Vietnamdefence.com

 

Tương quan binh lực hai miền Triều Tiên (1)

VietnamDefence - Bắc Triều Tiên có thực sự là mối đe dọa quân sự? So sánh các tiềm lực quân sự, vũ khí trang bị của hai miền Triều Tiên. Một cuộc chiến mới ở Triều Tiên sẽ như thế nào?

Giới thiệu

Khi mà nguy cơ thực sự nổ ra một cuộc đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa có thể xảy ra, điều quan trọng là phải đánh giá lại tiềm lực quân sự hiện tại của cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên). Việc phân tích về quân đội hai bên sẽ cho một bức tranh rõ ràng hơn về khả năng xảy ra một cuộc xung đột và một cuộc xung đột như vậy có thể diễn ra như thế nào. Một đánh giá thực tế về cán cân sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên, cũng như các lực lượng có thể được các đồng minh có khả năng điều động đến cũng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những động lực của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển khả năng răn đe hạt nhân thực tế. Có phải là ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên xa rời thực tế về tâm lý như truyền thông phương Tây và chính phủ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng ta tin, hoặc là việc sở hữu vũ khí hạt nhân có phải là cách tốt nhất để Triều Tiên ngăn chặn một cuộc tấn công bởi một liên minh của những kẻ thù mạnh hơn nhiều hay không? Ngoài ra, có phải Triều Tiên thực tế đã trở thành một bãi thử mặt đất vũ khí NBC (hạt nhân, sinh hóa) cho các quốc gia khác, những kẻ sử dụng vị thế của nước Triều Tiên để bí mật thúc đẩy các chương trình vũ khí hủy diệt lớn của mình? Việc duy trì chế độ cộng sản dựa trên cha truyền con nối ở Bình Nhưỡng phục vụ những lợi ích sống của ai?

Trong khi Triều Tiên sở hữu quân đội lớn thứ tư trên thế giới về quân số, nhưng quân đội Triều Tiên vẫn đang được trang bị các hệ thống vũ khí được sử dụng đầu tiên từ những năm 1950 và 1960. Bên cạnh đó, lực lượng thông thường của nó đã không theo kịp với sự đổi mới công nghệ đã có ảnh hưởng và định hình sự phát triển các hệ thống vũ khí. Hàn Quốc đã chớp lấy những đổi mới công nghệ và phát triển một khả năng quân sự hiện đại, mạnh mẽ trong khi các lực lượng của Triều Tiên vẫn ở tình trạng trì trệ. Điều này cũng đúng đối với Nhật Bản và Mỹ. Để bù đắp sự yếu kém về vật chất kỹ thuật, Triều Tiên đã ngày càng đi theo hướng phát triển phương tiện và khả năng phi đối xứng, cũng như tăng cường đầu tư vào việc phát triển, mua sắm vũ khí hạt nhân và phát triển một hệ thống phương tiện mang phóng tin cậy những vũ khí này.

Chiến lược quốc phòng

Triều Tiên đã cơ bản duy trì cùng một chiến lược quân sự trên bán đảo kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, căn cứ vào cán cân sức mạnh quân sự thay đổi theo hướng Hàn Quốc ngày càng chiếm ưu thế, chiến lược này đã được sửa đổi nhiều lần. Phần lớn các lực lượng mặt đất của Triều Tiên đang được triển khai ở tuyến trước, gần với khu phi quân sự (DMZ). Điều này giảm thiểu chi phí hậu cần, do các đơn vị sẽ không phải thay đổi vị trí trong trường hợp quyết định tiến đánh Hàn Quốc hoặc để thực hiện các chiến dịch tiến công hạn chế trên biên giới. Việc triển khai phía trước của quân đội Triều Tiên cũng buộc Hàn Quốc luôn phải duy trì lực lượng ngăn chặn lớn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao dọc theo ranh giới phía nam của DMZ. Mối đe dọa tiến công thường xuyên từ phía bắc cũng khuếch đại ảnh hưởng của bất kỳ hành động đe dọa chính trị xuất phát từ Bình Nhưỡng.

Hiệu quả của việc triển khai phía trước một số lượng lớn lực lượng mặt đất của Triều Tiên, trong đó có sự tập trung cao độ các đơn vị pháo binh cỡ nòng lớn mà phần lớn trong số đó là pháo kéo và không tự hành, đã trở thành một câu hỏi trong những năm gần đây. Việc triển khai một phần lớn lực lượng mặt đất của Triều Tiên mà nhiều trong số đó có sức cơ động hạn chế, cũng như khoản đầu tư lớn trong nhiều thập kỷ cho một mạng lưới công trình phòng thủ cố định khiến cho các lực lượng này dễ bị vu hồi nhanh chóng bằng các chiến dịch đổ bộ đường biển và đường không. Có thể ban lãnh đạo Triều Tiên đã rút ra bài học này trong chiến tranh Triều Tiên, khi họ bị đánh tạt sườn bằng chiến dịch đổ bộ ở Inchon (Nhân Xuyên). Chiến dịch này là bước ngoặt then chốt dẫn đến thất bại hoàn toàn của Bắc Triều Tiên và họ chỉ thoát khỏi sự hủy diệt hoàn toàn nhờ Trung Quốc nhảy vào vòng chiến.

