Vietnamdefence.com

 

Lai lịch tàu sân bay Sơn Đông

VietnamDefence - Bắc Kinh đã có được tàu sân bay như thế nào?

(mod.gov.cn)

Sáng 26/4/2017, tại thành phố Đại LIên, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng. Trung Quốc đã mất 30 năm để chế tạo được con tàu này trên cơ sở thiết kế tàu sân bay Varyag của Liên Xô, nay là Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Tàu sân bay Australia gốc Anh

Tàu sân bay HMAS Melbourne có lịch sử dài. Được khởi đóng vào tháng 4/1943 theo đơn đặt hàng của Hải quân Hoàng gia Anh và hạ thủy vào tháng 2/1945 với tên gọi Majestic, tàu sân bay mới là tàu đầu tiên được đóng theo thiết kế cải tiến của tàu sân bay hạng nhẹ năm 1942. Anh đưa ra thiết kế này do nhu cầu tăng mạnh số lượng tàu sân bay vì những tổn thất nặng nề trong những năm đầu chiến tranh. Các tàu này do các xưởng đóng tàu dân sự đóng, có sử dụng các công nghệ đóng tàu thương mại, nhưng phải có những tính năng cho phép hoạt động chung với hạm đội, khác với các tàu sân bay hộ tống được sử dụng trước hết để bảo vệ các đoàn tàu vận tải.

Từ ngày 1/6/1942-27/11/1943, tại các xưởng đóng tàu Anh đã khởi đóng 16 tàu, trong đó có 10 tàu theo thiết kế cơ sở (các tàu sân bay lớp Colossus) và 6 tàu theo thiết kế cải tiến (lớp Majestic). Chỉ có tàu đầu tiên - HMS Colossus đưa vào trang bị vào tháng 12/1944 là kịp tham chiến ở Thái Bình Dương. Đa số các tàu thiết kế mới được bàn giao sau chiến tranh và khá chậm trễ. Trong số đó có cả tàu HMS Majestic bàn giao cho khách hàng 10 năm sau khi hạ thủy, vào năm 1955, tuy nhiên khách hàng này không phải là Hải quân Anh mà là một lực lượng khi đó đã độc lập tuy vẫn rất gần gũi.

Được đổi tên thành Melbourne và có số hiệu R21, tàu này phục vụ Hải quân Hoàng gia Australia gần 30 năm. Trong thời gian này, nó đã thực hiện nhiều chuyến hành quân xa, cả huấn luyện lẫn để trực chiến, tham gia diễn tập, rồi được chuyển loại từ tàu sân bay đa nhiệm hạng nhẹ sáng tàu sân bay chống ngầm, làm đắm trong các vụ tai nạn do dẫn đường 2 tàu khu trục - Voyager của Australia vào tháng 2/1964 và Evans của Mỹ vào tháng 6/1969, và cuối cùng, hè năm 1982 đã bị chuyển sang lực lượng dự bị. Ba năm sau, tàu đã bị bán sang Trung Quốc làm sắt vụn với giá 1,4 triệu AUD.

Ty nhiên, Trung Quốc không vội cắt tàu sân bay có được làm sắt vụn. Nó đã là một thành tố quan trọng của chương trình tàu sân bay Trung Quốc, tuy nhiên chuyên gia quân sự Trung Quốc, chuẩn đô đốc Trương Triệu Trung, con trai của nhà sáng lập hải quân Trung Quốc Trương Ái Bình, khẳng định rằng, hải quân Trung Quốc không biết chuyện mua tàu Melbourne cho đến khi tàu này đến Quảng Châu.

(Wikipedia)

Việc nghiên cứu và tháo dỡ (thực tế là mổ xẻ từng lớp) con tàu này diễn ra rất lâu. Trước khi bàn giao sang Trung Quốc, vũ khí và trang bị điện tử đã bị gỡ khỏi tàu, nhưng máy phóng máy bay hơi nước, cáp hãm đà và hệ thống quang học dẫn vào hạ cánh vẫn còn nguyên. Tàu HMAS Melbourne bị cắt bỏ hoàn toàn vào năm 2002, khi tàu sân bay Varyag mua từ Ukraine đã đến Trung Quốc.

Thiết kế tàu sân bay Liên Xô

Thiết kế tàu sân bay Liên Xô lớp Projekt 1143 có lịch sử phức tạp. Những cuộc tranh cãi nhiều năm trong ban lãnh đạo Liên Xô về sự cần thiết của tàu sân bay đối với Hải quân Liên Xô và diện mạo ưa thích của chính đã dẫn đến sự xuất hiện của những con tàu lai kỳ quặc - đó là các tàu tuần dương chở máy bay dùng để khai thác máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng và trực thăng, được trang bị vũ khí tiến công mạnh. 4 tàu lớp này là Kiev, Minsk, Novorossyisk và Baku đã trở thành các tàu chiến Liên Xô đầu tiên có khả năng sử dụng máy bay chiến đấu từ boong tàu. Tuy nhiên, kinh nghiệm khai thác các tàu này đã buộc ban lãnh đạo và công nghiệp Liên Xô nhận thức được sự cần thiết phải quay lại với trường phái tàu sân bay “cổ điển” để đóng tàu sân bay cho phép khai thác máy bay cất/hạ cánh thông thường.

