Vietnamdefence.com

 

Hải quân Nga chuyển hướng chiến lược: Trung, Nhật là đối tượng tác chiến chủ yếu

VietnamDefence - Chính phủ Nga sẽ xây dựng hạm đội mới mà nhiệm vụ của nó sẽ là bảo vệ các dòng năng lượng và đẩy lùi mối đe dọa từ phía Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo đánh giá gần đúng, việc này sẽ mất tới 5.000 tỷ Ruble, nhiều hơn bất kỳ quân chủng nào khác của quân đội Nga. Theo các kế hoạch đến năm 2020, Hải quân Nga sẽ được bổ sung 36 tàu ngầm nguyên tử và diesel, 40 tàu mặt nước các kiểu mới áp dụng công nghệ tàng hình.

Những nhiệm vụ mới của Hạm đội Nga

Các chuyên gia nêu ra 4 phương hướng chủ yếu sử dụng Hạm đội Nga trong tương lai:

  1. Bảo vệ các tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt dưới đáy biển, cũng như các mỏ khoáng sản trên các thềm lục địa.
  2. Duy trì an ninh các tuyến đường biển thương mại (chống hải tặc).
  3. Tạp sự cân bằng quân sự ở ở những vùng của Nga mà mục tiêu đó không thể đạt được nhờ các quân chủng khác quân đội Nga. Trước hết điều đó liên quan đến hướng Trung Quốc, nơi tập trung lực lượng quân đội Trung Quốc có ưu thế vượt trội 2 lần so với toàn bộ quân đội Nga. Hơn nữa, lục quân Trung Quốc được trang bị vũ khí khá hiện đại, trong khi hạm đội của họ có tiềm lực chiến đấu hạn chế.
  4. Nhiệm vụ biểu dương chính trị. Việc thể hiện sự hiện diện (trương cờ) của Nga ở những điểm trên trái đất, nơi mà việc đánh dấu ảnh hưởng của mình là quan trọng đối với Nga. Trước hết đó là các nước Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Cận Đông.

Mỹ không còn là đối thủ

Theo khái niệm hải quân mới, Mỹ sẽ không còn vai trò là kẻ thù tiềm tàng nhất của Hải quân Nga. Bởi vậy, Nga sẽ ngừng đóng các tàu chuyên dụng hẹp, cụ thể là các tàu chống ngầm cỡ lớn và tàu ngầm sát thủ tàu sân bay. Lực lượng chủ lực của hạm đội sẽ là 5 lớp tàu.

Các tàu ngầm nguyên tử chiến lược nằm trong bộ ba vũ khí hạt nhân. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, đến năm 2020, Nga sẽ mua sắm 8 tàu ngầm lớp Borei trang bị tên lửa đường đạn Bulava. Tàu đầu tiên của serie này là tàu Yurri Dolgoruky đã được hạ thủy.

Tiếp đó là 22 tàu ngầm nguyên tử và diesel đa năng trang bị tên lửa hành trình và ngư lôi. Nhiệm vụ của chúng là bảo vệ và hộ tống các tàu ngầm nguyên tử chiến lược, thực hiện các đòn tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu quân sự và hạ tầng của đối phương. Tàu ngầm nguyên tử đa năng đầu tiên Severodvinsk đã sẵn sàng.

Thuộc lớp tàu thứ ba là frigate. Tổng cộng sẽ đóng 12 chiếc, việc đóng chiếc đầu tiên Đô đốc Gorshkov đang hoàn tất tại nhà máy ở St. Petersburg. Các tàu này là các chiến hạm biển xa với bán kính hoạt động 5.000-10.000 km.

Đến năm 2020, Hạm đội Nga sẽ còn nhận được 20 tàu corvette, tàu biển gần được thiết kế để sử dụng trong bán kính 2.000-5.000 km. Tàu đầu tiên của serie là Steregushchy đã được đưa vào biên chế, 4 tàu khác đã được khởi đóng tại các xưởng đóng tàu.

