Vietnamdefence.com

 

"Không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình"

VietnamDefence - Nói về những thành công trong đường lối đối ngoại quốc phòng năm vừa qua, VietNamNet đã có dịp trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xung quanh vấn đề này.

Độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào ai cả

Chưa bao giờ Đối ngoại Quốc phòng lại được đẩy mạnh như năm 2010, cả song phương và đa phương, tạo ấn tượng Việt Nam mở ra và đẩy mạnh hoạt động trên một  mặt trận mới: Đối ngoại Quốc phòng. Với tư cách người phụ trách công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng đánh giá thế nào?

Công tác đối ngoại quốc phòng nằm trong đường lối đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, nhìn chung không có gì đột biến so với các năm trước. Tuy nhiên, năm 2010 có ấn tượng dường như mở ra một giai đoạn mới so với trước, bởi hai nguyên nhân cơ bản.

Một là, chúng ta đã làm tốt công tác đối ngoại, nhờ vị thế đi lên của đất nước, với hình ảnh của Việt Nam phát triển, hòa hiếu, thân thiện; giữ được an ninh và quan trọng nhất là tại những thời điểm khó khăn, chúng ta đã giữ được độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào ai cả.

Thực tế Việt Nam chưa bao giờ để mất độc lập, tự chủ nhưng lúc này lúc khác, bạn bè hiểu khác. Năm 2010, với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm cho bạn bè thế giới hiểu chúng ta thực sự có độc lập tự chủ. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất, mang tính nội tại giúp thúc đẩy đối ngoại nói chung, và đối ngoại quốc phòng nói riêng, đưa bạn bè đến với ta.

Tính chất độc lập tự chủ của đất nước quan trọng vô cùng. Nó không chỉ để đảm bảo Việt Nam không bị lệ thuộc, mà còn là điều kiện cho Việt Nam phát triển.

Hai là, cục diện khu vực, thế giới có những bước chuyển dịch, nổi bật là sự gia tăng can dự của các nước lớn ở khu vực có chiều hướng cứng rắn hơn, tự tin hơn, vì lợi ích bản vị của họ, thậm chí có những xung đột về lợi ích. Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp, mà sự thỏa hiệp nếu có giữa các nước lớn thường là trên lưng các nước nhỏ hơn. Nhận thức rõ điều đó để ta giữ cho được độc lập, tự chủ, không để các nước khác thỏa hiệp trên lưng mình. Vì thế, thời gian qua, ta tăng cường quan hệ đối ngoại nói chung và Đối ngoại Quốc phòng nói riêng. Điều này đảm bảo cho sự hiện diện của các nước lớn không ảnh hưởng đến độc lập tự chủ, không ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trò chuyện với VietNamNet vài tháng trước, Thứ trưởng nêu vấn đề: Đối ngoại quốc phòng vừa để hợp tác vừa để đấu tranh, nhằm mục đích bảo vệ Tổ quốc. Trong hai kế sách bảo vệ Tổ quốc - đánh thắng và không đánh mà thắng, Đối ngoại Quốc phòng nhắm vào cái không đánh mà thắng. Nhìn lại năm 2010, Thứ trưởng đánh giá Việt Nam có thắng? Cụ thể như thế nào?

Không đánh mà thắng không chỉ nói về một thời điểm cụ thể mà là cả một bề dày lịch sử, là kế sách kéo dài cả chục năm, trăm năm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó phải được tích cực chuẩn bị, gom góp, thúc đẩy, tăng cường trong từng năm từng năm kiên trì, để đạt mục tiêu: không để xảy ra chiến tranh, giành và giữ được độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Thoát ra khỏi sức ép bên ngoài

Xét từ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho năm 2010 trong bối cảnh các nước lớn can dự, việc thể hiện sự độc lập tự chủ, thêm bạn bớt thù của Việt Nam đạt được đến đâu? Ông có hài lòng với những gì làm được trong 2010?

Thành thật mà nói, chúng ta đã có những thành công, tuy chưa thể hài lòng. Đối ngoại Quốc phòng với mục tiêu phục vụ sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc, giữ được những gì thuộc lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Năm 2010, trên cơ sở khẳng định độc lập tự chủ, chúng ta đã đạt được mối quan hệ với các nước vì lợi ích và ý định của chính chúng ta. Việc quan hệ với ai, mức độ nào đều cần phải cân đong, đo đếm, nhưng đó là việc của chúng ta, chúng ta làm, không phải chịu sức ép của nước nào khác.

Năm 2010, bối cảnh an ninh khu vực rất phức tạp, ta đã cùng với ASEAN và các đối tác lớn ngồi với nhau, nói về cách ứng xử trong quan hệ quốc tế, là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế,  công khai, minh bạch....

