Vietnamdefence.com

 

Vũ khí cho quân đội Nga mới

VietnamDefence - Việc thành lập các bộ tư lệnh chiến lược liên hợp mới đòi hỏi trang bị cho quân đội Nga các loại vũ khí mới.

TT Nga Dmitry Medvedev thăm bộ đội đổ bộ đường không (kremlin.ru)

Công tác cải cách quân đội Nga trù định thành lập 4  bộ tư lệnh chiến lược liên hợp mới và hệ thống bảo đảm vật chất-kỹ thuật thống nhất nhằm trước hết hoàn thiện cơ cấu chỉ huy lực lượng vũ trang.

Số lượng cấp chỉ huy quân đội Nga giảm xuống còn 3: các bộ tư lệnh chiến lược liên hợp, các bộ tư lệnh chiến dịch, các lữ đoàn. Đây là một yếu tố tích cực bởi vì thành công của mọi chiến dịch phụ thuộc vào công tác chỉ huy hiệu quả bộ đội trên chiến trường.

Các bộ tham mưu chủ yếu của quân đội - Không quân, Hải quân và Lục quân vẫn được duy trì trong cơ cấu quân đội Nga mới, song một phần các chức năng cũ của chúng, cũng như các lực lượng và phương tiện tương ứng được chuyển thuộc về mặt tác chiến cho các bộ tư lệnh chiến lược liên hợp.

Điều đó cũng phù hợp với thực tiễn mới, bởi vì trong các cuộc xung đột quân sự quy mô được dự báo sẽ sử dụng tất cả các phương tiện tiến công, trong đó có cả các thành phần lục quân, hải quân và không quân. Trả lời các thách thức này phải bằng các phương tiện thích ứng trên bộ, trên biển và trên không trong thời gian ngắn tối đa. Ngoài ra, cũng không loại trừ phương án chiến sự buộc phải tiến hành đồng thời trên mấy chiến trường. Trong trường hợp đó, việc thành lập các bộ tư lệnh chiến lược liên hợp lại càng hợp lý.

Vấn đề tối quan trọng thứ hai cần giải quyết để làm cho quân đội Nga thích ứng với các thách thức và đe dọa mới của thế kỷ XXI là trang bị cho nó các vũ khí trang bị hiện đại.

Hiện nay, chương trình vũ khí trang bị quốc gia (GPV)giai đoạn 2011-2020 đã bước vào giai đoạn thống nhất cuối cùng. Ban đầu, lượng kinh phí cho chương trình được thảo luận trong khoản tiền được Bộ Tài chính duyệt chi là 13.000 tỷ ruble. Theo thông tin hiện có, hiện tại đã quyết định chi cho GPV 2011-2020 khoản tiền lớn gấp rưỡi, tức 19.000-20.000 tỷ ruble.

Theo GPV 2011-2020, quân đội Nga trong vòng 10 năm sẽ nhận được hơn 500 máy bay mới các loại, 1.000 trực thăng và gần 200 hệ thống phòng không mới.

Trong lĩnh vực phòng không, trong tương lai sẽ xây dựng hệ thống phòng không-vũ trụ thống nhất hợp nhất khả năng của phòng không và phòng thủ tên lửa.

Trong lĩnh vực không quân, ngoài chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 PAK FA, sẽ bắt đầu phát triển hệ thống máy bay tương lai của không quân tầm xa PAK DA. Việc phát triển hệ thống máy bay chỉ huy/báo động sớm tương lai đang tiếp tục.

GPV 2011-2020 sẽ được Chính phủ Nga xem xét đồng thời với chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng Nga giai đoạn 2011-2020. Chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2011-2020 là cực kỳ quan trọng và có liên hệ với GPV 2011-2020.

Bộ phận chủ yếu sản phẩm quân dụng dành cho quân đội Nga sẽ do các nhà sản xuất Nga cung cấp. Với những loại vũ khí trang bị mà công nghiệp quốc phòng Nga tạm thời chưa đưa ra được những sản phẩm hiện đại, có sức cạnh tranh thì dự định mua sắm của các nhà sản xuất phương Tây, song chủ yếu ở hình thức xây dựng liên doanh trên lãnh thổ Nga kèm theo chuyển giao các công nghệ tương ứng.

Về mặt hiện đại hóa vũ khí, Bộ Quốc phòng Nga sẽ giải quyết những nhiệm vụ rất to lớn, bởi vì trong 20 năm gần đây, quân đội Nga chỉ nhận được những mẫu vũ khí hiện đại với số lượng rất ít ỏi. Vì thế, kể cả với quy mô đầu tư tối đa cho GPV 2011-2020 là 19.000-20.000 tỷ ruble, sẽ vẫn không đủ tiền để hiện đại hóa đúng mức tất cả các quân-binh chủng. Bởi vậy, cần phải xác định những chương trình tái trang bị ưu tiên của quân đội Nga cho đến năm 2020.

Các chương trình tái trang bị ưu tiên của quân đội Nga cho đến năm 2020

Để duy trì sự cân bằng, trước hết cần phải phát triển và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân kiềm chế chiến lược ở mức được xác định trong hiệp ước START mới (START-3).

