Vietnamdefence.com

 

Israel chống Iran: Những hậu quả của cuộc chiến

VietnamDefence - Cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu tên lửa-hạt nhân Iran và đội ngũ nhân viên làm việc tại đó sẽ có quy mô lớn hơn nhiều so với điều ta có thể tưởng tượng. Và cơ hội để điều đó xảy ra trong vài tháng tới đang ngày càng tăng.

 
Tại Washington, những tiếng nói ủng hộ tấn công quân sự vào các mục tiêu hạt nhân của Iran vang lên ngày càng to và càng nhiều. Thái độ thận trọng đối với viễn cảnh đó từ phía chính quyền Barack Obama có nghĩa là các hành động quân sự trực tiếp của Mỹ nói cho cùng là khó xảy ra (xem bài báo “An Attack on Iran: Back on the Table” – (Cuộc tấn công vào Iran: Lại trong nghị trình) của Joe Klein, Time, 15.7.2010). Nhưng những sự kiện và xu hướng gần đây ở Cận Đông nói rằng, cơ hội cho hành động của Israel chống Iran trong vài tháng tới đây sẽ chỉ có tăng (xem “Israel vs Iran: the risk of war” (Israel chống lại Iran: Rủi ro của cuộc chiến), 11.6.2010).

Có thể liệt vào đây những thông tin hay xuất hiện nói rằng, Iran đang tái vũ trang Hezbollah ở miền Nam Li-băng, và Syria đang cung cấp cho nhóm này tên lửa đường đạn М-600 do Iran sản xuất. М-600 là tên lửa nhiên liệu rắn, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu hầu như trên toàn lãnh thổ Israel. Đây là vũ khí mạnh hơn nhiều những gì đã được sử dụng trong cuộc chiến Israel - Li-băng tháng 7-8.2006 (xem bài báo “The Hizbollah project: last war, next war” (Dự án Hezbollah: cuộc chiến tranh đã qua, cuộc chiến tranh tương lai) của Amal Saad-Ghorayeb, 13.8.2009).

Nhưng sự lo ngại của Israel về khả năng tái tục xung đột với Hezbollah nay lui vào dĩ vãng căn cứ vào sự phân tích những ưu điểm, nhược điểm và hậu quả của việc giáng đòn quyết định vào Iran. Benjamin Netanyahu, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News vào cuối chuyến thăm Mỹ, đã gọi là Iran “mối đe dọa khủng bố cao độ” và nói rằng, sẽ là sai lầm đối với Tehran nếu nghĩ là họ có thể theo đổi tham vọng hạt nhân của mình.

Ở đây, Thủ tướng Israel gián tiếp bày tỏ 2 quan điểm đang ngự trị trong toàn bộ phổ chính trị của Israel. Một là chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn mang tính quân sự và điều đó là mối đe dọa đối với sự tồn tại của Israel. Trong sự phân tích này, hầu như không có chỗ cho kho hạt nhân hùng mạnh của chính Israel mà họ đã bắt đầu xây dựng vào cuối thập niên 1950.

Quan điểm thứ hai là không thể nào trông cậy vào Mỹ, bất chấp dàn đồng ca to tiếng của Washington, bởi vì họ sẽ không dùng đến vũ lực để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Ở một giai đoạn nất định, Israel sẽ buộc phải hành động đơn độc (xem bài báo “Hawks Sharpen Claws for Iran Strike” (Diều hâu mài móng vuốt để chẩn bị tấn công Iran) của Jim Lobe, Asia Times/IPS, 12.7.2010).

Ở thời điểm hiện tại những ai đang âu lo cho an ninh và ổn định ở Cận Đông đều có 3 câu hỏi: liệu Israel có đủ tiềm lực quân sự cho một cuộc tấn công hiệu quả vào Iran; hành động quân sự sẽ diễn ra ở cách thức nào; và phản ứng của Iran sẽ ra sao.

Tiềm lực của Israel

Báo cáo mới của Oxford Research Group có tiêu đề “Các hành động quân sự chống Iran: tác động và những hậu quả” (15.7.2010) đã nỗ lực làm rõ những câu hỏi đó và đưa ra những khuyến nghị. Xuất phát điểm của bản phân tích là việc Israel trong mấy năm gần đây đã có được những khả năng thực hiện các đòn không kích đường xa. Những khả năng đó là hoàn toàn đủ để tấn công lãnh thổ. Israel cũng cần mẫn và kiên trì tiến hành cải thiện quan hệ với hai quốc gia giáp giới Iran là Azerbaijan ở phía Bắc Iran và Kurdistan của Iraq ở phía Tây. Cả hai có thể hữu ích một khi tiến hành hành động quân sự chống Tehran.

