Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc đón tàu ngầm Việt Nam bằng tên lửa

VietnamDefence - Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, tờ báo Nga gazeta.ru ngày 18.2.2016 đưa tin.

Phóng tên lửa phòng không HQ-9 từ bệ phóng năng trên tàu thử nghiệm 891 của Trung Quốc (militaryphotos.net)
Chính quyền Đài Loan đã xác nhận thông tin báo chí nói rằng, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Dư luận nước ngoài có ý kiến quy kết Việt Nam khi tăng cường sức mạnh hải quân của mình bằng các tàu ngầm do Nga sản xuất có thể đã kích động phản ứng quyết liệt đó của Trung Quốc.

Phát ngôn viện Bộ quốc phòng Đài Loan David Lo hôm 17/2/2016 đã xác nhận thông tin nói rằng, các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc đã được triển khai trên đảo Phú Lâm. Theo kênh truyền hình Mỹ Fox News, Trung Quốc đã triển khai 8 bệ phóng tên lửa và một hệ thống radar.

Hôm 17/2/2016, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã xác nhận việc triển khai tên lửa phòng không trên quần đảo Hoàng Sa. Ông ta nói là không biết chi tiết việc tăng cường quân sự, nhưng khẳng định Trung Quốc làm việc đó hoàn toàn vì mục đích bảo đảm an ninh của họ.

Mấy ngày trước, tờ The Diplomat của Nhật Bản đã đăng các bức ảnh vệ tinh, theo đó Trung Quốc đã không chỉ triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm mà còn điều động các trực thăng Z-18 với radar nước sâu để phát hiện tàu ngầm đến đảo Quang Hòa.

Báo chí khu vực coi đây như một mối đe dọa không phải là đối với Đài Loan mà là đối với Việt Nam, quốc gia coi quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình và đang từng bước tăng cường sức mạnh hải quân và đặc biệt là hạm đội tàu ngầm của mình.

Trung Quốc chống tàu ngầm Nga

Theo báo chí sở tại, ngày 2/2/2016, tàu ngầm lớp Projekt 636 Varshavyanka, còn gọi là Kilo, tiếp theo mua theo hợp đồng ký với Nga năm 2009 đã về đến Việt Nam. Theo hợp đồng, đến cuối năm 2016, Việt Nam sẽ nhận được đầy đủ 6 tàu ngầm diesel Kilo vốn được coi là chạy êm nhất thế giới. Nga chỉ còn phải chuyển giao cho Hải quân Việt Nam một chiếc tàu ngầm còn lại.

Hãng tin IHS Jane’s của Anh cho biết, 6 tàu ngầm Nga đóng cho Việt Nam sẽ được trang bị các tên lửa chống hạm Club-S, biến thể xuất khẩu của tên lửa hành trình tính năng cao 3М-54 Kalibr của Nga. Ngoài ra, theo Reuters, năm 2015, Hà Nội đã quyết định mua cả các tên lửa tấn công mặt đất 3М-14K. Hiện nay, các chuyên gia Nga đang có mặt tại Việt Nam để huấn luyện binh sĩ Việt Nam điều khiển, vận hành cả 6 tàu ngầm. Hiện tại, quân đội Việt Nam mới có 4 kíp tàu ngầm Projekt 636.

Ngoài ra, Việt Nam còn có 2 hệ thống tên lửa bờ biển K300 Bastion-P và 2 hệ thống tên lửa phòng không S-300 dùng để tiêu diệt máy bay. Tháng 1/2016, Hà Nội đã thỏa thuận với New Delhi về việc triển khai một radar của Ấn Độ trên lãnh thổ của mình. Đối lại, quân đội Việt Nam sẽ được quyền tiếp cận các bức ảnh do thám của các vệ tinh Ấn Độ.

“Việt Nam đang mua rất nhiều vũ khí Nga. Việt Nam đang đứng thứ hai về mua sắm vũ khí Nga sau Ấn Độ. Nhưng nói rằng Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự để đáp trả các hoạt động mua sắm vũ khí Nga của Việt Nam là lầm lẫn nguyên nhân với hậu quả. Việt Nam cần vũ khí Nga bởi vì chính Trung Quốc đang từng bước mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông”, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự của Nga Aleksandr Khramchikhin khẳng định.

Trung Quốc chống các cuộc tập trận của Mỹ

Ngoài ra, Trung Quốc còn một cớ nữa để triển khai tên lửa phòng không - đó là sự hiện diện của Mỹ. Bắc Kinh liên tục tức giận vì các tàu Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông mà họ coi là của họ.

Hiện nay, tranh chấp chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông có Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trung Quốc thực tế chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số đá, đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm xa đại lục Trung Quốc và gần Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia hơn nhiều.

Phát biểu với tờ báo South China Morning Post (Hongkong), Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, việc triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm là sự đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ diễn ra trong tháng 1/2016 cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 12 hải lý.

Một sự cố lớn khác diễn ra tháng 10/2015 khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đi sát quần đảo Trường Sa vốn vẫn đang đặc biệt căng thẳng. Tàu Mỹ vẫn đi vào khu vực 12 hải lý mà quân đội Trung Quốc yêu cầu Mỹ tránh xa khiến Bắc Kinh rất tức tối.

Nghiên cứu viên cao cấp Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Aleksandr Lomanov cho rằng, Trung Quốc cuối cùng đã quyết định đáp trả các hành động của Mỹ. “Hòn đảo mà Trung Quốc bố trí tên lửa phòng không được chọn rất khéo. Phú Lâm là đảo tranh chấp bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép sớm nhất từ thập niên 1950 và ở đây đã có một sân bay quân sự hoạt động nhiều năm. Sự xuất hiện thêm ở đây các hệ thống quân sự không ảnh hưởng đến cán cân quân sự chung ở Biển Đông. Đây không phải là quần đảo Hoàng Sa. Mặt khác, Trung Quốc muốn cho thấy là Mỹ cần phải suy nghĩ”.

Mỹ cũng là một hy vọng nữa của Việt Nam để củng cố vị thế trong khu vực. Ngày 16/2/2016, hãng Reuters dẫn nguồn các quan chức Nhà Trắng đưa tin về chuyến thăm Việt nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Obama đã đưa ra quyết định này sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ở California. Hai chính trị gia này đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN kéo dài trong 2 ngày.

Mỹ và Việt Nam, quốc gia có quan hệ mật thiết lâu dài với Liên Xô, đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20 lần và đạt 35 tỷ USD vào năm 2015.

“Việt Nam đang phát triển quan hệ với Mỹ vì Nga hiện giờ không thể bảo vệ Việt Nam trước những yêu sách của Trung Quốc. Sau khi nổ ra khủng hoảng ở Ukraine và lạnh nhạt quan hệ với phương Tây, Kremlin đã quyết định “quay sang hướng Đông” và thực hiện đường lối đối tác chiến lược với Trng Quốc”, ông Aleksandr Khramchikhin nhận định.

Nguồn: gazeta.ru, 18.2.2016.

Print Print E-mail Print