Mặc dù khá phụ thuộc vào sức mạnh quân sự Mỹ sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt và trong hầu hết chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều nguồn lực kinh tế cho hiện đại hóa quân đội Hàn Quốc và ngày càng trở nên ít phụ thuộc vào lực lượng vũ trang Mỹ. Trong khi Hàn Quốc duy trì một cách khôn ngoan mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ và quan hệ quân sự ngày càng tăng với Nhật Bản kể từ thời Shinzo Abe làm Thủ tướng, họ cũng sử dụng nhiều hệ thống vũ khí có khả năng tương thích với các hệ thống radar, truyền tin và các hệ thống chỉ huy chiến đấu của hai đồng minh này. Hải quân Hàn Quốc đang sử dụng hệ thống Aegis và có thể phối hợp với các tàu khu trục tên lửa của cả Hải quân Mỹ và Hải quân Phòng vệ Nhật Bản (JMSDF) trong trong ngắm bắn và tiêu diệt các tên lửa hành trình và máy bay hoặc các tàu chiến mặt nước khác. Mặc dù vẫn còn gần 30.000 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, quân đội Hàn Quốc đã ngày càng trở nên tự chủ trong việc bảo đảm phòng thủ đất nước. Công nghiệp vũ khí nội địa đã sản xuất nhiều xe thiết giáp và hệ thống vũ khí hiện đại và uy lực mạnh, thậm chí cả máy bay. Công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về trọng tải đóng tàu và cũng đã đóng được nhiều tàu chiến hiện đại thuộc các lớp khác nhau. Trong khi ở phía bắc bán đảo Triều Tiên vẫn vận hành một nền kinh tế cộng sản trì trệ, thì ở phía nam là một cường quốc kinh tế, một nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới tính theo GDP.

Không quân Hàn Quốc có ưu thế lớn về chất lượng so với đối thủ phía bắc. Điều quan trọng nhất là các phi công Hàn Quốc có số giờ bay cao xa nhiều đối thủ của họ và được huấn luyện bay chiến đấu sát thực tế. Ước tính các phi công Bắc Triều Tiên có 20-25 giờ bay/năm, trong khi phi công Hàn Quốc có ít nhất 130-150 giờ bay/năm. Trong khi Seoul trang bị cho phi đoàn tiêm kích và các phi đoàn không quân chiến thuật của họ các tiêm kích hiện đại thế hệ 3, 4, thì Bình Nhưỡng vẫn phải dựa vào các máy bay tiêm kích và máy bay tiếnn công chủ yếu được phát triển trong thập niên 1960. Mặc dù mạnh mẽ và tin cậy, nhưng một chiếc MiG-21 không thể sánh với một chiếc F-15K hoặc F-16C trong không chiến.

Một lĩnh vực mà Hàn Quốc đã tụt hậu trong bảo đảm khả năng quốc phòng của mình là lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD). Việc triển khai mới đây một đại đội phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, mặc dù Triều Tiên đã đạt được tiến bộ trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ hơn có thể mang phóng bằng một tên lửa đạn đạo tin cậy, Hàn Quốc đã chẳng làm được gì mấy để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng này. Hàn Quốc đã không làm gì nhiều để phát triển các tên lửa phòng không tầm trung đến tầm xa đủ mạnh vì Không quân Triều Tiên hiện nay là mối đe dọa nhỏ hơn bất cứ lúc nào khác nếu nổ ra xung đột. Hàn Quốc đang vận hành 8 đại đội tên lửa phòng không MIM-104 Patriot PAC-II. Họ có kế hoạch nâng cấp các hệ thống này lên chuẩn PAC-III trong khi tiếp nhận triển khai nhiều hơn các đại đội THAAD trong tương lai gần.

Lực lượng mặt đất

Khi so sánh sức mạnh của lực lượng mặt đất của mỗi nước, nếu quá chú trọng vào tổng quân số đàn ông và phụ nữ mặc quân phục sẽ không thể đánh giá chính xác sức mạnh, chất lượng hay khả năng cơ động. Sở hữu 1 triệu quân là một chuyện, nhưng số quân đó được huấn luyện tốt đến đâu, có thể di chuyển nhanh thế nào trên chiến trường hiện đại, họ có các phương tiện nhân bội sức mạnh nào, hệ thống chỉ huy và kiểm soát lực lượng đó có hiệu quả ra sao, và thê đội hậu cần có tầm quan trọng bao trùm bảo đảm cho lực lượng đó có khả năng đến đâu và khả năng thích ứng thế nào? Trong khi Triều Tiên có thể đưa ra trận số quân nhiều hơn, họ so sánh thế nào với các đối thủ phía nam của họ?