Israel hiện nay sở hữu một kho vũ khí lớn những vũ khí tối tân và tiên tiến nhất: đó là hơn 120 máy bay tiêm-cường kích F-15I và F-16I mua của Mỹ, một số lượng lớn máy bay tiếp dầu cải tiến, một lực lượng lớn máy bay không người lái, mà một bộ phận trong đó có mang vũ khí trên khoang, đó là những quả bom dùng để tiêu diệt các mục tiêu ngầm dưới đất có thể thả từ máy bay, đó là các tên lửa đường đạn tầm trung, cũng như (có thể là) các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm.

Kho vũ khí đó cho thấy rằng, Israel ngày nay có thể thực hiện hành động quân sự chống Iran ở quy mô mà ngay trong năm 2006 cũng là không thể (xem bài báo “Israel’s shadow over Iran” (Bóng đen Israel phủ trên Iran), 14.1.2010). Hơn nữa, Israel có thể thực hiện các hành động này, thậm chí không cần băng qua không phận Iraq. Như vậy, Israel sẽ không trực tiếp vi phạm không phận do Mỹ kiểm soát, vì thế mà Washington sẽ không dính líu trực tiếp tới chiến dịch đó.

 
Mỹ gần như lập tức biết Israel thực hiện cuộc tấn công. Cả khu vực sẽ biết việc vũ khí do Mỹ sản xuất được sử dụng quy mô lớn chống Iran. Nhưng đồng thời, Mỹ cần phải có khả năng bác bỏ sự dính líu và sự tham gia của mình vào những hành động đó, kể cả trước công luận Mỹ và nhân dân các nước phương Tây khác. Điều đó càng cần thiết bởi lẽ các hành động của Israel sẽ bao gồm không chỉ “cuộc chiến tranh chống bất động sản” trù tính các cuộc tập kích vào những mục tiêu hạt nhân cụ thể như trung tâm làm giàu uranium ở Natanz, xí nghiệp tái chế uranium gần Isfahan và lò phản ứng nghiên cứu mới ở Arak.

Về phương diện mối đe dọa đối với an ninh của Israel, làm cho Israel lo lắng không chỉ có các mục tiêu hạt nhân của Iran mà cả việc Tehran phát triển các tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn. Vì thế mà, các cơ sở phát triển và chế tạo tên lửa sẽ trở thành những mục tiêu then chốt để tấn công. Những người đang thiết kế, phát triển và sản xuất vũ khí tên lửa, hạt nhân, cũng như cơ sở đào tạo các chuyên gia đó cũng quan trọng không kém bản thân các mục tiêu hạ tầng. Bởi vậy, các khu dân cư xung quanh các xí nghiệp tên lửa, hạt nhân, các trung tâm nghiên cứu, nhà máy chủ chốt, thậm chí các bộ môn đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư trong các trường đại học cũng có thể lọt vào vòng lửa đạn.

Bởi vậy, trên thực tế, các hành động quân sự sẽ không có định hướng hẹp mà là quy mô lớn. Ở đó sẽ không tránh được các cuộc không kích vào Tehran và vùng ngoại ô của nó; và nhìn chung, nó sẽ giống một cuộc chiến tranh chống cả một quốc gia hơn là những cuộc oanh kích hạn chế ở những khu vực xa xôi.

Những tính toán của Iran

Nhiều quốc gia Vùng Vịnh thân phương Tây ở cấp độ giới tinh hoa sẽ bí mật hoan nghênh các hành động của Israel chống Iran. Nhưng các cộng đồng thiểu số Shiite có dân số khá đông, cũng như đa số người Arab trong toàn khu vực sẽ có quan điểm hoàn toàn khác. Nhiều người Sunnite cùng với người Shiite sẽ cương quyết chống lại cuộc tấn công này vì coi đây là cuộc xâm lược mới của một quốc gia phương Tây hùng mạnh chống lại một quốc gia Hồi giáo và nhân dân của nó.

 
Tuy vậy, yếu tố bước ngoặt quan trọng nhất trong tình hình này sẽ là thái độ đối với cuộc tấn công của Israel từ phía chính nhà nước Iran. Ở trong nước, họ sẽ có nhiều sự tự do để ứng phó. Cuộc tấn công của Israel sẽ tự động dẫn đến sự gia tăng ủng hộ chính trị cho chính phủ Mahmoud Ahmadinejad và đoàn kết nhân dân quanh ông, bởi lẽ người dân luôn đoàn kết lại chống mối đe dọa cụ thể từ bên ngoài. Toàn bộ phe đối lập sẽ bị đẩy khỏi sân khấu chính trị, còn “phong trào xanh” sẽ buộc phải rút vào phòng thủ.