Nhiều người vẫn lầm tưởng Việt Nam làm việc này chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền, đấu tranh trên Biển Đông. Thực ra không phải như vậy. Với mỗi nước ta có những vấn đề ưu tiên đấu tranh khác nhau: Với Trung Quốc, đó là vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, với Mỹ đó là đấu tranh về dân chủ nhân quyền, chế độ chính trị. Rồi các vấn đề kinh tế, môi trường, KHCN... Việt Nam có nhiều cái để bảo vệ lắm.

Đối ngoại Quốc phòng nhằm tạo diễn đàn công khai, minh bạch để bảo vệ lợi ích quốc gia. Công khai minh bạch chính là vũ khí để bảo vệ mình. Đó là vũ khí đấu tranh, trong thời chiến và cả thời bình. Việc công khai, minh bạch không phải chỉ của riêng năm nay, mà đó là nỗ lực kiên trì của Việt Nam từ khi Đổi mới, nhất là sau Nghị quyết TW 8 khóa 9.

Với vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã không đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị ADMM+, nhưng các bên đều nói được quan điểm của mình. Nhưng cũng có người nói rằng, để hài lòng các bên, chúng ta vẫn còn né tránh các vấn đề then chốt. Mà một khi còn né tránh, thì khó tránh được cảnh các bên bị đẩy về hai phía đối đầu trong cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa các cường quốc ở khu vực. Quan điểm của Thứ trưởng?

Là nước chủ nhà, lần đầu tiên tổ chức ADMM+, ta đặt các mức độ thành công của Hội nghị - mức tối thiểu là Hội nghị được tổ chức tốt đẹp với sự tham gia của 10+8, tạo cấu trúc an ninh mới, và Việt Nam hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà. Mức cao hơn là đưa ra được những nguyên tắc ứng xử Quốc phòng trong quan hệ quốc tế. Và trên hết là ta phải đưa ra được và tạo được sự ủng hộ trên những vấn đề liên quan đến lợi ích của đất nước mình. Ta đạt được cả 3 mức này, không né tránh vấn đề nào, và cũng đã tạo được sự đồng thuận của tất cả các nước tham gia.

Đơn cử như vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ta không thể né tránh vấn đề này, và cũng không thể chờ người khác nói hộ chúng ta về chủ quyền của đất nước, nhưng nếu đặt vấn đề vừa độ thì được, quá một tí sẽ hỏng. Cuối cùng, ta đặt vấn đề vừa độ, nhưng đầy đủ, về quyền lợi của đất nước mình, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền chính đáng của tất cả các nước khác. Chúng ta tỉnh táo đứng trên quyền lợi của đất nước mình để tính toán, không phải cứ tiện được đà mà say sưa, đẩy vấn đề lên quá, chỉ bất lợi. Mục tiêu của ta là tạo lợi thế khi đấu tranh ngoại giao, không mất cân bằng chiến lược ở khu vực. Ngả theo một phía, theo tâm lý đám đông mà quên độc lập tự chủ, Việt Nam sẽ làm phương hại lợi ích của mình.

Không vì tư cách Chủ tịch ASEAN mới làm tốt công tác đối ngoại

Vậy trong đối ngoại, mức độ, hành vi và cách ứng xử của giới quân sự - quốc phòng khác gì so với các bên khác cùng tham gia hoạt động đối ngoại?

Ta thực hiện đối ngoại ở tất cả các ngành, dưới sự chỉ đạo chung, đồng bộ, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đối ngoại mỗi ngành có cách tiếp cận khác nhau, cách đặt vấn đề vì thế có thể khác nhau. Nhưng nguyên tắc không khác.

Ngoại giao, kinh tế... làm đối ngoại không ít bảo vệ Tổ quốc hơn Quốc phòng, Quốc phòng làm đối ngoại cũng không có nghĩa là ít ngoại giao hơn cơ quan đối ngoại. Các lĩnh vực đối ngoại có cách tiếp cận khác nhau, nhưng trên một mặt trận đồng bộ, dưới sự lãnh đạo chung. Thành công nổi bật của nhiệm kì này của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ là trên mặt trận đối ngoại, trong đó quan trọng nhất là tạo sự đồng bộ, nhất quán trong tất cả các ngành.

Có khi nào ông thấy giữa cách tiếp cận của Quốc phòng với cơ quan đối ngoại khác có khác biệt, gây khó trong phối hợp hành động?