Quân đội nhân dân Triều Tiên

Quân đội nhân dân Triều Tiên có tổng quân số thường trực xấp xỉ 1,2 triệu quân, với thêm 600.000 quân dự bị. Ngoài ra, còn có Hồng vệ binh công-nông với khoảng 6 triệu người tổ chức thành một lực lượng bán quân sự. Điều này có nghĩa là khoảng ¼ tổng dân số Triều Tiên được tiếp nhận hình thức huấn luyện và làm quen với hoạt động quân sự nào đó và có thể được động viên trong tình huống khẩn cấp quốc gia. Các đơn vị này nhiều khả năng được trang bị vũ khí hạng nhẹ cũ hơn, ít đạn dược và trang bị nên giá trị chiến đấu rất thấp. Nếu không có sự chỉ đạo của ban lãnh đạo chế độ và hệ thống tổ chức quân sự định hướng theo chiều dọc, việc chỉ huy và kiểm soát một lượng lớn các binh sĩ “công-nông” sẽ là không thể đối với chế độ, và thực sự có thể dẫn đến việc một bộ phận các lực lượng này nổi loạn chống lại nhà nước trong thời gian có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia, đặc biệt là khi tầng lớp lãnh đạo cấp cao của chế độ ở Bình Nhưỡng bị tiêu diệt bằng đòn tiến công chặt đầu thành công.

Bộ binh và bộ binh cơ giới

Đại đa số các đơn vị của quân đội nhân dân Triều Tiên  được xếp là đơn vị bộ binh hoặc bộ binh nhẹ. Thê đội phòng ngự đầu tiên gồm 4 quân đoàn bộ binh là các quân đoàn lục quân I, II, IV và V. Mỗi quân đoàn gồm 4 sư đoàn bộ binh, ngoại trừ quân đoàn lục quân II chỉ có 3 sư bộ binh. Các binh đoàn bộ binh này nắm giữ một số hệ thống đường hầm và boong-ke nằm dọc theo DMZ cực kỳ kiên cố và ở độ sâu lớn. Bốn quan đoàn được hỗ trợ bởi quân đoàn pháo binh độc lập là quân đoàn pháo binh 620.

Nằm ở phía sau các quân đoàn bộ binh là 2 quân đoàn bộ binh cơ giới hóa (các quân đoàn cơ giới hóa 806 và 815) và 1 quân đoàn thiết giáp (quân đoàn thiết giáp 820), cấu thành thê đội phòng ngự thứ hai. Mỗi quân đoàn cơ giới gồm 5 lữ đoàn bộ binh cơ giới. Các đơn vị cơ động này có thể phản ứng nhanh chóng để tăng cường cho khu vực hiểm yếu trên tiền duyên, nhanh chóng khai thác các cơ hội tiến công phát sinh và phản công khi cần thiết. Các đơn vị này là thê đội phòng ngự thứ hai mạnh mẽ và tạo thành lực lượng dự bị cơ động hùng mạnh có thể tăng cường cho phòng ngự hoặc dẫn đầu một cuộc phản công.

Thê đội phòng ngự thứ ba gồm 3 quân đoàn bộ binh (các quân đoàn lục quân III, VII và XII), mỗi quân đoàn có từ 2-3 sư bộ binh. Ngoài ra, trong biểu tổ chức và biên chế của 3 quân đoàn này còn có 8 sư bộ binh dự bị. Các quân đoàn bộ binh này được hỗ trợ bởi 1 quân đoàn pháo binh độc lập (Quân đoàn pháo binh Kangdong). Ngoài ra, Bình Nhưỡng có ít nhất 4 lữ đoàn bộ binh được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô và đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh phòng thủ Bình Nhưỡng.

Thê đội phòng ngự thứ tư gồm 4 quân đoàn bộ binh (các quân đoàn lục quân VIII, IX, X và XI), và 2 quân đoàn bộ binh cơ giới hóa (các quân đoàn cơ giới hóa 108 và 425). Mỗi quân đoàn lục quân có ít nhất 2 sư bộ binh, còn mỗi quân đoàn cơ giới hóa được biên chế 5 lữ bộ binh cơ giới và có thể là cả một số lữ bộ binh nhẹ. Các đơn vị này được triển khai cách xa khu vực DMZ, nhưng được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới với Trung Quốc và hầu hết đường bờ biển dài phía đông, giáp biển Nhật Bản.
Xe bọc thép chở quân bánh lốp M-2010 6×6 của Triều tiên, biến thể của BTR-80 của Liên Xô. M-2010 được sản xuất nhiều hơn ở biến thể 8×8
Bộ binh Triều Tiên được trang bị vũ khí thời Liên Xô hoặc vũ khí sản xuất theo giấy phép hay sao chép trái phép các vũ khí Liên Xô. Hầu hết vũ khí bộ binh được thiết kế và cung cấp cho Bắc Triều Tiên trong những năm 1950 và 1960 khi quan hệ với Liên Xô là khá tốt và chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào. Liên bang Nga không sẵn sàng cung cấp cho Bắc Triều Tiên các loại vũ khí bộ binh hiện đại như các biến thể hiện đại của súng trường tiến công AK-74 (mặc dù Quân đội nhân dân Triều Tiên đang sử dụng các bản sao chép sản xuất trong nước) và thế hệ tên lửa chống tăng có điều khiển hiện tại. Nga làm thế vì nhiều lý do, chủ yếu là chính trị (tôn trọng các quy định của LHQ) và cũng là để giảm thiểu việc sản xuất trái phép và bán vũ khí sao chép của Nga. Các loại vũ khí bộ binh mà Bắc Triều Tiên sao chép vũ khí Nga có tính năng kém hơn nguyên bản, nhưng họ cũng có các vũ khí sao chép khá tốt để làm vũ khí tin cậy và hiệu quả trang bị cho các lực lượng tiền tuyến và dự bị của Quân đội nhân dân Triều Tiên.

Các đơn vị bộ binh cơ giới hóa được tổ chức thành 4 quân đoàn bộ binh cơ giới, trong đó 2 quân đoàn được bố trí trong phạm vi cách DMZ 100 km. Các xe bọc thép trang bị cho các đơn vị cơ giới hóa tất cả đều là xe nhập khẩu từ Trung Quốc và Liên Xô, hoặc các loại xe tương tự do Triều Tiên tự sản xuất. Đa số xe bọc thếp trang bị cho các quân đoàn cơ giới hóa là BTR-60 và BTR-80 của Liên Xô hoặc biến thể sao chép nội địa của chúng là M-2010 (sản xuất theo 2 biến thể 6×6 và 8×8), hoặc Type-63 của Trung Quốc. Type-63 đã được Triều Tiên sao chép và sản xuất với tên gọi là VTT-323. Triều Tiên cũng đã phát triển Type-63 thành xe tăng lội nước hạng nhẹ BT-85, và sử dụng các bộ phận, linh kiện của cả M-2010 và BT-85 vào xe bọc thép chở quân Chunma-D (Model-2009). Xe chiến đấu bộ binh duy nhất trong quân đội Triều tiên là BMP-1 của Liên Xô với tên gọi là Korshun. Quân đội Triều Tiên không có một loại xe chiến đấu bộ binh hiện đại ngang tầm với các xe của Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.
Xe bọc thép chở quân Chunma-D của Triều Tiên. Đây là thiết kế nội địa dựa trên cả xe bọc thép chở quân BTR của Nga (tháp pháo) và Type-63 của Trung Quốc

Tăng-thiết giáp

Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất về mức độ tụt hậu của Triều Tiên về công nghệ các hệ thống vũ khí thiết giáp là lĩnh vực thiết kế xe tăng chủ lực. Quân đội Triều Tiên có hàng ngàn xe tăng trong các đơn vị thường trực, cũng như hàng ngàn chiếc dự trữ. Các xe tăng chủ lực ở tuyến 1 tất cả đều dựa trên các thiết kế T-55 và T-62 của Liên Xô, là các xe tăng được thiết kế và đưa vào trang bị từ thập niên 1950 và 1960. 
Xe tăng chủ lực hiện đại nhất trong trang bị của Triều Tiên là Pokpung-ho. Pokpung-ho rõ ràng là được chế tạo dựa trên cả T-62 và T-72, nhưng được cải tiến nhiều và có một số nâng cấp quan trọng. Pokpung-ho có khung gầm của T-62 được kéo dài, một số điểm tương đồng ở thân xe với T-72, lắp thêm các tấm giáp phản ứng nổ (nâng cấp Pokpung-ho III) và lắp thêm các tấm giáp composite cho mặt trước tháp pháo. Các Pokpung-ho II và III dường như được trang bị một pháo nòng trơn 125mm, trong khi tất cả các biến thể trước đó được trang bị một pháo chính 115mm. Quân đội Triều tiên hiện có khoảng 500-1.000 xe tăng Pokpung-ho thuộc tất cả các biến thể, và 1.000 xe tăng Chonma-ho (dựa trên T-62M). 