Trong khi đó, chế độ Iran vốn được việc trở thành trung tâm đề kháng dân tộc tiếp cho lòng dũng cảm có thể cũng sẽ không chuyển ngay sang các hành động quân sự công khai (hay bán quân sự) (như được nêu trong báo cáo của Oxford Research Group). Mà họ có thể cố gắng phóng mấy quả tên lửa vào lãnh thổ Israel, nhưng đó sẽ chỉ là một cử chỉ có tính biểu tượng, và những hậu quả của các cuộc tấn công đó sẽ chủ yếu chỉ có tính tâm lý. Điều có khả năng hơn nhiều là Tehran lập tức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT, hủy bỏ chế độ kiểm tra của IAEA trên lãnh thổ Iran (sau thủ tục bắt buộc là thông báo trước 90 ngày), cũng như cố gắng nhanh chóng xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân.

Ở giai đoạn đầu, hoàn toàn có thể là Tehran sẽ tránh các phản ứng gay gắt để tăng cường ảnh hưởng của mình, thu hoạch ưu thế về đạo lý của một nạn nhân bị tấn công, cũng như toàn lực tăng cường tiềm lực tên lửa, hạt nhân của mình. Mà điều đó có nghĩa là họ sẽ không tấn công các mục tiêu Mỹ ở Afghanistan và Iraq, và thậm chí sẽ có biện pháp ngăn chặn đụng độ giữa Hezbollah với Israel cho đến thời điểm thích hợp.

Nhưng Iran sẽ nghĩ cả đến tương lai dài hạn. Có lẽ Iran đã tính đến khả năng xảy ra xung đột ở giai đoạn nào đó, cân đong các khía cạnh khác nhau của nó và chuẩn bị các kế hoạch khắc phục hậu quả - kể cả xây dựng các công trình ngầm quân sự có thể đưa nhanh vào hoạt động (xem bài báo “Iran Shielding Its Nuclear Efforts in Maze of Tunnels” (Iran giấu các mục tiêu hạt nhân của mình trong mê cung đường hầm) của William J. Broad, New York Times, 6.1.2010).

Và chính ở đây bắt đầu hiện ra hiệu ứng thực sự của hành động quân sự chống Iran, đó chính là: nếu nó được bắt đầu thì hậu quả sẽ đa dạng, phức tạp và không thể kiểm soát.

Trách nhiệm toàn cầu

Thậm chí một cuộc tấn công mạnh mẽ của Israel cũng sẽ không phải là quyết định. Sau vài tháng, Israel sẽ buộc phải nối lại các cuộc oanh kích để hoàn tất công việc còn dang dở. Và ở giai đoạn này, Iran sẽ sẵn sàng cho những hành động đáp trả cương quyết và quy mô hơn. Chúng có thể bao gồm việc kích động một cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới. Khả năng của Iran cắt đứt đường vận chuyển dầu mỏ từ vịnh Persique nói lên rằng họ sẽ làm việc đó dễ dàng. Những hậu quả kinh tế của những bước đi đó sẽ thật to lớn (xem bài báo “Asymmetric war: Iran and the new normal” (Cuộc chiến tranh phi đối xứng: Iran và chuẩn mực mới), 8.7.2010).

 
Trong báo cáo của Oxford Research Group “Các hành động quân sự chống Iran: tác động và những hậu quả” đưa ra kết luận rằng, cuộc chiến tranh nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran “sẽ dẫn đến một cuộc xung đột dai dẳng và sự bất ổn khu vực” và rằng, nó “khó mà ngăn chặn Iran trở thành cường quốc hạt nhân mà thậm chí còn có thể thúc đẩy họ tiến đến việc đó”. Như vậy, “cần loại trừ hành động quân sự chống Iran như câu trả lời cho những khát vọng hạt nhân của họ”.

Cuộc khủng hoảng mà cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran gây ra có thể ít tàn phá hơn cuộc chiến tranh của thập kỷ gần đây ở Iraq và Afghanistan. Việc Mỹ và bản thân Israel dùng đến việc đe dọa không dứt khoát sử dụng sức mạnh quân sự để tăng cường áp lực ngoại giao đói với Tehran trên thực tế gây khó khăn cho việc sử dụng các phương pháp khác. Nếu chúng ta muốn khu vực này thế giới nói chung tránh được thảm họa, chúng ta cần phải dũng cảm tìm ra lối thoát khỏi tình hình phức tạp hiện nay và không chậm trễ sử dụng lối tư duy sáng tạo.

  • Nguồn: Israel vs Iran: fallout of a war / Paul Rogers // Open Democracy, 15.7.2010; inosmi.ru.

Print Print E-mail Print