Vietnamdefence.com

 

CIA săn lùng kho lưu trữ của cơ quan tình báo CHDC Đức Stasi

VietnamDefence - Kho lưu trữ của tình báo luôn là mục tiêu thèm muốn của tình báo đối phương. Dưới đây là câu chuyện của nhà báo Mỹ Ronald Terrier mà những năm 1980 từng bị nghi làm việc cho CIA, nay là nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng, về cuộc săn lùng kho lưu trữ cơ quan tình báo Đông Đức Stasi của Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA.


Nhân lúc cháy nhà, xông vào hôi của

Mùa thu năm 1989, nhân cơ hội tình hình ở CHDC Đức bắt đầu rơi vào hỗn loạn, chế độ bị Gorbachev bỏ rơi, CIA quyết định chớp thời cơ để tiếp cận cơ quan tình báo Đông Đức Stasi và kho lưu trữ của nó.

Trước đó, CIA đã thiết lập được “những quan hệ làm ăn” như vậy với các cơ quan tình báo Hungary, Ba Lan và Tiệp Khắc. Nhưng Stasi  là một cơ quan tình báo hùng mạnh và bản lĩnh hơn nhiều. Vì thế, Cục Tác chiến của CIA đã vào cuộc. Giám đốc CIA William Webster đã giao cho đích danh Cục trưởng Cục Tác chiến CIA Steve Weber xây dựng chiến dịch nhằm tiếp cận kho lưu trữ của Stasi.

Tham gia soạn thảo kế hoạch, còn có vị phó của Weber, kiêm phụ trách địa bàn châu Âu Richard Schtoltz, Trưởng Phòng Đông Âu của CIA Paul Redmond, Trưởng Ban Phản gián đối ngoại của Phòng Đông Âu John O’Reily và chỉ huy trưởng trung tâm CIA ở Tây Berlin David Rolf.

Truy tìm vị đại tá tình báo Stasi

CIA quyết định ra tay ngay tại CHDC Đức. CIA đã nghiên cứu các danh sách nhân viên tình báo Stasi mà họ có và chọn ra đối tượng móc nối là Trưởng Phòng Mỹ của Stasi, Đại tá Jürgen Rogalla vì ông là người nắm giữ nhiều thông tin. Ông ta là người đã tuyển mộ  được các nhân viên cơ yếu Mỹ, tiến hành các vụ bắt cóc nhân viên CIA từ Tây Berlin, các vụ bắt giữ điệp viên CIA và nhiều trò chơi tình báo khác mà Langley không biết kết quả cuối cùng. CIA bắt đầu truy lùng đại tá Rogalla nhưng ông đã biến mất. Cuối cùng, trung tâm CIA tại Bonn đã tìm thấy Rogalla - ông đang làm nghề gác cổng ở Berlin.

Danh sự sĩ quan tình báo

Nhà báo Mỹ Ronald Terrier đã được cử đến gặp viên đại tá. Anh ta đã chặn Jürgen Rogalla ở khu vực có nhà của ông, tự giới thiệu là đặc sứ của giám đốc CIA. Nội dung câu chuyện tóm lại như sau: “...nếu ông nêu tên những công dân Mỹ mà ông đã tuyển được trong suốt thời gian công tác thì CIA sẽ hậu tạ ông”. CIA đã đề nghị một khoản tiền lớn mà suốt đời làm việc cho Stasi vị đại tá cũng không thể kiếm được. Đại tá Rogalla khinh bỉ nhìn nhà báo Mỹ. “Tôi chắc ông biết tôi từng là gì. Và ông cũng biết, tôi đã biến thành ai. Điều duy nhất mà tôi còn - đó la danh dự của tôi. Tôi không định để mất nó ”. Terrier báo cáo với trung tâm CIA rằng, viên đại tá Stasi vẫn nhất mực trung thành với chế độ.Sơ tán kho lưu trữ của StasiLúc đó, CIA vẫn chưa biết là Werner Grossman, người kế nhiệm Markus Wolf trên cương vị Cục trưởng Cục Tình báo CHDC Đức Stasi, ngay trong mùa hè năm 1989 đã hạ lệnh chuyển kho hồ sơ tuyệt mật của Stasi được chụp vào phim cho đại diện KGB Aleksandr Printsipalov.

