SP: Theo ông, giá trị của Su-35 đối với Trung Quốc cụ thể là gì?
- Trong nhiều tài liệu phân tích các chương trình quân sự tiên tiến của Trung Quốc, các nhà quan sát nhất trí rằng, tiêm kích thế hệ 5 hạng nặng J-20 của Trung Quốc phần nhiều dùng để tác chiến chống các cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Còn phần nhiệm vụ giành ưu thế trên không ở cự ly tương đối xa giới quân sự Trung Quốc dự định dành cho Su-35.
Máy bay này, một mặt có dự trữ lớn về tầm bay, có nghĩa là các tuyến mà ở đó nó có thể đối phó với máy bay địch được đẩy ra khá xa so với đại lục Trung Quốc. Mặt khác, Su-35 có khả năng tiến hành không chiến với các tiêm kích hiện đại nhất của kẻ thù tiềm tàng. Hơn nữa là không chỉ không chiến tầm xa bằng cách sử dụng radar mạnh và tên lửa có tầm bắn đủ xa mà cả không chiến tầm gần, thậm chí khi dùng đến pháo hàng không.
Xét tổng thể mọi yếu tố, Su-35 đối với không quân Trung Quốc là một loại giải pháp hẹp mà ở chừng mực có thể đánh giá thì không trù tính sử dụng Su-35 với tư cách một máy bay chống hạm hay đa năng có khả năng tác chiến đối đất. Nhưng về mặt giành ưu thế trên không, nhất là ở các tuyến tiếp cận xa, các máy bay này có thể là giải pháp hiệu quả nhất đối với Bắc Kinh.
Nghiên cứu viên chính Viện Phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, chuyên gia về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc Vasily Kashin cho rằng, hiện nay, tính năng của vũ khí Nga xuất khẩu không bị cắt giảm nhiều, thậm chí có trường hợp được giữ nguyên.
- Việc cắt giảm mạnh tính năng các vũ khí trang bị xuất khẩu là đặc trưng thời Liên Xô và theo tôi đã khiến Liên Xô và các đối tác phải trả giá đắt… Trong những năm 1990 và 2000, các nhà sản xuất vũ khí Nga nhìn chung xuất khẩu vũ khí trang bị hiện đại hơn những loại có trong trang bị của quân đội Nga. Hiện nay, khi xác định thống nhất diện mạo và cấu hình vũ khí xuất khẩu, tính năng của chúng không bị giảm nhiều. Nếu có sự cắt giảm tính năng thì không lớn và thường là ít người biết điều đó.
Trong trường hợp với Su-35, tức góc độ của Rostec, máy bay để sử dụng trong nước (theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga) và biến thể xuất khẩu thực ra là gần như giống nhau vì thành phần hệ thống avionics là giống nhau. Nếu như có những thay đổi nào đó thì tức góc độ của Rostec và báo cáo của họ, đó là những chi tiết ít quan trọng.
SP: Theo ông, các chuyên gia Trung Quốc có thể “du nhập” (sao chép) cái gì đó nhằm hoàn thiện các tiêm kích của họ hay không?
- Khác biệt lớn nhất của Su-35 so với các biến thể chế tạo trên cơ sở Su-27 đó là động cơ AL-41F1S và radar N035 Irbis, những thứ cực kỳ khó sao chép chỉ bằng cách nghiên cứu mẫu. Điều dễ hiểu là các kỹ sư và công trình sư Trung Quốc sẽ chăm chú nghiên cứu các máy bay mua được và có thể rút ra điều gì đó cho mình. Nhưng quá trình này sẽ không nhanh, còn chúng ta trong lúc đó sẽ có cơ hội đầu tư số tiền nhận được vào các dự án phát triển của riêng mình.
Ngoài ra, nếu nói về radar của Su-35 thì với tất cả những tính năng cao của nó, rất khó nói nó sẽ ăn nhập thế nào với khái niệm phát triển radar hàng không của Trung Quốc. Người Trung Quốc gần đây lắp đặt radar mạng pha chủ động lên tất cả các máy bay của mình, còn radar trên Su-35 rất mạnh, nhưng lại là loại mạng pha thụ động. Bởi vậy, radar mạng pha thụ động chưa chắc là cái họ cần.