Vietnamdefence.com

 

Việt Nam sẽ mua Su-34 Fullback đầu tiên

VietnamDefence - Trong 5 năm tới, xuất khẩu tiêm kích sẽ đem lại cho Nga hơn 10 tỷ USD, các chuyên gia Nga nhận định. Việt Nam có thể là khách hàng đầu tiên mua máy bay ném bom chiến thuật Su-34.

Su-34 oanh kích ở Syria

Các cuộc không kích hiệu quả của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) ở Syria để thể hiện các phẩm chất của vũ khí trang bị của Nga và là màn quảng cáo chào hàng vô giá.

Những thành công của VKS ở Syria đã làm tăng mạnh sự quan tâm của khách hàng nước ngoài đến việc mua sắm vũ khí trang bị của Nga. Các tiêm kích và máy bay ném bom chiến thuật họ Su-30MK, Su-35, Su-34 đang tham chiến sẽ trở thành món hàng quân sự xuất khẩu chủ lực của Nga.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Moskva, trong 5 năm tới, Nga có thể ký các hợp đồng mới xuất khẩu không dưới 200 máy bay chiến đấu Sukhoi trị giá hơn 10 tỷ USD.
Su-34

Đối với các tiêm kích và máy bay ném bom Su-30MK, Su-35, Su-34 của Nga, chiến dịch của VKS ở Syria là lần tham chiến thực tế đầu tiên. Và căn cứ vào các báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga về số lượng mục tiêu của tổ chức khủng bố Daesh (tức IS) thì màn ra mắt của các cỗ máy chiến tranh này là rất ấn tượng. Cũng có thể thấy điều đó qua số lượng đơn đặt hàng mua các vũ khí này gửi đến Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport. Algeria, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia thực sự là đang xếp hàng. Theo Tổng giám đốc công ty Anatoly Isaikin, tỷ trọng máy bay trong khối lượng các đơn hàng năm 2015 là 41% - gần 5,3 tỷ USD.

Phi công Nga tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria

Mặt hàng được ưa chuộng nhất là Su-35. Đây là tiêm kích tiên tiến và hoàn thiện nhất về công nghệ của Viện thiết kế Sukhoi thuộc thế hệ 4++ hay là “bước cuối cùng” trước khi VKS chuyển sang tiêm kích thế hệ mới, thế hệ 5 Т-50. Т-50 sẽ được sản xuất loạt sớm nhất là vào năm 2017. Cho đến lúc đó, Su-35 sẽ là bước trung gian để các phi công trong VKS học hỏi, làm chủ máy bay thế hệ mới.

Su-35 được đánh giá là tiêm kích nguy hiểm nhất thế giới hiện nay

Tuy nhiên, từ “trung gian” không phản ánh hoàn toàn đúng bản chất của Su-35. Ngoài sơ đồ khí động tiên tiến, trên Su-35 lắp động cơ mới AL-41F-1S. Chính động cơ này sẽ được lắp trên các tiêm kích thế hệ 5 T-50 sản xuất loạt đầu tiên. So với các động cơ trước đó AL-31F lắp trên Su-27/30, động cơ AL-41F-1S có lực đẩy mạnh hơn - 14,5 tấn so với 12,5 tấn, dự trữ làm việc lớn hơn và tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Điều đó đem lại cho máy bay không chỉ tốc độ và sức cơ động cơ hơn mà cả khả năng mang nhiều vũ khí hơn.

Một lợi khí công nghệ khác là hệ thống radar anten mạng pha tiên tiến Irbis có những tính năng hiếm có ở thời điểm hiện tại về tầm phát hiện mục tiêu. Xét về tính năng, radar này gần với radar trên tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ. Ở hướng bay ngược chiều, Irbis-E có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 350-400 km. Trên Su-35 lần đầu tiên lắp hệ thống dẫn đường phi quán tính (BINS) của Nga. Đây là thiết bị cơ-điện tử mà không có nó thì không tiêm kích nào hiện nay có thể được coi là hiện đại. Nhiệm vụ của nó là thu thập và phân tích toàn bộ thông tin bay và bảo đảm việc bay đi và trở về sân bay của máy bay. BINS làm việc phối hợp với các thiết bị thu GPS/GLONASS, nhưng cũng có thể làm việc mà không cần có chúng.

Su-34

Từ năm 2017, Su-35 sẽ bắt đầu được chuyển giao cho Trung Quốc. Theo hợp đồng ký vào cuối năm 2015, Bắc Kinh sẽ nhận được 24 Su-35, trị giá hợp đồng là 2 tỷ USD. Các máy bay đầu tiên, theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không, sẽ xuất hiện ở Trung Quốc ngay trong thời gian tới (có tin vào quý IV năm 2016, Nga sẽ bàn giao 4 chiếc Su-35 cho Trung Quốc).

