Vietnamdefence.com

 

Mỹ tìm kiếm đồng minh mới ở Đông Nam Á

VietnamDefence - Sự tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á đang ngày càng quyết liệt hơn. Bắc Kinh tỏ ra bất bình với những nỗ lực của Washingtonа nhằm trở thành nhà trung gian trong cuộc xung đột vì các quần đảo ở Biển Đông.

Các chuyên gia của Báo Độc lập Nga (NG) cho rằng, bằng cách đó, người Mỹ đang muốn cản trở sự tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
 

Hải quân Trung Quốc những năm gần đây luôn khoa trương sức mạnh đang gia tăng của họ (Reuters)

Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với nỗ lực của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton can thiệp vào cuộc tranh cãi lâu nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về các quần đảo ở Biển Đông.

Phát biểu tại diễn đàn ARF của các nước ASEAN diễn ra tại Việt Nam, bà Clinton đã cho biết, lợi ích quốc gia Mỹ là đóng vai trò nhà trung gian giải quyết cuộc xung đột về khoảng 200 hòn đảo và rặng san hô mà Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Đài Loan, Indonesia và Philippines đều có yêu sách chủ quyền.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố rằng, sự trung gian của Mỹ sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Điều gì sẽ xảy ra nếu vấn đề này sẽ trở thành vấn đề quốc tế hay đa phương? Việc giải quyết nó sẽ khó khăn hơn, tình hình sẽ xấu đi”, - ông Dương nói.

Báo chí chính thức của Trung Quốc đã cáo buộc ngoại trưởng Mỹ có mưu toan trắng trợn cản trở sự hùng mạnh của Trung Quốc. “Mỹ hy vọng kiềm chế Trung Quốc bằng các phương tiện quân sự”, tờ Nhân dân nhật báo khẳng định. Còn tờ Hoàn cầu tiếng Anh (Global Times) còn gay gắt hơn. “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ các lợi ích căn bản của mình bằng các biện pháp quân sự”.

Những lời nói này không nên nhìn nhận là thói anh hùng rơm của các nhà báo. Từ tháng 3.2010, Bắc Kinh đã cảnh cáo các quan chức Mỹ đến thăm Trung Quốc rằng, Biển Đông là khu vực lợi ích căn bản của họ.

Theo tờ New York Times, Trung Quốc đang chuẩn bị cho hải quân của họ cho việc đối đầu với một kẻ địch tiềm tàng. Họ đang ráo riết đóng tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đường đạn.

Cuộc tranh cãi vì các quần đảo ở Biển Đông có sự tham gia của hầu như tất cả các nước duyên hải mang tính chất rất gay gắt. Đi qua khu vực này là tuyến đường giao thương hàng hải vận chuyển năng lượng về Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc xuất sang châu Âu và Cận Đông. Ngoài ra, dưới đáy biển được cho là chứa đựng những nguồn tài nguyên dầu và khí dồi dào.

Năm 1988 giữa hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam đã bùng nổ một trận hải chiến tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh cấp. 3 tàu của Việt Nam bị bắn chìm. Bắc Kinh cũng cảnh cáo các công ty dầu mỏ để họ không ký với Việt Nam các hợp đồng thăm dò dầu khí ở khu vực này.

Sự gia tăng vị thế của Trung Quốc ở Đông Á làm các nước láng giềng của họ lo ngại. Mấy ngày trước, Nhật Bản đã lần đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ qua tuyên bố sẽ tăng cường hạm đội tàu ngầm. Trước đó, Việt Nam, Singaporer và Malaysia cũng đã mua tàu ngầm.

Tâm trạng lo lắng của các nước láng giềng của Trung Quốc là yếu tố cho phép Washington củng cố các mối quan hệ với các đồng minh truyền thống và tìm kiếm những đồng minh mới. Tokyo đã đồng ý duy trì căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Okinawa, còn Hàn Quốc đã quyết định giữ quân đội nước này dưới quyền chỉ huy của một viên tướng Mỹ.

Trao đổi với tờ NG, nghiên cứu viên chính Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Pavel Kamenov lưu ý rằng, vào năm 2002, tại Phnom Penh, các nước duyên hải Biển Đông đã thỏa thuận là họ sẽ có quyền tiếp cận như nhau đối với các nguồn tài nguyên và giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán. Trung Quốc trong chính sách của mình xuất phát từ các luận điểm của văn kiện này.

Tình hình căng thẳng lên, theo ông Kamenov, là do Mỹ lo ngại sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và lo sợ mất ảnh hưởng áp đảo của mình trong khu vực. “Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập quan hệ bình thường với Mỹ. Song không phải bằng cái giá là nhượng bộ trong các vấn đề đụng chạm đến an ninh của Trung Quốc”, ông Kamenov kết luận.

  • Nguồn: Mỹ can thiệp vào cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Washington tìm kiếm đồng minh mới ở Đông Nam Á / Vladimir Skosyrev // NG, 28.7.10.

Print Print E-mail Print