Vietnamdefence.com

 

Việt Nam không thể mập mờ trong chính sách Biển Đông

VietnamDefence - Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, điều cần nhất lúc này là Việt Nam có sự minh bạch chính sách, có tiếng nói riêng để giải quyết vấn đề.

Dấu hiệu đáng mừng

- Tại ARF vừa rồi, 12 quốc gia đã cùng lên tiếng về vấn đề an ninh Biển Đông và mong muốn thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương để giải quyết vấn đề này. Ông lí giải như thế nào về động thái mới này?

Đây là dấu hiệu tốt đẹp, là sự kiện có ý nghĩa không chỉ về mặt chính trị mà còn có giá trị thực tiễn về mặt pháp lý quốc tế. Bởi vì:

Nó thể hiện nguyện vọng, ý chí không những của các quốc gia tham gia diễn đàn ARF mà còn là ý chí nguyện vọng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh trong khu vực Biển Đông.

Điều này càng có ý nghĩa khi thời gian gần đây, có nước đã có các hoạt động vi phạm các thỏa thuận đã đạt được khiến cộng đồng quốc tế thấy tình hình có khả năng bất ổn mới, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực Biển Đông.

Việc ủng hộ cơ chế đa phương cũng hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Trong việc giải quyết các tranh chấp này, các nguyên tắc và thực tiễn quốc tế đã có nhiều phương pháp, cách thức thỏa thuận. Một trong những cách thức thực tiễn quốc tế là áp dụng cơ chế hợp tác đa phương, bởi nó liên quan đến lợi ích không những của các quốc gia có yêu sách chủ quyền lãnh thổ và phạm vi các vùng biển và thềm lục địa mà còn liên quan đến lợi ích của các quốc gia khác trên thế giới có nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng này.

Ảnh VNE

Hợp tác đa phương để giải quyết nghĩa là các nước có thể thông qua các tổ chức quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế, hội nghị hội thảo, cả chính trị - ngoại giao...

Sự lên tiếng của 12 quốc gia là dấu hiệu đáng mừng, bởi nhiều nước cùng lên tiếng là cơ hội tốt cho các nước có liên quan trong khu vực giải quyết vấn đề tranh chấp, đóng góp cho hòa bình và ổn định, đảm bảo lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Linh hoạt các phương thức song phương, đa phương...

- Mặc dù đã hợp tác đa phương với ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông, với tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông DOC năm 2002, thế nhưng, trong phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói, không phải vì Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một vài nước ASEAN mà Biển Đông trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Và ASEAN không phải cơ chế thích hợp để giải quyết. Quan điểm của ông thế nào?

Thực ra, các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, phải phân loại thành mấy dạng tranh chấp: tranh chấp chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; tranh chấp ở vùng chồng lấn các vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia  liền kề hoặc đối diện nhau qua Biển Đông. Có những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước: tranh chấp chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa chỉ là giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khi đó, tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa là tranh chấp 5 nước 6 bên. Với những vấn đề gắn với nhiều bên, phải giải quyết bằng cơ chế đa phương, không thể chỉ theo phương thức 1+1 như Trung Quốc nói.

Về các vùng nước và thềm lục địa của các nước gần nhau và đối diện nhau, cũng có vùng tranh chấp giữa hai nước, như vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản đã giải quyết xong. Thế nhưng, cũng có những vùng liên quan đến ba nước như vùng Vịnh Thái Lan, và có vùng liên quan đến nhiều nước.

Lại có những tranh chấp không trực tiếp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, ranh giới trên biển mà liên quan đến quyền tự do hàng hải, đi lại trên biển, trong vùng biển cả, gắn với rất nhiều quốc gia.

Ảnh Lê Anh Dũng
Tùy vào từng tranh chấp, ở từng vùng, với tính chất và phạm vi cụ thể... để xem xét mức độ tranh chấp và cách thức giải quyết song phương và đa phương.

Việc tuyên bố ASEAN không phải là cơ chế thích hợp giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, theo tôi là không phù hợp với thực tế, thiếu tính khách quan.

Tại sao tôi có thể nói như vậy? Như mọi người đều biết, Biển Đông là một khu vực biển có liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích của hầu hết các nước ASEAN. Trung Quốc đã đưa ra đường ranh giới trên biển bao trọn 80% diện tích Biển Đông rõ ràng đã đụng chạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước ven Biển Đông, đụng chạm đến quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển cả. Vì vậy, các quốc gia có liên quan phải có quyền và có cả nghĩa vụ tham gia giải quyết vì lợi ích chính đáng của mình.

Nước lớn luôn đóng vai trò

- Những động thái của các nước lớn liên quan đến vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Biển Đông và tới quá trình tìm giải pháp cho vấn đề này, thưa ông?

Rõ ràng, sự quan tâm của các quốc gia, dù lớn, bé, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến Biển Đông, các nước cần hoan nghênh và đón mừng, nếu sự quan tâm ấy là muốn đóng góp, tác động có ích, giúp các bên có tranh chấp giải quyết vấn đề nhanh chóng, dứt điểm, tạo sự ổn định, hòa bình, an ninh bền vững của khu vực, theo cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Các nước nhất là nước lớn, quan tâm đến, muốn thể hiện vai trò nước lớn trong  việc giải quyết vấn đề, vì an ninh chung của khu vực, thế giới là đáng hoan nghênh. Các bên tranh chấp đều cần hết sức tranh thủ.