Ngoài ra, trong biên chế còn có 2.500 xe tăng chủ lực khác, kể cả số xe tăng trong lực lượng tăng-thiết giáp dự bị. Số xe chủ yếu thuộc các loại T-62M, T-55 và Type-59. Ngoài ra, quân đội Triều Tiên còn duy trì hàng trăm xe tăng hạng nhẹ lội nước của Liên Xô và do Triều Tiên sản xuất, nhiều khả năng là để tăng cường cho đội tàu đổ bộ cổ lỗ của Hải quân nhân dân Triều Tiên. Cũng có khả năng một số lượng đáng kể tăng T-34-85 vẫn đang được cất giữ trong các kho dự trữ.
Các xe tăng chủ lực Pokpung-ho III trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Trên tháp xe có lắp 1 hệ thống tên lửa phòng không mang vác và 2 tên lửa chống tăng có điều khiển, thân và mặt trước tháp xe được lắp thêm giáp tăng cường

Pháo binh

Có lẽ ưu thế quân sự rõ ràng duy nhất của Triều Tiên đối với Hàn Quốc là ưu thế áp đảo của họ về cả pháo thông thường và tên lửa pháo binh. Triều Tiên có khoảng 8.600 khẩu pháo, gồm cả pháo tự hành và pháo kéo, khoảng 5.500 hệ thống rocket phóng loạt (pháo phản lực) trang bị cho lực lượng pháo binh Triều Tiên. Ít nhất một nửa số pháo này được bố trí ở phía trước, dọc theo khu vực DMZ và các hệ thống rocket phản lực có thể tấn công thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Quân đội Triều Tiên có 2 quân đoàn pháo binh độc lập, trang bị cả pháo tự hành và pháo kéo. Các loại pháo thông thường có cỡ nòng từ 100-170 mm. Pháo tự hành lớn nhất là Koksan M-1989, pháo này được cho là sự kết hợp một loại pháo hải quân hoặc pháo bờ biển của Liên Xô với một khung gầm được chế tạo trên cơ sở khung gầm tăng T-55 kéo dài. Pháo Koksan có thể bắn đạn pháo có rocket trợ đẩy tầm bắn xấp xỉ 60 km (37 dặm). Tầm bắn này đã được xác nhận trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991) khi các đại đội pháo binh Iraq trang bị pháo Koksan bắn phá Kuwait trong cuộc xâm lược đầu tiên. 
Các đại đội pháo hạng nặng Koksan M-1989 tập trận bắn đạn thật trên bờ biển phía tây Bắc Triều Tiên
Một cuộc bắn thử hệ thống rocket phóng loạt tự hành mới do Triều Tiên tự thiết kế và sản xuất dựa trên khung gầm xe tải hạng nặng với sự tham dự của Kim Jung-Un đã được giới thiệu công khai ngày 3/3/2016. Mặc dù đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh ngày 10/10/2015, đoạn video quay vào tháng 3/2016 là lần đầu tiên việc sử dụng thực tế pháo phản lực này được công khai giới thiệu. Một số nhà phân tích cho rằng, tên lửa mà hệ thống này sử dụng là dựa trên tên lửa SY300 của Trung Quốc. SY300 có thể được trang bị hệ dẫn kết hợp của quán tính và vệ tinh. Hiện chưa rõ tên lửa được sử dụng trong hệ thống mới này có khả năng như thế hay không, nhưng nhiều khả năng nó có tầm bắn tối đa 100-130 km (62-80 dặm).
Ngày 3/3/2016, Triều Tiên bắn thử hệ thống 300mm MLRS nội địa dùng khung gầm xe tải hạng nặng của Trung Quốc và có thể là tên lửa có điều khiển SY-300 của Trung Quốc

Bản đồ cho thấy tầm bắn ước tính và mật độ đạn nổ lý thuyết từ một cuộc pháo kích ồ ạt của Triều Tiên ồ ạt nhằm vào Hàn Quốc
Mặc dù các tuyên bố trước đây của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng đã đe dọa nếu xảy ra chiến tranh, pháo tầm xa của họ sẽ được sử dụng để biến Seoul thành “biển lửa”, mặc dù khả năng xảy ra điều này sẽ là khá thấp. Một cuộc pháo kích vũ bão, ồ ạt nhằm vào mục tiêu là thủ đô Hàn Quốc, chứ không phải các căn cứ quân sự và các điểm tập trung quân đội sẽ chẳng đem lại lợi ích gì nhiều trong thực tế cho quân đội Triều Tiên mà sẽ làm bộc lộ các lực lượng pháo binh trước hỏa lực phản pháo và không kích trả đũa. Việc pháo kích hạn chế vào thủ đô Seoul rất có thể xảy ra nhằm mục đích tuyên truyền, chứ không phải là hoạt động pháo kích tập trung của hàng ngàn tên lửa như người ta lo ngại. Các cơ sở quân sự và địa điểm tập trung quân sẽ là mục tiêu hứng chịu chủ yếu của bất kỳ cuộc pháo kích ồ ạt nào.

Lục quân Hàn Quốc

Lục quân Hàn Quốc có tổng quân số thường trực là 490.000 quân, nhưng cuộc cải cách quân sự đặt ra mục tiêu giảm tổng quân số xuống còn 400.000. Ngoài ra, còn có 4,5 triệu đàn ông và phụ nữ trong lực lượng dự bị vốn chia thành Lực lượng dự bị động viên (4 năm đầu dự bị) và Lực lượng dự bị nội địa (4 năm cuối dự bị). Hàn Quốc có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18-35. Hai năm phục vụ trong quân thường trực và thêm 8 năm trong lực lượng dự bị. 

