Vietnamdefence.com

 

Lo mất thị trường, Nga chuyển giao công nghệ Kilo cho Ấn Độ

VietnamDefence - Nga và Ấn Độ đang đàm phán chuyển giao giấy phép đóng tàu ngầm lớp Projekt 636.

Tờ Kommersant ngày 15/6/2016 đưa tin, Nga sẵn sàng cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm thông thường lớp Projekt 636 Varshavyanka, nhưng đến nay vẫn chưa quyết định được xưởng đóng tàu nào trong số hai xưởng đóng tàu Ấn Độ Pipavav hay Larsen&Toubro sẽ triển khai lắp ráp tàu ngầm theo giấy phép. Đối với Ấn Độ, vấn đề hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm đang trở nên cực kỳ bức thiết vì trong 15 năm qua, Hải quân Ấn Độ không hề nhận được chiếc tàu ngầm điện-diesel mới nào. Trong khi đó, đối thủ địa-chiến lược chính của Ấn Độ là Pakistan đã đặt mua của Trung Quốc 8 tàu ngầm thông thường tối tân.

Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước Rostec (Nga), ông Sergei Chemezov lần đầu tiên tiết lộ với tạp chí Kommersant-Vlast số ra ngày 6/6/2016 việc Ấn Độ muốn mua công nghệ đóng tàu ngầm Projekt 636. “Hiện nay, chúng tôi thỏa thuận rằng, ở giai đoạn đầu, họ sẽ tiến hành sửa chữa các tàu ngầm đã mua, các chuyên gia của trung tâm đóng tàu Zvezdochka sẽ giúp họ. Sau đó, tại liên doanh của OSK (Tổng công ty Đóng tàu thống nhất, Nga), Rosoboronoexport (nhà xuất khẩu vũ khí Nga) và một xưởng đóng tàu Ấn Độ sẽ bắt đầu đóng tàu ngầm: ban đầu là lắp ráp lớn, sau đó là nội địa hóa”, ông Chemezov nói. OSK và Rosoboronoexport từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cho đến gần đây, người ta còn thảo luận khả năng cung cấp cho Ấn Độ 2 tàu ngầm Projekt 636. Một nguồn tin cho biết, vấn đề này đã được nêu ra vào tháng 11/2015 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đến hãng đóng tàu Admiralteiskys verfi ở St. Peterburg. Nhưng cuối cùng, giới quân sự Ấn Độ đã quyết định không mua tàu ngầm thành phẩm mà triển khai sản xuất chúng theo giấy phép tại Ấn Độ.

Sau một thời gian, phía Ấn Độ đã gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan đến xuất khẩu vũ khí của Nga yêu cầu xem xét khả năng chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản xuất tại Ấn Độ. Một quan chức lãnh đạo cơ sở đóng tàu cho biết, việc đàm phán được tiến hành cấp chính phủ với chính phủ, tức là giữa hai chính phủ Nga và Ấn Độ, điều đó nhấn mạnh “quy chế đặc biệt của quan hệ giữa Moskva và Delhi”.

Khó khăn chính là lựa chọn đối tác Ấn Độ vì chưa biết đích xác xưởng đóng tàu cụ thể nào của Ấn Độ có khả năng thực hiện dự án trong thời hạn ngắn tối đa do Ấn Độ đang cần nâng cấp khẩn cấp hạm đội tàu ngầm. Hiện nay, trong biên chế Hải quân Ấn Độ chỉ có 9 tàu ngầm điện-diesel Projekt 877EKM Paltus do Nga đóng và 4 tàu ngầm lớp Shishumar (lớp Type 209 do Đức đóng). Hạn sử dụng quy định của tàu ngầm 877EKM là 25 năm: 6 tàu ngầm đầu tiên loại này của Ấn Độ đã hết hạn sử dụng, còn các tàu còn lại cũng sẽ hết hạn sử dụng trong 10 năm tới. Các tàu ngầm Paltus được sửa chữa tại nhà máy Zvezdochka ở Severodvinsk (tại đây từ năm 1997 đã sửa chữa 5 tàu nầm loại này của Ấn Độ) và tại Admiralteiskiye verfi (đã sửa chữa 2 tàu ngầm. Tàu ngầm Sindukesari mà vào năm 2015 đã tròn 27 tuổi đang có mặt tại Zvezdochka. Tàu ngầm này do Liên hiệp Admiralteiskiye ở Leningrad (nay là công ty Admiralteiskiye verfi) đóng vào năm 1988 và được công ty này trung tu, hiện đại hóa vào năm 1999-2001.

Trong số 10 chiếc Paltus do Nga đóng, 9 chiếc vẫn hoạt động trong biên chế (ngoại trừ tàu Sindhurakshak bị nổ vào tháng 8/2013 tại cảng Mumbai). Sau lần sửa chữa thứ hai, hạn sử dụng của chúng có thể được tăng thêm 10 năm, điều mà các chuyên gia đánh giá là chỉ số tin cậy của thiết kế. Nhưng trong 15 năm qua, không một tàu ngầm điện-diesel mới nào được nhận vào biên chế Hải quân Ấn Độ. Còn Pakistan, địch thủ địa-chính trị chủ yếu của nước này vào cuối năm 2015 đã đặt mua của Trung Quốc 8 tàu ngầm thông thường tối tân lớp Type 041 (4 chiếc đóng tại xưởng đóng tàu Karachi, 4 chiếc đóng tại Trung Quốc). Phía Nga đề nghị với Ấn Độ phương án hỗn hợp, theo đó ít nhất 1 tàu ngầm Projekt 636 sẽ được đóng tại Nga: thời gian đóng một tàu ngầm như vậy, kể cả thử nghiệm là đến 3 năm. Một nguồn tin nói rằng, để xây dựng khả năng như vậy ở Ấn Độ sẽ đòi hỏi “khá nhiều thời gian” và “Họ muốn nhận được các tàu ngầm mới càng nhanh càng tốt”.

Theo Kommersant, các ứng viên địa điểm triển khai liên doanh Nga-Ấn là xưởng đóng tàu tư nhân Pipavav của tập đoàn Reliance Defence và Larsen&Toubro. Các nguồn tin có liên hệ với cuộc đàm phán cho rằng, ông chủ của Pipavav là nhà công nghiệp Anil Ambani có khả năng lobby rất mạnh trong chính phủ Ấn Độ và có thể tiếp cận trực tiếp Thủ tướng Narendra Modi. Các nhà đàm phán Nga ưng khả năng kỹ thuật của Larsen&Toubro, nhưng quân đội và các quan chức chính phủ Ấn Độ phải đưa ra đề xuất cuối cùng. “Chúng tôi dĩ nhiên sẽ có lợi hơn khi bán tàu ngầm mà không phải chuyển giao công nghệ - lúc đó chúng tôi nhận được tiền “tươi”. Nhưng cơ chế đã thay đổi: tất cả đều muốn tiếp cận khả năng tự sản xuất sản phẩm chứ không mua từng lần nữa. Nên chúng tôi phải chấp nhận sự tiếp cận này, nếu không chúng tôi sẽ mất thị trường”, một quan chức cấp cao liên quan đến hợp tác kỹ thuật quân sự nói.

Nguồn: Kommersant, 15.6, bmpd, 16.6.2016.

Print Print E-mail Print