Ưu tiên thứ hai là vũ khí chính xác cao. Cần lưu ý là, các kho vũ khí chính xác cao thông thường của Mỹ đã đạt đến quy mô lớn và liên tục được hoàn thiện.

Ưu tiên thứ ba là các hệ thống chỉ huy quân đội tự động hóa (ASU). Cần chế tạo dựa trên các hệ ASU chuyên ngành một hệ thống chỉ huy thống nhất để bảo đảm khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến lấy mạng làm trung tâm. ASU phải có cấu trúc mở, điều đó sẽ cho phép mở rộng khả năng của nó về bất cứ hướng nào.

Ưu tiên thứ tư là tất cả các loại trang bị không quân. Phân khúc này quy định phần nhiều tiềm lực quân sự của mỗi quốc gia cụ thể. Ưu tiên phát triển đặc biệt trong phân khúc kỹ thuật hàng không quân sự sẽ là không quân vận tải bởi lẽ với quân số biên chế 1 triệu người, quân đội Nga không thể duy trì các cụm lực lượng mạnh giống nhau trên tất cả các hướng chiến lược.

Ngoài ra, cũng cần trong thời gian ngắn nhất, khắc phục sự tụt hậu với các quốc gia phương Tây hàng đầu trong lĩnh vực phát triển máy bay không người lái (UAV), bộ trang bị cá nhân người lính, một số mẫu vũ khí trang bị hải quân và tăng-thiết giáp đơn lẻ. Các đối tác tiềm năng của Liên bang Nga trong các chương trình này có thể là Pháp (vũ khí trang bị hải quân và trang bị cá nhân người lính), Đức và Italia (vũ khí trang bị hải quân và tăng-thiết giáp), Israel (UAV).

Để nhận dạng quân đội Nga vào năm 2020, tốt nhất hãy xem từ góc độ vũ khí trang bị không quân.

Khái quát các thông tin báo chí công khai hiện có, có thể dự đoán rằng, trong GPV  2011-2020 sẽ có các nội dung mua sắm vũ khí trang bị không quân như sau:

1. Máy bay vận tải quân sự

- An-124 Ruslan: 20 chiếc (số liệu của Bộ Quốc phòng Nga);
- An-70: 50 chiếc (đánh giá dựa trên nhu cầu của các bộ tư lệnh Bộ đội đổ bộ đường không và Không quân vận tải);
- Il-476: 50 chiếc (số liệu của Bộ Quốc phòng Nga);
- Il-112V (chương trình đang bị đe dọa).

2. Máy bay tiêm kích

- Su-35S: 48 chiếc (đã đặt hàng đến năm 2015, có khả năng mua thêm 1 lô nếu chương trình PAK FA bị chậm tiến độ); 
- Su-27SM: 12 chiếc (giao hàng vào năm 2010-2011, không loại trừ mua thêm 1 lô nếu chương trình PAK FA bị chậm tiến độ);
- Su-30МК2: 4 chiếc (giao hàng vào năm 2010-2011, , không loại trừ mua thêm 1 lô nếu chương trình PAK FA bị chậm tiến độ);
- PAK FA: 60 chiếc (lô đầu 10 chiếc, đơn đặt hàng dự kiến mua các máy bay sản xuất loạt là 50 chiếc);
- MiG-35: 30 chiếc (đơn đặt hàng ban đầu dự kiến trong GPV 2010-2020);
- MiG-29SMT/MiG-29UB: 20-30 chiếc (số liệu ước lượng, cho đến khi bắt đầu mua các MiG-35 sản xuất loạt);
- MiG-29К/KUB: 26 chiếc (đơn đặt hàng đầu tiên, dự kiến đơn đặt hàng bổ sung đến 22 chiếc).

3. Máy bay tiến công/cường kích

- Su-34: 32  chiếc (giao hàng trước năm 2012, đơn đặt hàng mới dự báo 60-80 chiếc);
- Su-25UBM/Su-25TM 10 chiếc ((lô mua thử, có thể đặt hàng mua thêm 1 lô dự kiến không dưới 20 chiếc).

4. Máy bay huấn luyện-chiến đấu

- Yak-130UBS:12 chiếc (hợp đồng sẽ hoàn thành trong năm 2010, đơn hàng dự kiến giai đoạn 2011-2020 là đến 120 chiếc).

5. Máy bay chỉ huy/báo động sớm

- Máy bay chỉ huy/báo động sớm mới: thử nghiệm quốc gia ấn định vào năm 2014, khối lượng mua sắm ban đầu đến năm 2020 dự kiến là 2-3 chiếc.

6. Máy bay tìm/cứu


- Be-200PS: 8-10 chiếc (ước lượng, biến thể tìm/cứu).

Tổng cộng các số liệu trên đây (500-600 chiếc) trùng hợp với các kế hoạch đã được công bố trong khuôn khổ GPV 2011-2020 cung cấp máy bay mới cho quân đội Nga.

  • Nguồn: Armstrade, 22.9.2010.

Print Print E-mail Print