Kho hồ sơ microfilm chứa họ tên của gần 2.000 điệp viên hoạt động vào thời gian đó của các cơ quan tình báo CHDC Đức, 77.000 bản báo cáo tình báo và dữ liệu về 317.000 người ở CHDC Đức, CHLB Đức và các nước khác. Hồ sơ điệp viên của Stasi được niêm phong và được các sĩ quan tình báo giao thông viên vũ trang dưới sự hộ tống của lính đặc nhiệm Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức đưa tới sân bay, lên một chiếc máy bay của KGB bay đến Moskva. Những tài liệu còn lại về các điệp vụ ở nước ngoài đã bị thiêu huỷ bằng súng phun lửa tại một trường bắn của Liên Xô ở Đông Đức. Trong khu nhà của Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức trên phố Normannensstrasse, quận Liechtenberg, Berlin chỉ còn lại các tập báo cáo của những người cung cấp tin, các tập hồ sơ về các nhân vật đối lập và các tài liệu nghe lén người nước ngoài và công dân CHDC Đức. 

Tiếp tục săn lùng viên đại tá Stasi

Vài tuần sau, đại diện CIA lại đề nghị gặp gỡ, Rogalla đồng ý và mời nhân viên CIA về nhà mình. Khoản tiền mặt mà CIA mời chào lần này được tăng lên. CIA còn hứa cho Rogalla một ngôi nhà ở California nhưng vẫn vô hiệu. Bất ngờ, Rogalla nói to: “Thưa tướng quân, mời ngài”. Bước ra từ sau vách ngăn là một người tóc bạc trong bộ quần áo thanh lịch. Đó chính là Werner Grossman, Cục trưởng Stasi.Grossman cho tay nhân viên CIA một bài giáo huấn với sự bình thản rất Đức: “Chúng tôi biết CIA đang làm gì ở đất nước này. Các ông định dụ dỗ các sĩ quan về hưu của chúng tôi bằng những khoản tiền hậu hĩnh. Đó là cách hành xử hạ lưu, không quân tử. Nếu các ông không dừng lại, chúng tôi sẽ gọi cho cảnh sát. Nếu sau đó các ông vẫn cứ tiếp tục, chúng tôi sẽ chuyển thông tin cho báo chí ”.Tay nhân viên CIA tròn mắt sửng sốt. Giá như một năm trước thì vị tướng này có thể sẽ hạ lệnh giết chết anh ta, còn hôm nay ông ấy chỉ lôi các nhà báo ra doạ. Tĩnh trí lại, anh ta tạm biệt ra về. Quá thất vọng, Giám đốc CIA Webster ra lệnh thay thế toàn bộ nhân viên trung tâm CIA ở Berlin. Quyền chỉ đạo chiến dịch được chuyển cho Phòng Châu Âu, Cục Tác chiến của CIA.

Tháng 4/1990, CIA cũng đã quyết định dùng tư cách lãnh đạo CIA tiếp cận thăm dò chỉ huy trung tâm Stasi ở Roma hoặc Lisbon và họ đã thử làm nhưng không có kết quả. CIA đã chậm chân. Stasi đã ra lệnh cho chỉ huy các trung tâm tình báo của mình ở nước ngoài rút về nước. Nhưng không phải tất cả các nhân viên Stasi đều trung thành với lý tưởng cộng sản của cơ quan mình. Nhiều người đã chọn con đường khác. Bằng chứng cho điều đó là nhiều vụ bắt bớ bắt đầu ở CHLB Đức mùa thu năm 1990. Kết quả cho thấy điệp viên của tình báo CHDC Đức đã xâm nhập vào toàn bộ chính phủ, các chính đảng, báo chí, cơ quan tình báo BND, cơ quan phản gián BfV và cơ quan tình báo quân sự MAD của CHLB Đức.

  • Theo AN

Print Print E-mail Print