VietnamDefence -
Hải quân Bắc Triều Tiên không có tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước lớn, cũng không thể so sánh về công nghệ với một hải quân thực sự hiện đại. Ngược lại, Hải quân Hàn Quốc có một hạm đội cân đối, hiện đại và hùng mạnh với các tàu chiến mặt nước lớn, tàu tấn công đổ bộ và tảu hỗ trợ đại diện cho một lực lượng hải quân nước xanh thật sự.
Hải quân
Hải quân của Triều Tiên và Hàn Quốc có cơ cấu khác nhau, rất khó để so sánh. Hải quân Bắc Triều Tiên không có tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước lớn, cũng không thể so sánh về công nghệ với một hải quân thực sự hiện đại. Hải quân sử dụng nhiều tàu, nhưng hầu hết đã cũ và lạc hậu, có lượng giãn nước nhỏ, hoặc dựa vào khả năng tàng hình để có cơ hội sống sót nào đó trong bất kỳ cuộc xung đột hạn chế nào chứ chưa nói đến cuộc xung đột lớn. Ví dụ, Hải quân nhân dân Triều Tiên được cho là đang sử dụng 70 tàu ngầm; Tuy nhiên, đa số các tàu này là thiết kế của Liên Xô hoặc được sản xuất trong nước hoặc là các tàu ngầm mini với giá trị đáng ngờ. Một hạm đội lớn của các tàu đổ bộ cũ, phần lớn trong số đó được đóng vào những năm 1950 và 1960, sẽ khó để sống sót trong thời gian đủ dài lâu để tiếp cận bãi biển và đổ quân, vũ khí trang bị lên bờ. Không có lực lượng không quân đủ mạnh và các tàu chiến lớn để bảo vệ các tàu đổ bộ, Triều Tiên có rất ít khả năng sử dụng chúng trong một chiến dịch đổ bộ nhằm vào lãnh thổ Hàn Quốc với hy vọng thành công nào đó.
Hải quân Hàn Quốc, ngược lại, đang có một hạm đội cân đối, hiện đại và hùng mạnh với các tàu chiến mặt nước lớn, tàu tấn công đổ bộ và tảu hỗ trợ đại diện cho một lực lượng hải quân nước xanh thật sự. Một số các tàu này là những tàu chiến tiên tiến nhất và có tính năng mạnh nhất thế giới. Công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới và chỉ có Trung Quốc có số lượng tàu đóng ra nhiều hơn Hàn Quốc, còn Nhật Bản đứng sát sạt ở vị trí thứ ba. Các công ty như Hyundai Heavy Industries, Daewoo Ship Building and Engineering và Samsung Heavy Industries đã đi đầu trong lĩnh vực thiết kế và đóng tàu trong vòng ít nhất 30 năm. Kinh nghiệm đóng tàu thương mại này một cách logic đã được áp dụng vào các tàu hải quân.
Hải quân Triều Tiên
Hải quân nhân dân Triều Tiên được coi là hải quân nước nâu vì nó không có tàu lượng giãn nước lớn và thời gian đi biển dài nào để tung sức mạnh nào đó ở xa bờ biển Bắc Triều Tiên. Các tàu lớn nhất trong Hải quân Triều Tiên là một số ít các tàu frigate và frigate hạng nhẹ (là các tàu corvette theo tiêu chí hải quân hiện đại). Đa số tàu của Hải quân Triều Tiên là tàu tuần tra nhỏ, tàu đổ bộ có lượng giãn nước nhỏ lạc hậu và một số lượng lớn tàu ngầm điện-diesel lỗi thời và tàu ngầm mini. Mặc dù các tàu ngầm này đã tỏ ra khá hiệu quả trong những năm qua trong việc đổ và rút các đội biệt kích và nhân viện hoạt động ngầm vào Hàn Quốc, nhưng giá trị chiến lược của chúng là một câu hỏi. Chúng có tầm hoạt động hạn chế, kích thước rất nhỏ, không có vũ khí hiện đại và tiếng ồn lớn hơn so với các tàu ngầm mới hơn trong biên chế của hải quân Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
Tàu khu trục và frigate
Các tàu chiến lớn nhất trong hải quân Triều Tiên là hai tàu khu trục lớp Najin do Triều Tiên thiết kế và đóng. Một trong hai tàu này (số hiệu 631) đã qua một lần hiện đại hóa lớn tại một xưởng đóng tàu ở Nampo. Sau khoảng một năm rưỡi duy tu và tái trang bị, tàu Najin số hiệu 631 dường như đã được nâng cấp đối với radar chính và radar điều khiển hỏa lực, các pháo vũ nạp đạn bằng tay cũ đã bị loại bỏ, và trang bị các tên lửa chống hạm Kh-35 hiện đại hơn bố trí thành 4 bệ, mỗi bệ mang 2 tên lửa ở giữa tàu. Ngoài ra còn có 2 ụ pháo pháo phòng thủ tầm gần, (có lẽ là pháo nội địa tương tự hệ thống pháo phòng thủ tầm gần AK-630 của Nga), bố trí ở phía sau, cả cả hai bên mạn trái và phải.
