|
B-1B Lancer
|
Bắt đầu từ năm tài chính 2017, Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu chương trình Tác chiến tiến công chống tàu mặt nước (Offensive Anti-Surface Warfare Increment II (OASuW II) nhằm triển khai một tên lửa chống hạm tiên tiến hơn để thay thế RGM-84 Harpoon của Boeing đã lạc hậu mà Hải quân hiện nay vẫn phải dựa vào.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington hôm thứ Tư, 5/8/2015, Phó đô đốc Joseph Aucoin, Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ phụ trách về các hệ thống tác chiến (N9) nói rằng, tên lửa chống hạm tầm xa LRASM (Long Range Anti-Ship Missile) sẽ cạnh tranh với tên lửa mới Tomahawk Block IV trong chương trình OASuW II.
“Điều tôi muốn xảy ra là lấy những khả năng mà chúng ta cần đó và bắt đầu đưa chúng vào tên lửa Block IV [Tomahawk], và [so sánh] với cái mà chúng tôi đã đạt được với LRASM Increment 1, và để hai loại tên lửa này cạnh tranh nhau trở thành vũ khí tiến công thế hệ mới”, ông Aucoin nói.
LRASM là chương trình liên kết ba bên gồm Hải quân, Không quân và Cục Các dự án nghên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm chế tạo một tên lửa chống hạm lấp chỗ trống cho đến khi OASuW II được đưa vào trang bị trong thập niên 2020. LRASM do Lockheed Martin sản xuất, có tầm bắn 500 hải lý, mang đầu đạn xuyên/phá-mảnh nặng 1.000 bảng (450 kg).
Tên lửa này chủ yếu được thiết kế để cung cấp cho Hải quân và Không quân Mỹ khả năng tấn công đánh chặn tầm xa chính xác có khả năng sống sót trong môi trường tác chiến điện tử ác liệt. Để đạt được điều đó, tên lửa sử dụng các sensor trên khoang và một hệ dẫn bán tự hoạt để giảm sự phụ thuộc vào các phương tiện tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), các đường mạng và GPS. Nó cũng sử dụng “các cách tiếp cận sống còn giai đoạn cuối mới và sát thương chính xác” để né tránh các biện pháp đối phó của đối phương trong khi vẫn đạt được mục tiêu đã định của nó.
|
B-1B Lancer phóng LRASM
|
Hiện nay, LRASM mới chỉ có biến thể phóng từ máy bay, còn OASuW II dự kiến sẽ phóng từ bệ phóng thẳng đứng Mk 41 VLS vốn được lắp trên nhiều tàu khu trục tên lửa và tàu tuần dương tên lửa của Hải quân Mỹ. Lockheed Martin hiện đang thực hiện các thử nghiệm nội bộ phóng LRASM từ MK 41 VLS.
Còn Tomahawk vốn là biểu tượng của Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ và được sử dụng để phóng từ tàu tấn công các mục tiêu mặt đất. Tomahawk do Raytheon sản xuất, có tầm khoảng 1.000 hải lý và có thể sống sót trong môi trường đối kháng ác liệt. Raytheon cho hay, “biến thể mới nhất (Tomahawk Block IV) có cả kênh truyền dữ liệu vệ tinh hai chiều, cho phép tên lửa thay đổi mục tiêu tấn công trong khi bay sang các mục tiêu thay thế, được lập trình trước. Block IV được thiết kế như một giải pháp tiết kiệm, đồng thời là nỗ lực cải tiến tính năng”. Raytheon cũng tiết lộ, “các nâng cấp dự định đối với Tomahawk Block IV gồm: kênh liên lạc nâng cấp, đầu đạn uy lực mạnh hơn và đầu tìm mới dùng để tấn công mục tiêu động trên biển hay mặt đất trong đêm tối và mọi thời tiết”.
Khả năng điều chỉnh đường bay là một trong những tính năng mới của tên lửaTomahawk Block IV và có thể là giải pháp giải quyết mối lo của Hải quân Mỹ về tên lửa chống hạm. Trong lần thử nghiệm trong tháng 1/2015, một quả Tomahawk Block IV đã xuyên thủng một lỗ trên một tàu chở contenơ. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work sau đó đã gọi vụ thử là “sự kiện thay đổi cuộc chơi”.
Bryan Clark, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA) và cựu chỉ huy hải quân, nhất trí rằng, để LRASM cạnh tranh với Tomahawk Block IV là một ý hay.
“Để LRASM và TASM [tên lửa chống hạm Tomahawk] cạnh tranh với nhau giành vai trò OASuW có thể là ý tưởng thực sự tốt”, ông Clark nói và cho biết thêm, TASM không có khả năng sống còn cao như LRASM, nhưng nó là lựa chọn rẻ tiền hơn.
Ông Clark cũng nêu ra rằng, “Một lựa chọn khác có tính pha trộn là tên lửa tiến công hải quân NSM của Kongsberg/Nauy vốn cũng có tầm bắn và giá như LRASM nhưng hiện đã đang được sản xuất”. Cả hai loại tên lửa đều có giá khoảng 2 triệu USD/quả.
Cuối cùng, ông Clark khuyến nghị Hải quân Mỹ triển khai các tên lửa cùng loại cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất và chống hạm để các hạm trưởng không phải mất công quy định ống phóng tên lửa nào dùng cho nhiệm vụ gì, mà sử dụng các tên lửa cần thiết cho mỗi nhiệm vụ.
Toàn bộ chương trình OASuW II đang được thúc đẩy bởi khoảng trống tên lửa chống hạm gia tăng giữa Mỹ và các nước như Trung Quốc khi mà các kẻ thù của Mỹ lại có các tên lửa chống hạm có tầm xa hơn Hải quân Mỹ. Điều đó khiến các tàu mặt nước của Mỹ cực kỳ dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của tàu địch ở ngoài tầm với của tàu Mỹ.