Tàu sân bay như thế đầu tiên là tàu thứ 5 trong họ 1143 mà nay có tên Đô đốc Liên Xô Kuznetsov trong biên chế Hải quân Nga. Có kích thước gần gần với siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ, được trang bị boong vát, cầu bật và cáp hãm đà, tàu Kuznetsov (khởi đóng năm 1982 với tên gọi Riga, đổi tên cùng năm trên đà thành Leonid Brezhnev và thử nghiệm sau khi hạ thủy vào năm 1985 với tên gọi Tbilisi) có khả năng khai thác các máy bay truyền thống, kể cả các máy bay cỡ lớn như Su-33, biến thể tiêm kích hạm của tiêm kích hạng nặng Su-27.

Andrei Luzik / Hạm đội Phương Bắc / Tass

Ngày 25/11/1988, từ đà số 0 của Nhà máy đóng tàu Biển Đen đã hạ thủy tàu thứ 6 lớp Projekt 1143 là tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Riga. Hai năm sau, ngay trước khi Liên Xô sụp đổ, tàu được đổi tên thành Varyag. Lúc đó, tàu Tbilisi cũng bị đổi tên thành Kuznetsov, vị Tư lệnh lừng danh của Hải quân Liên Xô, còn tàu Baku thì mang tên người kế nhiệm nhiều năm của ông là Sergei Gorshkov.

Tàu Kuznetsov đang thử nghiệm đã kịp điều đến Hạm đội Phương Bắc trước khi Liên Xô sụp đổ. Còn tàu Varyag thì theo một số chuyên gia chỉ thiếu mất chỉ vài tuần để đưa ra biển và đưa tàu đi nơi khác để đóng tiếp cho Hải quân Nga. Kết quả là tàu nằm lại ở khu vực đóng hoàn thiện của Nhà máy đóng tàu Biển Đen (ChSZ) và lọt vào tay Ukraine lúc này đã độc lập.

Sự sụp đổ của Liên Xô thực tế đã kết liễu chương trình tàu sân bay nước nhà. Năm 1992, đã hủy bỏ việc đóng tàu sân bay nguyên tử Ulyanovsk mà theo dự kiến sẽ là tàu sân bay Liên Xô đầu tiên được trang bị máy phóng máy bay. Công việc đóng tàu sân bay Varyag bị đình chỉ. Năm 1993, các tàu Kiev, Misnk, Novorossyisk bị đưa vào niêm cất, năm 1994, sau vụ hỏa hoạn, tàu Đô đốc Gorshkov phải vào nhà máy.

Nắm tàu Varyag trong tay, Ukraine liền tìm người mua. Nhanh chóng người ta biết rằng, Nga sẽ không mua tàu mặc dù những người ủng hộ việc đóng hoàn thiện tàu này đã tổ chức để Thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin thăm con tàu. Theo một số chuyên gia, quyết định của Tổng tống Nga Boris Yeltsin đóng hoàn thiện tàu tuần dương tên lửa nguyên tử Yurdi Andropov (nay là tàu Piotr Đại đế) tại Nhà máy Baltyisk ở St. Petersburg đã đặt dấu chấm hết trong số phận của Varyag. Ngân sách Nga không có tiền cho chiến hạm lớn thứ hai, mà lại đang do một doanh nghiệp Ukraine đang đóng.

Các tàu Kiev, Minsk và Novorossyisk đã bị bán đi rất nhanh chóng. Kiev may hơn các tàu còn lại: tàu tuần dương chở máy bay đầu tiên của Liên Xô vẫn giữ lại tên mình trên mạn, đã trở thành một phần của bảo tàng hải quân ở Thiên Tân. Dự án kinh doanh cải tạo tàu Minsk thành trung tâm giải trí nổi đã không mang lại nhiều thành công, còn tàu Novorossyisk bị cắt làm sắt vụn ở Hàn Quốc.

Các tàu Kiev và Minsk cũng đã được các chuyên gia hải quân Trung Quốc xăm xoi nghiên cứu, nhưng đáng quan tâm nhất đối với họ là tàu Varyag. Tàu được bán đi vào năm 1998 và kéo về Trung Quốc năm 2000-2002. Khách hàng là công ty Chong Lot Travel Agency Ltd, công ty này công khai chuẩn bị cải tạo tàu sân bay Varyag thành trung tâm giải trí nổi. Nhưng không lâu sau, người ta biết rằng, con tàu này khó có thể trở thành cơ sở giải trí.