Hai frigate mang trực thăng đã được bổ sung cho hải quân, với hình ảnh vệ tinh ghi lại việc đóng các tàu này ở các cảng Nampo trên bờ biển phía đông và Najin trên bờ biển phía tây của Bắc Triều Tiên. Mặc dù có ít thông tin về các tàu mới, một số đặc tính quan trọng có thể suy ra từ hình ảnh chụp được. Các tàu này có lẽ có lượng giãn nước nhỏ, khoảng 1.300-1.600 tấn, tổng chiều dài 75 m, chiều rộng tối đa 11 m. Các tàu có sân đáp trực thăng lớn ở phía sau và có thể có một nhà chứa máy bay nằm ngay phía trước sân đáp, chia xẻ không gian với phần thượng tầng.
Về vũ khí trên tàu thì vẫn chưa có thông tin rõ ràng, nhưng có lẽ có các bệ phóng rocket chống ngầm RBU-1200 lắp ở phía trước phần thượng tầng. Nhiều khả năng, các tàu được trang bị một số tên lửa hạm đói không tầm ngắn và một số ít tên lửa chống hạm Kh-35. Mặc dù không nhìn thấy trên ảnh vệ tinh, nhưng có thể suy đoàn hợp lý rằng, tàu cũng được trang bị biến thể pháo nòng quay 30mm AK-630 của Nga do Bắc Triều Tiên sản xuất để phòng vệ tầm gần. Các tàu là cơ bản là các tàu chống ngầm hạng vừa được đóng để tăng cường khả năng chống ngầm cho Hải quân nhân dân Triều Tiên khi mà Hàn Quốc tiếp tục bổ sung các tàu ngầm điện diesel do Đức vào biên chế hạm đội tàu ngầm của mình.
|
Ảnh vệ tinh chụp một frigate mang trực thăng đậu tại bến cảng Najin ở bờ biển Bắc Triều Tiên giáp với biển Nhật Bản. Có rất ít thông tin về lớp tàu này mặc dù các hình ảnh như hình ảnh ở trên lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2013 |
Tàu ngầm
Lực lượng tàu ngầm với số lượng lớn của Bắc Triều Tiên thường được rêu rao như là một mối đe dọa chiến lược lớn đối với an ninh hàng hải của Hàn Quốc. Người ta chủ yếu chú ý đến số lượng tàu ngầm trong biên chế, nhưng dường như ít phân tích về khả năng sống còn của lực lượng tàu ngầm cũ và lạc hậu như vậy trong bất kỳ cuộc đối đầu lý thuyết nào với các đối thủ mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ. Trong khi tất cả các tàu ngầm Bắc Triều Tiên được dựa trên các thiết kế rất cổ lỗ của Liên Xô và Nam Tư từ cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, tất cả các tàu ngầm hiện có, ngoại trừ 20 tàu ngầm lớp Romeo, đều là do Triều Tiên tự thiết kế.
