|
Su-35 |
Mấy ngày trước, Hội đồng KHKT của Công ty Rosoboronoexport đã họp và đưa ra phương hướng đối phó với cạnh tranh không thiện chí trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Có lẽ người ta đã không chỉ nói về những vấn đề hiện tại mà cả về các kế hoạch tương lai: những nguy cơ tiềm tàng nào có thể đi cùng với các hợp đồng quốc phòng.
Nga là quốc gia xuất khẩu máy bay chiến đấu chất lượng cao có uy tín được thừa nhận trên thế giới. Không quân nhiều nước hoàn toàn được trang bị máy bay MiG và Su của Liên Xô/Nga. Benjamnin David Baker, sĩ quan dự bị quân đội Nauy và chuyên gia uy tín của Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng Nauy cho rằng, các tiêm kích và máy bay ném bom Nga phổ dụng là nhờ có tỷ suất giá cả/chất lượng tốt nhất. Nói cách khác, nhiều nước, trước hết ở Đông Âu, đang hướng vào vũ khí trang bị của Mỹ, cũng với những số tiền đó chi cho không quân của mình lại có quân đội yếu hơn những nước mua vũ khí trang bị của Nga.
|
Su-35 |
Tuy nhiên, dưới áp lực chính trị mạnh mẽ của Washington khi lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine, một số khách hàng truyền thống của Nga đã quyết định đổi mới không quân chiến đấu của họ bằng máy bay của các nhà cung cấp khác. Thực ra, các đối thủ thực sự cũng chẳng có nhiều lắm. Trên thị trường, các tiêm kích Mỹ F/A-18 Hornet và F/A-18E/F Super Hornet có giá từ 67 triệu USD, các tiêm kích đa năng châu Âu Typhoon của công ty Eurofighter GmbH có đơn giá 123 triệu USD, các tiêm kích rẻ và yếu JAS 39 Gripen của hãng Saab, Thụy Điển và Rafale của Dassault Aviation, Pháp có đơn giá 124 triệu USD.
Nhưng các khách hàng tiềm năng không vội chọn máy bay của châu Âu và Mỹ. Tình hình quốc tế đang áp đặt những luật chơi mới - “Aides toi, Dieu t’aidera”, nghĩa là “Trời giúp người biết tự giúp mình”. Tất cả đều hiểu một khi xuất hiện nguy cơ tận thế hạt nhân thì nhiều quốc gia, kể cả là thành viên NATO, sẽ phải chỉ trông cậy vào sức mình. Nhất là khi cuộc xung đột có tính khu vực, nhưng với hậu quả sâu xa.
|
Su-35 |
Cũng có những nước vì nhiều lý do khác nhau thất vọng với các máy bay Mỹ. Ví dụ, Indonesia vào năm 1986 đã mua một lô tiêm kích F-16, nhưng năm 1999 đã chuyển sang mua tiêm kích Su-27 và Su-30 của Nga.
Dĩ nhiên, tiêm kích siêu cơ động Su-35 mà NATO gọi là Flanker-Е+ với giá 83-85 triệu USD/chiếc vượt trội hơn tất cả các mẫu máy bay nước ngoài đang được chào bán. Đây là tiêm kích thế hệ 4++, được trang bị các động cơ điều khiển vector lực đẩy. Hệ thống động lực này cho phép Su-35 đạt tốc độ tối đa 2,25M như ở F-22 Raptor mà Mỹ gọi là tiêm kích thế hệ 5.
Điểm nổi bật của Su-35 là có hệ thống đối phó điện tử hiệu quả, radar Irbis-E của hãng Fazotron-NIIR có khả năng bám cùng lúc 24 mục tiêu ở cự ly 100 km. Ngoài ra, máy bay còn có các ưu thế khác, ví dụ như màn hình chính diện HUD, hệ thống máy tính tứ trùng. “Su-35 tuy được gọi là máy bay thế hệ 4, nhưng trong thực tế, nó vượt ra ngoài lớp máy bay này và thực ra tương đương trình độ F-22 Raptor”, trang tin Mỹ Militaryfactory.com đánh giá.
Trung Quốc đã đề nghị được mua 24 Su-35 trị giá 2 tỷ USD và đã nhận được sự tán thành sơ bộ của Nga. Nhưng dầu sao, Trung Quốc không theo đuổi tính năng kỹ thuật của Su-35. Tổng công ty KHKT hàng không vũ trụ Trung Quốc không giấy diếm ý đồ ban đầu của mình mua 24 động cơ 117S của Nga cho tiêm kích thế hệ 5 J-20 dự kiến đưa vào biên chế vào năm 2018 của họ.
|
Su-35 |
Franz-Stefan Gady, chuyên gia của tạp chí The Diplomat, giải thích đó là vì những khó khăn không thể vượt qua mà các kỹ sư Trung Quốc thiết kế động cơ lưỡng mạch WS-15 cho J-20 và J-31 đang vấp phải. Theo thông tin mà Mỹ hiện có, ở giai đoạn hiện nay, các nhà thiết kế động cơ Trung Quốc có kết quả cực thấp.
