VietnamDefence -
Sau khi xem xét những điểm mạnh và điểm yếu về khả năng quân sự truyền thống của mỗi nước trên bán đảo Triều Tiên, rất dễ dàng để đi đến ít nhất hai kết luận riêng rẽ.
>> Tương quan binh lực hai miền Triều Tiên (3)
Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Sau khi xem xét những điểm mạnh và điểm yếu về khả năng quân sự truyền thống của mỗi nước trên bán đảo Triều Tiên, rất dễ dàng để đi đến ít nhất hai kết luận riêng rẽ. Một là, bất kỳ cuộc chiến tranh thông thường nổ ra giữa hai nước Triều Tiên sẽ là một sự kiện khủng khiếp bi thảm, những tổn thất về nhân mạng và vật chất thật khó mà tưởng tượng. Hàng triệu người sẽ bị giết, cơ sở hạ tầng của cả hai quốc gia sẽ bị phá hủy và quân đội của Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ sẽ rất có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột vốn sẽ lleo thang thành một cuộc chiến tranh lan rộng hơn. Một cuộc chiến tranh như vậy không có lợi cho bất kỳ bên nào kể trên mà chủ yếu trong số đó là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong nhiều thập kỷ, một sự cân bằng sức mạnh được xác lập rõ ràng được duy trì giữa Bình Nhưỡng mạnh về quân sự ở phía bắc vĩ tuyến 38, và chính phủ Seoul yếu hơn về quân sự được sự hỗ trợ bởi một nước Mỹ hùng mạnh ở phía nam. Sự cân bằng về sức mạnhthông thường này đang thay đổi một cách chậm rãi, nhưng không thể lay chuyển kể từ sau khi chiến sự chấm dứt vào năm 1953.
Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) rõ ràng là đã giả định rằng, sự chênh lệch đang ngày càng tăng về khả năng tiến hành chiến tranh truyền thống giữa hai miền Triều Tiên vốn bắt đầu vào thập kỷ 1990 sẽ dẫn đến một nhược điểm không thể vượt qua đối với CHDCND Triều Tiên nên đã bắt đầu một chiến lược hợp lý nhằm tìm kiếm một khả năng răn đe phi thông thường như một giải pháp khả thi duy nhất để đưa cán cân trở lại cân bằng. Trong khi Hàn Quốc đã tiếp tục con đường của mình để trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu với nền quốc phòng được sự hậu thuẫn về quân sự của Mỹ, thì Bắc Triều Tiên không thể hy vọng sẽ vượt qua Hàn Quốc trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng và phát triển công nghệ. Một khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả được xem là sự lựa chọn lâu dài để duy trì cán cân sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên và duy trì chế độ.
Tình hình trở nên phức tạp hơn nữa bởi thực tế là cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn hai miền Triều Tiên hòa bình thống nhất. Trong con mắt của chính phủ Trung Quốc, thì việc duy trì một vùng đệm địa lý giữa Trung Quốc và các cường quốc đồng minh của Mỹ trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản có lợi cho họ về mặt chiến lược. Mỹ chỉ muốn hai miền Triều Tiên thống nhất với điều kiện sự thống nhất đó phải tạo ra một quốc gia đồng minh của Mỹ. Bất kỳ một hiệp ước hòa bình chính thức nào dẫn đến hai quốc gia hòa giải, nhưng độc lập là kịch bản không thể chấp nhận đối với Washington. Mối quan hệ đang thay đổi của Nga với cả hai miền bắc và nam Triều Tiên là một ví dụ thú vị về tính thực dụng chính trị. Nga duy trì quan hệ kinh tế có lợi và tương tác chính trị gần gũi với cả hai nước Triều Tiên. Cách tiếp cận thực dụng của Nga đối với quan hệ quốc tế nhiều khi trở thành mục tiêu của các thế lực địa-chính trị mạnh hơn. Trong trường hợp của hai miền Triều Tiên, cách tiếp cận này cho đến nay là thành công.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên khởi nguồn từ thời trước chiến tranh Triều Tiên; tuy nhiên, những bước tiến quan trọng đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Kim Chính Nhật trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, trước khi ông qua đời vào năm 2011. CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của họ vào năm 2006, và tiếp theo là các vụ thử vũ khí hạt nhân vào năm 2009, 2013, và hai vụ thử trong năm 2016. Kim Jong-un đã tích cực theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân nhỏ gọn đủ để lắp trong phần chiến đấu của tên lửa đường đạn. Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã sản xuất được plutonium và uranium làm giàu; nhưng chưa rõ uranium làm giàu của họ đã đạt chất lượng để sản xuất nguyên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí hay chưa.
