|
Tàu hộ vệ tên lửa Dagestan phóng 3M-14T Kalibr vào mục tiêu ở Syria
|
“Việc phóng tên lửa hành trình đã được thực hiện từ dưới mặt nước vào một mục tiêu trên biển ở thao trường huấn luyện chiến đấu của Hạm đội Phương Bắc trên biển Barents”, ông Vadim Serge nói và cho biết thêm: “Bia trên biển ở cách xa mấy trăm ki-lô-met đã bị tiêu diệt với độ chính xác cao”.
Ngày 2/10, tàu ngầm Rostov trên sông Đông lớp Projekt 636.1 đã bắn 1 tên lửa hành trình Kalibr (tên xuất khẩu là Club-S) từ trạng thái lặn vào một mục tiêu bờ ở trường bắn Chizha, tỉnh Arkhangelsk.
Ngày 5-6/10, 4 tàu chiến mặt nước của Phân hạm đội Caspie (Nga) đã phóng 26 tên lửa hành trình Kalibr-NK từ biển Caspie bay qua lãnh thổ Iran và Iraq vào 11 mục tiêu của IS trên đất Syria và tiêu diệt toàn bộ số mục tiêu này.
Các chuyên gia đã gọi đây là sự kiện lịch sử vì là lần đầu tiên hệ thống tên lửa Kalibr được sử dụng và cũng là lần đầu tiên sử dụng một loại vũ khí thông thường chiến lược của Nga trong thực chiến.
Các tên lửa hành trình tầm xa của hệ thống Kalibr-NK thoát thai từ từ tên lửa của hệ thống Granat, một trong những vũ khí bí mật nhất của Liên Xô. Chỉ có tính năng của biến thể xuất khẩu của tên lửa được công bố chính thức. Theo các nguồn công khai, tên lửa 3М-14 Kalibr có tầm bắn 350 km đối với mục tiêu trên biển và gần 1.500 km đối với mục tiêu mặt đất, còn khi mang đầu đạn hạt nhân, chúng có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm 2.600 km.
Kalibr bắt đầu được phát triển trong những năm 1980. Trong thập kỷ 1990, khi Mỹ phóng tay sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk mà không ai làm gì được thì Nga ngừng phát triển loại tên lửa này. Từ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 đến nay, Mỹ gần như độc quyền dùng tên lửa hành trình tấn công vào nhiều nước như Iraq, Nam Tư, Afghanistan, Sudan, Yemen, Libya. Mãi đến thập kỷ trước, Nga đã nối lại phát triển tên lửa hành trình này và Kalibr được phóng lần đầu từ tàu tên lửa Dagestan vào mùa xuân năm 2012.
Loạt phóng từ biển Caspie đã kết thúc một lần và mãi mãi sự độc bá của Mỹ về tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa.
Điều thú vị là cả hai loại phương tiện mang (tàu tên lửa Dagestan và tàu ngầm Kilo) đã phóng tên lửa hành trình Kalibr cũng có họ hàng với hai loại vũ khí chủ lực của Hải quân Việt Nam với một số khác biệt - Kilo của Việt Nam là Projekt 636.1 được trang bị hệ thống đa năng Club-S với tên lửa đối đất 3M-14E tầm bắn 300 km, Kilo của Nga là Projekt 636.3 mang Kalibr (3M-14) tầm bắn đến 2.600 km; còn frigate tên lửa Gepard 3.9 (Projekt 11661E) của Việt Nam chỉ có hệ thống Uran-E bắn tên lửa đối hạm Kh-35E, trong khi tàu tên lửa Dagestan lớp Gepard (Projekt 11661K) được trang bị hệ thống tên lửa đa năng Kalibr-NK có cả tên lửa tấn công mặt đất 3M-14.
|
Tàu tên lửa nhỏ Grad Sviyazhsk phóng thử tên lửa Kalibr |
Sau màn ra mắt ấn tượng của Kalibr ở Syria và hiệu ứng của nó, các tàu Gepard 3.9 mà Việt Nam sẽ mua thêm có nên trang bị hệ thống tên lửa Club phóng thẳng đứng tương tự hay không? Điều đó các nhà quân sự Việt Nam có nên nghĩ đến không?
Báo chí nước ngoài đã đưa tin Trung Quốc phản đối Nga bán Club-S cho Việt Nam chính là vì ngán sợ khả năng tác chiến đối đất của nó. Nếu Việt Nam có thêm các tên lửa tấn công mặt đất như Club, BrahMos triển khai trên tàu chiến mặt nước, bệ phóng mặt đất và máy bay thì sẽ ra sao? Điều đó tốt cho hòa bình hay dẫn đến chiến tranh? Tất nhiên, một nền hòa bình tốn kém vẫn tốt hơn rất nhiều một cuộc chiến tranh mất còn.
Một điều thú vị nữa là tham gia tấn công IS bằng tên lửa hành trình, ngoài tàu hộ vệ tên lửa Dagestan còn có 3 tàu tên lửa Grad Sviyazhsk, Uglich và Velikiy Ustyug đều thuộc lớp Buyan-M (Projekt 21631) là các tàu nhỏ có lượng giãn nước chỉ có 950 tấn.
Sự lan rộng của Kalibr trên và dưới mặt biển, trên cả tàu mặt nước từ lớn đến nhỏ lẫn tàu ngầm thông thường đến nguyên tử, một xu hướng trang bị nổi bật của Hải quân Nga hiện nay (xem
Tàu chiến Nga trang bị ồ ạt tên lửa hành trình Kalibr/Club), và không loại trừ là cả ở các nước khác sẽ là nỗi kinh hoàng của hải quân các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc.