Vietnamdefence.com

 

Nga và Ukraine đấu tăng ở Thái Lan: T-90 phục thù đả bại T-84?

VietnamDefence - Không kham nổi, Ukraine có thể mất đại hợp đồng vũ khí của Thái Lan vào tay Nga.

T-90A Vladimir

Năm 2011, các nhà sản xuất xe tăng Nga đã gánh chịu thất bại nặng nề và có lẽ đau đớn nhất trong lịch sử của mình. Họ đã để vuột mất hợp đồng cực kỳ béo bở với Thái Lan trị giá 240 triệu USD. Hồi đó tranh giành nhau hợp đồng bán cho Thái Lan 2 tiểu đoàn xe tăng chủ lực hiện đại là các nhà sản xuất xe tăng Т-90S của Nga, Leopard 2 của Đức, Т-84 Oplot-T của Ukraine và K1А1 của hãng Hyundai Rotem, Hàn Quốc. Ukraine đã giành chiến thắng cùng với tăng Oplot-T.

Nga rất đau đớn với thất bại này, trước hết dĩ nhiên là vì mất cơ hội kiếm khoản tiền to, ngoài ra còn không vui vẻ gì trước sự củng cố thế đứng ở Đông Nam Á của đối thủ cạnh tranh trực tiếp từ Ukraine. Bởi lẽ Т-90 và Т-84 có chung nguồn gốc thiết kế và công nghệ, nên chúng cũng có những ưu điểm và nhược điểm giống nhau. Những cái đó bị quy định trước hết do cấu tạo giống nhau của hai loại xe tăng chủ lực này. Bản chất của nó là ở chỗ cả ở T-90 lẫn T-84, đạn pháo đều nằm trong khoang chiến đấu, sát cạnh kíp xe. Điều đó làm giảm mạnh cơ hội sống sót của lính tăng khi xe bị diệt trên chiến trường.
T-90MS/T-90SM - biến thể mới nhất của T-90
Trong những năm gần đây, Nga đã vượt qua được nỗi đau này khi chế tạo được xe tăng hoàn toàn mới Т-14 Armata với tháp xe không người. Nga mới chỉ có ý định sản xuất Armata riêng cho quân đội của mình chứ không chào bán xuất khẩu. Bởi vậy, Nga chỉ nói chuyện về tăng T-90 với các khách hàng nước ngoài. Cũng trên những thị trường đó, Ukraine chào bán tăng Oplot của mình.

Trong trận đấu ở Thái Lan năm 2011, Nga đã bại. Nhưng nay, sau hơn 4 năm, Moskva lại bất ngờ có cơ hội phục thù. Theo báo chí Thái Lan, giới quân sự nước này đặc biệt thất vọng với sự vô trách nhiệm của Kiev khi phá vỡ mọi tiến độ chuyển giao xe tăng.
T-84 Oplot ở Ukraine
Hai bên dự định hoàn thành hợp đồng vào cuối năm 2014, nhưng nay, đã trễ một năm so với thời hạn đã định, thay vì 49 chiếc Oplot đã thỏa thuận và 2 xe cứu kéo-sửa chữa BREM-84 Atlet, khachs hàng đã nhận được vẻn vẹn 10 chiếc Oplot. Trong đó 5 chiếc mới chỉ đưa đến Thái Lan vào ngày 4/2/2014, mấy tháng trước thời hạn hoàn thành cả hợp đồng đã thỏa thuận. Để chuyển thêm cho Thái Lan, hãng xuất khẩu vũ khí Ukrspecexport của Ukraine đã phải mất thêm hơn một năm nữa. Lô thứ hai các xe tăng đã được thanh toán tiền đã chỉ đến được Thái Lan vào ngày 31/5/2015.
Chông chênh số phận của T-84 Oplot ở Thái Lan
Kiev khẳng định, 10 chiếc Oplot nữa sẽ sẵn sàng vào tháng 4/2016. Nhưng kể cả tin vào điều đó thì khách hàng Thái Lan sẽ còn phải đợi 29 chiếc nữa đến bao giờ? Nhất là khi tính đến yếu tố chu trình công nghệ của mỗi chiếc ở Kharkov dài đến 9 tháng. Có nghĩa là tiếp nhận chiếc Oplot tiếp theo vào tháng 1/2016 thì chỉ thực sự nhận được nó vào tháng 10/2016.

Do trễ tiến độ sản xuất xe tăng kinh niên ở Nhà máy mang tên V.A. Malyshev, trong vòng một năm qua, hai tổng giám đốc đã liên tiếp bị sa thải. Nhưng điều đó cũng vô dụng. Nguyên nhân trục trặc đã là đặc trưng đối với Ukraine. Đến năm 2012, dây chuyền sản xuất xe tăng của Ukraine nằm chết dí 10 năm trời vì không có đơn đặt hàng. Theo một trong các cựu giám đốc nhà máy, ông Nikolai Belov, cơ sở sản xuất tại nhà máy xe tăng xuất sắc nhất một thời ở Liên Xô mà trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã bắt đầu sản xuất loại tăng huyền thoại T-34 đã bị cướp phá, một phần thiết bị và công nghệ đã mất đi mãi mãi. Công nhân viên lại chịu thêm tai họa chậm lương kinh niên.
T-84 Oplot-T của lục quân Thái Lan
Những chuyện viện cớ vô tận vào lý do bất khả kháng liên quan đến chiến tranh ở Donbass và yêu cầu chờ đợi thêm chút xíu đã khiến ngay cả người Thái Lan quen nhẫn nhịn chán ngấy. Người Thái đang tính chuyện xé bỏ hợp đồng. Hiện nay, họ đã lập ủy ban đặc biệt làm nhiệm vụ tìm ra lối thoát khỏi tình thế bế tắc này.

Bộ Quốc phòng Thái Lan cho là chỉ có thể có 2 giải pháp. Hoặc là Т-90 (ở biến thể Т-90S hay Т-90MS) của Nga, hoặc là VT4/MBT-3000 của Trung Quốc. Nay thì không thể nói đến Leopard 2 lẫn K1А1 vì chúng có pháo cỡ nòng khác. Lục quân Thái Lan bây giờ chỉ cần xe tăng lắp pháo nòng trơn 125 mm như tăng Nga hay Trung Quốc. Còn pháo tăng Đức và Hàn Quốc lại có tiêu chuẩn NATO, nghĩa là pháo 120 mm. Nếu mua các tăng này, Thái Lan sẽ không biết xoay sở thế nào để chúng tương thích với 10 chiếc Oplot kia của Ukraine đã nhận được và biên chế cho các tiểu đoàn thiết kỵ Thái Lan. Tăng Ukraine chính là dùng pháo 125 mm.

Điều quan trọng là quyết định của Bangkok từ bỏ hợp tác với Kiev trong quá trình tái trang bị cho lực lượng xe tăng Thái Lan dường như đã chín muồi từ lâu. Tháng 5/2015, các đại diện của họ đã đến thăm hãng Uralvagonzavod, nhà sản xuất tăng T-90, ở Nizhny Tagil, Nga. Sau đó, tháng 10/2015, họ còn thăm cả nhà máy sản xuất xe tăng số 617 của công ty Inner Mongolia First Machinery Group của Trung Quốc. Trong những tháng tới, họ sẽ tiến hành phân tích các bản chào hàng và đưa ra quyết định. Và rất có thể, quyết định sẽ có lợi cho chính Т-90 của Nga.

Một là, bởi vì theo chính những nguồn tin đó ở Thái Lan, Uralvagonzavod đã chào giá hạ hơn các đối thủ Trung Quốc.

Hai là, T-90 giới quân sự Thái Lan đã xăm xoi kỹ lưỡng từ năm 2011 và vẫn biết rõ tất cả về nó. Vậy thì một khi họ định xem xét vấn đề mua nó, có nghĩa là họ biết từ góc độ tốt.