Trong khi lực lượng mặt đất Hàn Quốc thua kém nhiều kẻ thù phía bắc về quân số, nhưng lại có các ưu thế về trang bị tốt hơn, các hệ thống vũ khí công nghệ cao, đào tạo tốt hơn và sự hỗ trợ của lực lượng không quân hiện đại, hùng mạnh. Những yếu tố này có vai trò làm cân bằng cuộc chơi, và nếu tính đến hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, Hàn Quốc còn có thể dựa vào các nguồn lực bổ sung của các lực lượng Mỹ đóng ở Hàn Quốc, cũng như ở Nhật Bản, Guam và Saipan. Mỹ hiện có đạo quân mạnh 28.000 quân đóng tại Hàn Quốc và 50.000 quân nữa đóng thường trực tại Nhật Bản.

Bộ binh và bộ binh cơ giới

Các lực lượng mặt đất của Lục quân Hàn Quốc đã trải qua một cuộc cải tổ đáng kể để giảm sự trùng lắp về chỉ huy và kiểm soát và hậu cần để kiện toàn. Đồng thời, quân chủng này cũng đang bị cắt giảm từ 47 sư đoàn (22 sư thường trực) xuống còn 38, đi kèm việc cắt giảm xấp xỉ 18% quân số. Việc củng cố các đơn vị cỡ tập đoàn quân đã dẫn đến Bộ chỉ huy tác chiến số 1 và Bộ chỉ huy tác chiến số 2 mỗi bộ chỉ huy kiểm soát 2 tập đoàn quân. Mỗi tập đoàn quân đội gồm 4 quân đoàn, cộng với các đơn vị pháo binh, công binh và và bảo đảm phối thuộc. Các binh chủng của Hàn Quốc được xây dựng theo mô hình của Mỹ và sử dụng hỗn hợp vũ khí trang bị cả của Hoa Kỳ và do Hàn Quốc thiết kế, sản xuất. Toàn bộ vũ khí hạng nhẹ và trang bị cá nhân có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng mặt đất của Mỹ và Hàn Quốc phối hợp tác chiến và đơn giản hóa đáng kể công tác bảo đảm hậu cần. Ngay cả các hệ thống vũ khí và xe bọc thép sản xuất tại Hàn Quốc cũng chia xẻ nhiều bộ phận với các loại vũ khí và xe bọc thép tương tự của Mỹ.

Lục quân Hàn Quốc có 3 sư đoàn bộ binh cơ giới, mỗi sư gồm 3 lữ đoàn. Sư đoàn bộ binh 8 bao gồm các lữ bộ binh 10, 16 và 21. Sư đoàn bộ binh 26 gồm các lữ bộ binh 73, 75 và 76, và Sư đoàn bộ binh 30 gồm các lữ bộ binh 90, 91 và 92, tất cả đều đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy tác chiến số 2. Phần lớn các xe bọc thép trong các sư đoàn này là xe bọc thép chở quân K200 cũ hơn vốn dựa trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh AIFV của Mỹ (còn AIFV lại dựa trên xe bọc thép chở quân M113 nổi tiếng), và các xe chiến đấu bộ binh mới sản xuất nội địa K-21. K200 có nhiều đặc điểm của xe AIFV của Mỹ và được sản xuất trong nước bởi Daewoo (nay là một bộ phận của hãng Doosan). Về hình thức, xe này rất giống họ xe bọc thép ACV của Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ vì cả hai đều dựa trên AIFV.
Xe bọc thép chở quân K200 trong một cuộc tập trận mùa đông
Là một bước tiến lớn so với K200, xe chiến đấu bộ binh K21 do Doosan Infracore (chi nhánh của Tập đoàn Doosan) sản xuất, là một xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới. K21 có sức cơ động, vỏ giáp bảo vệ và hỏa lực mạnh hơn K200. K21 cũng vượt trội so với M3A2 Bradley của Mỹ ở hầu hết các khía cạnh, có vỏ giáp bảo vệ gầm xe tốt hơn, không gian trong xe dành cho bộ binh lớn hơn (9 người), và hỏa lực của 1 pháo tự động 40mm mạnh hơn. Các pháo tự động Bofors 40mm sản xuất trong nước có tốc độ bắn 300 phát/phút và có thể tiêu diệt xe tăng hạng nhẹ và các loại xe chiến đấu bọc thép khác ở tầm khá xa. K21 còn được trang bị 2 tên lửa chống tăng có điều khiển và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm. Những xe K21 đầu tiên được đưa vào trang bị từ năm 2011 và tiếp tục được cung cấp đến năm 2017.
Hai xe chiến đấu bộ binh K21 chạy sau 1 xe chiến đấu bộ binh M3A2 Bradley tại một căn cứ quân sự ở Hàn Quốc. Lưu ý đến kích thước so sánh của 2 loại xe này
Khung gần xe K21 đã được dùng cho một số xe bọc thép thế hệ mới khác, trong đó có một số hệ thống phòng không tự hành. Do có trọng lượng lớn nên xe có sức nổi kém khi bơi. Những chiếc phao lớn ở hai bên sườn xe được sử dụng và bơm lên để giúp xe vượt vật cản nước sâu. Lục quân Hàn Quốc yêu cầu tất cả các loại xe bọc thép tuyến đầu đều phải có khả năng bơi do địa hình có nhiều sông ngòi chạy ngang bán đảo Triều Tiên từ đông sang tây. Có 16 sông lớn với nhiều sông nhánh chảy vào các con sông lớn này. Do đó, cần phải có các xe lội nước để duy trì nhịp độ hành quân cần thiết cho các chiến dịch thọc sâu mà không phải chờ các phương tiện bắc cầu hạng nặng tiến lên trước và bắc cầu.
K-21 với các tấm chắn ngăn nước và các phao nổi được bơm căng. Việc phải có thêm các thiết bị này là một điểm yếu trong thiết kế xe mà hãng Doosan Infracore đang tìm cách khắc phục