Các cuộc đàm phán sáu bên nhằm duy trì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân bắt đầu vào năm 2003 đã bị đình chỉ vào năm 2009 khi đàm phán đổ vỡ. Sau cái chết của Kim Chính Nhật vào năm 2011, người kế nhiệm ông là Kim Jong-un đã ngừng tất cả các vụ thử hạt nhân, việc làm giàu uranium và các chương trình tên lửa đường đạn báo hiệu một sự thay đổi có thể về định hướng từ phía ban lãnh đạo Bình Nhưỡng. Sau khi tiến hành vụ thử tên lửa vào năm 2012, tranh cãi chính trị với Hoa Kỳ mà vụ thử gây ra đã dẫn đến việc Triều Tiên đã nối lại cả chương trình vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đường đạn, mà đỉnh cao là vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào năm 2013. Kim Jong-un đã tăng tốc cả hai chương trình với mục tiêu rõ ràng là tạo ra khả năng răn đe hạt nhân hữu hiệu đối với cả Hàn Quốc và Mỹ. Theo những ước tính dè dặt, tổng số vũ khí hạt nhân mà CHDCND Triều Tiên sở hữu là trong khoảng từ 10 cho đến có thể là 100. Những con số này dựa trên tổng lượng plutonium ước tính, và có lẽ cả uranium đã được làm giàu đến mức các nguyên liệu phân rã có thể sử dụng cho vũ khí. Cơ bản, người ta không nắm được đương lượng nổ của những vũ khí hạt nhân này và khả năng mang phóng chúng.
Phát triển tên lửa đường đạn
Bắc Triều Tiên bắt đầu phát triển lực lượng tên lửa với những biến thể đầu tiên của tên lửa Scud và Scarab SS-21 của Liên Xô. Cả hai loại đều là tên lửa tầm ngắn, và mặc dù Triều Tiên sở hữu hàng trăm tên lửa này, chúng không gây ra mối đe dọa đối với Nhật Bản hay Mỹ (ngoại trừ lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Hàn Quốc). Các tên lửa Nodong hoặc Rodong phát triển trong thập kỷ 1990 với tầm 1.300km và các tên lửa đường đạn nhiều tầng Taepodong và Taepodong-II với tầm bắn ước tính 1.800-10.000 km tuỳ thuộc vào biến thể là những được thiết kế tên lửa đầu tiên khiến các kẻ thù tiềm năng của Bắc Triều Tiên trong khu vực lo sợ rằng, Bắc Triều Tiên vừa quyết tâm và vừa có khả năng phát triển các tên lửa đường đạn xuyên lục địa có thể tấn công các mục tiêu ở cả Nhật Bản và Mỹ. Họ tên lửa đường đạn xuyên lục địa Taepodong phần lớn vẫn chưa được thử.
CHDCND Triều Tiên đã phát triển một số tên lửa đường đạn mới trong thập kỷ qua, và các màn trình diễn của chúng trong các cuộc duyệt binh, các đoạn phim tuyên truyền và cả trong những lần phóng thử thành công và thất bại đã cho thế giới thấy rằng, Triều Tiên đang ráo riết phát triển hàng loạt các tên lửa đường đạn tầm trung và tầm xa. Triều Tiên cũng rất nỗ lực để làm cho những vũ khí giá trị này trở nên khó theo dõi và đánh chặn hơn, và một loạt các xe bệ phóng cơ động cả loại bánh xích và bánh lốp đã được phát triển để tăng tính cơ động, tính tàng hình và khả năng sống sót của chúng. Khi xem xét các lực lượng thông thường của Triều Tiên đã suy yếu đi bao nhiêu và trong bối cảnh các nguồn lực kinh tế hạn hẹp của nước này, có thể thấy rõ là Bình Nhưỡng đang đánh cược mọi thứ vào việc phát triển một tên lửa đường đạn xuyên lục địa tin cậy có thể mang phóng đầu đạn hạt nhân đến các mục tiêu xa bên ngoài bán đảo Triều Tiên. Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đứng đầu là Kim Jong-un không tiếc tiền củ để phát triển khả năng răn đe hạt nhân hữu hiệu để bảo vệ nước này trước khả năng chiến tranh thông thường vượt trội của Hàn Quốc và các đồng minh Nhật Bản và Mỹ. Nhật Bản đã biến mình thành mục tiêu vì nước này chứa chấp các căn cứ quân sự lớn của Mỹ trong khu vực và thường xuyên hỗ trợ những nỗ lực của cả Mỹ và Hàn Quốc trong đối đầu với Bắc Triều Tiên, cũng như phá hoại vị thế của Triều Tiên về quân sự và chính trị trong hơn 50 năm qua.