Các tàu ngầm tấn công điện diesel lớn nhất trong biên chế Hải quân Triều Tiên 20 tàu ngầm lớp Type 033 do Trung Quốc sản xuất vốn là bản sao chép tàu ngầm lớp Romeo của Liên Xô bán sang Trung Quốc vào cuối thập kỷ 1960. Các tàu ngầm này đã được bán cho Bắc Triều Tiên từ đầu thập kỷ 1970. Trung Quốc tiếp tục cung cấp linh kiện cho các tàu lớp Type 033 cho đến những năm 1990, giúp CHDCND Triều Tiên đóng các tàu ngầm này tại các xưởng đóng tàu nội địa. Các tàu ngầm là những tàu ngầm lớn nhất trong biên chế của Hải quân Triều Tiên với lượng giãn nước khoảng 1.500 tấn (1.800 tấn khi lặn) và chiều dài tổng cộng 76 m. Mặc dù chúng đã được nâng cấp liên tục trong nhiều thập niên hoạt động, các tàu này là thiết kế cực kỳ lạc hậu và vài cải tiến có thể giúp cho chúng chạy êm hơn hoặc tăng cự ly hoạt động và hiệu suất sử dụng nhiên liệu của chúng. Vũ khí tấn công duy nhất của chúng là ngư lôi và thủy lôi. Chúng không có khả năng phóng cả tên lửa đối không và chống hạm khi lặn.
|
Biểu đồ về lực lượng tàu ngầm hiện có trong biên chế Hải quân Triều Tiên |
Các tàu ngầm có số lượng lớn nhất trong Hải quân Triều Tiên là các lớp Sang-O và Sang-O II , với ít nhất 40 chiếc trong biên chế. Sang-O là tàu ngầm tấn công điện diesel có chiều dài 34 m, Sang-O II là (chiều dài khoảng 40 m) là biến thể tấn công/trinh sát thân kéo dài hơn của Sang O, có tầm hoạt động lớn hơn và có thể chở lực lượng đặc nhiệm thực hiện các nhiệm vụ bí mật. Tàu được trang bị 2 ống phóng lôi bắn ngư lôi 53-65KE do Nga chế tạo, đồng thời cũng có khả năng rải thủy lôi. Người ta có ít thông tin về lớp Sang-O và tính năng của nó chủ yếu có tính giả thỉiết cho đến khi một tàu lớp này bị mắc cạn ở vùng biển Hàn Quốc vào ngày 18/9/1996 khi nỗ lực bốc rút một toán đặc nhiệm ba người làm nhiệm vụ trinh sát các cơ sở hải quân trên bờ biển phía đông của Hàn Quốc, gần Gangneung. Khi quay lại để bốc rút toán trinh sát, tàu ngầm đã bị mắc cạn và thủy thủ đoàn, cùng các lính đặc nhiệm đã tìm cách thoát trở lại Bắc Triều Tiên bằng đường bộ. Cuộc truy lùng diễn ra sau đó trong 49 ngày đã làm nhiều binh sĩ và dân thường thương vong. Chiếc tàu ngầm bị bắt giữ và trục vớt. Sự cố này là sự kiện bước ngoặt trong việc khám phá những khả năng thực sự của lực lượng tàu ngầm đông đảo của Hải quân Triều Tiên. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng đối với chiếc tàu ngầm cho thấy, Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều hệ thống dẫn đường và thông tin liên lạc có sẵn trên thị trường, cũng như loại sonar Liên Xô có từ cuối thập niên 1950 vào thập niên 1960. Sự cố này đã xua toan phần lớn huyền thoại về hạm đội tàu ngầm Triều Tiên.
|
Chiếc tàu ngầm lớp Sang-O bị mắc cạn và bỏ lại năm 1996 ngoài khơi Gangneung, Hàn Quốc. Binh sĩ Hàn Quốc đang leo lên tàu ngầm Triều Tiên trong bức ảnh này cho thấy kích thước nhỏ bé của tàu ngầm tấn công ven biển của Triều Tiên |
Dưới sự chỉ đạo của Kim Jong-un, Triều Tiên đã tập trung vào phát triển khả năng răn đe hạt nhân mạnh. Sau khi phát triển được vũ khí hạt nhân, và nhiều khả năng đã sở hữu khả năng mang phóng vũ khí hạt nhân bằng máy bay hoặc tên lửa đường đạn tầm ngắn, rõ ràng đã có sự tiến triển trong việc phát triển một tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm và một tàu ngầm có thể phóng tên lửa đó khi đang lặn. Bình Nhưỡng chính thức thừa nhận sự tồn tại của chương trình tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm vào tháng 5/2015. Một số lần phóng thất bại tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm đã diễn ra từ ngày 9/5/2015-21/12/2015 trước lần thử nghiệm thành công vào ngày 8/8/2016. Tên lửa đã được phóng từ dưới mặt nước và bay được 310 dặm trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Tuy nhiên, chưa thể chứng thực được tên lửa được phóng đi từ một tàu ngầm hay từ một xà lan chìm. Tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm đang được phát triển và thử nghiệm có tên là Bukkeuseong-1 vốn dựa trên tên lửa đường đạn Pukguksong KN-11.