Thực ra, với các vấn đề liên quan đến vận mệnh hòa bình quốc tế, nước lớn luôn có vai trò. Nếu họ tham gia để có tiếng nói ủng hộ, tìm ra chân lý, sự thật vấn đề, giải pháp thỏa đáng, các bên đều chấp nhận được là điều hay.

Tuy nhiên, một khi nước nào đó quan tâm và can dự với động cơ đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của cộng đồng quốc tế:  vì hòa bình và ổn định, cộng đồng sẽ nhận biết và tìm mọi cách để ngăn chặn.

Dù là nước nào chăng nữa, chúng ta cũng không để họ có hành động vì động cơ không vì hòa bình, ổn định, phát triển chung.

- Mới đây, lần đầu tiên, Indonesia, nước không có tranh chấp chủ quyền, đã gửi công hàm lên LHQ chính thức phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và các nước trực tiếp có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông?

Indonesia là quốc gia nằm ngoài khu vực tranh chấp chủ quyền nóng bỏng, có tính nhạy cảm trên Biển Đông. Họ gửi công hàm phản đối, cho thấy, đường ranh giới trên biển mà Trung Quốc tuyên bố đã lạm vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia. Vì vậy họ lên tiếng phản đối là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Hơn nữa, là nước quan trọng trong ASEAN, Indonesia không thể không có tiếng nói bảo vệ công lý, chống lại các yêu sách và hoạt động trái với luật pháp, thực tiễn quốc tế, đặc biệt là trái với các thỏa thuận, cam kết  đã đạt được trong khu vực giữa các nước có liên quan trong thời gian qua.

Minh bạch để tạo đồng thuận

- Theo ông, đâu là lựa chọn chính sách cho Việt Nam vào thời điểm này? Đâu là vấn đề nguyên tắc mà Việt Nam phải theo đuổi?

Tình hình hiện nay khá phức tạp, nhạy cảm, không chỉ về tranh chấp chủ quyền, ranh giới biển, mà cả vấn đề chiến lược trong cán cân quốc tế, hoạt động chính trị, pháp lý, quân sự trong khu vực, quốc tế.

Sự phức tạp của tình hình đòi hỏi chính trị gia cân nhắc cẩn trọng, có sự xử đúng, bảo vệ lợi ích chủ quyền của mình, đóng góp cùng các nước duy trì sự ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh qua cơ chế có được.

Với Việt Nam, trước hết, ta cần có tiếng nói giải quyết vấn đề, có sự minh bạch, rõ ràng về chính sách, không mập mờ.

Việt Nam cần hết sức tranh thủ, tận dụng và phát huy tất cả các kênh giải quyết tranh chấp hiện có, cả song phương và đa phương.

Bất kì phương thức nào, dù song phương hay đa phương nếu có lợi, Việt Nam cần hết sức tận dụng, gia công xây dựng, nghiên cứu áp dụng.

Việt Nam cần áp dụng linh hoạt các phương cách, vì thực tiễn quốc tế cho phép áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề, miễn là giải quyết nhanh chóng, ổn định. Đó là cách tiếp cận đúng đắn của mình.

Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc đã có tuyên bố về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông, cần đẩy nhanh việc cụ thể hóa bằng văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc. Chỉ dừng ở nguyên tắc, chúng ta sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề.

Hơn nữa, giải quyết vấn đề Biển Đông không thể theo ý chí chủ quan, không có nghiên cứu kĩ lưỡng. Phải tìm hiểu, lắng nghe ý kiến khác nhau của nhiều bên, tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế để có cơ sở khách quan, khoa học giúp cho việc đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhất.

Nếu chỉ chủ quan với những thông tin hiện có, thì tất yếu tạo ra tình trạng bất ổn, không thể giải quyết tranh chấp cơ bản và nhanh chóng được.

Thêm nữa, phải làm sao đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cho nhân dân, cán bộ, hiểu sâu về vấn đề Biển Đông, tạo tiếng nói ủng hộ, đồng thuận trong khi tìm và thỏa thuận các giải pháp, dù là tạm thời hoặc cơ bản.

Giải quyết vấn đề lớn, đụng chạm lợi ích to lớn, chủ quyền thiêng liêng, không thể không có đồng thuận. Muốn đồng thuận phảp có thông tin, phải có tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức đúng đắn, khách quan.

Vả lại, bất kì nước nào đụng đến an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, cần tạo sức mạnh cho mình: sức mạnh trong kiểm tra, kiểm soát, tuần tra, ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra đụng đến lợi ích của mình. Không đầu tư thích đáng tạo sức mạnh trong điều kiện cho phép, Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Bởi vì trong thực tiễn để bảo vệ cho lợi ích chính đáng của mình, các quốc gia không thể không quan tâm đến tiềm lực của mình.

  • Nguồn: Phương Loan // VNN, 30.7.10.

Print Print E-mail Print