|
Hai tên lửa đường đạn xuyên lục địa lắp trên xe bệ phóng cơ động được giới thiệu trong cuộc duyệt binh ngày 15/4/2017 kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà sáng lập Nhà nước CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành. Không rõ các bệ phóng cơ động lớn này là mô hình hay thực sự mang tên lửa đường đạn xuyên lục địa KN-08 |
Từ tháng 12/2012-2/2016, Bắc Triều Tiên đã phóng thành công 2 tên lửa Unha-3 để đưa các Kwangmyongsong-3 và Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo. Mặc dù Triều Tiên tuyên bố các vụ phóng tên lửa này là phục vụ chương trình vũ trụ hòa bình của mình, nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng, chương trình này là nhằm tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đường đạn xuyên lục địa phục vụ mục đích quân sự. Việc phát triển tên lửa đường đạn xuyên lục địa tầm xa sẽ đòi hỏi phát triển một phần chiến đấu có thể đưa đầu đạn hạt nhân trở lại khí quyển mà không bị phá hủy trong quá trình quay trở lại khí quyển. Các dữ liệu giá trị thu được từ các vụ phóng Unha-3 sẽ giúp Bắc Triều Tiên trong việc theo đuổi phát triển phần chiến đấu này. Mặc dù Trung Quốc đã phát triển được các tên lửa đường đạn xuyên lục địa tiên tiến và đang tiến hành chương trình vũ trụ tham vọng nhất trên thế giới vào lúc này, Trung Quốc miễn cưỡng trong việc chia xẻ kiến thức và công nghệ của mình với Triều Tiên. Trung Quốc không muốn bị coi là nước hỗ trợ hoặc dung túng một biến số gây mất ổn định như vậy trong việc quản trị xung đột khu vực.
|
Các loại tên lửa đường đạn KN-11, Nodong (C), Musudan và KN-08 đều được phát triển, thử nghiệm và/hoặc tiết lộ trong 4 năm qua. Việc tiết lộ các tên lửa này đã trùng hợp với 3 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân |
Triều Tiên cũng đã rất nỗ lực thực hiện chương trình tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm còn non trẻ; tuy nhiên, có rất ít thông tin để khẳng định chắc chắn về việc Triều Tiên đã tiến gần đến việc triển khai một tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm hay chưa. Đó không chỉ là vấn đề phát triển một tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm có thể phóng từ tàu ngầm đang lặn, mà còn là phát triển một tàu ngầm có thể mang và phóng tên lửa đó. Tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm KN-11 đã được phóng thành công từ dưới mặt nước, nhưng nhiều khả năng nó đã được phóng từ một bệ phóng thử nghiệm gắn với một xà lan đã được cân bằng dưới mặt nước. Các ảnh vệ tinh đã chụp được một xà lan như vậy tại cơ sở thử nghiệm tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm ở Sinpo.
|
Phóng thử tên lửa KN-11 từ dưới mặt nước vào ngày 8/8/2016 |
Chiếc tàu ngầm cũng bị phát hiện tại cơ sở này với kích thước và lượng giãn nước khác với tất cả các tàu ngầm đã được biết đến của Hải quân Triều tiên và được đặt tên là lớp Sinpo, cực kỳ nhỏ và có thể là có lượng giãn nước không đủ để phóng một tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm nói chung, chứ chưa nói đến phóng tên lửa trong khi lặn. Một số nhà phân tích phỏng đoán rằng, tàu ngầm lớp Sinpo được thiết kế để mang chỉ một quả tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm KN-11. Các tàu ngầm lớp Sinpo có thể có khả năng mang một tên lửa KN-11, nhưng thực sự nó có thể phóng được tên lửa không? Điều đó là rất đáng ngờ. Ngay cả khi tàu ngầm Sinpo có thể phóng một tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm KN-11 lắp một đầu đạn hạt nhân, thì tầm hoạt động của một tàu ngầm điện-diesel nhỏ như vậy có lẽ cũng không quá 2.500 hải lý. Giả sử KN-11 có tầm bắn lớn hơn ba lần so với tầm bắn trong lần phóng thử nghiệm thành công đầu tiên (310 dặm), tên lửa vẫn không thể tấn công lục địa nước Mỹ. Tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản có thể bị tấn công, Hawaii và một số vị trí ở Alaska cũng có thể có thể bị tấn công, còn Guam và Saipan chắc chắn có thể bị tấn công. Một sự cân nhắc chiến lược quan trọng hơn là một số tàu ngầm lớp Sinpo được triển khai và không bị phát hiện trên biển có thể phát động một cuộc tấn công trả đũa để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu chống Bắc Triều Tiên do Hàn Quốc hay Mỹ tiến hành. Các tàu ngầm này đại diện cho một khả năng tiến công trả đũa hạt nhân sơ khai, nhưng hiệu quả.
