Vietnamdefence.com

 

Vũ khí Nga tiêu biểu (5)

VietnamDefence - Sơ lược về những loại vũ khí trang bị hàng đầu của quân đội Nga hiện nay: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf, máy bay ném bom chiến thuật Su-34, tên lửa đẩy hạng nặng Proton-M, tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko.

>> Vũ khí Nga tiêu biểu (1)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (2)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (3)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (4)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (6)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (7)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (8)

17. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (mil.ru)

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) do Liên hiệp NPO Almaz-Antei phát triển vào nửa đầu thập kỷ 2010, đưa vào trang bị quân đội Nga năm 2007.

Tiểu đoàn S-400 đầu tiên được triển khai ở thành phố Elektrostal, ngoại ô Moskva vào năm 2007, tiểu đoàn thứ hai bước vào trực chiến vào năm 2009.

Năm 2011, tại thành phố Dmitrov, tỉnh Moskva đã triển khai 2 tiểu đoàn S-400.

Đến nay, quân đội Nga đã nhận vào trang bị 5 tiểu đoàn S-400 (2,5 trung đoàn, 40 bệ phóng), 1 tiểu đoàn trong số đó triển khai ở tỉnh Kaliningrad.

Đến năm 2020, quân đội Nga dự định nhận được 56 tiểu đoàn S-400.

S-400 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 600 km và bắn đồng thời 36 mục tiêu và dẫn đồng thời 72 tên lửa.

Tầm bắn tối đa chống mục tiêu bay là 400 km, chống tên lửa đường đạn chiến thuật là 60 km, độ cao tác chiến đến 30 km. Tốc độ mục tiêu cần diệt có thể đạt 4.800 m/s. Thời gian triển khai hệ thống từ trạng thái hành quân là không quá 10 phút, thời gian đưa vào sẵn sàng chiến đấu là không quá 5 phút.

Cuối tháng 3/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với Nhà máy chế tạo máy Avangard ở Moskva hợp đồng sản xuất tên lửa phòng không có điều khiển cho S-400. Nhà máy này sẽ cung cấp tên lửa trong vòng 3 năm. Hiện chưa rõ, quân đội Nga mua cụ thể những loại tên lửa nào.

S-400 có thể sử dụng các loại tên lửa 48N6Е, 48N6Е2 và 48N6Е3 của các hệ thống tên lửa phòng không S-300PM-1 và S-300PM-2, cũng như các tên lửa cải tiến 48N6DM. Ngoài ra, Nga đang phát triển cho S-400 các tên lửa 9М96Е và 9М96Е2, cũng như tên lửa tầm xa 40N6Е (tầm 400 km).

18. Máy bay ném bom chiến thuật Su-34

Su-34 (mil.ru)

Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 được phát triển vào nửa cuối thập niên 1980, được cải tiến ngay ở giai đoạn tiền sản xuất loạt vào đầu thập niên 1990.

Máy bay Su-34 sản xuất loạt thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1994. Quân đội Nga bắt đầu nhận được Su-34 từ năm 2006, nhưng đến năm 2011 mới chính thức được nhận vào trang bị.

Tháng 8/2008, mặc dù chưa được nhận vào trang bị, Su-34 vẫn tham chiến ở Nam Ossertya.

Su-34 có tổ lái 2 người, có khả năng bay với tốc độ đến 1.900 km/h, tầm bay đến 4.000 km, bán kính chiến đấu 1.100 km, trần bay thực tế 17.000 m.

Máy bay được trang bị 1 pháo 30 mm GSh-301 và 12 điểm treo tên lửa có điều khiển và không điều khiển thuộc các loại không đối không và không đối diện, cũng như bom có điều khiển, bom không điều khiển và bom chùm. Su-34 có khả năng treo đến 8 tấn vũ khí.

Đến nay, Không quân Nga đã nhận được 22 chiếc Su-34. Đầu tháng 3/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với công ty Sukhoi hợp đồng mua 92 chiếc Su-34. Các máy bay này sẽ được chuyển giao trước cuối năm 2020. Bộ Quốc phòng Nga dự định trong 9 năm tới mua 124 chiếc Su-34. 

19. Tên lửa đẩy Proton-M
 

Xe tải vũ trụ Proton-M (mil.ru)

Tên lửa đẩy hạng nặng Proton-M được sử dụng từ năm 2001 và đã thay thế cho tên lửa Proton-K. Giống như loại tiền nhiệm, Proton-M chỉ được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan và dùng để đưa vào vũ trụ các loại vệ tinh, kể cả vệ tinh quân sự, các khí cụ bay vũ trụ có điều khiển và không điều khiển, cũng như các trạm quỹ đạo.

Nga đã thực hiện từ Baikonur tổng cộng 63 lần phóng Proton-M, trong đó 58 lần thành công. Lần phóng đầu tiên diễn ra ngày 7/4/2001 khi Proton-M đưa lên quỹ đạo vệ tinh truyền hình Ekran-M.

Sau đó, tên lửa đã đưa vào vũ trụ các vệ tinh Intelsat, DirecTV, Ekspress và nhiều vệ tinh khác.

Lần phóng gần đây nhất cho đến hiện tại của Proton-M diễn ra hôm 17/5/2012. Khi đó, tên lửa đã đưa vệ tinh thông tin Telesat của Canada lên quỹ đạo.

Tên lửa Proton-M có thể gồm 3 hay 4 tầng, có chiều dài 58,2 m và trọng lượng phóng 705 tấn. Với cụm động cơ khởi tốc Briz-M, Proton có khả năng đưa vào vũ trụ tải trọng hữu ích nặng hơn 6 tấn. Kỷ lục là lần phóng Proton-M mang vệ tinh thông tin ViaSat của Mỹ nặng 6,74 tấn.

20. Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko

Sát thủ tàu ngầm Đô đốc Chabanenko (mil.ru)

Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko được đóng theo thiết kế Projekt 1155.1 và vào biên chế Hải quân Nga vào ngày 28/1/1999. Năm 2008, tàu đã tham gia cuộc tập trận chung VENRUS 2008 với Venezuela tại vùng biển Caribe.

Từ tháng 11/2009 đến tháng 4/2010, thủy thủ đoàn của tàu này đã làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải chống hải tặc Somalia ở vịnh Aden. Cảng nhà của tàu Đô đốc Chabanenko là Severomorsk.

Đô đốc Chabanenko có chiều dài 162,8 m và lượng giãn nước 8.900 tấn. Thủy thủ đoàn gồm 296 người, trong đó có 32 sĩ quan.

Tàu có khả năng chạy với vận tốc đến 32 hải lý/h, cự ly hành trình 3.500 hải lý và hoạt động độc lập trong vòng 30 ngày.

Tàu được trang bị hệ thống pháo 130 mm АK-130 với cơ số đạn 360 viên, các hệ thống tên lửa phòng không Kortik và Kinzhal, hệ thống chống ngầm RBU-12000, các ống phóng lôi 533 mm, các bệ phóng tên lửa chống hạm Moskit. Lực lượng máy bay trên tàu Đô đốc Chabanenko gồm 2 trực thăng (Ка-27PL và Ка-27RTs).

Nguồn: Lenta, 1, 4, 5, 6.6.2012.

Print Print E-mail Print