VietnamDefence -
Sự chênh lệch về công nghệ ở các hệ thống vũ khí của các lực lượng mặt đất của Triều Tiên và Hàn Quốc chưa là gì so với sự chênh lệch về không quân giữa hai quốc gia.
>> Tương quan binh lực hai miền Triều Tiên (1)
Không quân
Sự chênh lệch về công nghệ ở các hệ thống vũ khí của các lực lượng mặt đất của Triều Tiên và Hàn Quốc chưa là gì so với sự chênh lệch về không quân giữa hai quốc gia. Trong khi tuyệt đại đa số máy bay của Triều Tiên được thiết kế và sản xuất trong những năm 1950 và 1960, thì Không quân Hàn Quốc được trang bị các máy bay hiện đại, với các lực lượng tiêm kích giành ưu thế trên không và lực lượng máy bay tiến công trang bị hoàn toàn các máy bay thế hệ 4. Trên giấy tờ, số lượng máy bay của Triều Tiên có vẻ nhiều, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Điều quan trọng hơn nhiều là số giờ bay rất ít của các phi công Không quân nhân dân Triều Tiên so với đối thủ ở phía nam vĩ tuyến 38. Kể cả khi các phi công tiêm kích Triều Tiên có trong tay các máy bay hiện đại và tính năng cao hơn, việc họ thiếu số thời gian bay và huấn luyện thực tế sẽ đặt họ vào thế bất lợi không thể vượt qua trong bất kỳ cuộc giao chiến giả định nào với các phi công tiêm kích của Không quân Hàn Quốc. Không quân của Bình Nhưỡng là một con hổ giấy.
Không quân Triều Tiên
Người ta thường nói rằng, Bắc Triều Tiên có thể trông cậy vào 800 máy bay chiến đấu trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự với Seoul. Tuy nhiên, con số này khiến người ta nhầm lẫn và không đưa ra một bức tranh chính xác về sự bất lực hoàn toàn của Bình Nhưỡng về không lực so với Hàn Quốc. Rất ít máy bay tiêm kích và tiến công của Triều Tiên thuộc các thiết kế hiện đại, có khả năng không chiến thành công với F-15 và F-16 của Không quân Hàn Quốc, thậm chí cũng chẳng có nhiều trong số đó có khả năng bay. Tình hình kinh tế yếu kém của Bắc Triều Tiên gây ra bởi cả các biện pháp trừng phạt quốc tế và hệ thống kinh tế xơ cứng đã làm cho chế độ hầu như không thể duy trì tỷ lệ cao máy bay chiến đấu, cũng như không cho phép các phi công có số giờ bay cần thiết và huấn luyện để họ có lợi thế cạnh tranh trong chiến đấu thực tế, nhất là khi đây được xem là một điểm yếu mà họ kỳ vọng sẽ khắc phục được. Trong số 800 máy bay chiến đấu, chỉ có một số ít máy bay do Liên Xô thiết kế được mua vào những năm 1970 và 1980 may ra có cơ hội sống sót trong không chiến hiện đại.
Máy bay tiêm kích/tiến công
Không quân Triều Tiên sở hữu một số ít các máy bay MiG-29, MiG-23 và Su-25. Ngoài ra, còn có ít nhất 60 MiG-21, 120 chiếc J-7 vốn là biến thể MiG-21 do Trung Quốc sản xuất theo giấy phép. Các máy bay tiến công mặt đất có tính năng cao nhất là 35 chiếc Su-25 và 105 MiG-23. Số máy bay tiêm kích và tiến công còn lại chủ yếu là các máy bay cổ lỗ MiG-17, Mig19 và Su-7 của Liên Xô và các biến thể của chúng do Trung Quốc sản xuất.
|
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Triều Tiên chuẩn bị cất cánh. MiG-21 là máy bay tiêm kích có số lượng đông đảo nhất của Triều Tiên |
Người ta đã viết nhiều về một lực lượng nhỏ MiG-29 của Triều Tiên đang thực hiện bay tuần tra chiến đấu trên không phận Bắc Triều Tiên, nhưng rất ít người thực sự biết tình trạng hoạt động hay khả năng sẵn sàng chiến đấu của chúng. Không quân Triều Tiên thường được cho là sở hữu tổng công 40 MiG-29, nhưng trên thực tế chỉ có 12-15 chiếc đang hoạt động. Lô đầu tiên gồm 13 MiG-29A và 1 MiG-29B đã được Liên Xô cung cấp vào trong giai đoạn 1988-1992. Lô thứ hai gồm các máy bay MiG-29C được chuyển giao ở dạng SKD và là hạt nhân của chương trình sản xuất máy bay nội địa với nhiệm vụ sản xuất MiG-29 ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này đã tỏ ra là quá sức đối với công nghiệp Bắc Triều Tiên. Cuối cùng, chỉ có thêm 3 MiG-29C được lắp ráp từ các bộ linh kiện SKD được chuyển giao (có lẽ đủ cho 10 máy bay), nâng tổng số MiG-29C lên vẻn vẹn 17 chiếc hoạt động. Phụ tùng thay thế cho các máy bay này lấy từ phần còn lại của các bộ linh kiện SKD chưa lắp ráp và một lô phụ tùng do Nga cung cấp vào năm 1999.
|
MiG-29 của Bắc Triều Tiên hạ cánh sau khi bay trình diễn tại triển lãm hàng không tổ chức tại Sân bay Quốc tế Kalma ở Wonsan, Bắc Triều Tiên vào tháng 9/2016 |
Máy bay ném bom chiến thuật
Không quân Tiên Tiên vẫn sử dụng 2 trung đoàn máy bay ném bom chiến thuật Il-28 và H-5. Liên Xô đã chuyển giao cho Bắc Triều Tiên 24 chiếc Il-28 vào cuối những năm 1960, còn Trung Quốc sau đó đã cung cấp thêm các máy bay ném bom H-5, vốn là biến thể sản xuất trái phép của Il-28. Không quân Triều Tiên được cho là có đến 80 máy bay ném bom chiến thuật này trong biên chế trong những thập kỷ qua, nhưng các nhà phân tích không chắc chắn có bao nhiêu chiếc vẫn còn bay được.
Ngoài các máy bay ném bom hai động cơ cũ, còn có hơn 100 chiếc MiG-23 trong Không quân Triều Tiên cũng có thể tác chiến với vai trò máy bay ném bom chiến thuật hạng nhẹ để thực hiện nhiệm vụ ném bom độ cao lớn để giảm thiểu nguy cơ từ pháo và tên lửa phòng không mặt đất giống như trường hợp đã xảy ra với các máy bay MiG-23 của Không quân Syria trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria. Một số MiG-23 đã bị hỏa lực mặt đất và tên lửa phòng không mang vác (vác vai) bắn hạ ở Syria trong 5 năm qua. MiG-23 không được coi là thiết kế thật thành công và không có sự cải thiện đáng kể so với MiG-21 ở nhiều khía cạnh mặc dù một vài lực lượng không quân của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, các nước châu Phi và Trung Đông vẫn khai thác máy bay này trong các đơn vị tuyến đầu.
Máy bay tiến công mặt đất/không trợ gần
Mặc dù Không quân Triều Tiên vẫn đang sử dụng 28 máy bay tiêm kích-bom Su-7BMK, những máy bay cánh cố định tiến công mặt đất hiện đại duy nhất trong biên chế của họ là 36 chiếc Su-25 bố trí tại căn cứ không quân gần Sunchon, Bình Nhưỡng và gồm 32 Su-25K một chỗ ngồi và 4 máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi Su-25UBK. Mặc dù Su-25 lần đầu tiên được Liên Xô nhận vào trang bị vào năm 1978, nó vẫn được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và được đánh giá cao vì độ chắc chắn và tin cậy. Các Không quân-vũ trụ Nga đã sử dụng biến thể nâng cấp của Su-25 với hiệu lực rất cao trong tác chiến ở Syria.