|
Tàu ngầm lớp Sinpo. Có giả thiết 1 tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm KN-11 có thể được bố trí để phóng thẳng đứng từ khoang phía sau tháp tàu |
Ai hưởng lợi từ chương trình vũ khí hủy diệt lớn của Bắc Triều Tiên?
Bắc Triều Tiên không phải là bên duy nhất hưởng lợi từ hoạt động nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Mặc dù một số nghị quyết của LHQ đã được áp dụng để đối phó với các chương trình của Bắc Triều Tiên nhằm hạn chế việc phổ biến các công nghệ vũ khí này và để tránh xảy ra một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, một số quốc gia đã bí mật hỗ trợ các nỗ lực của CHDCND Triều Tiên và đã được hưởng lợi từ các chương trình hạt nhân và tên lửa đường đạn đạo của họ. Iran và Pakistan đã bị cáo buộc là được hưởng lợi từ cả hai chương trình của Bắc Triều Tiên, trong khi vẫn duy trì được khả năng phủ nhận liên quan ở mức độ nhất định. Nhiều người tin rằng, chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan đã được hỗ trợ bởi cả kiến thức kỹ thuật từ Bắc Triều Tiên và sự ủng hộ tài chính từ Saudi Arabia.
Điều đó tạo nhiều thuận tiện và hiệu quả để Iran, Pakistan và một số nước khác lợi dụng Bắc Triều Tiên gánh vác phần lớn các hoạt động nghiên cứu phát triển, đặc biệt là các vụ thử nghiệm nổ hạt nhân và phóng tên lửa phức tạp và cực kỳ gây tranh cãi vụ nổ hạt nhân hơn là tự họ tiến hành các hoạt động như vậy. Cách phân công công việc thuận tiện này sẽ giúp các đối tác Iran và Pakistan thoát khỏi sự chú ý của quốc tế và cho phép họ duy trì vị thế quốc tế như là các thành viên tuân thủ pháp luật của cộng đồng quốc tế. Trong khi Trung Quốc đã hỗ trợ kỹ thuật mạnh mẽ cho Pakistan trong việc theo đuổi kế hoạch xây dựng năng lực răn đe hạt nhân hữu hiệu đối với một Ấn Độ có vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đủ mạnh về mọi phương diện để tránh bị thế giới cô lập về chính trị và kinh tế. Bắc Triều Tiên không thể mơ có được ảnh hưởng chính trị và kinh tế như của Trung Quốc nên phải chấp nhận thực tế chiến lược của mình.
Điều quan trọng là ghi nhớ những sự thật bất tiện này trong khi nhìn nhận chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên một cách khách quan. Quốc tế có lên án và chỉ trích đối với Saudi Arabia, Pakistan hay Trung Quốc hay không? Điều cũng quan trọng là nhớ đến các chương trình vũ khí NBC của Mỹ khi đưa ra đánh giá về đạo đức của Bắc Triều Tiên. Mỹ đã thử nghiệm loại bom hạt nhân không điều khiển hiện đại góa B-61-12 ngay trong tháng này. B-61 là bom hạt nhân có điều khiển, có đương lượng nổ 10-50 kt (Đương lượng nổ của bom có thể lựa chọn) và độ chính xác 100 ft (30,48 m). Mỹ đã bắt đầu chương trình mua sắm 500 quả bom mới và sẽ triển khai 180 quả trong số đó đến các căn cứ ở Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phẫn nộ của quốc tế là ở đâu?