Trong khuôn khổ hiểu biết của tôi và trong năm ASEAN, không thấy có gì khác biệt. Không có gì đáng phàn nàn về sự phối hợp đó cả. Mà phải nói là rất hài lòng, và rất cám ơn các ngành, các địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ Quốc phòng hoàn thành nhiệm vụ mới mẻ này.

Những thành quả của 2010 sẽ được Đối ngoại Quốc phòng triển khai tiếp như thế nào, khi ngọn cờ cầm trịch đã chuyển sang nước khác?

Không phải vì 2010 Việt Nam là chủ tịch ASEAN mà ta mới đẩy mạnh quan hệ đối ngoại Quốc phòng, cả song phương và đa phương. Năm ASEAN giúp ta nâng hình ảnh, dễ nổi bật hơn vì ta ở trung tâm chú ý của thế giới, và tạo thuận lợi cho ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa năm sau, khi Indonesia là nước chủ tịch, Việt Nam lại không đấu tranh cho quyền lợi của mình và của cả khu vực. Chúng ta sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại hiện nay, phát huy những gì đạt được 2010, trong đó có Đối ngoại Quốc phòng, Mục tiêu là xây dựng môi trường hòa bình, và bảo vệ Tổ quốc, có thể các năm sau hình ảnh Đối ngoại Quốc phòng không như bây giờ, nhưng nội dung, mục tiêu vẫn là như vậy.

Khi người giữ cửa thành mở cửa

Xưa tới nay, Quốc phòng tiếp cận thường bị xem là cứng hơn Ngoại giao. Thế nhưng, năm 2010, thế giới và chính người dân Việt Nam lại thấy cách tiếp cận của Quốc phòng thậm chí mềm và mở hơn...

Người giữ cửa thành mà mở thì đương nhiên cảm thấy rộng rãi. Quốc phòng một khi được Đảng, Nhà nước cho mở thì sẽ mở, mở mạnh, vì tin rằng mở cửa thành mà không bị quân bên ngoài nhảy vào. Còn ông quan văn chuyên lo bút nghiên ở trong, đương nhiên không dám mở như thế. Như vấn đề chính sách Quốc phòng, Ngoại giao có muốn mở cũng khó, vì họ có nắm vấn đề đó đâu.

Đối ngoại Quốc phòng là khâu rất quan trọng, quyết định trong xây dựng lòng tin. Khi người nắm lòng tin mở, tự tin và đủ tin rằng khi mở thì người khác không xâm phạm lợi ích của mình, nhiệm vụ sống còn của chính Quốc phòng là bảo vệ Tổ quốc thì sẽ mở mạnh.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Đối ngoại Quốc phòng nhằm tạo diễn đàn công khai,
minh bạch để bảo vệ lợi ích quốc gia"
(Ảnh: Lê Anh Dũng)

Có điều không phải tự nhiên mà Quốc phòng mở. Việc mở ấy là do sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong xu thế đi lên của đất nước và tình hình quốc tế, khu vực có những biến chuyển như đã nói ở trên. Việc mở vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện cho phép chúng ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và mở có mức độ.

Ví dụ, cuối năm 2009, ta ra Sách trắng Quốc phòng, được coi là cởi mở. Vào thời điểm ấy, ta chuẩn bị mua tàu ngầm, Su-30, không nói thì thế giới cũng biết, đóng cửa cũng không giấu được ai. Ta chủ động mở để giải thích với thế giới, với khu vực rằng chúng ta không đe dọa ai, mua sắm vũ khí là để bảo vệ Tổ quốc mình. Vấn đề cảng Cam Ranh cũng vậy. Cam Ranh vốn là điểm dòm ngó của nhiều nước lớn trên thế giới. Khi ta xác định Cam Ranh là của Việt Nam, do Việt Nam quản lý và sử dụng, sao không công khai?

Chính sự thiếu công khai một cách không cần thiết lại tạo sự nghi kị của các nước. Đương nhiên, việc mở cũng có mức độ. Khi Quốc phòng làm đối ngoại, bao giờ cũng theo nguyên tắc: cái gì đã là bí mật thì lo giữ cho kỹ, cái gì có thể công khai, giữ bí mật không có lợi cho cái chung, tạo nghi kỵ, thì ta công khai.

Lòng tin không chỉ trông chờ thiện chí

Như ông nói, quan trọng là có lòng tin của chính mình, trên cơ sở đã vạch ra đường lối bảo vệ Tổ quốc lâu dài rõ ràng. Tư duy đường lối bảo vệ Tổ quốc cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tự tin không có nghĩa là sự chủ quan, thiếu cơ sở. Bảo vệ Tổ quốc như thế nào căn cứ vào xu thế thời đại, nhưng quan trọng nhất là phải căn cứ vào khả năng nội tại của đất nước: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh..., mà quan trọng nhất là con người. Dân mình, mình tin, khi nói đến bảo vệ Tổ quốc, thì tin rằng, gần 90 triệu người không ai quay đi. Có  như vậy ta mới dám nói mình đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc. Không tin tuyệt đối vào nhân dân mình, bộ đội mình, thì bao nhiêu tên lửa, tàu ngầm cũng vô dụng.