|
Ảnh vệ tinh chụp khu vực thử nghiệm tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm tại Xưởng đóng tàu miền Nam ở Sinpo, Bắc Triều Tiên. Lưu ý sự hiện diện của xà lan chìm và có thể là tàu ngầm thông thường mang tên lửa đường đạn lớp Sinpo (Gorae) đầu tiên trên bức ảnh. Khả năng trang bị tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm cho tàu ngầm này là rất đáng ngờ |
Hiện có một lớp tàu ngầm mới đã được quan sát thấy tại Xướng đóng tàu miền Nam ở Sinpo liên quan đến chương trình phát triển tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm. Tàu ngầm này lớn hơn so với lớp Sang-O, nhưng nhỏ hơn so với tàu ngầm lớp Type 033 /Romeo hiện có trong Hải quân Triều Tiên. Có giả thiết cho rằng, tàu ngầm mới này được đặt tên là lớp Sinpo hoặc Gorae đang được phát triển làm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho thấy, một hoặc có thể là hai lỗ ở sau phần tháp tàu ngầm có thể là ống phóng tên lửa KN-11. Kích thước tàu ngầm nhỏ sẽ biểu thị cự ly hoạt động hạn chế, chắc chắn là nhỏ hơn 2.000 hải lý (3.700 km) nên làm giảm đáng kể giá trị chiến lược của tàu ngầm. Tuy nhiên, nếu tàu có thể rời cảng nhà mà không bị phát hiện và đủ tàng hình để không bị phát hiện trên biển và có khả năng phóng đi một tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm (thậm chí là phóng khi tàu đang nổi), thì nó sẽ mang lại cho Triều Tiên khả năng tấn công trả đũa hạn chế. Mặc dù rất hạn chế, nó sẽ là thành phần thứ ba của bộ ba vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Tàu tên lửa/tàu tuần tra
Bắc Triều Tiên sử dụng một lực lượng gồm hàng trăm tàu tuần tra để bảo vệ bờ biển và vùng biển của mình. Họ có khoảng 30 tàu tuần tra trang bị tên lửa chống hạm và có lẽ 400 tàu tuần tra trở lên với kích cỡ, thời gian hoạt động trên biển và vũ khí khác nhau. Đó là các tàu cũ do Liên Xô thiết kế cho đến các tàu thuyền mới mang tên lửa có điều khiển do Triều Tiên tự đóng, sử dụng thiết kế thân và phần thượng tầng có độc bộc lộ radar nhỏ. Các tàu tấn công nhanh trang bị tên lửa chống hạm (nhiều khả năng là loại tương tự Kh-35 của Nga) có uy lực nhất là là 6 tàu lớp Nongo. Các tàu này có thiết kế và tính năng tương tự tàu tuần trang trang bị tên lửa lớp Type 022 Houbei của Trung Quốc.
|
Tàu tuần tra tên lửa lớp Nongo. Hải quân Triều tiên hiện có trong biên chế 6 tàu tấn công nhanh và có thể đóng thêm trong những năm tới |
Hải quân Hàn Quốc
Hải quân Hàn Quốc luôn có ưu thế chất lượng vượt trội so với Hải quân nhân dân Triều Tiên và đã có những bước tiến lớn kể từ thời điểm chuyển giao sang thế kỷ 21. Hàn Quốc không chỉ đã đóng 6 tàu khu trục chở trực thăng (DDH) mới từ năm 2003, mà còn đã đóng thêm 3 tàu khu trục tên lửa Aegis (DDG) và 6 frigate tên lửa (FFG). Một tàu đổ bộ chở trực thăng (LPH) có lượng giãn nước lớn là tàu Dokdo đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2007, với một tàu cùng lớp đang được đóng. Hai tàu đổ bộ lớn khác đã được đưa vào hoạt động vào năm 2014-2016, với một chiếc khác sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2017 và một tàu nữa dự kiến đóng trong hai năm tới.
Từ năm 2008, Hải quân Hàn Quốc đã đưa vào trang bị 18 tàu tuần tra tên lửa mới. Không dưới 9 tàu ngầm tấn công diesel điện đã được Hàn Quốc đưa vào trang bị, trong số đó có 3 tàu cuối cùng của dự án KSS-1, và 6 tàu mới nhất là các tàu đầu tiên trong 9 tàu ngầm dự kiến đóng theo chương trình KSS-II. Các tàu ngầm này là kết quả của dự án liên doanh giữa hãng Daewoo Shipbuilding & Engineering (DSME) của Hàn Quốc và Howaldtswerke-Deutsche Werke (HDW) của Đức. Hàn Quốc cũng đã đóng 2 tàu cứu hộ lớn và đưa vào hoạt động để hỗ trợ lực lượng tàu ngầm đang được mở rộng.
Các tàu chiến mặt nước
Khi nhìn vào sự phát triển hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương, rất dễ nhận ra Trung Quốc là nước dẫn đầu về hiện đại hóa và xây dựng hải quân trong thập kỷ qua. Hải quân Trung Quốc đã có sự phát triển nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Sự tiến bộ và những thành tựu của Hàn Quốc phần lớn nằm ngoài tâm điểm chú ý. Yếu tố này cũng chính là một thành tựu của Hàn Quốc. Rất ít người chú ý đến chương trình hiện đại hóa hải quân của Hàn Quốc vào đầu thế kỷ này. Hàn Quốc nói chung quyết định thi hành chính sách quốc phòng tự chủ “Made in Korea”, nhưng họ cũng quyết định rằng, họ sẽ phải nỗ lực để đối phó với những thách thức an ninh trên biển cả và bảo vệ lãnh thổ trên biển của quốc gia.
Trong một nỗ lực phối hợp để đáp ứng các thách thức an ninh hàng hải ở bán đảo Triều Tiên và biển Hoa Đông khi mà Kim Jong-un đã có bước tiến mạnh nhằm phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và Nhật Bản đã tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các đảo nhỏ mà Hàn Quốc coi là của mình, Hàn Quốc đã quyết định hiện đại hóa hải quân triệt để từ trên xuống dưới.
Kể từ năm 2000, Hàn Quốc đã bắt đầu đóng các tàu chiến mặt nước thiết kế mới. Chủ lực trong các tàu mới là 3 tàu khu trục tên lửa (DDG) trang bị hệ thống Aegis lớp Sejong Đại đế . Các tàu này có thể sánh với các tàu lớp Arleigh Burke Flight II của Mỹ và lớp Atago của Nhật ở hầu hết các khía cạnh.
Tàu có lượng giãn nước toàn tải 11.000 tấn, chiều dài tổng thể 165 m và tầm hoạt động hiệu quả tối thiểu là 5.500 hải lý, được trang bị 2 bệ phóng tên lửa thẳng đứng Mk41, một bệ có 80 ngăn phóng ở phía trước và một bệ có 48 ngăn phóng ở phía sau phần thượng tầng chính. Các tàu này được trang bị đầy đủ các hệ thống vũ khí chống ngầm và phòng không, cũng như tên lửa chống hạm có điều khiển phóng bằng bệ phóng Mk41. Quyết định trang bị tên lửa chống tên lửa đường đạn SM-3 cho các tàu khu trục tên lửa đang được thảo luận và nhiều khả năng sẽ được chấp thuận để đối phó với mối đe dọa tên lửa đường đạn ngày càng gia tăng từ phía Bắc Triều tiên. Ba tàu nữa của lớp này sẽ được đóng trong vòng 5 năm tới.