Tăng-thiết giáp

Lục quân Hàn Quốc có 4 lữ đoàn thiết giáp trong biên chế thường trực, 1 lữ thuộc Bộ chỉ huy tác chiến số 1 và 3 lữ thuộc Bộ chỉ huy tác chiến số 2. Quân chủng này được trang bị khoảng 1.500 xe tăng chủ lực K1 và K1A1, khoảng 300 tăng chủ lực thế hệ mới K2 Black Panther. K1A1 có tính năng gần tương đương với M1A1 Abrams của Mỹ, còn nhiều nhà phân tích coi K2 là xe tăng chủ lực tiên tiến nhất thế giới, ngang ngửa với tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga và tăng cải tiến M1A2SEPv.3 của Mỹ. Với vỏ giáp bảo vệ ít nhất tương đương với biến thể mới nhất của M1 Abrams, K2 được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực và các phương tiện phòng vệ khác (mà M1A2SEPv3 không có), hơn nữa lại nhẹ hơn 7 tấn so với xe tăng Mỹ. K2 là tăng chủ lực đắt nhất đang được sản xuất trên thế giới hiện nay với đơn giá 7,5 triệu USD. K2 chỉ sử dụng công nghệ và phương pháp sản xuất trong nước, và nó cho thấy công nghiệp quốc phòng đã tiến xa như thế nào kể từ những năm 1980. Tăng Black Panther phần lớn bị người ta bỏ qua và ít được biết đến, mặc dù ở nhiều mặt, nó là đỉnh cao trong lĩnh vực phát triển xe thiết giáp. Nó chắc chắn là phương tiện nhân bội sức mạnh đáng kể của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn và đánh bại mọi cuộc xâm lăng quân sự từ miền Bắc.
Một xe tăng K1A1/A2/E2 được ngụy trang đang diễn tập gần khu vực DMZ
Lực lượng còn lại trong sức mạnh thiết giáp của Hàn Quốc gồm các xe tăng M48A5K1/K2, vốn là biến thể nâng cấp lớn của tăng M48 Patton mà Mỹ đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1952. M48A5K được trang bị pháo lớn hơn với 1 khẩu pháo chính 105mm KM68A1 và được trang bị máy đo xa laser, máy tính đường đạn và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. Trong biên chế Lục quân Hàn Quốc hiện có khoảng 800 tăng M48 (thuộc cả 2 biến thể A3K và A5K).
M48A5K2 (K1 được lắp các tấm chắn bên sườn xe) đang huấn luyện vượt sông. Mặc dù là một thiết kế xe tăng cũ, các xe tăng nâng cấp M48A5K rất phù hợp với địa hình đồi núi vốn chiếm 70% diện tích bán đảo Triều Tiên và có sự cân bằng tốt về khả năng cơ động, sức mạnh hỏa lực và vỏ giáp bảo vệ khi so sánh với phần lớn các xe tăng mà chúng có thể phải đối mặt trong chiến đấu

Pháo binh

Mặc dù CHDCND Triều Tiên nổi tiếng về sự ưu ái dành cho “Vua chiến trường” (pháo binh), Hàn Quốc cũng triển khai một số lượng lớn pháo thông thường và tên lửa pháo binh, mặc dù đa số là có cỡ nòng nhỏ hơn. Sự thua kém về cỡ nòng của pháo binh Hàn Quốc được bù lại bằng độ chính xác và khả năng cơ động. Đa số pháo binh Hàn Quốc, cả pháo thông thường lẫn tên lửa pháo binh, là các loại tự hành và có khả năng cơ động cao hơn, do đó có những lợi thế chiến thuật và chiến lược.