Được biết, Indonesia cũng có kế hoạch mua Su-35 để thay thế các tiêm kích lỗi thời F-5E/F Tiger. Sắp tới, Indonesia có thể ký hợp đồng mua 10 chiếc Su-35S. Trong biên chế chiến đấu của không quân nước này hiện đã có 11 tiêm kích Su-30MK2 và 5 Su-27SKM. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Ryamizard Ryacudu đã thông báo về hợp đồng sắp tới sau khi hội đàm với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev. Nếu xét giá của Su-35 là gần 70 triệu USD/chiếc thì trị giá hợp đồng mua tiêm kích, vũ khí và thiết bị bảo dưỡng đi cùng có thể là đến 1 tỷ USD.

Su-34

Su-30MKI được Tổng công ty Irkut sản xuất riêng theo đơn đặt hàng của Ấn Độ (chữ “I” trong tên gọi của máy bay có nghĩa là “Ấn Độ”). Đây là tiêm kích thế hệ 4+ của Nga có số lượng đông đảo nhất. Hiện tại, Moskva và New Delhi đang đàm phán thống nhất giá cuối cùng cho hợp đồng phát triển tiêm kích thế hệ 5 PAK-PMI (còn gọi là FGFA, biến thể xuất khẩu của tiêm kích Nga PAK FA Т-50). Từ 6 tỷ USD, theo các nguồn tin Ấn Độ, chi phí này đã giảm xuống còn 3,6 tỷ USD. Với số tiền này, Nga có trách nhiệm chuyển giao cho Ấn Độ 3 mẫu chế thử máy bay mới, cũng như các công nghệ để tổ chức sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ. Đổi lại sự nhượng bộ lớn về giá, Ấn Độ đã quyết định mua thêm 40 tiêm kích Su-30MKI. Đến năm 2018, Không quân Ấn Độ hy vọng thành lập được 14 phi đội Su-30MKI, đưa tổng số máy bay này lên 272 chiếc.

Điều thú vị là báo chí Ấn Độ đã tiến hành so sánh giữa hợp đồng này với việc Ấn Độ không sao ký được hợp đồng mua tiêm kích hạng nhẹ Rafale với Pháp. Giới phóng viên cho rằng, hiện nay, chỉ có Moskva có thể thỏa mãn nhu cầu của Không quân Ấn Độ về tiêm kích thượng hạng mà không thêm những điều kiện bổ sung nào và với giá hoàn toàn chấp nhận được. Trong khi 40 Su-30MKI sẽ khiến Ấn Độ mất 3 tỷ USD thì 36 Rafale lại tốn đến 6-7 tỷ USD.

Mấy năm trước, Malaysia đã mua 18 chiếc tiêm kích Su-30MKМ (Chữ “М” cuối cùng nghĩa là Malaysia), còn trong năm nay, Kazakhstan đã mua 4 chiếc Su-30SM (biến thể Su-30MKI của Nga, không sử dụng thiết bị điện tử của Pháp và Israel). Ngoài ra, sắp tới, Không quân Kazakhstan dự định đưa đội tiêm kích Su-30SM lên con số ít nhất 24 chiếc. Bộ Quốc phòng Belarus cũng đã mua các máy bay này. Hiện nay, Minsk sở hữu một phi đội 12 chiếc Su-30SM.

Su-34

Iran cũng tỏ ý muốn mua biến thể Su-30SM. Trong chuyến thăm Moskva mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Deghan, phía Iran tuyên bố muốn mua không chỉ các tiêm kích này mà cả giấy phép sản xuất chúng.

Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Ruslan Pukhov khẳng định, “7 năm nữa Tehran vẫn chưa thể mua được vũ khí trang bị mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, có một xu hướng không kém phần quan trọng. Chẳng hạn, đối với máy bay ném bom chiến thuật Su-34. Hiện nay, Algeria đang thảo luận việc mua sắm 12 chiếc. Trong tương lai, theo đánh giá của chúng tôi, nước Bắc Phi này có thể mua đến 40 máy bay loại này (theo một số nguồn tin, biến thể Su-34 xuất khẩu có đơn giá 60-70 triệu USD). Nhưng khách hàng đầu tiên có thể là Việt Nam”.

Theo ông Ruslan Pukhov, trong 5 năm tới, nhu cầu mua tiêm kích Nga sẽ là không dưới 200 chiếc. Trong tình huống đó, thành công phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực sản xuất của Nga.

Năm 2015, Tổng công ty Irkut đã cung cấp cho khách hàng hơn 60 tiêm kích Su-30MK và Su-30SM. Nhà máy hàng không ở Komsomolsk trên sông Amur (KnAAZ) đã sản xuất 14 Su-35, mấy chiếc Su-30MK2 cho Việt Nam và hiện đại hóa Su-27 lên Su-27SM cho Bộ Quốc phòng Nga. Hiện nay đang đặt ra vấn đề ngừng sản xuất Su-27 và chuyển nhà máy sang hoàn toàn sản xuất Su-35. Nhà máy mang tên Chkalov ở Novosibirsk sản xuất đến 18 Su-34. Nghĩa là công nghiệp hàng không Nga có khả năng sản xuất đến 100 máy bay các loại trong một năm.

Nguồn: izvestia, 25.2.2016.

Print Print E-mail Print