lạc của sứ quán Mỹ, điều mà để vá kẽ hở thì chỉ còn cách thay đổi các máy mã của sứ quán. Từ thời điểm đó, KGB đã không còn cần đến sự trợ giúp của Barnett nữa.

Print Print E-mail Print