Vietnamdefence.com

 

Quân đội Nga: Cơ cấu tổ chức mới

VietnamDefence - TT Nga đã ban hành sắc lệnh quy định việc phân chia hành chính-quân sự mới của nước Nga.

Thay cho 6 quân khu (Moskva, Leningrad, Bắc Kavkaz, Volga-Urals, Siberia và Viễn Đông) và 4 hạm đội (Phương Bắc, Thái Bình Dương, Biển Đen, Baltic Fleet), Nga thành lập 4 bộ tư lệnh chiến lược liên hợp: Miền Tây, Miền Nam, Miền Trung và Miền Đông.

Từ ngày 1.12.2010, tất cả các quân khu và hạm đội hiện nay của Nga sẽ được chuyển thành 4 bộ tư lệnh chiến dịch-chiến lược (OSK).

Sắc lệnh tương ứng số 1144 “Về việc phân chia phân chia hành chính-quân sự của Liên bang Nga” đã được TT Nga Dmitry Medvedev ký ngày 20.9.2010.

Theo Sắc lệnh, việc cải cách phân chia hành chính-quân sự này thực hiện thành 2 giai đoạn:

Từ 1.9.2010, trên cơ sở các quân khu Leningrad và Moskva thành lập quân khu Miền Tây, còn các quân khu hiện có khác vẫn tồn tại.

Từ 1.12.2010, xác lập sự phân chia hành chính-quân sự mới, theo đó, ngoài quân khu Miền Tây, sẽ xuất hiện các quân khu Miền Nam (trên cơ sở quân khu Bắc Kavkaz), Miền Trung (trên cơ sở quân khu Volga-Urals) và Miền Đông (hợp nhất các quân khu Siberia và Viễn Đông).

Cần lưu ý là hiện nay, trên báo chí Nga các cụm từ OSK và quân khu mới đang được dùng lẫn, nên có lúc gọi là quân khu, có lúc lại gọi là OSK.

1. Các quân khu Moskva và Leningrad, cũng như các hạm đội Phương Bắc và Baltic sẽ được hợp nhất thành Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Tây (OSK Zapad) với sở chỉ huy đặt tại St. Petersburg.

2. Trên cơ sở quân khu Bắc Kavkaz, Hạm đội Biển Đen và Hải đội Caspie thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Nam (OSK Yug) với sở chỉ huy đặt tại Rostov trên sông Đông.

3. Quân khu Volga-Ural và bộ phận phía Tây của quân khu Siberia sẽ lập thành Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Trung (OSK Tsentr) với sở chỉ huy đặt tại Yekaterinburg.

4. Còn quân khu Viễn Đông và bộ phận phía Đông quân khu Siberia (quân khu này bị chia cắt theo hồ Baikal), cũng như Hạm đội Thái Bình Dương sẽ là cơ sở của Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Đông (OSK Vostok) với sở chỉ huy đặt tại Khabarovsk.

Nga sẽ có 4 bộ tư lệnh chiến lược liên hợp
(I - OSK Miền Tây; II - OSK Miền Nam; III - Miền Trung; IV - OSK Miền Đông;
1 - Hạm đội Phương Bắc; 2 - Hạm đội Baltic; 3 - Hạm đội Biển Đen; 4 - Hải đội Caspie;
5 - Hạm đội Thái Bình Dương).

Toàn bộ lực lượng của quân đội và các hạm đội, cũng như các đơn vị khác của các cơ quan quyền lực đóng trong địa giới hành chính của bộ tư lệnh sẽ trực thuộc các Tư lệnh Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược.

Hiện chưa rõ, các đơn vị, binh đoàn của các binh chủng Bộ đội Tên lửa chiến lược, Không quân tầm xa, Bộ đội Vũ trụ, Bộ đội Đổ bộ đường không, lực lượng Bộ đội đường sắt sẽ trực thuộc ai. Bởi lẽ các đơn vị của các binh chủng, lực lượng này trú đóng trên địa bàn các quân khu khác nhau.

Theo thông tin không chính thức rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Nga thì chịu trách nhiệm quản lý các đơn vị, binh đoàn này sẽ là các cục chuyên trách của Bộ Tổng tham mưu.

Việc giảm số lượng các quân khu sẽ không dẫn tới cắt giảm đội ngũ sĩ quan 150.000 người hiện có. Theo kế hoạch cải cách quân quân đội, tất cả các đơn vị, binh đoàn của quân đội được chuyển sang mức sẵn sàng chiến đấu thường xuyên.

Song song với các OSK (quân khu mới), Nga sẽ triển khai từ đầu 3 tập đoàn quân lục quân (các bộ tư lệnh chiến dịch): ở Chita, gần Maikop (Cộng hòa Adygeya) và St. Petersburg. Các bộ tham mưu và các cục thuộc các quân khu Viễn Đông, Siberia, Volga-Urals và Moskva (cùng các đơn vị, binh đoàn tương ứng) bị giải thể.

Việc thành lập các bộ tư lệnh liên hợp của các lực lượng và phương tiện khác nhau đã được quân đội Mỹ thực hiện từ lâu, có điều Mỹ triển khai các bộ chỉ huy này trên toàn thế giới, còn quân đội Nga chỉ triển khai OSK trên lãnh thổ Nga.

Với cơ cấu tổ chức OSK, chu trình ban hành/thực hiện mệnh  lệnh giảm từ 16 xuống còn 3 cấp, việc ban hành và nhận mệnh lệnh chiến đấu bảo đảm tính kịp thời.

Ngoài ra, cơ cấu mới xác lập chặt chẽ không chỉ theo nguyên tắc hoạt động theo vùng lãnh thổ mà còn được kết nối với hệ thống chỉ huy tự động hóa cấp chiến thuật (ASU TZ) đang được nghiên cứu chế tạo.

Đầu tháng 10.2010, hệ thống này đã được giới thiệu với Thủ tướng Nga V. Putin tại Voronezh. ASU TZ cho phép chỉ huy một cách tập trung các máy bay, trực thăng, các khẩu pháo và những người lính cụ thể trên chiến trường đang được chuyển hóa thành "người lính điện tử". Nhờ vậy, sức chiến đấu của các đơn vị chiến thuật sẽ tăng gấp 2-3 lần so với khi sử dụng hệ thống ASU hiện có.

Tổ chức OSK cũng giúp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, trước hết là việc thành lập các lữ đoàn thuộc 3 loại: nặng, trung bình và nhẹ, tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và được trang bị vũ khí và phiên chế quân số phù hợp.

  • Nguồn: Kremlin.ru, 20.9.10; KP, 22.9.10; IZ, 16, 22.9.10.

Print Print E-mail Print