Ba là, khác với các đối thủ, xe tăng Nga ở biến thể Т-90А hiện nay thực sự đang giao chiến. Ở Syria, gần Aleppo. Và hệ thống quang-điện tử chế áp vũ khí chống tăng Shtora-1 lắp trên T-90A lần đầu tiên trong thực chiến hàng ngày chứng minh rằng, sự hiện diện của nó nâng cao đáng kể cơ hội chiến thắng cho lính tăng. Liệu có sự quảng cáo nào hùng hồn hơn thế?
T-84 Oplot-T của lục quân Thái Lan
Quả thực là trên Т-90S chào bán cho Thái Lan trước đây không có Shtora-1 mà thay cho nó là các khối giáp phản ứng nổ lắp liền bổ sung. Nhưng từ năm 2011, đã có nhiều thứ xảy ra. Và với sự xuất hiện của Т-90А ở Syria, có thể cho rằng, hệ thống chế áp quang-điện tử đã không còn là bí mật quân sự được bảo vệ gắt gao nữa.

Bốn là, quân đội nhiều nước đã tích lũy đủ nhiều kinh nghiệm khai thác xe tăng Nga. Ví dụ, trong quân đội Ấn Độ hiện đang có 300 Т-90S, hay Algeria từ năm 2006 đã mua của Nga 308 xe tăng này. Mấy ngày trước, một lô tăng Nga tiếp theo đã được tàu vận tải Ocean Pride chở đến cảng Oran của Algeria.

Vậy tương lai của Oplot ra sao? Cả năm nay, nhà sản xuất tăng ở Kharkov, Ukraine đã phải sống bằng niềm hy vọng rằng, họ sẽ vỡ được một miếng bánh còn hấp dẫn hơn nữa là hợp đồng bán 300 tăng chủ lực cho Pakistan. Mùa hè và mùa thu vừa rồi, xe tăng của Kharkov trong thử nghiệm ở địa hình sa mạc nóng nực Pakistan đã cạnh tranh thành công với xe tăng Trung Quốc. Ban đầu là với mẫu xuất khẩu của xe tăng Trung Quốc VT4/MBT-3000. Sau đó, khi VT-4/MBT-3000 bị bật khỏi cuộc đua, thì là với Type-99, vốn đang có trong trang bị của quân đội Trung Quốc và đến nay chưa được chào bán xuất khẩu.

Theo các nguồn tin khác nhau, giới quân sự Pakistan nghiêng về phía Type-99 với điều kiện, việc sản xuất tăng này theo giấy phép phải được triển khai ở Pakistan, nhưng Bắc Kinh không đồng ý. Trong hoàn cảnh đó, tưởng chừng, cơ hội của Oplot tăng lên. Thực ra là chỉ khi thực hiện các điều kiện của Islamabad là T-84 phải lắp module chiến đấu do Pakistan sản xuất và 60% linh kiện cho Т-84 sẽ sản xuất tại Pakistan.

Ở Kiev, người ta đã xoa tay mừng vui là hàng chục nhà máy sẽ có việc làm trong thời gian rất dài nữa. Nếu việc mà thành thì nó là sự tiếp tục logic của thương vụ vũ khí lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự Ukraine. Đó là thương vụ năm 1997-1998, Kiev bán cho Pakistan 320 tăng chủ lực mới Т-80UD tổng trị giá gần 580 triệu USD.

Vì thế mà scandal âm ỉ từ lâu với hợp đồng của Thái Lan rất bất lợi cho Ukraine. Trong hoàn cảnh đó mà ký hợp đồng còn lớn hơn từ phía Islamabad sẽ là sự điên rồ đơn thuần.

Nếu như Thái Lan phải chờ nhiều năm trời 49 xe tăng Oplot đã được hứa hẹn và thanh toán thì khi nào Ukraine làm ra đủ được số lượng tăng nhiều gấp 6 lần cho Pakistan?

Nguồn: SP, 23.12.2015.

Print Print E-mail Print