|
Tàu khu trục lớp Sejong Đại đế rất giống các tàu khu trục tên lửa trang bị hệ thống Aegis khác. Ngoài nhiều hệ thống vũ khí tiến công và phòng thủ, tàu còn có sân đáp và nhà chứa dành cho 2 trực thăng làm nhiệm vụ vận tải và chống ngầm |
Ngoài các tàu khu trục tên lửa mới, Hải quân Hàn Quốc còn tiếp nhận 6 tàu khu trục đa năng trong những năm 2003-2008. Các tàu này thuộc lớp Chungmugong Yi Sun-shin, có chiều dài 150 m, lượng giãn nước toàn tải khoảng 5.500 tấn. Chúng được xếp loại là tàu khu trục chở trực thăng (DDH). Các tàu này có cơ cấu kho vũ khí phòng thủ/tiến công rất cân đối, gồm 1 bệ phóng tên lửa thẳng đứng Mk41 với 32 ngăn phóng, 1 pháo 76 mm, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 2 cụm×3 ống phóng lôi 324 mm và 1 hệ thống pháo phòng thủ tầm gần 30 mm Goalkeeper. Mỗi tàu được trang bị 1 sân đáp và nhà chứa dành cho 2 trực thăng Super Lynx .
Chương trình frigate thử nghiệm tương lai FFX (Future Frigate Experimental) được khởi động vào đầu những năm 2000 nhằm mua sắm các frigate phòng thủ bờ biển linh hoạt thế hệ mới để thay thế đội tàu đã lạc hậu. Kết quả mang lại là các frigate lớp Incheon được trang bị vũ khí không chỉ để tác chiến mặt nước và chống ngầm mà còn có thể tiến công các mục tiêu trên đất liền bằng tên lửa chiến thuật trên hạm tiến công mặt đất (Tactical Ship to Land Attack Missile) mới đưa vào sử dụng và pháo 127 mm L62 Mk.45.
Hàn Quốc sẽ đóng 6 tàu nữa (đưa tổng số frigate FFX lên tới con số 12) với một số cải tiến và nâng cấp về vũ khí, trong đó có 1 bệ phóng tên lửa thẳng đứng với 16 ngăn phóng K-VLS (Biến thể của bệ phóng Mk.41 do Hàn Quốc sản xuất) trang bị các tên lửa hành trình tiến công mặt đất (LACM).
|
Một frigate lớp Incheon phóng tên lửa chống hạm Hae Sung (Sea Star - Sao biển) SSM-700K từ bệ phóng mang 4 tên lửa ở mạn trái |
Tàu tác chiến đổ bộ
Khác với CHDCND Triều Tiên với năng lực tác chiến đổ bộ đã không hề được tăng cường trong 50 năm qua, Hàn Quốc đã quyết định bổ sung một số tàu mới có tính năng cao, đem lại cho Hàn Quốc nhiều lựa chọn chiến lược và linh hoạt hơn trong lĩnh vực tác chiến đổ bộ. Giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới sở hữu khả năng hiện diện hải quân mạnh, Hàn Quốc đã nhìn thấy những lợi ích vốn có ở loại phương tiện hải quân đa năng như tàu đốc đổ bộ chở trực thăng (LHD) hoặc tàu đốc vận tải đổ bộ (LPD).
Các tàu đổ bộ chở trực thăng (Landing Platform Helicopter - LPH) là một tàu chiến đổ bộ cỡ lớn có thể đảm nhiệm một số chức năng, từ phát động các cuộc tiến công đường không và các cuộc tiến công đổ bộ cho đến xuất kích các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng hoặc đường băng ngắn (VSTOL) (Hàn Quốc đã đặt hàng 40 máy bay F-35 JSF) và làm nhiệm vụ như một tàu chỉ huy. Tàu LPH thứ hai lớp Dokdo hiện đang được đóng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã đóng 4 tàu đổ bộ chở tăng (LST) lớp Go Jun Bong trong thập niên 1990 để thay thế các tàu đổ bộ đã cũ và 3 tàu LST lớp Cheon Wang Bong đóng trong ba năm gần đây, cùng với tàu thứ tư đang được đóng.