Thuộc lớp tàu cuối là các tàu đổ bộ. Tổng cộng sẽ đóng đến 10 chiếc, trong đó có 4 tàu đổ bộ vạn năng mà chắc chắn đó là các tàu lớp Mistral, trong đó 2 tàu sẽ mua của Pháp và 2 tàu đóng theo giấy phép tại Nga. Các tàu đổ bộ còn lại đều là thiết kế Nga, tàu đầu tiên là tàu Ivan Gren đang ở giai đoạn đóng đầu tiên tại Kaliningrad.

Chuyển hướng sang Thái Bình Dương

Vai trò của mỗi hạm đội trong số 4 hạm đội cũng phải xem xét lại triệt để. Hạm đội hùng mạnh nhất của Nga sẽ là Hạm đội Thái Bình Dương mà hiện nay về tiềm lực chiến đấu là đứng thứ hai sau Hạm đội Phương Bắc. Chính Hạm đội Thái Bình Dương sẽ nhận được nhiều nhất tàu mặt nước cỡ lớn và một nửa số tàu ngầm nguyên tử.

Tương ứng với điều đó thì các nhiệm vụ của Hạm đội Thái Bình Dương cũng sẽ thay đổi. Hạm đội này sẽ là lực lượng chủ yếu kiềm chế các tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Kẻ địch tiềm tàng thứ hai của Hạm đội sẽ là Nhật Bản, quốc gia vẫn chưa chịu chấp nhận việc mất đi quần đảo Kuriles. Tàu đầu tiên trong số các tàu sân bay trực thăng Mistral nhận được từ Pháp sẽ được sử dụng chính là ở khu vực quần đảo Kuriles.

Tại Hạm đội Phương Bắc, hiện tập trung tất cả các vũ khí nặng chủ yếu - tàu tuần dương tên lửa nguyên tử Piotr Đại Đế, tàu sân bay duy nhất của Nga Đô đốc Kuznetsov và gần 80% tàu ngầm nguyên tử chiến lược.

Sau cải cách, Hạm đội này sẽ chỉ còn vai trò là một trong 2 căn cứ tàu ngầm chiến lược, chúng được phối thuộc đến 2-3 tàu frigate và 5-6 corvette. Tàu Piotr Đại Đế sẽ được dùng chủ yếu cho các chuyến thăm viếng hình thức. Số phận của tàu sân bay hiện chưa xác định, nhưng rõ ràng là ở khu vực phía Bắc nó chả có việc gì để làm, còn tất cả các hạm đội khác thì không có cơ sở hạ tầng trên bờ thích hợp cho nó.

Hạm đội Biển Đen trong thời gian tới sẽ được đổi mới triệt để nhất. Gia nhập biên chế của Hạm đội này sẽ có 18 tàu mới, tất cả đều có bán kính hoạt động không lớn. Đó là 12 tàu corvette và tàu đổ bộ, 6 tàu ngầm diesel các lớp Varshavyanka và Lada, sức mạnh đột kích chủ yếu của Hạm đội sẽ là tuần dương hạm tên lửa Moskva.

Hạm đội Biển Đen sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ chính: bảo vệ tuyến đường ống “Dòng chảy phía Nam” và ngăn chặn cuộc xâm lược có thể xảy ra từ phía Gruzia. Một tàu sân bay trực thăng Mistral được đưa vào biên chế Hạm đội này sẽ chịu trách nhiệm chống cướp biển Somalia.

Hạm đội Baltic thực tế sẽ trở thành một hải đội ven biển. Tất cả các tàu lớn đang được chuyển từ biên chế Hạm đội này đến Sevastopol, còn trong số tàu mới, Hạm đội sẽ nhận được 2-3 corvette. Trên biển Baltic, Nga chẳng đánh nhau với ai nên toàn bộ nhiệm vụ của Hạm đội Baltic sẽ chỉ còn là bảo vệ tuyến đường ống “Dòng chảy phía Bắc”.

  • Nguồn: Cải cách hạm đội. Mối đe dọa chủ yếu là ở khu vực Viễn Đông // TW, 10.12.2010.

Print Print E-mail Print