Trực thăng
Điều ngạc nhiên là Triều Tiên sử dụng trực thăng do cả Liên Xô và Mỹ sản xuất. Không quân Triều Tiên đang sử dụng các trực thăng vận tải lạc hậu Mi-2 và Mi-8 để chở quân và trang bị, còn Mi-25 (biến thể xuất khẩu của Mi-24 Hind) là trực thăng tiến công chủ yếu với các tính năng cơ bản tương tự Mi-24D. Khoảng 50 chiếc Mi-25 đang được Không quân Triều Tiên sử dụng cấu thành một lực lượng có khả năng hỗ trợ tốt để đẩy lui bất kỳ cuộc tấn công nào của quân đội Hàn Quốc, hoặc chi viện cho lực lượng mặt đất một khi tấn công vượt qua khu vực DMZ. Một lần nữa, hiệu quả chiến đấu của các trực thăng Mi-25 của Triều Tiên chủ yếu được quyết định bởi kỹ năng của phi công của họ. Trong khi các tổ lái được huấn luyện tốt của Nga cho thấy, họ có thể sử dụng trực thăng tiến công này với hiệu quả cao trên chiến trường hiện đại, gần đây nhất và ấn tượng nhất là ở Syria, các phi công Triều Tiên sẽ khó mà theo kịp.
Trong một hoạt động buôn lậu vũ khí và gián điệp thú vị, Triều Tiên đã tìm cách mua và vận chuyển được 87 chiếc trực thăng MD 500D và E do Boeing, Mỹ sản xuất trong những năm 1984-1985. Hai doanh nhân Mỹ sử dụng một công ty có trụ sở ở Đức như làm bình phong đã vượt qua được luật kiểm soát vũ khí của Mỹ để thực hiện thành công thương vụ này và khi bị phát hiện thì chỉ chịu một án tù ngắn 6 tháng. 87 trực thăng này là trực thăng nhỏ và không có vỏ giáp bảo vệ, nhưng chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ không thám, hoạt động với vai trò trực thăng trinh sát hoặc thậm chí được trang bị làm trực thăng vũ trang tá chiến chống bộ binh khi được lắp súng máy và bệ phóng rocket. Người ta cũng phỏng đoán rằng, một số trực thăng loại này đã được sử dụng để tung và rút lực lượng tác chiến đặc biệt và nhân viên hoạt động ngầm sau khi được sơn giống như các trực thăng MD500 của quân đội Hàn Quốc.
|
MD500 (ảnh trên) của Triều Tiên và MD500 Defender (ảnh dưới) của Hàn Quốc được trang bị các tên lửa chống tăng có điều khiển TOW |
Không quân Hàn Quốc
Không quân Hàn Quốc là một lực lượng không quân thực sự hiện đại, được trang bị các tiêm kích và máy bay tiến công thế hệ 4, cũng như các máy bay vận tải, hỗ trợ và chỉ huy-báo động sớm (AEW&C) hiện đại. Không quân Hàn Quốc hiện đang trong quá trình mua sắm các máy bay tiếp dầu để tăng tầm và thời gian hoạt động cho các máy bay chiến đấu. Theo chủ trương trở thành quốc gia tự chủ về quân sự của Hàn Quốc, Không quân Hàn Quốc đã phát động chương trình đầy tham vọng sản xuất máy bay tiến công mặt đất siêu âm và huấn luyện phản lực tiên tiến của mình vào năm 1992. Chương trình đã cho ra đời họ máy bay T/F-50, bắt đầu được sản xuất loạt vào năm 2003. Máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến cuối cùng dẫn đến máy bay đa năng hạng nhẹ FA-50 hiện được sử dụng không chỉ trong Không quân Hàn Quốc mà cũng đã thu hút được khách hàng quốc tế.