Ban đầu được dự kiến đóng 3 chiếc, các tàu LPH lớp Dokdo là các phương tiện hải quân đa nhiệm cỡ lớn có thể đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Có thiết kế và lượng giãn nước giống như tàu khu trục chở trực thăng (DDH) lớp Izumo và Hyuga của Hải quân Nhật Bản, tàu lớp Dokdo của Hải quân Hàn Quốc có sàn đổ bộ chìm linh hoạt ở đuôi. Các tàu lớp Dokdo có tổng chiều dài 199 m (653 ft) và lượng giãn nước toàn tải 18.800 tấn. Với hơn mặt boong rộng 100.000 ft vuông (khoảng 9.300 m2) và 5 điểm đỗ trực thăng, các tàu lớp Dokdo có thể tiến hành các nhiệm vụ đổ bộ bằng trực thăng cứu trợ nhân đạo và thảm họa quy mô lớn. Sân đáp trực thăng được gia cường và bọc chống nhiệt cho phép các máy bay hiện đại VSTOL hoạt động. Tàu cũng có không gian rộng rãi để sử dụng máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey vốn đòi hỏi nhiều không gian hơn các máy bay cánh quay (trực thăng) truyền thống. Sàn đổ bộ chìm ở đuôi có thể phóng xuất và thu hồi các tàu đổ bộ đệm khí (LCAC), tàu đổ bộ cơ giới hóa (LCM) và xe đổ bộ lội nước (AAV). Tàu có thể vận chuyển một tiểu đoàn đủ lính thủy đánh bộ Hàn Quốc (700-720 quân) cùng toàn bộ vũ khí trang bị, cũng như các xe hạng nặng và dự trữ trang bị. Hai tàu LCAC và 7 xe AAV được xếp gọn trong tàu để thực hiện nhiệm vụ đổ bộ và 10 xe tăng chủ lực K1A1, 1 đại đội pháo và các xe hạng nhẹ được xếp trên sàn chứa xe. Tàu cũng có một bệnh viện trang bị đầy đủ để xử lý thương vong chiến trường hoặc điều trị nạn nhân thảm họa do con người gây ra hay thiên tai.
Hải quân Hàn Quốc đã bắt đầu hiện đại hóa đội tàu đổ bộ lớn của mình trong thập niên 1990 với chương trình LST-1. Họ đã đóng 4 tàu LST-1 trong vòng 5 năm (1994-1999). Các tàu đổ bộ chở xe tăng (LST) lớp Go Jun Bong là các tàu đổ bộ truyền thống tiếp bờ bằng mũi tàu để xe và quân đổ bộ lên bãi biển bằng cửa dốc (ta hay gọi là tàu há mồm). Tàu có chiều dài toàn bộ 124 m, lượng giãn nước có tải 4.400 tấn, chở được 250-300 lính thủy đánh bộ, 10 xe tăng chủ lực hoặc 14 xe đổ bộ lội nước AAV7 và 14 8 xe tải đa dụng 2,5 tấn. Tàu cũng có một sân đáp phía sau dành cho 1 trực thăng UH-60.
Thế hệ tàu đổ bộ hiện đại tiếp theo là LST-II bắt đầu được đóng vào năm 2013, và 3 trong số e tàu đã được đưa vào biên chế. Tàu thứ tư và là tàu cuối cùng của lớp tàu đổ bộ chở xe tăng Cheon Wang Bong dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Mặc dù đôi khi được xếp loại như một LST, các tàu lớp Cheon Wang Bong có thiết kế khác thường và có vẻ giống hơn với một tàu vận tải RoRo thương mại vốn bốc dỡ hàng hóa bằng cửa dốc ở đuôi và bên mạn, và bốc xếp các xe bên trong tàu bằng một số thang máy thủy lực và sàn quay trung tâm. Mỗi tàu cũng chở 2 tàu đổ bộ cỡ lớn trên boong hở ở phía trước phần trúc thượng tầng. Các tàu LCM được nâng lên/hạ xuống nước bằng một cần cẩu thủy lực lớn trên boong. Về phần lớn các khía cạnh, tàu LST lớp Cheon Wang Bong hoạt động như một tàu đốc sàn đổ bộ (LPD). Mỗi tàu chở được 700 lính cùng vũ khí trang bị của họ, gồm các xe tăng chủ lực và các xe hạng nhẹ. Các tàu này có sân đáp lớn ở phía đuôi có thể tiếp nhận đồng thời 2 trực thăng UH-60.
|
Các tàu chiến đổ bộ USS Boxer (LHD-4) và USS Bonhomme Richard (LHD-6) của Hải quân Mỹ và tàu đổ bộ chở trực thăng Dokdo (LPH-6111) và tàu đổ bộ chở xe tăng Cheon Wang Bong (LST-686) của Hải quân Hàn Quốc trong cuộc tập trận Ssang Yong 2016 |
(CÒN NỮA)
Nguồn: southfront, 12.5.2017.