|
Bom hạt nhân thế hệ mới trong bộ ba vũ khí hạt nhân của Mỹ |
Kết luận
Trong khi thế giới nín thở trông chờ một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên, cùng với việc truyền thông phương Tây khẳng định rằng, chế độ Kim Jong-un quyết tâm phát động một cuộc xâm lược chống Hàn Quốc và phóng các tên lửa đường đạn xuyên lục địa mang đầu đạn vào lục địa Mỹ, thì điều quan trọng hơn bao giờ hết là phân tích chính xác về khả năng quân sự thực sự của CHDCND Triều Tiên so với các địch thủ mạnh nhất của nước này, nhất là Hàn Quốc và Mỹ. Phân tích này nhằm xua tan những luận điệu tuyên truyền và xóa đi nhiều huyền thoại về sức mạnh quân sự và mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Sẽ là sai lầm và vô trách nhiệm khi nói rằng, Bắc Triều Tiên không phải là một mối đe dọa quân sự đáng kể đối với Hàn Quốc nếu xảy ra một cuộc xung đột lớn; Tuy nhiên, sẽ là sự thua kém lớn về mọi phương diện. Trong khi Mỹ đang tiến hành triển khai các tàu hải quân có khả năng phòng thủ tên lửa, cngf với với Hải quân Hàn Quốc và Hải quân Nhật Bản đến vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên và đang bố trí các tên lửa chống tên lửa đường đạn trên lãnh thổ Hàn Quốc, cán cân sức mạnh đang chuyển dịch hơn nữa về phía bất lợi cho Bắc Triều Tiên.
Các động thái ngày càng ráo riết của chế độ Kim Jong-un để có được khả năng răn đe hạt nhân hữu hiệu đã thúc đẩy động thái ngày càng hiếu chiến từ phía Mỹ nhằm đối phó với mối đe dọa này, trong khi gia tăng áp lực quân sự và chính trị lên Bình Nhưỡng. Những động thái này đã góp phần tạo ra vòng xoáy các hành động ngày càng khiêu khích và nguy hiểm đe dọa gia tăng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu thay vì giảm thiểu nguy cơ xảy ra điều đó. Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị và kinh tế lớn đối với giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên và nhiều khả năng, họ có thể làm dịu tình hình nếu những cái đầu lạnh trong chính quyền Mỹ thắng thế. Như đã đề cập trước đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều không mong muốn một giải pháp cho cuộc xung đột Triều Tiên không phục vụ cho lợi ích cơ bản riêng của họ. Sự chung sống hoà bình lâu dài giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc phụ thuộc vào ý chí chính trị của giới lãnh đạo của hai miền Triều Tiên. Một hiệp ước hòa bình có hiệu lực và có thể đàm phán và việc kết thúc chính thức, mãi mãi cuộc chiến tranh Triều Tiên giữa hai bên này sẽ chỉ có thể xuất phát từ những nỗ lực của người dân hai miền Triều Tiên. Không bên nào bên ngoài muốn thay đổi hiện trạng, hoặc để xem dấu chấm hết cho sự ngu ngốc đã tồn tại quá lâu.
Việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ đặt dấu chấm hết tất yếu đối với CHDCND Triều Tiên. Chế độ Bình Nhưỡng sẽ chống lại một kết thúc như vậy, cũng giống như Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách làm cho Bắc Triều Tiên sụp đổ. Một số sáng kiến hòa bình do CHDCND Triều Tiên đưa ra trong quá khứ phải được coi là không trung thực vì chúng thường đi cùng với những diễn biến quân sự khiêu khích hoặc các vụ thử hạt nhân và tên lửa gây nhiều tranh cãi và vụ thử tên lửa đạn đạo. Một số sáng kiến hòa bình của Hàn Quốc cũng phải được coi là thủ đoạn chính trị không thành thật. Trong khi Mỹ nỗ lực để thấy một nước Triều Tiên thống nhất là đồng minh của Mỹ, thì Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả mọi công cụ họ có để ngăn chặn một kết cục như vậy. Ở nhiều phương diện, số phận của người dân Triều Tiên đã bị khống chế bởi các siêu cường vốn sẽ làm mọi cách để duy trì sự chia cắt vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ khi nào những thế lực ảnh hưởng bên ngoài này hoặc là chấp thuận không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của hai miền Triều Tiên, hoặc bằng cách nào đó bị loại khỏi phương trình, hai nước Triều Tiên sẽ buộc phải thực sự tìm ra cách chung sống với nhau một lần nữa như một dân tộc thống nhất.
Năm tới có thể là năm bước ngoặt cả về mặt duy trì hoặc thay đổi hiện trạng cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi mà tất cả các bên đều tăng cường quốc phòng và gây áp lực chính trị và quân sự lên các địch thủ của họ, thì các hành động ngày càng hiếu chiến từ phía Bắc Triều Tiên và Mỹ có thể đẩy khu vực vào một cuộc xung đột khủng khiếp. Một cuộc xung đột như vậy rất có thể dẫn đến sự hủy diệt và chết chóc chưa từng thấy kể từ Thế chiến II và lôi cuốn các quốc gia trên khắp trên thế giới vào vòng xoáy chiến tranh.
>> Tương quan binh lực hai miền Triều Tiên (3)