“Do Nga không muốn bán động cơ 117S như một sản phẩm độc lập, nên Trung Quốc sẽ phải mua tiêm kích Su-35”, các nhà phân tích Jesse Sloman và Lauren Dickey chuyên về chương trình quốc phòng của Trung Quốc nhận định. Họ tin chắc Trung Quốc sẽ tìm cách dịch ngược công nghệ chế tạo động cơ Nga. Hơn nữa, Trung Quốc đã có kinh nghiệm sao chép vũ khí Nga, trong đó có cả tiêm kích Su-27. Một câu hỏi khác là liệu họ có làm được điều đó với động cơ 117S hay không? Cần lưu ý là người Mỹ cũng gặp khó khăn tương tự khi mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga. Hơn nữa, câu chuyện này diễn ra không phải là chỉ trong một thập kỷ và có thể tin chắc rằng, Mỹ cũng đã từng mưu toan sao chép RD-180 của hãng Energomash.
Tại một diễn đàn uy tín của NASA, người ta đã thảo luận “sự phụ thuộc vào động cơ Nga”, cụ thể là vấn đề sao chép kỹ thuật với ý cho rằng, “nói cho cùng, tại sao lại không đo đạc tất cả các chi tiết, rồi dùng các quang phổ kế bức xạ quang nguyên tử để xác định thành phần của chúng để làm ra được một động cơ như thế”.
“Câu hỏi này có lần cụ ông McCain cũng đã đặt ra cho tôi. Lúc đó, đáp lại, tôi hỏi ông ấy, ông có thích ô tô Trung Quốc không? Đó là cách của những kẻ trộm cắp tài sản trí tuệ. Tôi cũng nhắc lại câu chuyện đánh cắp các bản vẽ vỏ máy bay F-22 của chúng ta. Nhưng tất cả chỉ là chuyện vặt! Nếu như anh có hàng trăm dữ liệu ban đầu và kết quả cuối cùng ở dạng các tham số của động cơ, thì vẫn còn phải xây dựng hàng triệu công thức trung gian mà nhờ chúng người ta mới tính toán riêng ra từng chi tiết của nó và tất cả chúng cùng với nhau. Các kỹ sư trẻ của chúng ra đã xây dựng hàng chục mô hình toán học của RD-180, nhưng luôn luôn nhận được kết quả kém hơn của người Nga. Kết luận là dựa vào mẫu nguyên bản chỉ có thể làm ra đồ giả, có quá nhiều yếu tố không nắm rõ được. Có lẽ, người Trung Quốc hài lòng với tình trạng đó, nhưng chúng ta thì không. Chỉ có thể sao chép đến mức độ nhất định, khi mà còn có thể giải thích kỹ thuật về mặt toán học hay về mặt khoa học. Nói cách khác, các động cơ với độ tinh vi như thế thì dễ làm từ số không, xây dựng cho mình trường phái kỹ thuật, hơn là tìm cách tìm hiểu những câu đố công nghệ của các nhà phát minh khác. Các nhà thiết kế phần mềm cũng đang vấp phải chính điều này. Một lập trình viên sẽ không bao giờ đi dám viết hoàn thiện một chương trình phức tạp cho lập trình viên khác nếu như không có thuật toán chi tiết”.
Miệng lưỡi độc địa của các blogger cho rằng, Tom Williams, Giám đốc Phòng Động cơ, Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Marshall của NASA là tác giả của thông điệp trên. Theo ông, các kỹ sư Trung Quốc sẽ không thể sao chép chính xác động cơ 117S, nhưng làm ra một đồ giả có các tham số kém hơn nhiều, chẳng hạn về lực đẩy và độ tin cậy thì họ thừa sức. Chỉ có điều lúc đó J-20 khó có thể trở thành tiêm kích thế hệ 5.
Trở lại cuộc họp của Hội đồng KHKT Công ty Rosoboronoexport, những người tham gia bàn tròn nói, “Kỹ thuật hàng không sẽ không chấp nhận đồ giả để rồi rơi xuống đất”. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu nhất của đa số tai nạn các máy bay Nga bán ra nước ngoài là do các chi tiết, bộ phận công nghệ cao bị làm giả, ví dụ khi người ta mua các phụ tùng không chính gốc từ các công ty không giấy phép. TUy nhiên, bản thân các nhà sản xuất sản phẩm này không chỉ từ Trung Quốc mà cả từ Đông Âu đều thuyết phục khách hàng rằng, họ đã sản xuất ra các sản phẩm hoàn toàn giống hệt.