Máy bay giành ưu thế trên không/đa nhiệm
Trong khi Triều Tiên dựa vào các tiêm kích chưa được nâng cấp kể từ khi được sản xuất lần đầu tiên trong những năm 1960, ngoại trừ một số ít MiG-29, Không quân Hàn Quốc đã liên tục nâng cấp các máy bay giành ưu thế trên không và tiến công kể từ khi chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Những tiêm kích F-5 và F-4 từng là trụ cột của Không quân Hàn Quốc đã dần được thay thế bằng F-15K (tương đương với F-15E) và F-16C ở các đơn vị tuyến đầu. Các máy bay mới sản xuất nội địa FA-50 đang dần bổ sung những máy bay chủ lực đã được kiểm nghiệm này làm trụ cột của lực lượng máy bay chiến đấu của Hàn Quốc trong thập kỷ tới. Hàn Quốc cũng đã ký hợp đồng đặt mua 40 tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II với Lockheed Martin.
|
Các máy bay giành ưu thế trên không và chiến đấu đa nhiệm của Không quân Hàn Quốc (từ trái sang phải): F-4E Phantom II (đã loại bỏ), F-16C Falcon, F-5E Tiger II (đã loại bỏ), 2 FA-50 Fighting Eagle và F-15K Slam Eagle |
Máy bay huấn luyện phản lực siêu âm và máy bay chiến đấu đa nhiệm TA-50/FA-50 được thiết kế và sản xuất trong nước bởi Korea Aerospace Industries (KAI). Được thai nghén trong thập niên 1990, máy bay đã được hiện thực hóa nhờ sự hợp tác giữa KAI và Lockheed Martin. Khung thân máy bay có một số điểm tương đồng với F-16 và thực sự đã chứng tỏ là một máy bay huấn luyện tốt để đào tạo phi công trẻ lái các tiêm kích F-16 và F-15 khi họ được điều về các đơn vị chiến đấu. TA-50 (máy bay huấn luyện) đã nhanh chóng được phát triển thành máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng nhẹ FA-50, có thể tác chiến chống các mục tiêu ở cả trên không và mặt đất bằng các loại vũ khí kết hợp. Chi phí mua sắm và vận hành thấp hơn của máy bay đã giành được sự chú ý của quốc gia châu Á khác vốn coi máy bay này là một lựa chọn tốt để thay thế cho các máy bay chiến đấu đắt tiền của Mỹ và châu Âu. Không quân Philippines đang sử dụng 12 chiếc FA-50, 2 trong số đó lần đầu tiên tham chiến khi không kích các tay súng Hồi giáo trên đảo Mindanao vào tháng 1/2017. Cả Indonesia và Thái Lan đều đã mua TA-50 để thay thế máy bay huấn luyện cũ, còn Không quân Iraq cũng sắp nhận 24 FA-50 vào cuối năm 2017.
Với mục tiêu phát triển một máy bay sản xuất nội địa mới để thay thế các máy bay F-16C hiện có vốn là nòng cốt của lực lượng máy bay tiêm kích Hàn Quốc, Chương trình Tiêm kích tương lai KF-X lần đầu tiên được trù tính vào đầu những năm 2000 và đã phát triển đáng kể từ thời điểm đó. Chính phủ Indonesia trở thành một đối tác của dự án này vào năm 2010, đóng góp kinh phí cho nghiên cứu và phát triển và chế tạo một mẫu chế thử KF-X. Một số nhà phân tích đã mô tả máy bay mới là giống với thiết kế Eurofighter Typhoon, nhưng được tăng cường công nghệ tàng hình. Chưa tính tới sự tiến triển thành công của dự án KF-X, 168 chiếc F-16C của Không quân Hàn Quốc vẫn có lợi thế lớn so với bất kỳ máy bay mà Bắc Triều Tiên sở hữu.
|
F-15K |
Máy bay tiến công mặt đất và không trợ gần
Không quân Hàn Quốc không có các máy bay tiến công mặt đất chuyên dụng mà thay vào đó họ dựa vào lực lượng máy bay đa nhiệm đã nêu ở trên để hỗ trợ tác chiến mặt đất bằng các cuộc không kích khi có yêu cầu. Không quân Mỹ có ít nhất 25 máy bay tiến công mặt đất/không trợ gần A-10 Thunderbolt II thuộc Nhóm tác chiến 51 bố trí tại căn cứ không quân Osan. A-10 hiển nhiên là máy bay tiến công mặt đất chuyên dụng có uy lực nhất thế giới, được trang bị pháo nòng quay 30 mm GAU-8 và mang được tải trọng 7.260kg, cùng với 11 giá treo để lắp đặt nhiều loại bom đạn.