Lục quân Hàn Quốc có khoảng 4.000-5.000 khẩu pháo kéo cả trong lực lượng thường trực và dự bị, chủ yếu là lựu pháo 105 mm và 155 mm, khoảng 2.000 lựu pháo tự hành K55A1 và K9 Thunder. K55A1 tương đương với M109 Paladin của Mỹ, còn K9 là pháo tự hành thế hệ mới, có sự vượt trội đáng kể so với Paladin. K9 do Samsung Techwin sản xuất, có khả năng cơ động tốt hơn nhiều, khả năng sống còn cao hơn, tầm bắn xa hơn, máy tính đường đạn và hệ thống điều khiển hỏa lực tốt hơn so với loại tiền nhiệm của nó. K9 có kíp xe nhỏ hơn và thậm chí có thể tăng tốc độ bắn bằng cách sử dụng chức năng bắn loạt tự động (MRSI). Khi ở chế độ MRSI, pháo K9 có thể cứ 5 s bắn một phát đạn trong vòng 15 s. Các viên đạn được bắn vào những thời điểm khác nhau và cũng bay theo các quỹ đạo khác nhau nên chúng đến cùng một khu vực mục tiêu một cách đồng thời.
Một đại đội pháo tự hành K9 Thunder đang bắn khi huấn luyện. Mặc dù Hàn Quốc thua kém về số lượng so với các đơn vị pháo binh Triều Tiên, nhưng độ chính xác và tốc độ bắn cao hơn làm giảm đáng kể lợi thế về số lượng. Khả năng cơ động cao hơn cũng giúp pháo binh Hàn Quốc giảm bớt được nguy cơ bị phản pháo
Hai hệ thống rocket phóng loạt (pháo phản lực) chủ yếu đang được Lục quân Hàn Quốc sử dụng là MLRS M270 của Mỹ và Chunmoo do Hàn Quốc sản xuất. M270 là xe xích dựa trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh M3 Bradley kéo dài. M270 đã được nâng cấp lớn nhiều lần kể từ khi được Lục quân Mỹ nhận vào trang bị vào năm 1983. M270 có thể phóng cả một họ tên lửa ATACMS (Army Tactical Missile System - Hệ thống tên lửa chiến thuật của lục quân), một số có tầm bắn 165 km. Lockheed Martin đã phát triển đạn phản lực có điều khiển GMLRS (Guided MLRS) vào năm 2002 và hiện nay, nó là đạn tiêu chuẩn dành cho M270. GLMRS sử dụng hệ dẫn quán tính và lắp ở mũi rocket XM30 và biến rocket thành thành tên lửa có điều khiển. XM30 cũng có tầm bắn tăng lên đến 70 km.

Trong khi M270 có khả năng cơ động vốn có của xe bánh xích, vốn là lợi thế quan trọng ở địa hình đồi núi của Hàn Quốc, Lục quân Hàn Quốc đã yêu cầu một loại pháo phản lực thay thế sản xuất trong nước lắp trên một khung gầm bánh lốp. Sở dĩ, họ cần có một pháo phản lực dùng khung gầm bánh lốp là vì họ muốn có khả năng cơ động tốc độ cao các pháo phản lực trên các con đường đã có và thậm chí cả địa hình tương đối gồ ghề để phản ứng nhanh với tình huống chiến thuật và chiến lược thực tế chiến trường hiện đại diễn biến nhanh để giảm xác suất tổn thất do phản pháo và có thể triển khai và thu hồi thật nhanh chóng lực lượng pháo phản lực uy lực mạnh. Kết quả là hệ thống rocket phóng loạt K-MLRS Chunmoo.
Bức ảnh này thể hiện rõ khả năng mang phóng đạn phản lực các cỡ khác nhau của K-MLRS. Pháo phản lực này được lắp các rocket cỡ 227 và 130 mm để trình diễn
Hệ thống Chunmoo gồm một khung gầm xe tải cơ động cao 8×8 với cabin bọc thép có thể chống đạn con và mảnh đạn pháo, bệ phóng rocket launcher quay lắp 2 thùng rocket. Các thùng rocket này có kích thước và dung lượng khác nhau tùy thuộc vào loại đạn chúng chứa. Các thùng rocket được nạp đạn sẵn và làm kín tại nhà máy và có thể cất giữ trong thời gian dài. Chunmoo có thể bắn mọi loại đạn rocket của các hệ thống MLRS và HIMARS của Lục quân Mỹ, cũng như đạn K136 Kooryong 130 mm. Tùy thuộc loại đạn, tầm bắn hiệu quả của Chunmoo là từ 45-300 km. Chunmoo được coi là vũ khí chủ chốt để đánh trả và chế áp các khẩu đội pháo Triều Tiên.

>> Tương quan binh lực hai miền Triều Tiên (2)

Nguồn:

North Korea vs South Korea - Comparison of military capabilities. What would a new war in Korea look like? / Brian Kalman (chuyên gia quản lý vận tải biển, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ trong 11 năm) // Southfront, 12.5.2017.

Print Print E-mail Print