Trong xu thế chung của thế giới, ta mở rộng quan hệ đối ngoại, được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới với đường lối của ta. Điều này đảm bảo cho chúng ta một nền hòa bình lâu dài. Kẻ nào gây chiến tranh với Việt Nam, kẻ đó sẽ bị cô lập cao độ trên thế giới, mà cô lập trong một thế giới toàn cầu hóa, thế giới hội nhập của thế kỷ 21 thì khủng khiếp hơn nhiều so với giữa thế kỷ 20. Và chúng ta cũng không ngồi chờ bối cảnh khu vực thuận lợi, mà đã chủ động, tích cực góp phần để tạo dựng môi trường, xu thế tiến bộ trên thế giới.

Sự tự tin ấy thể hiện ở đâu? Không phải là phát ngôn của cá nhân tôi. Mà ở đường lối của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 8 khóa 9. Tôi tin đây sẽ là Nghị quyết đi vào lịch sử bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình, như Nghị quyết 15 trong chiến tranh chống Mỹ.

Đối ngoại Quốc phòng trong tình hình mới có đặc trưng gì?

Chủ động, tích cực, có tính mục đích cao: xây dựng môi trường hòa bình, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Trở lại với vấn đề lòng tin, rõ ràng, lòng tin vẫn là trở ngại trong hợp tác khu vực, khi mà các nước tăng cường trang bị vũ khí, chi tiêu quốc phòng. Nhiều người còn đặt vấn đề về cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Quan điểm của ông?

Nói đến lòng tin có 2 khía cạnh, một là, làm cho người ta tin mình. Việt Nam, sẵn sàng xây dựng lòng tin, công khai minh bạch, vì chúng ta không xâm phạm ai, không lôi kéo ai đánh ai và cũng không đi đêm với nước nào. Ta công khai để chứng minh một sự thật hiển nhiên là trong hòa bình, ta cũng có chính nghĩa như hồi đánh Mỹ vậy. Hai là, lòng tin không chỉ xuất phát từ thiện chí, mà quan trọng hơn là lòng tin phải xuất phát từ lợi ích của các nước, những cơ chế ràng buộc, các mối quan hệ quốc tế song phương, đa phương để họ không thể làm điều gì sai trái, gây xung đột với Việt Nam và khu vực. Đó là lòng tin phải lao động, phải cố gắng rất nhiều, không thể chỉ trông chờ vào thiện chí.

Cơ chế ADMM+ mà Việt Nam đã nỗ lực và hoạt động cật lực cùng các nước tạo dựng là một minh chứng?

Đúng là năm qua, Bộ Quốc phòng, từ Bộ trưởng đến các cán bộ, chiến sĩ cấp dưới lao động cật lực là để tạo dựng cho được nửa lòng tin thứ hai: cơ chế để tin cậy lẫn nhau trên cơ sở lợi ích.

Vai trò của ADMM+ là gì? Cấu trúc an ninh khu vực để xây dựng lòng tin trên cơ sở lợi ích chiến lược trong khu vực giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn. Mức độ mong muốn tham gia của các nước là khác nhau. Có nước muốn tham gia và tích cực thúc đẩy cơ chế ấy như Việt Nam, lại có nước không hào hứng lắm nhưng không thể đứng ngoài khi các nước đã cùng bắt tay, vì lợi ích chung của khu vực, thế giới. Đã cùng ngồi vào cơ chế chung ấy, không phải ai có thể muốn làm gì thì làm.

Có một điều tôi băn khoăn là, trong khi làm đối ngoại mà không có lòng tin thì không làm được. Nhưng làm sao để người ta tin mình?

Tôi tin ở các nước, người ta cũng giỏi như mình, hơn mình, và người ta sẽ nhìn ra sự thật. Cái mình đem đến cho người ta là sự thật, là lợi ích chính đáng của mình và của người ta. Người nói dối thế nào cũng lòi ra. Mình nói sự thật, trên cơ sở lợi ích chính đáng của mình và tính đến lợi ích của họ, thì họ sẽ tin.

Đương nhiên, chuyện tin hay không, không ai bắt ép được. Hôm nay chưa tin thì mai người ta sẽ tin.

  • Nguồn: Phương Loan // tuanvietnam.vietnamnet.vn, 8.1.2011.

Print Print E-mail Print