Máy bay chỉ huy-báo động sớm (AEW&C)
4 máy bay Boeing 737 AEW&C E7A Peace Eye được Hàn Quốc mua như một phần của hợp đồng ký với Boeing vào năm 2006. Toàn bộ số máy bay này đã được bàn giao cho Không quân Hàn Quốc vào năm 2011-2012 sau khi được nâng cấp/cải tiến sâu do hãng KAI tiến hành tại Hàn Quốc. Máy bay AEW&C là phương tiện nhân bội sức mạnh trọng yếu đối với quân đội Hàn Quốc, lực lượng đang phải đối mặt với một kẻ thù có quân số vượt trội. Peace Eye không chỉ có thể hoạt động xâm nhập đường không của Không quân Triều Tiên vào không phận Hàn Quốc mà còn có thể giám sát toàn bộ thông tin liên lạc điện tử của quân đội Triều Tiên và theo dõi sự di chuyển của các đơn vị quân đội đối phương. Radar quét điện tử đa nhiệm (MESA) với tầm bắt bám khoảng 370-400 km, tầm trinh sát tín hiệu điện tử hơn 850 km ở độ cao 9.000 bộ, Peace Eye làm giảm đáng kể cơ hội của quân đội Hàn Quốc khai thác yếu tố bất ngờ trong bất kỳ cuộc tấn công thông thường dự định nào. Bắc Triều Tiên hoàn toàn không có các máy bay AEW&C và đây là một bất lợi lớn trong bất kỳ cuộc xung đột trong tương lai nào.
Trực thăng
Quân đội Hàn Quốc sử dụng hỗn hợp các loại trực thăng của Mỹ, châu Âu và thậm chí cả của Nga. Họ có 3 chiếc AS332 Super Puma và 5 CH-47 Chinook để vận tải, 29 MS-70A (biến thể trực thăng UH-60 Blackhawk sản xuất theo giấy phép) để chở quân. Không quân Hàn Quốc còn có 25 trực thăng tiến công và trinh sát hạng nhẹ MD500 Defender. Phần lớn số trực thăng này được trang bị làm trực thăng chống tăng hạng nhẹ, với 4 tên lửa TOW lắp trên các cánh con. Điều thú vị là quân đội Hàn Quốc còn có một lực lượng nhỏ gồm 7 trực thăng Ka-32 của Nga sử dụng làm trực thăng tìm cứu.
Máy bay cánh quay mới nhất và có tính năng mạng nhất mà Hàn Quốc đã mua và triển khai là 36 trực thăng AH-64E Apache của Boeing được chuyển giao vào đầu tháng 1/2017. Chúng đã được biên chế cho 2 tiểu đoàn trực thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến không quân của Lục quân Hàn Quốc. Những trực thăng tăng cường cho 30-48 chiếc AH-64D của các lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc theo cơ chế luân phiên. AH-64D đã thay thế phần lớn các trực thăng trinh sát/tiến công hạng nhẹ OH-58D Kiowa mà quân đội Mỹ từng triển khai ở Hàn Quốc. Apache là trực thăng tiến công có uy lực mạnh và phù hợp hơn nhiều khi tính đến số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép có khả năng dẫn đầu bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Bắc Triều Tiên.
|
Trực thăng đầu tiên trong số 36 chiếc AH-64E Apache Guardian được bốc dỡ tại cảng Pusan vào tháng 1/2017. Các lá cánh quạt rotor chính của chúng được lắp lại trên bến tàu và các trực thăng này đã bay thẳng đến một sân bay quân sự |
>> Tương quan binh lực hai miền Triều Tiên (1)
Nguồn: southfront, 12.5.2017.