(Li Gang / Xinhua / Zumapress / Globallookpress.com)

Tàu sân bay lớp Type 001 Liêu Ninh được đặt số hiệu 16 và đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào tháng 9/2012. Mùa xuân năm 2015, tại đốc tàu đã bắt đầu đóng tàu sân bay lớp Type 001А. Ngày 26/4/2017, sau gần 2 năm trong đốc, tàu này đã được hạ thủy. Tàu này chưa được đặt tên chính thức, nhưng theo một số nguồn tin nó có tên là Sơn Đông.

Tiếp theo là gì?

Tàu sân bay mới của Trung Quốc thực tế là sự sao chép chính xác tàu Liêu Ninh và sẽ gia nhập hải quân Trung Quốc vào năm 2020-2021. Biên chế không đoàn trên tàu sân bay sơ bộ đã biết: nòng cốt sẽ là các tiêm kích hạm J-15 (sao chép Su-33 của Liên Xô), còn trong tương lai là biến thể tiêm kích hạm 2 chỗ ngồi J-16, kể cả máy bay tác chiến điện tử J-16D. Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay chỉ huy/báo động sớm trên hạm, có tin nói hiện có một máy bay thử nghiệm JZY-01.

Ngay khi hạ thủy tàu mới, các nhà quan sát để tâm đã chủ ý đến các kết cấu kim loại gần đốc tàu. Một số chuyên gia cho rằng, điều đó có thể cho thấy việc sắp bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba. Tàu này sẽ như thế nào hiện chúng ta chưa biết được, nhưng cũng có thể phỏng đoán điều gì đó ngay từ bây giờ.

Phân tích những thông tin đã biết về chương trình hải quân Trung Quốc, có thể kết luận rằng, hiện nay các tàu sân bay được lãnh đạo hải quân Trung Quốc xem như phương tiện bảo đảm khả năng sống còn của các binh đoàn hải quân. Sức mạnh tiến công của hạm đội trong khi đó được bảo đảm bởi các tên lửa hành trình của các chiến hạm, trong đó có các tuần dương hạm tên lửa lớp Type 055. Do trong tương lai gần, Trung Quốc đặt ra nhiệm vụ bảo đảm các chiến dịch hải quân chủ yếu ở vùng ven bờ và cá vùng biển lân cận, hệ thống này trù định sự phối hợp của không quân hạm, tàu nổi, tàu ngầm và không quân trên bờ và các hệ thống tên lửa có thể có khả năng sống còn rất tốt trước tác động từ bên ngoài.

Tiềm lực của các lực lượng này như thế nào khi so với Hải quân Mỹ, địch thủ tiềm tàng chủ yếu của hạm đội Trung Quốc? So sánh trực tiếp về số lượng là không thể. Đối với Mỹ, không quân hạm hiện là sức mạnh tiến công chủ lực của hạm đội, còn đối với Trung Quốc, không quân hạm cả hiện nay và trong tương lai sẽ là một phần của một hệ thống phân tán và giữ vai trò trước hết là bảo đảm. So sánh trực tiếp về số lượng tàu sân bay và máy bay trên hạm của hải quân hai nước là vô ích, nhưng có thể nói rằng, 2-3 tàu sân bay mà Trung Quốc sẽ có thể sử dụng vào giữa những năm 2020, một khi nổ ra xung đột sẽ bảo đảm cho sự hiện diện trên không của 50-70 tiêm kích hoạt động cùng với không quân trên bờ. Bắc Kinh đang ráo riết xây dựng hạ tầng cho không quân trên các đảo tranh chấp chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, có nghĩa là có sự tăng mạnh tiềm lực chiến đấu của hải quân nói chung: trước đây, hạm đội và các máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa của Trung Quốc về nguyên tắc không thể trông đợi vào sự bảo vệ của tiêm kích ở cự ly quá vài trăm ki-lô-mét tính từ bờ biển Hoa lục.

Điều đó một phần giống với tình huống ở Liên Xô vào cuối thập niên 1980, ngay trước khi đưa vào sử dụng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các tàu tiếp theo mà đáng tiếc là đã khôngđược đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô. Sức khác biệt tốt cho Trung Quốc là ở chỗ Liên Xô đã buộc phải phân chia tiềm lực hải quân của mình trên đại dương giữa hai chiến trước biệt lập, ở mỗi chiến trường Mỹ và đồng minh đều nắm giữ ưu thế lớn. Trung Quốc không gặp phải vấn đề cô lập giữa các hạm đội, còn khoảng cách mà hải quân Trung Quốc phải điều động lực lượng cũng ngắn hơn nhiều.

Cuộc xung đột tiềm tàng Trung-Mỹ sẽ kết thúc ra sao trong điều kiện đó thì thật khó nói. Có lẽ, trong 10-15 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua hải quân mới giống với cuộc chạy đua thiết giáp hạm những năm 1900-1910. Hồi đó, cuộc ganh đua này đã kết thúc bằng Thế chiến I.

Nguồn: Ilya Kramkik // Lenta, 28.4.2017.

Print Print E-mail Print