VietnamDefence -
Chính phủ mới của Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu dự định hiện đại hóa hoàn toàn quân đội nước này.
Trong những ngày tới, nhiều quan chức cao cấp của các quốc gia xuất khẩu vũ khí sẽ đến New Delhi.
Đến đầu tiên là ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius với hy vọng thuyết phục được Ấn Độ mua 126 tiêm kích Pháp Rafale.
Dự kiến, các đại diện của Anh, Mỹ và có thể cả của Nga sẽ đến New Delhi và họ cũng sẽ thuyết phục Ấn Độ nên mua vũ khí của mình. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã trở thành quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất, trên cả Trung Quốc và Pakistan.
Trong thời gian này, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc cải cách triệt để quân đội của mình. Rõ ràng là hy vọng của Ấn Độ xây dựng công nghiệp quốc phòng của mình đã vấp phải những trở ngại nghiêm trọng và nước này không chỉ cần phát triển các công nghệ của mình mà còn mua công nghệ ở nước ngoài.
Chính phủ mới của Ấn Độ cũng dự định trang bị lại cho tất cả các quân chúng, hải, lục, không quân.
Công nghệ Liên Xô chỉ còn là quá khứ
Cho đến tận cuối thế kỷ XX, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ. Không quân Ấn Độ bay MiG-21, hạm đội Ấn Độ gồm toàn tàu chiến do Liên Xô và Nga đóng.
Nhưng theo nhà phân tích của tạp chí Jane’s Defence Weekly, ông Paul Beaver, Ấn Độ ngày càng thấy rằng, công nghệ Liên Xô lạc hậu so với công nghệ phương Tây. Kết quả là Delhi đã mua tiêm kích Mirage của Pháp và Jaguar ở Anh, các trực thăng Anh cho hạm đội của mình.
Theo ông Paul Beaver, có thời gian Ấn Độ cố giữ vẻ cân bằng khi mua vũ khí cả của Nga lẫn của phương Tây. Nhưng nay Delhi có thể chơi với bất cứ người bán nào.
Ấn Độ đang đàm phán với Mỹ để mua các máy bay tuần biển hiện đại nhất. Ấn Độ cũng đã mua С-17, máy bay vận tải chiến lược hiện đại nhất, cũng như các máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực Hawk.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, tất cả những điều đó không có nghĩa là Nga không có hy vọng ký các hợp đồng với Delhi.
Quân đội Ấn Độ đang sử dụng vũ khí Nga như xe tăng Т-72 đã nhiều năm và chúng quen thuộc với binh sĩ Ấn Độ vì đây là xe tăng rất thực dụng cho một quân đội lớn mà quân đội Ấn Độ là một quân đội lớn. Nhưng Nga cũng sẽ không giành được đỉnh cao vinh quang. Quân đội Ấn Độ đã trở nên khó tính hơn. Delhi không còn mua vũ khí vì lý do chính trị.
Cuộc đấu thầu vắng mặt nước Nga
Delhi không phải năm đầu tiên đòi hỏi cao về giá và chất lượng hàng. Ấn Độ muốn mua công nghệ hiện đại nhất và đòi chuyển giao các công nghệ - và đây chính là điều mà đến nay Nga vẫn không làm được.
Moskva đến nay chưa bao giờ đạt được thỏa thuận với một nước nào không chỉ về việc bán các hệ thống vũ khí mà cả tiếp tục phát triển các hệ thống này như người mua muốn. Chính điều này Mỹ, Pháp và đặc biệt là Anh đang làm tốt tư lâu, ông Paul Beaver cho biết.
“Nga cần hiện đại hóa việc bán vũ khí của mình, họ phải hiểu rằng, các nước không chỉ mua bản sao của một binh đoàn tác chiến cơ động của Nga mà muốn mua một công nghệ then chốt”, vị chuyên gia nhận xét.
Nga có các công nghệ có sức cạnh tranh cao, nhất là trong lĩnh vực tàu ngầm và các hệ thống tên lửa. Nhưng như ông Paul Beaver nói, khi nói đến các tiêm kích mới cho Không quân Ấn Độ, Nga đã bị loại khỏi cuộc đấu thầu ngay từ đầu. Hiện nay, tham dự cuộc đấu thầu chỉ còn 3 ứng viên là liên danh châu Âu do Đức đứng đầu với Typhoon, Pháp với Rafale và Mỹ với F-18.
Nguồn: Military-industry, 1.7.2014.